AirAsia tung “siêu ứng dụng” cạnh tranh với Grab và Gojek

Chủ tịch Tony Fernandes luôn thúc giục các nước Đông Nam Á mở cửa biên giới trong mức độ an toàn để hàng không hồi phục - Ảnh: Yuki Nakao
Siêu ứng dụng của hãng hàng không AirAsia sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, giao nhận và thanh toán từ ngày 8-10 sắp tới ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á – tương tự như Grab và Gojek. Trong tuyên bố hôm qua 25-9, AirAsia nói rằng siêu ứng dụng này được tích hợp trên trang mạng AirAsia.com và ứng dụng hiện tại của hãng, cũng như các dịch vụ số AirAsia Digital.
“Săn tìm” nguồn thu mới
CEO AirAsia Tony Fernandes nói ý tưởng xây dựng siêu ứng dựng có từ trước khi dịch bùng phát. Nhưng hiện hãng đang cần các nguồn doanh thu mới sau khi phần lớn đội bay của hãng nằm đất trong nhiều tháng do những hạn chế về đi lại ở nhiều nước. AirAsia mất đến 98% doanh thu trong quý 2 vừa rồi và lỗ đến 238 triệu đô la.
“Hành trình để đến ứng dụng này không phải bắt đầu trong năm nay khi dịch bùng phát. Chúng tôi đã bắt đầu từ hai năm trước, nhưng mọi việc bắt đầu tăng tốc trong đợt dịch. Đây không phải là kế hoạch B dự phòng, mà luôn luôn là kế hoạch A của chúng tôi. Các hoạt động hàng không sẽ sớm khôi phục”, Bangkok Post trích lời ông Fernandes.
Các dịch vụ số của AirAsia hiện có: thanh toán số BigPay, nền tảng giao nhận và thương mại điện tử Teleport, và chuỗi nhượng quyền ẩm thực Santan. Các dịch vụ này hiện đang có doanh số, ngoại trừ BigPay đang thảo luận với các cơ quan quản lý để định mức phí. Teleport có mặt tại Thái Lan từ năm 2019 thông qua liên doanh với hãng địa phương, trong khi đó BigPay cũng hiện diện ở Thái Lan và người dùng có thể chuyển tiền giữa các tài khoản tại các ngân hàng Thái Lan. Santan hiện chỉ hoạt động ở Malaysia và trên các chuyến bay của AirAsia.
Bắt đầu từ tuần này, AirAsia bắt đầu thu phí nếu khách làm thủ tục tại quầy check-in mà không sử dụng ứng dụng – Ảnh: TTR Weekly
“Cốt lõi của AirAsia là vận chuyển khách từ điểm A đến điểm B, đưa hàng hóa từ A đến B. Và đó là căn bản của dịch vụ số AirAsia Digital và cơ bản của nền tảng AirAsia.com”, ông Fernandes phát biểu.
Siêu ứng dựng cũng cho phép người dùng đặt khách sạn và chuyến bay của các hãng khác, và có chương trình tích điểm ưu đãi cho khách hàng. Hãng hàng không đã chấm dứt hợp tác với dịch vụ lữ hành Expedia và tự mình kinh doanh mảng này.
Tí hon chọi khổng lồ
Các nhà phân tích nói rằng AirAsia bước vào lĩnh vực mới như trận đấu kinh điển được ghi lại trong kinh thánh: Đó là câu chuyện chàng tí hon David khiêu chiến và đánh bại gã khổng lồ Goliath xảy ra 3.000 năm trước Công nguyên.
AirAsia đang bước vào mảng kinh doanh cạnh tranh dữ dội hiện có sẵn hai gã khổng lồ: Grab và Gojek. Cả hai đã tiêu tốn nhiều tỉ đô la để mở rộng sự có mặt ở Đông Nam Á. Hai siêu ứng dụng này đang thảo luận để sáp nhập, nếu thành công hãng mới sẽ giành độc quyền ở mảng gọi xe và giao nhận thức ăn ở Đông Nam Á. Grab được định giá 14 tỉ đô la, trong khi Gojek trị giá khoảng 10 tỉ – cả hai công ty hiện chưa lên sàn.
Trong khi đó, AirAsia đã niêm yết ở thị trường chứng khoán Kuala Lumpur (KLSE) và có giá trị vốn hóa chỉ 624 triệu đô la.
“Chúng tôi không là gì cả so với Grab hoặc Gojek, nhưng AirAsia không phải là sự thống lĩnh trên thị trường ở bất cứ đâu, mà là đang cung cấp cho thị trường Asean sản phẩm mới”, ông Fernandes phát biểu.
Nhưng AirAsia hy vọng rằng ứng dụng của họ sẽ khác biệt với hai gã khổng lồ bằng cách kết hợp dữ liệu hàng triệu hành khách, và cũng nhấn mạnh tầm quan trọng du lịch nội khối Asean.
“Chúng tôi tin rằng sẽ không cạnh tranh mà là hợp tác và cùng hưởng các thành quả với đối tác. Các hãng hàng không luôn xem chúng tôi là đối thủ, cuối cùng sự xuất hiện của chúng tôi đã tạo ra một thị trường mới chưa từng xuất hiện và tất cả mọi người đều hưởng lợi. Trước đây, chỉ có một số ít người có thể đi lại bằng máy bay, giờ ai cũng có thể bay. Và trong ngữ cảnh đó, chúng tôi cũng đang tạo ra sân chơi mới trên thị trường”, ông Fernandes nói.
CEO cũng nói rằng nền tảng này sẽ hợp tác với các đối tác và dịch vụ mới, không chỉ những công ty thuộc sở hữu của AirAsia Digital.
“Bàn tay vàng” vượt khó
Tony Fernandes từng được xem là “bàn tay vàng” của ngành hàng không một thời, bởi đã gầy dựng một đế chế hàng không gồm nhiều hãng bay giá rẻ bằng việc mua lại một hãng hàng không thua lỗ với giá 1 ringgit, tương đương gần 5.550 đồng thời giá hiện nay, vào năm 2001.
Tháng 6-2020, AirAsia tuyên bố cắt giảm 30% nhân sự trong tổng số 20.000 nhân viên của tập đoàn – Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, các thua lỗ bắt đầu nhen nhúm từ năm 2018-2019 và đợt dịch Covid-19 lần này hầu như đánh sập đế chế ông gầy dựng gần 20 năm qua.
Hồi tháng 6, AirAsia Group tuyến bố sẽ cắt giảm 30% trong tổng số 20.000 nhân viên của tập đoàn hàng không giá rẻ này. Những nhân viên còn lại sẽ bị cắt đến 75% lương. Riêng ông chủ Tony Fernandes và nhà đồng sáng lập Kamarudin Meranun đồng ý không lãnh lương cho đến hết năm 2021 – trước khi AirAsia có thể hồi phục.
Ông trùm Fernandes cũng đang xét đến kế hoạch bán 10% cổ phần của tập đoàn cho một bộ ba – do tập đoàn SK Group của Hàn Quốc dẫn đầu. Nikkei Asian Review ước đoán thương vụ này dự kiến mang lại cho Fernandes gần 80 triệu USD tiền mặt để qua cơn sóng gió.
Ông cũng đang đắn đo để rút khỏi thị trường Nhật Bản và Ấn Độ do không thể cạnh tranh và chi phí leo thang. Tuần rồi, tập đoàn AirAsia Group tuyên bố đình hoãn hầu hết các chuyến bay ở thị trường Nhật Bản cho đến hết tháng 10 tới.
AirAsia cùng với hãng giá rẻ Malindo Airways và hãng truyền thống Malaysia Airlines nằm trong kế hoạch cứu trợ 350 triệu đô la cho hàng không mà chính phủ Malaysia tuyên bố trong tháng 6.  
Tuy nhiên, chuyên san du lịch và lữ hành TTR Weekly nói rằng tập đoàn hàng không này đã nhanh chóng hành động để tự cứu mình.
Ở Malaysia, hãng thực hiện các chương trình giá vé bay nội địa chỉ từ 39 ringgit. Ở Philippines, họ phối hợp với các khách sạn để khuyến khích gói du lịch SNAP gồm vé máy bay và khách sạn. Hoặc hãng hợp tác trang Agoda để kích cầu du lịch nội khối Asean.
Tuần rồi, AirAsia tuyên bố sẽ phụ thu nếu khách làm thủ tục check-in tại quầy mà không xài ứng dụng của hãng: 20 ringgit cho chuyến bay nội địa và 30 ringgit cho chuyến bay quốc tế. AirAsia nói rằng quyết định này áp dụng trên tất cả đường bay của hãng, giúp tiết kiệm tiền lương nhân viên và tiền thuê mướn quầy làm thủ tục tại sân bay…
Như vậy, AirAsia đã đi nhiều nước cờ mạnh mẽ khi số hóa hầu hết các hoạt động của mình và từ từ bước sang các lĩnh vực không phải là mảng kinh doanh cốt lõi của hãng.
Liệu đây là nước cờ đúng đắn khi vô vàn khó khăn vẫn vây bủa tập đoàn hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á?
Ricky Hồ