9X Gò Công và vườn thanh long vàng thuận tự nhiên

665
Vườn thanh long của gia đình Thảo được tạo dựng thảm thực vật bên dưới với các loại cỏ cây, nhất là rau muống mọc tự nhiên.
Sau một lần qua Thái Lan tham quan vườn thanh long hữu cơ, cô gái miền Tây quyết định khởi nghiệp với trái thanh long vàng. Cô gái 9X Lê Ngọc Thảo (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) còn đưa mô hình “nông nghiệp lười” vào vườn thanh long của mình, kết quả thu lại vượt ngoài mong đợi: giá bán gấp nhiều lần thanh long thường…
Cơ duyên tìm giống
Đầu năm 2020, phiên chợ Xanh – Tử tế ở TP.HCM xuất hiện những trái thanh long vỏ vàng lạ mắt khiến khách hàng tò mò, thích thú. Không chỉ lạ vì màu sắc, hương vị của loại thanh long này cũng mang đến sự khác biệt lớn khi có vị ngọt thanh, ruột có vân xoắn hình tổ yến…, khác với thanh long ruột trắng và ruột đỏ trên thị trường. Chỉ trong nháy mắt, hơn 20kg thanh long vàng được tiêu thụ hết sạch. Chia sẻ cơ duyên đến với loại trái cây lạ này, Thảo cho biết, nhiều năm trước cô thường xuyên có những chuyến công tác tại Thái Lan. Năm 2019, cô cùng với ba mình trong một lần tham quan các nông trại hữu cơ ở xứ sở Chùa vàng, đã mê mẩn với những quả thanh long có vỏ màu vàng. Tìm hiểu kỹ và biết loại thanh long này có nguồn gốc từ Israel và phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, có giá trị kinh tế lớn, nên cô quyết định mua giống về trồng thử trên hơn 6 sào ruộng của gia đình.
“Thanh long vàng có hình bầu dục, hơi thuôn, dài và có kích thước nhỏ hơn thanh long đỏ. Với lớp vỏ dày, màu vàng tươi sáng, ruột trắng, xốp và có vị ngọt hơn so với thanh long đỏ, ruột trắng ở Việt Nam”, Thảo giải thích.
Nhờ sự khác biệt với thanh long vỏ đỏ, ruột trắng hay vỏ đỏ ruột đỏ về màu sắc, mùi vị, độ ngọt thanh, hơn nữa vỏ lại có màu vàng ươm, bắt mắt nên thanh long vàng được xếp vào loại trái cây xa xỉ, có giá bán lên đến hàng trăm ngàn đồng mỗi ký. Năm 2017, loại thanh long vàng này từng được nhập về thị trường Việt Nam từ Malaysia, lúc đó giá bán lên đến 700.000 đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn tìm mua.

Và làm “nông nghiệp lười”!
Chuyển đổi diện tích 6.500m2 đất trồng lúa, bước đầu cha con Thảo trồng hơn 1.200 trụ thanh long, canh tác theo hướng thuận tự nhiên, hay còn gọi là “nông nghiệp lười”, không xài phân hoá học, thuốc trừ sâu, sử dụng cỏ thảo làm phân bón. Thảo nói cô trồng những trụ thanh long theo tiêu chuẩn, chúng được kết nối với hệ thống ống nhựa và các van để tiếp nhận chất dinh dưỡng tự động là vi sinh hữu cơ. Khác với các vườn thanh long tại Bình Thuận, Long An và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vườn thanh long của gia đình Thảo được tạo dựng thảm thực vật bên dưới với các loại cỏ cây, nhất là rau muống mọc tự nhiên. Theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, thảm thực vật này được cắt và vun vào gốc, đồng thời Thảo phun chế phẩm vi sinh làm cho lớp cỏ, rau muống tự hoai thành phân bón. Bằng nông pháp này, vườn thanh long ít tốn công chăm sóc.
Ông Lê Minh Hoà, ba của Thảo là người từng nghiên cứu và sản xuất hàng loạt chủng vi sinh (enzyme) phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, khi Thảo hướng đến việc sản xuất nông nghiệp hướng thuận tự nhiên, ông đã có những hỗ trợ tích cực. Ông Hoà chia sẻ, từ xưa nông dân không biết tác dụng của các loại vi sinh. Nhưng thực tế vi sinh giúp cân bằng dinh dưỡng cho đất, giúp cây phát triển tiếp. Với việc xử lý sâu bệnh, ngoài sử dụng các loại thảo dược để diệt sâu, rầy, gia đình Thảo còn thả gà, vịt vào chuồng để tiêu diệt châu chấu, các loại côn trùng và nhất là các loại ốc. Sản xuất thuận thiên nên vườn thanh long vàng cho sản lượng không cao, đó cũng không làm thay đổi tiêu chí sản xuất của cha con Thảo.
“Diện tích nhỏ nên sản lượng thu hoạch mỗi vụ khá ít, chỉ khoảng 200 – 300kg/vụ. Quả thanh long vàng khá nhỏ so với thanh long đỏ, trọng lượng mỗi trái chỉ đạt khoảng 200 – 250g”, Thảo tâm sự. Do số lượng thanh long vàng có hạn, nên Thảo chỉ mới cung ứng đến một số cửa hàng nông đặc sản sạch tại các đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với giá 180.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với thanh long đỏ. Trong thời gian tới, Thảo và gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên hàng chục ngàn mét vuông để tăng sản lượng.
Với một loại trái cây quen thuộc, nhưng có màu vàng lạ mắt, hương vị lại ngon, thêm vào đó là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, hợp với xu hướng tiêu dùng, hy vọng dự án của Lê Ngọc Thảo sẽ thành công và vươn xa.

Tuấn Anh/BSA