AirAsia thâu tóm mảng kinh doanh của Gojek ở Thái Lan

409
Hãng hàng không AirAsia xác nhận sẽ mua lại mảng kinh doanh của ứng dụng gọi xe Gojek tại Thái Lan. Ảnh: ICT
Tiêu điểm:

AirAsia thâu tóm mảng kinh doanh của Gojek ở Thái Lan

Tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia sẽ mua lại mảng kinh doanh của Gojek tại Thái Lan, đổi lại hãng mẹ của Gojek sẽ chiếm 4,76% cổ phần của siêu ứng dựng mà AirAsia đang phát triển. Trong họp báo trực tuyến ngày 7/7, CEO của Gojek cũng nói rằng siêu ứng dụng này sẽ tập trung vốn nguồn lực cho thị trường Việt Nam và Singapore sau khi sang nhượng Gojek Thái Lan.
Mảng siêu ứng dụng của AirAsia được định giá khoảng 1 tỷ USD, trong khi đó mảng kinh doanh của Gojek Thái Lan có giá trị tổng cộng 50 triệu USD – AirAsia viết trong bản cáo bạch nộp Sở Chứng khoán Thái Lan.
Các nhà phân tích nói rằng thỏa thuận này cho thấy nỗ lực của AirAsia trong việc gia nhập hàng ngũ siêu ứng dụng như Grab hay Gojek với hoạt động kinh doanh đa dạng từ gọi xe, giao nhận thức ăn và hàng hóa đến thanh toán di động.
“Bằng việc mua lại mảng kinh doanh đã định hình của Gojek tại Thái Lan, chúng tôi có thể tự tin tiến vào không gian mới và trở thành siêu ứng dụng thách thức các đối thủ khác ở Đông Nam Á”, CEO AirAsia Tony Fernandes phát biểu.
Ứng dụng của Gojek tại Thái Lan sẽ chạy hết tháng 7 này. AirAsia hy vọng sẽ hoàn thiện siêu ứng dụng của hãng và chạy đà trong tháng 8. Vị tỷ phú Fernandes nói rằng mọi việc sẽ được chuyển giao hoàn hảo và không trục trặc.
Thỏa thuận mới cũng cho thấy Gojek đang định hình lại các mảng kinh doanh trong khu vực sau khi đã sáp nhập trang thương mại điện tử Tokopedia để hình thành tập đoàn công nghệ GoTo. Thỏa thuận này cũng cho phép Gojek tăng cường đầu tư vào Việt Nam và Singapore.
Kevin Aluwi, CEO của Gojek, phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến rằng thương thảo giữa các bên đã bắt đầu cách đây khoảng hai tháng.
“Khi chúng tôi nhìn lại thị trường nào mà sản phẩm và nguồn lực kỹ sư, không phải nguồn vốn thôi, có thể phát huy… chúng tôi đã quyết định rằng ưu tiên tập trung vào Việt Nam và Singapore. Chỉ bởi vì quy mô kinh doanh của chúng tôi ở các thị trường này”, Aluwi nói. Ông cũng nói thêm rằng công ty có thể tìm được cách để dẫn đầu tại hai thị trường này.
“Khi nhận ra rằng chúng tôi không thể cam kết đầy đủ nguồn lực cho thị trường Thái Lan, chúng tôi bảo đảm rằng cần phải tìm được đối tác có nguồn lực và cam kết rõ ràng”, Aluwi nói khi đề cập đến tầm vóc của AirAsia.
Cả Fernandes và Aluwi đều ám chỉ khả năng sẽ cùng hợp tác kinh doanh ở những thị trường khác ngoài Thái Lan, nhưng họ từ chối nói rõ chi tiết.
CEO Fernandes trước đây đã từng tuyên bố sẽ cạnh với các siêu ứng dụng như Grab và Gojek. AirAsia Digital là mảng kinh doanh của tập đoàn gồm những mảng ngoài mảng hàng không, bao gồm dịch vụ giao nhận thực phẩm và đồ ăn, dịch vụ giao nhận, trang thương mại điện tử và mảng thanh toán. Mảng kinh doanh của Gojek Thái Lan là mảnh ghép mới của AirAsia Digital – gọi xe công nghệ.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện vẫn đang ở mức 56,8 – 56,4 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát ngày 6/7. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco cũng đứng ở mức 1.800,2 USD/ounce, không thay đổi. Theo giới phân tích, giá vàng được hỗ trợ khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ chạm mức thấp nhất trong 2 tuần. Sức hấp dẫn của kim loại quý tăng lên bởi lợi suất trái phiếu cao thường làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
2/ Infographic: Xuất khẩu của Việt Nam tính chung 6 tháng đầu năm 2021
3/ Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại để tiếp cận gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Ba ngân hàng này gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Được biết, sau khi giải ngân tổng số tiền 4.000 tỉ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân. Vietnam Airlines tuyệt đối không dùng số tiền này cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
4/ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết vừa phê duyệt khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD để giúp Việt Nam tăng cường các quan hệ đối tác công – tư (PPP), phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Khoản tài trợ này bao gồm 2,7 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Canada và 1,9 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Úc, cả hai đều do ADB quản lý. Chuyên gia chính về phát triển khu vực tư nhân của ADB, cho biết để đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 6%-7% và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế, mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
5/ Hơn 97.000 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Pfizer/BioNtech đã về tới Sân bay Quốc tế Nội Bài. Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021. Trước đó, vào ngày 12/6, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Được biết, chống lại đại dịch Covid-19 là ưu tiên quốc tế của Chính phủ Hoa Kỳ, do đó Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp hàng tỷ USD cho Cơ chế COVAX facility và hỗ trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các quốc gia, trong đó 2 triệu liều vaccine Moderna sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, số liều vaccine Pfizer về Việt Nam đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình cung cấp 31 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam.
6/ Theo nghiên cứu của nhà quản lý tài sản Janus Henderson, có trụ sở tại Vương quốc Anh, nợ ròng của các doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng 600 tỷ USD trong năm nay do hoạt động tăng cường chi tiêu, sau giai đoạn “tích lũy” trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Janus Henderson cho biết các doanh nghiệp đã vay kỷ lục 1.300 tỷ USD vào năm ngoái song vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng trong chi tiêu. Tổng nợ trong năm 2020 đã tăng 10,2% lên mức kỷ lục 13.500 tỷ USD trong khi nợ ròng – được tính bằng tổng nợ trừ tiền mặt – chỉ tăng nhẹ lên 8.300 tỷ USD. Thêm vào đó, nghiên cứu của Janus Henderson dự đoán nợ ròng của doanh nghiệp toàn cầu sẽ còn tăng lên 8.800-8.900 tỷ USD vào cuối năm.
7/ Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 6 năm sau thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi là liên minh OPEC+, kết thúc cuộc họp vào ngày 5/7 mà không đạt được thỏa thuận nào. Kế hoạch bơm thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày do OPEC, Nga và các đồng minh khác đề xuất đã bị UAE phản đối. Theo đó,sự bất đồng trong OPEC có thể gây ra một thời kỳ bất ổn hơn với giá dầu. Giá dầu có thể tăng mạnh do thiếu nguồn cung hoặc đột ngột giảm sâu nếu các nước đua nhau bơm dầu ra thị trường. Trong thời gian qua, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 8 phiên có lúc đã tăng lên 76,98 USD/thùng trong phiên ngày 6/7 trước khi giảm 2,4% xuống 74,53 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng, giá dầu sẽ tăng khi các nước thành viên OPEC bất hòa và giá có thể vẫn leo thang bất chấp việc bán tháo.
8/ Bang New South Wales (NSW) của Úc đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen trong tháng 7 này, sau 18 năm tạm hoãn. Việc NSW đi theo việc bãi bỏ lệnh cấm tương tự ở Nam Úc vào năm ngoái, khiến Tasmania trở thành bang cuối cùng của Úc có lệnh cấm toàn diện đối với cây trồng biến đổi gen. Động thái này đã được những người ủng hộ biến đổi gen hoan nghênh vì giúp nông dân trở nên vững vàng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, nhưng lại bị các đại diện nông nghiệp hữu cơ phản đối. Được biết, cây trồng biến đổi gen đã được đưa vào trồng trọt ở Úc từ những năm 1990, và được quy định bởi Văn phòng Cơ quan Quản lý Công nghệ Gien.
9/ Khi điện thoại di động trở nên phổ biến dẫn tới điện thoại công cộng trở nên lỗi thời, thì ngày càng nhiều bốt điện thoại ở khắp Hàn Quốc đang được chuyển thành các điểm sạc pin cho các loại xe điện. Tại thành phố Jeonju, cách thủ đô Seoul 240 km về phía Nam, chính quyền thành phố này cho biết đã đạt được thỏa thuận với nhà điều hành mạng điện thoại công cộng KT Linkus để chuyển 2 bốt điện thoại thành trạm sạc pin cho xe máy điện vào cuối năm 2021 và tiến tới chuyển 18 bốt điện thoại khác thành các điểm sạc cho các phương tiện xe điện vào năm 2023. Để việc chuyển đổi được thực hiện thuận lợi, chính quyền Jeonju sẽ hỗ trợ về mặt hành chính. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Nam Chungcheong và nhà điều hành mạng KT Linkus cũng đã đạt được thỏa thuận chuyển 100 trong số 900 bốt điện thoại công cộng cũ thành các trạm sạc xe đạp điện vào cuối năm 2022.
Hàn Quốc tận dụng bốt điện thoại cũ để làm trạm sạc cho xe điện. Ảnh: TTXVN
10/ Hyundai Motor Co., nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Hàn Quốc, tính theo doanh số, cho biết đã tạm ngừng hoạt động nhà máy của hãng tại Brazil từ ngày 5/7 đến hết ngày 11/7 trong bối cảnh thiếu chip trên toàn cầu và sẽ nối lại một phần hoạt động từ ngày 12/7. Hyundai dự định sẽ tiếp tục lại hoạt động sản xuất tại nhà máy này nhưng chỉ với một ca làm việc sau khi đã phải cắt giảm 1/3 sản lượng cuối tháng trước do thiếu chip. Trong quá khứ, Hyundai từng sản xuất 300.000 xe tại nhà máy này ở Brazil với thời gian làm việc kéo dài cả ngày, được phân bổ thành ba ca. Được biết, tại thị trường nước ngoài, Hyundai hiện có 10 nhà máy gồm 4 nhà máy ở Trung Quốc và 6 nhà máy ở Mỹ, Cộng hòa Czech (Séc), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ấn Độ, và Brazil.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhật ký “Vòng tay Việt” ngày 7/7/2021