15 bài học về đặt tên thương hiệu (phần 1)

199
Chọn tên cho thương hiệu thật sự là một việc rất khó khăn. Bạn cần một cái tên bắt tai, đọc thuận miệng và dễ nhớ.
Sự thành công của một công ty phụ thuộc rất nhiều vào tên gọi. Nhà đồng sáng lập của Netflix – Marc Ranolph nói rằng: “Chọn tên cho thương hiệu thật sự là một việc rất khó khăn. Bạn cần một cái tên bắt tai, đọc thuận miệng và dễ nhớ. Tốt nhất là tên có một hoặc hai âm tiết, bởi khi có quá nhiều kí tự, quá nhiều âm tiết, mọi người sẽ không nhớ hoặc viết sai tên công ty bạn. Quá ít kí tự lại khiến người ta quên đi cái tên đó”.
Bởi vậy, không khó hiểu khi rất nhiều công ty đã mắc lỗi trong việc đặt tên thương hiệu. Nhưng họ đã nhanh chóng quyết định thay đổi tên gọi ngay sau đó, và trở nên phổ biến toàn cầu. Dưới đây là ví dụ về 15 thương hiệu nổi tiếng đã đổi tên thành công.
1. Brad’s Drink (Pepsi)
Caleb Davis Bradham đã tạo ra một loại đồ uống hỗn hợp từ nước có ga, đường, vani, dầu ăn cùng hạt cola và đặt tên nó là Brad’s Drink (đồ uống của Brad). Sản phẩm này đã không quá thành công cho đến khi Caleb quyết định đổi tên thành Pepsi – được lấy từ ‘dyspesia’, nghĩa là ‘chứng khó tiêu’, vì ông tin rằng đồ uống của mình có thể hỗ trợ tiêu hóa.
2. Burbn (Instagram)
Kevin Systrom thích whiskey Kentucky nhiều đến mức anh quyết định đặt tên cho ứng dụng check-in của mình là Burbn theo tên loại rượu yêu thích của mình.
Sau đó Kevin nhận ra rằng mọi người sử dụng app để chia sẻ ảnh thay vì mục đích ban đầu của anh. Bởi vậy anh đã quyết định đặt một cái tên khác phù hợp hơn với mục đích sử dụng app của mọi người là Instagram.
3. Backrub (Google)
Larry Page và Sergey Brin đặt tên cho công ty của mình là Backrub dựa trên cách hoạt động của công ty – phân tích backlink để phân loại mức độ liên quan của các trang web. Cảm thấy không quá hài lòng với cái tên này, Larry đã tổ chức một buổi động não (brainstorming) với các sinh viên tốt nghiệp trường Stanford và lấy cảm hứng cho tên gọi mới của công ty từ ‘googol’ (số có giá trị bằng 10^100, hay là số 1 được theo sau bởi 100 chữ số 0). Tình cờ, một sinh viên gõ sai từ Googol thành Google, và cái tên gắn liền với công ty từ đó.
4. Cadabra (Amazon)
Jeff Bezos muốn đặt tên công ty mình là Cadabra, lấy theo từ ‘abracadabra’ (câu thần chú). Khi ông thông báo với luật sư về tên công ty, luật sư đã nghe nhầm thành ‘cadaver’ (xác chết) và khuyên ông rằng đây không phải là một cái tên mà khách hàng muốn nghe.
Lựa chọn tiếp theo của Jeff là Relentless (không ngừng nghỉ). Lần này các đồng nghiệp của ông đều khuyên rằng cái tên này nghe dữ dội quá, vì thế, ông đã đặt lại tên công ty lần thứ 3 – Amazon. Lí do ông chọn cái tên này vì Amazon là con sông dài nhất trên thế giới và ông muốn Amazon của mình là tiệm sách lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, vì bắt đầu bằng chữ ‘a’, nên công ty sẽ xuất hiện trên đầu của các danh sách trang web xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
5. Zorba (Zara)
Amancio Ortega yêu thích bộ phim nổi tiếng ‘Zorba the Greek’ nên đã quyết định đặt tên cho cửa hàng quần áo của mình là Zorba.
Vào năm 1975, Amancio mở cửa hàng đầu tiên ở La Coruña – 1 thành phố phía bắc Tây Ban Nha và thật tình cờ, quán bar nằm cách cửa hàng 2 ngôi nhà cũng tên là Zorba. Người chủ quán bar đã gặp ông và nói rằng 2 cửa hàng sát nhau có cùng tên khiến cho khách hàng cảm thấy hoang mang. Vì thế, ông đã quyết định thay đổi tên gốc một chút thành Zara – tên thương hiệu cho đến hiện tại.
6. AuctionWeb (Ebay)
Pierre Omidyar đã ra mắt trang web của mình – AuctionWeb – chỉ với một mặt hàng: một con trỏ laser bị hỏng. Thật trớ trêu, nó đã được bán với giá 14,38 đô la Mỹ cho một nhà sưu tầm con trỏ laser bị hỏng. Omidyar nhanh chóng nhận ra rằng mọi người có thể bán bất kì thứ gì trên internet.
Trải qua thành công ban đầu, Omidyar quyết định đổi tên sau hai năm để phù hợp với hoạt động công ty của mình – Echo Bay. Tuy nhiên tên miền Echo Bay đã được sử dụng nên ông rút ngắn tên gọi lại thành eBay.
7. Cargo Cafe (Starbucks)
Đồng sáng lập Starbucks – Gordon Bowker – nói rằng tên ban đầu của chuỗi cafe là Cargo House. Cho rằng cái tên này không quá hoàn hảo, Gordon muốn thay đổi tên thương hiệu bắt đầu bằng ‘st’ bởi nó tạo cảm giác mạnh mẽ và quyền lực hơn.
Một nhân viên của Gordon đã mở bản đồ cũ của Tây Bắc Thái Bình Dương và tìm thấy một thị trấn mỏ tên là Starbo. Từ đó, Bowker liên tưởng đến nhân vật yêu thích – Starbuck – của mình trong cuốn sách Moby Dick của Herman Merville. Ông thêm chữ ‘s’ đằng sau để đọc thuận miệng hơn. Đó chính là cách mà tên của chuỗi cafe lớn nhất thế giới ra đời.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp