Apple và Foxconn đóng cửa nhà máy iPhone tại Ấn Độ do ngộ độc thực phẩm

102
Trụ sở chính của hãng thầu Foxconn tại thành phố Tân Bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters

Nhà máy lắp ráp iPhone ở miền Nam Ấn Độ được đặt vào chế độ “thử thách” sau khi Apple và Foxconn phát hiện ký túc xá và nhà ăn dành cho nhân viên đã không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.

Apple không nói rõ việc bị quản chế hay thứ thách này có ý nghĩa như thế nào. Nhưng năm ngoái, một nhà thầu khác của Apple là Wistron Corp đã bị “thử thách” sau khi để xảy ra tình trạng bất ổn ở Ấn Độ. Apple đã không trao cho Wistron thêm các đơn hàng mới cho đến khi nhà thầu cải thiện cách đối xử với nhân viên.

Đầu tháng 12, hơn 250 phụ nữ làm việc tại nhà máy Foxconn ở thị trấn Sriperumbudur, gần thành phố Chennai đã bị ngộ độc thực phẩm. Trong số này, theo Reuters, có 150 người nhập viện. Cuộc biểu tình của công nhân nhà máy đã bùng nổ ngay sau đó.

Nhà máy này sử dụng khoảng 17.000 công nhân đã đóng cửa vào ngày 18-12. Apple và Foxconn không cho biết khi nào sẽ mở cửa lại nhà máy.

Nhà máy lắp ráp iPhone do Foxconn quản lý gần thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ đã đóng cửa hôm 18-12. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của Foxconn – hãng thầu lớn nhất của “nhà táo” – hôm 29-12 cho biết họ đang cơ cấu lại đội ngũ quản lý địa phương, thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để cải thiện điều kiện sinh hoạt của công nhân. Tất cả nhân viên sẽ tiếp tục được trả lương trong khi Apple và Foxconn thực hiện các sửa đổi.

Người phát ngôn của Apple cũng cho biết họ đã cử các kiểm toán viên độc lập để đánh giá điều kiện tại các ký túc xá “sau những lo ngại gần đây về an toàn thực phẩm và điều kiện chỗ ở tại Foxconn Sriperumbudur.”

Đầu tuần này, hãng thầu Foxconn của Đài Loan cũng như 11 nhà thầu địa phương, bao gồm cả những người cung cấp thực phẩm và cơ sở sinh hoạt, đã được triệu tập để họp với chính quyền bang. Reuters nói các quan chức đã yêu cầu Foxconn xem xét các dịch vụ cung cấp cho người lao động, bao gồm nguồn điện dự phòng tại ký túc xá, thức ăn và nước uống.

Các nhà phân tích cho biết, việc đóng cửa nhà máy Sriperumbrudur – nơi sản xuất các mẫu iPhone 12 và đang sản xuất thử nghiệm iPhone 13 – dự kiến sẽ có tác động rất ít. Nhưng nhà máy này có ý nghĩa chiến lược trong dài hạn khi Apple cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc khi các đối đầu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang căng thẳng.

Trước đó, tháng 8-2020, Apple cũng từng hoãn kế hoạch hoạt động tại khu công nghiệp Vân Trung ở tỉnh Bắc Giang (Việt Nam) sau khi phát hiện nhà máy do hãng thầu Luxshare của Trung Quốc quản lý không đáp ứng các tiêu chuẩn, trong đó có ký túc xá cho công nhân. Chỉ sau Luxshare đáp ứng các tiêu chuẩn, nhà máy mới hoạt động.

Ricky Hồ

Thị trường tiệc cưới ở Ấn Độ hồi sinh dịp cuối năm