Ăn vải để an toàn cho sức khỏe

    129
    Cần ăn vải đúng cách để không bị ngộ độc. Ảnh: TLVT
    Mùa vải đã đến, những ngày này nó là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng chọn lựa. Thế nhưng, không nhiều người biết rằng ăn vải không đúng cách lại có thể bị ngộ độc.
    Hàng trăm trẻ tử vong vì ăn vải
    Tháng 6.2019, tại Ấn Độ chỉ trong 3 tuần đã có gần 50 trẻ tử vong vì căn bệnh não do độc chất trong vải. Giới chức y tế bang Bihar gọi đây là hội chứng viêm não cấp. Thực tế là cả năm 2013 cũng có 351 ca tử vong vì viêm não ở bang Uttar Pradesh phía Bắc Ấn Độ, nhưng trong năm 2019 số ca tử vong tăng vọt trong vài tuần được cho là có sự tác động của thời tiết quá nóng. Sanjay Kumar, viên chức y tế cao cấp của bang này nhận định như thế.
    Giới y khoa cho rằng tình trạng hạ đường huyết trong máu là thủ phạm gây tử vong, nhưng họ cũng thừa nhận trái vải có phần trách nhiệm. Kumar nói: “Trong vải có một số độc chất, chúng tích tụ trong gan trẻ và khi nhiệt độ tăng cao độc chất sẽ tiết ra. Khi nhiệt độ giảm đi và có mưa, số ca tử vong sẽ không còn”. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Global Health vào năm 2017, một trong những yếu tố góp phần gây ra bệnh viêm não là ăn vải. Nghiên cứu ghi nhận ý kiến của các bậc cha mẹ ở thôn quê, con họ bỏ thời gian cả ngày ăn vải lúc đói bụng và khi về nhà chúng không còn thiết ăn bữa tối. Những trẻ mắc bệnh bỏ bữa tối gấp đôi trẻ bình thường, và có lẽ vì thế dẫn đến “chứng hạ đường huyết ban đêm”.
    Khảo sát trên cho thấy, khi đường trong máu giảm, cơ thể kích hoạt quá trình chuyển hóa acid béo thành đường. Tuy nhiên, khi xét nghiệm nước tiểu các trẻ bệnh, người ta lại phát hiện 2/3 độc chất có trong vải ở nồng độ cao. Nghiên cứu viết, “do tác động của độc chất mà sự tổng hợp đường bị xáo trộn, dẫn đến chứng đường huyết thấp nguy hiểm và viêm não”. Sau khảo sát này, “chứng viêm não trẻ em bí hiểm” khiến hàng trăm trẻ tử vong hàng năm tại Ấn Độ đã sáng tỏ.
    Ăn vải đúng cách
    TS-BS Nguyễn Thị Sơn, khoa Nội y học cổ truyền – Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết vải chỉ xuất hiện trong vài tháng hè nên nhiều người tranh thủ mua và muốn “ăn nhanh kẻo hết mùa”, dẫn tới việc tiêu thụ vải quá mức an toàn. Vì thế các nhà dinh dưỡng khuyên nên bổ sung trái cây đa dạng, tránh ăn nhiều và liên tục một loại nào đó. Đối với vải, chỉ nên ăn 1 – 2 bữa/tuần và tối đa 10 trái/lần.
    Theo BS Sơn, ăn vải nhiều dễ dẫn đến hiện tượng nóng trong người vì theo quan niệm y học cổ truyền vải có tính nhiệt. Ăn nhiều có thể bị các bệnh viêm nhiệt như ngứa ngáy, nổi mụn nhọt. Cũng nên lưu ý chứng say vải, là tình trạng hoa mắt chóng mặt do ăn vải quá nhiều, bản chất do quá trình hạ đường huyết đột ngột. Ngoài ra, ăn nhiều vải sẽ ảnh hưởng đến việc sản sinh tiểu cầu, thậm chí phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại biên.
    Để giảm thiểu các tác dụng phụ của việc ăn vải, chuyên gia khuyên nên ăn sau bữa ăn, tốt nhất vào lúc tráng miệng sau bữa ăn chính, khoảng 30 – 60  phút, tránh ăn quá gần khi bụng còn no. Cũng không nên ăn vải xanh vì chúng chứa hai hoạt chất gây giảm chức năng não bộ là hypoglycin A và MCPG.
    Theo bác sĩ Sơn, để giảm bớt tính nhiệt của thịt vải, nên ăn cả lớp màng trắng bọc bên ngoài. Phần này hơi chát nhưng giúp cân bằng vị ngọt và lượng đường đưa vào cơ thể. Cũng nên ngâm vải đã bóc vỏ trong nước muối trước khi dùng, điều này giúp bảo quản vải và loại bỏ các loại nấm gây độc, nổi mề đay, ngứa ngáy.
    Chuyên gia còn khuyên người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ bị xuất huyết khi mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi hạn chế ăn vải. Khi cho trẻ 2 tuổi trở lên ăn vải, phụ huynh nên loại bỏ hạt và điều chỉnh lượng phù hợp để trẻ không bị ngộ độc.
    Vô Thường (Theo TGHN)
    Khai trương “Siêu thị 0 đồng” phục vụ đồng bào khó khăn do đại dịch