Bài học về tình thương dành cho cha mẹ

    165
    Vòng tay ôm của cha mẹ thầy cô chính là tình thương dành cho đứa trẻ và cho chính cả người lớn.
    Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, không cha mẹ nào không có lần muốn đánh con, thậm chí một học sinh lớp 12 đã 18 tuổi vẫn bị cha bợp tai như thường, đó là chuyện thường thấy ở gia đình người Việt hôm qua, hôm nay và liệu có cả ngày mai?
    Nhưng làm thế nào để cha mẹ có thể “được giáo dục” để kiềm chế cảm xúc, không trút nỗi giận dữ lên con mình bằng bạo lực (đánh hoặc chì chiết, mắng nhiếc, chửi thề tục tĩu)? Đó là một câu hỏi không dễ dàng trả lời trong bài viết này.
    Về điều này, trong một bài viết của mình, TS Lê Nguyên Phương đã nêu: “Ở bình diện tâm lý, trẻ em cũng học cách nhận diện và điều tiết cảm xúc để từ đó có thể tự trấn an, xoa dịu những cảm xúc đau đớn của chính mình khi được sự đáp ứng về cảm xúc từ phía cha mẹ. Nhưng khi được nuôi dạy bởi những phụ huynh không hiểu được biến chuyển tâm lý của trẻ và không biết tự kiểm soát những cảm xúc cá nhân, trẻ lớn lên không phát triển được trí thông minh cảm xúc [Emotional Quotient], khả năng nhận biết, xử lý và tương tác hiệu quả với cảm xúc của mình và của người. Những lời mắng chửi và nguyền rủa liên tiếp không chỉ tạo cho trẻ một cảm xúc căng thẳng cao độ mà còn khiến trẻ bị chồng chất những cảm xúc lẫn lộn của sợ hãi, nhục nhã, tổn thương, đau đớn, tức giận…”.
    “Vậy làm sao để cha mẹ nhận ra hay ý thức về sự giận dữ của mình nhằm giảm thiểu việc trút những cảm xúc này lên trẻ?”, tôi hỏi.
    Ông nói: “Như một bà mẹ quê, khi tỉnh trí, hãy dang tay ôm con vào lòng, để đứa con sà vào lòng mong được âu yếm. Chính tình thương đó sẽ xoa dịu và làm lành sự tổn thương. Làm thế nào để bằng mọi cách, chúng ta quay trở về bản tính từ bi yêu thương của con người hết sức giản dị? Trong các buổi tư vấn tâm lý, tất cả tư duy của tôi đều quanh cái trục này. Đó là hành trình trở về với đứa trẻ trong bản năng tự nhiên của chúng ta. Là hình ảnh của thiền sư thõng tay vào chợ, không làm hại ai và cũng không làm hại mình, không vướng vào đâu và tất cả chỉ là dòng nước nhẹ nhàng trôi qua”.
    Hầu hết các cha mẹ Việt đều có ký ức về sự giận dữ và bạo hành của cha mẹ với tuổi thơ của mình, đó thậm chí được coi là “truyền thống” kiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhiều nhà giáo hiện nay vẫn cho rằng “phải đánh” thì mới “dạy trẻ” được. Có lẽ họ đã không tiếp nhận được sự thay đổi của xã hội và các thế hệ hiện tại đã gần như không còn có thể dung nạp được sự bảo thủ. Thế giới thực của chúng là thế giới lạnh lùng, bạo lực và luôn mất kiểm soát, trong khi thế giới ảo trên mạng là thế giới mà chúng được xem như “người điều khiển”, người tham gia, dự phần và thậm chí được chọn lựa yêu rất nhiều thứ bằng cách chiếm đoạt mà thế giới thực chúng không thể có được. Vì vậy, vai trò của cha mẹ hiện tại phải là định hình lại thế giới thực tại, kéo chúng ra khỏi thế giới ảo bằng cách cho chúng thấy rằng, chính thực tại hiện tồn mới là bản thể của con người, còn thế giới ảo chỉ là để thỏa mãn bản năng, cái tôi có phần “thú tính” khi yêu cũng chỉ để chiếm đoạt, sở hữu chứ không phải sẻ chia. Muốn vậy, không gì bằng tình yêu thương, sự ân cần, chăm sóc vốn là thiên chức của người làm cha mẹ.
    Trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 hoành hành hiện nay, những đứa trẻ sống ở đô thị cũng sẽ tiềm ẩn những ẩn ức rất lớn nếu trong một mái nhà luôn có sự xung đột giữa cha mẹ và con cái vì rơi chung vào một hoàn cảnh: bị giam hãm. Vậy làm thế nào để giải tỏa căng thẳng và học cách giảm những xung năng bên trong chúng ta khi chúng trỗi dậy ham muốn giải tỏa bằng sự giận dữ? – Đơn giản, hãy đóng cửa phòng la hét với mình một hồi, sau đó đi ra rửa mặt, nhìn vào gương và tự cho mình một nụ cười, đó chính là nụ cười tự yêu thương bản thân mà giải phóng cho tất cả.
    Đừng tưởng tôi nói chuyện chơi, các bậc cha mẹ, hãy thử!
    Thái Thảo (Theo TGHN)
    Phương tiện và đời người