Ba tiền một khứa cá buôi – Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già!

457
Thật buồn cho bạn nếu không còn phải mua cá buôi. Vì rằng ca dao có nói đến lòng hiếu thảo của người mua cá buôi: “Ba tiền một khứa cá buôi/ Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già”.
Cá buôi tự nhiên ngày xưa chắc là cao giá. Cũng có thể do thu nhập của người con thấp hơn mặt bằng giá tiền con cá.
Cá buôi thuộc dòng cá đối. Loại cá này ngọt thịt và được cho là thịt ‘hiền’, nên nấu cho người già ăn là đúng bài. Đây là loại cá đối đầu bằng (flathead grey mullet), thay vì đầu nhọn như cá đối lá. ‘Đầu bằng’ ở đây không ứng với thành ngữ ‘cá đối bằng đầu’. Vâng, thật buồn cho những ai không còn được mua cá buôi nuôi mẹ già…
Những ngày mưa tháng 6, lại sắp đến ngày của cha 21/6, mấy anh em ngồi hát Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ viết theo tứ từ một bài viết của Thích Nhất Hạnh: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn mẹ/ Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rồi đến bài Mẹ tôi của Trần Tiến: “Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/ Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa/ Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo/ Ngoài kia, mùa đông cây bàng lá đổ…”
Trong dòng nhớ ấy, dù không khoái Thích Nhất Hạnh, nhưng tôi vẫn thích nhất câu khẳng định của ông trong bài viết Bông hồng cài áo, ‘ngược’ với triết lý Phật giáo: “Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ…”
Trong dòng nhớ ấy, tôi bị ám ảnh bởi câu ca dao “Ba tiền một khứa cá buôi/ Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già”. Và tôi nhớ má. Tôi đã lớn lên, đầu tiên mắc bịnh ho gà, rồi sau đó là hen suyễn. Đó là căn bịnh kinh niên. Bao nhiêu đêm tôi mất ngủ vì phổi thiếu ô xy do khí quản co thắt lại, không thể nằm vì phổi trải ra, phải ngồi úp mặt trên bàn để dễ thở hơn một chút. Bấy nhiêu đêm má tôi ngồi bên cạnh vuốt ngực cho con. Bao nhiêu lần tôi phải đi cấp cứu để thở ô xy, vào cái thời mà thuốc men chỉ có atropin để chống co thắt, penicillin và streptomycin để chống nhiễm trùng. Bấy nhiêu lần mẹ tôi ngồi thất thểu ở bên giường, không ngớt lần chuỗi hạt, nhẩm kinh nguyện cầu cho con.
Ngày tôi đi thi, má chỉ dành dụm được số tiền ít ỏi 5.000 đồng, tương đương với hai cây Capstan. Số tiền chắt chiu từ những rổ trầu không. Mỗi sáng anh em tôi phải gánh hàng trăm đôi nước từ ao sau nhà lên tưới vườn trầu ấy. Má có vẻ áy náy với số tiền, dặn nhỏ tôi, “mở tủ ba con lấy thêm vài chai rượu, vào Nha Trang bán để tiêu thêm”. Nhà tôi cách Nha Trang 60 cây số về phía bắc. Bọn ‘thứ ba học trò’ đã uống sạch sành sanh mấy chai rượu trước và sau kỳ thi.
Cá đối buôi ở nước lợ Cần Giờ nổ muối hột là món ăn ngon khó kiếm do cá đã hiếm, chế biến lại công phu.
Nói về “cái lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” như trong bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, một facebooker viết sự hy sanh của một loài cá: “Cá hồi chó sống ở vùng nước sâu trong đại dương bao la. Cá hồi chó sau khi đẻ trứng sẽ đợi ở một bên, trứng sau khi nở thành cá con vẫn chưa thể tự kiếm ăn, chỉ có thể dựa vào thịt của mẹ để lớn. Cá mẹ nhịn đau đớn không hề kêu ca. Khi cá con lớn lên, cá mẹ chỉ còn lại một đống xương, đó là minh chứng đắt giá nhất cho tình mẹ vĩ đại trên thế giới này. Cá hồi chó là con cá tượng trưng cho tình mẹ”.
Tôi không dám nói ra nói vô gì về cái tình chí tình ấy. Chỉ là có lần tôi đã viết bài về loài cá hồi. Đó là loài cá hành giả. Suốt đời chúng bơi trong đại dương cho đến lúc quy cố hương nơi chúng từng sinh ra ở những cửa sông, tính có đến hơn 3.000 cây số. Chuyển từ tình trạng áp mạnh của nước mặn đại dương sang tình trạng áp yếu của nước sông, đã là một sự thay đổi đòi hỏi nhiều tinh lực. Cơ chế hô hấp hoàn toàn khác nhau. Có những loài còn đi rất xa vào những vũng vịnh của sông. Đã vậy những con cá hồi cha và cá hồi mẹ còn phải dồn tinh lực lần cuối cùng để truyền chủng.
Cá hồi mà ông facebooker nọ (nghe đâu là một ông cha nhà thờ) ca tụng đó là chum salmon, một loài cá hồi Thái Bình Dương. Biệt danh cá hồi chó của chúng có nhiều thuyết: có thể do chúng bị bắt ở sông trước khi đẻ, thịt đã không còn săn chắc, nên thường được dùng cho chó kéo xe ăn; có thể do chúng có chiếc răng giống răng nanh của chó, v.v.
Cá hồi chó khi vào sông đến vũng vịnh có nhiều sỏi, cá hồi chó cái làm ổ và đẻ chừng 3.000 – 4.000 trứng vào đó, cá hồi chó đực xịt tinh hoàn phủ lên trứng. Rồi cá hồi chó cái sửa sang ổ sỏi để bảo vệ trứng. Đẻ cỡ đó, mẹ Âu Cơ, to con gấp 20 lần còn phải lấy nón, nói gì cá mẹ! Sức cùng lực tận cá hồi chó mẹ không lâu sau đó qua đời. Trong khi đó trứng của nó nở ra chỉ ăn phiêu sinh chớ làm sao ăn thịt mẹ? Lúc đó thịt mẹ, nếu không bị thú sát tinh thịt khi sình nổi vật vờ, thì nói theo Bùi Giáng cũng đã ‘rã riêng’ (1).
Có lần tôi đã kể về cái ngon của con cá đối buôi ở Cần Giờ trong bài Cá đối nổ muối hột Cần Giờ đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 2012. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy con cá đối đầu bằng này bán ở vựa cá Hai Lữ trên đường Vĩnh Khánh, nhưng sợ ươn, không mua.
Cá buôi còn gọi là cá đối mục (tên khoa học là mugil cephalus), đã bắt đầu nuôi được từ vài năm nay ở Việt Nam, mặc dầu thế giới nuôi lâu đời hơn. Nhưng vòng đời con cá buôi ngoài tự nhiên dài từ 11 – 16 năm, so với con cá buôi nuôi trong vòng một năm, con trước phải ngon thịt hơn nhiều.
Nên mới thấy cái dụng tâm của người con khi vét túi ra ba tiền mua khứa cá buôi để nuôi mẹ già.

Ngữ Yên
————–
(1) Bùi Giáng, Bờ lúa, khổ thứ 3: Mười năm sau xuống ruộng/ Đếm lại lúa bờ liền/ Máu trong mình mòn ruỗng/ Xương trong mình rã riêng.