17/10/2020: Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu

246
“Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” sẽ diễn ra vào lúc 10g sáng ngày 17/10/2020 tại Cà phê Trung Nguyên, số 52 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm do Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) phối hợp với Gallery 39, Tạp chí Tia Sáng, Trung Nguyên Coffee và những tổ chức yêu văn hóa nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Việt Nam, thực hiện tổ chức chương trình.
Triển lãm là một hoạt động nằm trong tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam ” đã được triển khai từ tháng 09.2019 bởi Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ. Tiểu dự án được thực hiện tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam bao gồm Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, đây là vùng sinh sống lớn nhất của dân tộc Cơ Tu tại Việt Nam.
Nghề đan lát người Cơ Tu và những chiếc gùi đặc sắc
Không ai biết được nghề đan lát của người Cơ Tu đã có từ bao giờ, nhưng dù làm việc gì và ở đâu người Cơ Tu vẫn thường gắn bó với những chiếc gùi đan. Khó có dân tộc nào ở Việt Nam lại có các loại gùi đa dạng như gùi của người Cơ Tu. Đó là những chiếc gùi đã được hoàn thiện để phù hợp cho mỗi người trong gia đình, phù hợp cho mỗi công việc hàng ngày – gùi củi thì được đan thưa, gùi gạo, gùi muối thì thân phải đan sao cho thật kín khít.
Nói đến gùi của người Cơ Tu không thể không nói đến xà lếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu độc đáo. Nói đến gùi Cơ Tu cũng không thể không nói tới p’reng – một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn ấn tượng dùng trẻ em Cơtu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội, cũng không thể không nói đến p’rôm, một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha hay được nâng niu uyển chuyển bởi các sơn nữ Cơ Tu trong điệu múa tung tung da dá giữa núi rừng Trường Sơn…

Chiếc gùi Cơ Tu sẽ biến mất?
Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời như vậy nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu vẫn không thể phát triển trong nhiều năm gần đây, nhiều sản phẩm truyền thống giờ chỉ còn lại ở trong tiềm thức. Còn rất ít người ở các buôn làng có thể đan được các sản phẩm truyền thống và cũng chỉ là một ít ai đó đã sống qua rất nhiều mùa rẫy… Cây mây ngày càng ít đi, người Cơ Tu phải vào rừng sâu hơn mới lấy có cây mây để đan được gùi.
Các dụng cụ đan lát sinh hoạt hàng ngày vốn rất gần gũi với người Cơ Tu trước đây cũng ngày càng ít được sử dụng do giờ đây các sản phẩm nhựa rẻ tiền hơn đã phủ đầy những buổi chợ vùng cao. Cũng không có nhiều khách hàng đến với bà con để mua sản phẩm do việc sản xuất nhỏ lẻ và giá thành sản phẩm còn rất cao.
Người Cơ Tu không có được thu nhập từ nghề đan lát truyền thống nên phải sống phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tài nguyên rừng trong khu vực sinh sống của mình, từ việc vào rừng như chặt củi, hái măng, đặt bẫy để bắt thú hay săn bắn các loài chim…làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cũng như sự đa dạng sinh học của rừng.
Phát triển làng nghề bằng cách trồng mây
Trước tình hình đó, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hợp tác với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (VietCraft) hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con, để bà con giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng.
Đến nay, 150 ha nguyên liệu mây đã được trồng mới dưới những tán rừng và 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình cũng đã được đào tạo nghề để tạo nên rất nhiều các sản phẩm quà tặng và sản phẩm trang trí mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống xưa.

Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu nhằm giúp cho người tham dự có thể hòa mình và trải nghiệm những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào Cơ Tu với nghề thủ công đan lát hết sức tinh xảo và công phu. Tại đây, khách thưởng ngoạn còn được nghe người Cơ Tu kể chuyện nghề, được nghe những chia sẻ của Vietcraft và Họa sĩ Lê Thiết Cương về làng nghề truyền thống độc đáo này qua buổi Hội đàm về nghề đan lát của dân tộc Cơ Tu.
Ngoài ra, tại triển lãm còn có buổi trao đổi và giới thiệu sách đan lát của dân tộc Cơ Tu; Giao thương các sản phẩm đan lát dân tộc Cơ Tu, người xem có thể cùng tham dự đan lát với các nghệ nhân. Đặc biệt, sẽ có buổi giao lưu phát triển sản phẩm mới của dân tộc Cơ Tu cũng các nhà thiết kế trẻ vào lúc 13g30 cùng ngày.
Thái Thảo