10 tỉnh thành yêu cầu tạm dừng khai thác đường bay đến TP.HCM

389
Ngành hàng không tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh kiểm tra an ninh và phòng dịch Covid-19. Ảnh: Trang Thông tin chính phủ
Tiêu điểm:

10 tỉnh thành yêu cầu tạm dừng khai thác đường bay đến TP.HCM

Tuyến bay TP.HCM – Phú Quốc và ngược lại là đường bay mới nhất bị tạm dừng khai thác thương mại từ hôm nay 6/7 theo văn bản yêu cầu của UNND tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, TP.HCM – Huế là đường bay được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu dừng khai thác theo đề xuất từ của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trước đó nữa, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý tạm dừng khai thác đường bay từ Thanh Hóa và Quảng Nam đến TP.HCM và ngược lại theo văn bản đề nghị của hai tỉnh này.
Như vậy, hiện có 10 địa phương tạm dừng các chuyến bay thương mại đến TP.HCM gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Gia Lai, Kiên Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Kiên Giang.
Bản tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,8 – 56,4 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.798,1 USD/ounce, giảm 10,8 USD, tương đương 0,6% so với chốt phiên trước.
2/ Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 51.150 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá gần 117 triệu USD, tăng 118% về lượng và tăng 112% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình 1kg thịt heo nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2021 có giá hơn 2,2 USD/kg (chưa tính thuế phí), tương đương hơn 50.000 đồng/kg. Được biết, việc nguồn cung từ nhập khẩu và trong nước tăng mạnh đã đẩy giá heo hơi xuất chuồng xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, thậm chí quay về mốc trước thời điểm mặt hàng này sốt giá (tháng 11/2019). Thêm vào đó, trước đà giảm giá sâu, trong khi thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua lại tăng mạnh đã đẩy người chăn nuôi vào cảnh khó khăn. So với thời điểm tháng 5/2020, thị trường ghi nhận giá thịt heo hơi cao nhất lịch sử, vượt qua mốc 100.000 đồng/kg, thì giá mặt hàng này hiện đã giảm khoảng 35.000-45.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi đang giảm mạnh do nguồn cung dồi dào. Ảnh: Vietnamnet
3/ Thị trường cá tra nguyên liệu tuần qua ổn định trong khoảng 21.500 – 22.000 đ/kg cho cá size 800g-1,1kg. Đối với cá tra nguyên liệu size lớn từ 1,2kg trở lên, các công ty làm hàng gia công đi thị trường Trung Quốc ở mức 21.800 – 22.000 đ/kg. Nhu cầu thu mua hiện vẫn tương đối nhiều, song, nguồn cung cá size lớn gần như đã cạn. Theo đó, mặc dù giá cá tra có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng với giá cá tra nguyên liệu như hiện nay, thì doanh nghiệp và người nuôi vẫn lỗ từ 1.000 – 2.000 đ/kg. Được biết, khu vực ĐBSCL là vùng thâm canh cá tra lớn nhất cả nước, bình quân chiếm khoảng 80% diện tích và sản lượng xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường xuất khẩu gặp khó. Vì vậy, người nuôi hạn chế cho ăn, thời gian nuôi kéo dài, dẫn đến hệ số thức ăn tăng cao, hao hụt đầu con.
4/ Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 6/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 130 ngàn tấn, trị giá 221 triệu USD, tăng 57,1% về lượng và tăng 54,2% về trị giá so với tháng 5/2021; so với tháng 6/2020 giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 36,1% về trị giá. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 770,01 triệu USD, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 15%, tăng so với mức 10,9% của 5 tháng đầu năm 2020. Được biết, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia hiện là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
5/ Chè (trà) Việt Nam xuất khẩu khá tốt trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc đã tăng mua rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 58 nghìn tấn, trị giá 95 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 ước đạt 1.643,6 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 4,55 nghìn tấn, trị giá 6,76 triệu USD, tăng 104,8% về lượng và tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, xuất khẩu chè sang các thị trường Iraq, Malaisia và Ấn Độ cũng tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021.
6/ Jeff Bezos đã từ chức và bổ nhiệm Andy Jassy, giám đốc điều hành Amazon Web Service, tiếp quản vị trí CEO Amazon. Được biết, Bezos vẫn tham gia vào các hoạt động của công ty trong tương lai. Sự chuyển đổi này đánh dấu cột mốc kết thúc cho 27 năm lãnh đạo của Bezos, người đã biến Amazon trở thành một trong những công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới. Amazon hiện đang thống trị thương mại trực tuyến ở Mỹ và các khu vực của Châu Âu, đồng thời đóng vai trò là xương sống cho phần lớn web hiện đại nhờ Dịch vụ web của mình. Được biết, Bezos vẫn sẽ đảm nhận vai trò là Chủ tịch điều hành của Amazon. Tuy nhiên, sau ngày 7/7, ông sẽ bớt tham giavào hoạt động của công ty và chuyển sang tập trung vào các tổ chức từ thiện và công ty không gian Blue Origin.
7/ Công ty thời trang Thụy Điển H&M cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm 28% trong ba tháng 3, 4, 5. Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5, doanh thu của H&M tại Trung Quốc đạt 189 triệu USD, giảm 74 triệu USD so với cùng kỳ 2020. Sự suy giảm này chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu 5,4 tỷ USD trong giai đoạn này, nhưng là bận tâm đáng kể ở một trong những thị trường thời trang đang phát triển nhanh. Được biết, cuối tháng 3, H&M gặp làn sóng tẩy chay mạnh mẽ khi lên tiếng bình luận về vấn đề lao động tại Tân Cương. Truyền thông Trung Quốc tuyên bố những lời buộc tội của hãng là dối trá. H&M nhanh chóng biến mất khởi các trang thương mại điện tử và ứng dụng bản đồ của nước này. Một số chủ mặt bằng bán lẻ cũng đã lấy lại địa điểm kinh doanh.
Bên ngoài một cửa hàng H&M ở Bắc Kinh hôm 28/3. Ảnh: Reuters
8/ Nguồn cung vaccine của Australia sẽ được tăng cường trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, do nguồn cung vaccine dồi dào trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và kế hoạch thiết lập thêm các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn mới, Australia dự kiến sẽ hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 16 tuổi vào giữa tháng 3/2022. Dự kiến trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2021, mỗi tuần Australia sẽ nhận được từ 2,5 triệu đến 3 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna. Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng hơn 880.000 liều mỗi tuần như trong tuần vừa qua, có khả năng đến giữa tháng 3/2022 nước này sẽ đạt được mục tiêu. Thêm vào đó, tốc độ tiêm chủng của Australia sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong vài tháng tới khi những người dân dưới 40 tuổi bắt đầu được tiêm chủng.
9/ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết năm 2021, khoảng 9,09 triệu sinh viên đại học, cao đẳng sẽ ra trường, tăng 350.000 người so với năm ngoái. Theo đó, đây sẽ là mức tăng kỷ lục trong lĩnh vực giáo dục đại học của đất nước này. Tuy nhiên, các tân cử nhân lại bày tỏ lo lắng sẽ thất nghiệp vì các công ty ngày càng yêu cầu nguồn lao động có trình độ học vấn cao. Hiệu trưởng Trường Kinh tế thuộc Đại học Tế Nam nhận xét rằng khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao, thì nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp sẽ ngày càng tăng. Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 – 24, tức có bằng tốt nghiệp trung học, đại học, là khoảng 13,8%, cao gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp vào đầu năm (khoảng 5%).
10/ Theo Bloomberg, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ, được xem trụ cột của nền kinh tế Thái Lan, hiện đang oằn mình trong nợ nần và có nguy cơ phá sản vì tác động của đợt bùng dịch Covid-19 mới. Theo đó, nếu tình hình còn kéo dài đến cuối năm, thì nền kinh tế Thái Lan sẽ rơi vào khủng hoảng, và khoảng 80% các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản. Được biết, ngân hàng Thái Lan đã nhiều lần kêu gọi tăng cường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, các khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD vẫn chưa thể cứu nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này. Tính đến cuối năm 2020, Thái Lan có 3,1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuyển dụng 12,7 triệu lao động. Tuy nhiên, Phòng Thương mại Thái Lan ước tính con số doanh nghiệp vừa và nhỏ thực tế có thể lên đến 5 triệu, bởi nhiều hộ kinh doanh không đăng ký với cơ quan quản lý.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Thịt heo thảo mộc Sagri có gì ngon?