Bà Carolyn Turk: Càng chần chừ, chi phí càng cao

103
Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, vùng ĐBSCL đã đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy hướng tới mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi lớn hơn cùng với nhiễm mặn đã được coi là bình thường mới của ĐBSCL. Vùng ĐBSCL đã bắt đầu có chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng – từ quy mô nông hộ nhỏ và quan điểm của tỉnh sang liên tỉnh và toàn vùng đồng bằng; từ quan điểm ngành ngắn hạn sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tổng hợp. Nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL và chương trình tổng thể chuyển đổi nông nghiệp vùng.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) trình bày: Chuyển từ lập kế hoạch sang thực hiện, tôi cũng lo ngại hai thách thức to lớn đang phải đối mặt: 1/Khoảng cách về chính sách và thể chế, đặc biệt là khi liên quan đến phối hợp hành động ở cấp vùng; 2/Thiếu các giải pháp tổng hợp và sáng tạo cho thách thức phức tạp về nhân khẩu học, kinh tế xã hội, không gian và biến đổi khí hậu, chẳng hạn như dân số già hóa, thu nhập bình quân đầu người thấp từ một số loại cây nông nghiệp như lúa-đòi hỏi chuyển đổi nông nghiệp ở quy mô lớn và sinh kế bền vững. Cần phải quản lý nguồn tài nguyên nước tổng hợp hơn dựa trên lưu vực và phân tích thủy văn đầy đủ, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ bờ biển và bờ sông và sụt lún đất. Cũng cần phải phối hợp trong lĩnh vực tài chính bền vững, kêu gọi sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và tối đa hóa đòn bẫy.
Càng chần chừ lâu chi phí sẽ càng cao. Kinh nghiệm cho thấy chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược và tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại”.
Ngành nông nghiệp dù đạt rất nhiều thành tựu vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Do đó, đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn.
Việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu giúp nông dân duy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 – 10%, đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20 – 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng khoảng 25%.
Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%. Những số liệu trên được chứng minh qua dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam” (VnSAT) do WB tài trợ thực hiện trên hơn 184.000 ha lúa canh tác trên cả nước. Bên cạnh đó, các thí điểm tại đồng ruộng vùng ĐBSCL cho thấy việc sử dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) – cảm biến trong tưới nước đã giúp nông dân tối ưu lượng nước, giảm tới 42% so với phương pháp ngập ruộng lúa thủ công. Đặc biệt hệ thống thủy lợi thông minh này có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính lên đến 60 – 70% so với hệ thống tưới thủ công. Hiện nay, WB đã đồng ý tham gia một dự án mới ở ĐBSCL nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước, xây dựng sinh kế nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
VCCI Cần Thơ thực hiện khảo sát với 113 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nông nghiệp chịu tác động lớn của hạn mặn trong hai mùa khô 2018 – 2019. Kết quả cho thấy: Khoảng 90% doanh nghiệp có quan tâm vấn đề tác động của biến đổi khí hậu và hạn mặn, gần 23% cho rằng tác động rất nghiêm trọng. 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tác động đến vùng nguyên liệu/vùng sản xuất; 34% tác động đến đối tác cung ứng và 32% cho biết sẽ ảnh hưởng đến nhà máy, xưởng sản xuất.
“Liên quan đến tài nguyên nước, nếu Việt Nam không hành động và có những can thiệp, thì dự báo đến năm 2035, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên đến 6% GDP của Việt Nam. Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL, thì con số đó sẽ vượt 6%”, ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL dự báo.
Tại diễn đàn “Tác động của hạn, mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long – các giải pháp thích ứng” do VCCI tổ chức ngày 21/10, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ – cho rằng bên cạnh những doanh nghiệp tiên phong, vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ do trình độ và hiểu biết hạn chế… Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế hiện nay còn khá rời rạc.
Cũng theo ông Phương Lam, năm 2021, VCCI Cần Thơ cùng Quỹ châu Á thực hiện sáng kiến thành lập Mạng lưới Doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới doanh nghiệp đầu tiên của cả nước này ra mắt hồi tháng 5.2022, với 41 thành viên, gồm đại diện các cơ quan nhà nước, Viện trường và doanh nghiệp tiên phong của vùng để trao đổi hợp tác về các nội dung, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, là bước đi đầu tiên và cụ thể để triển khai các hoạt động liên quan biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế. (Hiệp Bích)
Ngọc Bích