Ấn Độ tăng 50% lượng gạo xuất khẩu, chiếm gần nửa thị trường trong năm 2021

    121
    Công nhân chuẩn bị lấy lúa đã luộc (đồ) đem phơi khô tại một nhà máy gạo ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
    Ấn Độ có thể chiếm đến 45% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới trong năm 2021. Năng lực bốc dỡ tại cảng được nâng cao, cho phép quốc gia sản xuất gạo thứ hai thế giới sau Trung Quốc xuất được những lô gạo cao kỷ lục đến khách hàng ở châu Phi và châu Á. Nhà xuất khẩu gạo số một thế giới có thể bán đến 22 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng khoảng 50% so với năm 2020 và hơn cả lượng gộp lại của ba nước xuất khẩu hàng đầu kế tiếp là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
    Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu có thể đạt 48,5 triệu tấn trong mùa vụ 2021-2022.
    Cảng nước sâu giúp tăng năng lực xuất khẩu
    Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của tập đoàn Olam India, nói rằng: “Cùng với các nhà mua gạo truyền thống, năm nay Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh cũng mua gạo từ Ấn Độ”.
    Xuất khẩu gạo trong năm 2020 của Ấn Đô đã tăng 49% so với năm trước đó, đạt kỷ lục 14,7 triệu tấn, do lượng gạo thường chiếm đến 9,7 triệu tấn, tăng 77% – cũng là mức kỷ lục. Trong năm 2021 này, gạo basmati (gạo đồ) chỉ ở mức thấp 4 triệu tấn, trong khi đó, lượng gạo thường xuất khẩu có thế tăng gấp đôi và đạt 18 triệu tấn, ông Gupta cho biết. Như vậy, các đối thủ xuất khẩu gạo ở cùng phân khúc giá với gạo Ấn Độ sẽ gặp khó. Gạo Ấn Độ luôn rẻ hơn nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam kể từ tháng 3 rồi, trong khi nhu cầu gạo toàn cầu cũng tăng đạt mức kỷ lục.
    Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng giới hạn của cảng Kakinada Anchorage, cảng xuất khẩu gạo chủ yếu của Ấn Độ, nên dẫn đến tắc nghẽn và chậm trễ trong bốc dỡ kéo dài thường xuyên trong năm ngoái. Vì thế, các nhà buôn chuyển sang mua nơi khác.
    Ấn Độ thường bán rẻ hơn các nhà cung ứng khác trên 100 đô la mỗi tấn, nhưng thường giá giảm này không đủ bù đắp cho các khoản phạt giao nhận trễ mà các nhà buôn phải chịu – nhà xuất khẩu Brahmananda Gudimeta giải thích.
    Giá gạo Ấn Độ (đường đỏ) luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan (đường xanh) và gạo Việt Nam (đường trắng) từ đầu năm 2020 đến nay. Đồ họa: Reuters
    Để giảm tắc nghẽn cảng, bang Andhra Pradesh ở miền Nam nước này trong tháng 2-2021 đã cho phép cảng nước sâu kế bên Kakinada cho các chuyến tàu “ăn gạo”.
    “Thời gian tàu chờ “ăn hàng” đã giảm xuống sau khi cảng nước sâu bắt đầu nhận bốc dỡ gạo. Chúng tôi đã giữ được các đơn hàng lẽ ra có thể bị mất về tay nước khác”, Krishna Rao, Chủ tịch của Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ, phát biểu.
    Ấn Độ xuất khẩu 12,84 triệu tấn gạo trong bảy tháng đầu năm 2021, tăng 65% so với năm trước, theo dữ liệu sơ khởi từ Bộ Thương mại nước này. Merla Muralidhar, CEO Cảng biển Kakinada, cho biết, ít nhất 1 triệu tấn gạo sẽ được xuất từ cảng nước sâu trong năm 2021.
    Dùng tàu chở hàng rời để xuất gạo
    Mặc dù năng lực cảng tăng thêm, tốc độ bốc dỡ hàng của Kakinada vẫn thua xa nhiều cảng Đông Nam Á khác do thiếu phương tiện chuyên dùng cho bốc dỡ gạo.
    “Tại Kakinada, phải mất gần cả tháng để đưa 33.000 tấn gạo lên tàu kể từ khi gạo đến cảng. Thái Lan chỉ mất 11 ngày cho cùng số gạo này”, theo Fahim Shamsi, tàu trưởng một tàu “ăn gạo” tại cảng Kakinada trong tháng 9 này.
    Áp lực lên cảng Kakinada cũng gia tăng sau khi cước phí giao gạo bằng container tăng vọt, buộc các hãng tàu giao gạo chuyển từ container sang các tàu chở hàng rời – ông Gupta từ Olam India giải thích.
    Kakinada có thể thêm tiếp nhận 2 triệu tấn gạo nếu cơ sở hạ tầng cải thiện và quy trình được cơ khí hóa, ông Rao nói.
    Gạo thường của Ấn Độ thường được bán sang các nước châu Phi và châu Á, trong khi gạo basmati thượng hạng bán cho thị trường Trung Đông, Mỹ và Anh.
    ———————————————————————————————————————————————————————–
    Các công ty xuất khẩu gạo cho biết thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam bắt đầu trầm lắng từ tháng 5-2021. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 8-2021, lượng gạo xuất khẩu đạt 440.000 tấn, đạt giá trị 210 triệu đô la.
    Tính chung tám tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỉ đô la, giảm 13,4% về lượng và 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
    Trong tám tháng qua, Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 36,4% tổng lượng xuất khẩu. Trung Quốc đứng thứ hai với 18%, Bờ Biển Ngà thứ ba với trên 7%. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ 970 cho biết: Tính đến hết tháng 8-2021, sản lượng lúa các tỉnh Nam bộ ước đạt 16,86 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến, sản lượng trong những tháng còn lại của năm nay sẽ đạt 8,78 triệu tấn. Với sản lượng trên, vùng đồng bằng còn thừa lại khoảng 3 triệu tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tổ công tác 970 thuộc Bộ NN&PTNT được thành lập nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và lưu thông nông sản tại phía Nam trong dịch Covid-19.
    ———————————————————————————————————————————————————————–
    Theo KTSG
    Gas South: 3 lưu ý khi sử dụng gas mà nhà nội trợ nên biết