12.000 thực tập sinh nước ngoài mất tích ở Nhật Bản

Một thực tập sinh Việt Nam trên công trình xây dựng ở Tokyo. Chính phủ Nhật Bản đang nới lỏng các quy định hạn chế thay đổi công việc, nhằm giảm bớt tình trạng lao động nước ngoài bỏ trốn. Ảnh: Nikkei Asia

Chính phủ Nhật Bản đã không thể truy tìm tung tích của khoảng 12.000 thực tập sinh nước ngoài. Điều này có nghĩa là nhiều người đã bỏ việc để tìm công việc khác bất hợp pháp, theo Nikkei Asia.

Hơn 300.000 lao động nước ngoài đã được nhận vào Nhật Bản theo chương trình thực tập đang gặp nhiều chỉ trích. Trong số này có khoảng 77.000 thực tập sinh người Việt, chiếm hơn ¼ tổng lượng thực tập sinh tại Nhật Bản, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam. Tổng kiều hối thực tập sinh người Việt tại Nhật Bản gửi về nước đạt trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Do có quy tắc không cho phép thực tập sinh thay đổi công việc, những thực tập sinh không hài lòng với công việc hoặc tiền lương tại Nhật Bản thường bỏ việc để tìm việc bên ngoài khác bất hợp pháp. Điều này đã thúc đẩy nhiều tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi nới lỏng các hạn chế.

Trừ một số trường hợp ngoại lệ được đổi việc do chủ công ty vi phạm nhân quyền, việc tìm việc bên ngoài rất khó khăn vì thực tập sinh không thể thay đổi nghề nghiệp đã chọn từ danh sách gồm hơn 80 nghề.

Hàng ngàn thực tập sinh nước ngoài được báo cáo là mất tích mỗi năm và rất khó để xác định họ đang ở đâu.

Khoảng 68.000 thực tập sinh đã mất tích từ năm 2012 đến năm 2022, theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Nhập cư mà Nikkei Asia thu thập. Khoảng 46.000 người trong số đó được xác nhận đã rời khỏi đất nước.

Nếu gồm cả những người đang chờ thủ tục trả về quê quán (trục xuất) hoặc xin quy chế tị nạn, nơi ở của khoảng 80% trong số họ đã được xác nhận, hầu hết trong vòng một năm.

Tính đến tháng 4-2023, 11.902 người – hay 17% –  vẫn mất tích.

Thực tập sinh mất tích thường bị bắt làm việc bất hợp pháp tại các trang trại. Những người làm việc bất hợp pháp nằm ngoài mạng lưới an toàn công cộng như bảo hiểm y tế và bồi thường tai nạn lao động.

Trái ngược với hệ thống thực tập sinh, trong số khoảng 50.000 người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản theo một chương trình công nhân lành nghề riêng nhắm vào các ngành đang thiếu lao động, chỉ có 76 người được báo cáo mất tích vào cuối năm 2021.

Có hai khuôn khổ để giái quyết các trường hợp muốn thay đổi công việc. Những công nhân lành nghề có thể thay đổi công việc giữa các ngành nghề nếu họ vượt qua kỳ thi. Đến tháng 2-2023, 28.000 nhân viên trong số này đã nghỉ việc vì lý do cá nhân và 7.800 người — chỉ hơn một phần tư trong số họ — đã thay đổi công việc.

Nhưng các thực tập sinh kỹ năng bị cấm thay đổi công việc, dựa trên ý tưởng rằng họ nên học các kỹ năng theo kế hoạch đã định ở cùng một nơi làm việc. Nhiều thực tập sinh biến mất, viện lý do khó khăn, với những người chỉ trích gọi những hạn chế là “điểm nóng” cho các vi phạm nhân quyền.

Một hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã đề xuất nới lỏng các hạn chế và dự định công bố các đề xuất cụ thể.

Nhật Bản cần đề ra các biện pháp hữu hiệu. Ngay cả đối với những người tham gia hiện được phép thay đổi công việc do vi phạm quyền, rào cản ngôn ngữ có thể cản trở quá trình tìm kiếm việc làm. Các tổ chức giám sát các chương trình thực tập sinh kỹ năng thường không hỗ trợ những người tìm việc diện này.

Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật do chính phủ hậu thuẫn đã giúp tìm được 39 việc làm trong năm tài chình 2021.

Jiho Yoshimizu, giám đốc đại diện của tổ chức phi lợi nhuận Hỗ trợ Nhật – Việt Tomoiki, nói rằng: “Nếu các loại nghề nghiệp vẫn được quy định cụ thể như vậy, không có cơ chế kết nối hữu hiệu giữa công ty và thực tập sinh, chuyện thực tập sinh mất tích sẽ tiếp tục diễn ra ngay khi chính phủ cho phép thay đổi công việc”.

Ricky Hồ / BSA Media