Bài thơ Đường cổ trị giá 16 tỷ USD báo trước sóng gió của kinh tế Internet Trung Quốc?

815
Dịch vụ giao đồ ăn Meituan. Ảnh: Financial Times
Tiêu điểm:

Bài thơ Đường cổ trị giá 16 tỷ USD báo trước sóng gió của kinh tế Internet Trung Quốc?

Giá cổ phiếu của ứng dụng giao đồ ăn Meituan giảm gần 10% trong ngày 10/5, sau khi CEO Vương Hưng đăng lại bài thơ cổ trên trang cá nhân ngày hôm trước. Giá trị của startup này bị bốc hơi hết 16 tỷ USD bởi các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của Meituan. Họ đã diễn dịch rằng đây là lời chỉ trích mới nhắm vào giới lãnh đạo Trung Quốc sau sự kiện của tỷ phú Jack Ma vào tháng 10 năm ngoái.
Meituan hiện đang bị chính phủ Trung Quốc điều tra về chống độc quyền vì đã “lạm dụng sự thống lĩnh thị trường để chèn ép các đối thủ” sau án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD của chính phủ với Alibaba với các cáo buộc tương tự.
Người dùng mạng xã hội Weibo đã so sánh bài thơ Đường đăng trên trang của ông Vương Hưng giống như bài phát biểu chỉ trích hệ thống ngân hàng nhà nước ở Trung Quốc “hoạt động không khác gì tiệm cầm đồ” của tỷ phú Jack Ma hồi tháng 10 năm ngoái. Những lời nói có gai của ông trùm Jack Ma đã khiến Bắc Kinh hủy bỏ vào giờ chót vụ niêm yết lần đầu (IPO) trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn tài chính Ant – hãng con của Alibaba.
“Đầu tiên là bài phát biểu của Mã Vân (tức Jack Ma), giờ đây Vương Hương đăng lại bài thơ Đường, chỉ một đoạn thôi nhưng trái tim mọi người tan vỡ”, một tài khoản Weibo viết. Các bài đăng tương tự trên mạng xã hội dường như đã bị kiểm duyệt – theo ghi nhận của Nikkei Asia và Reuters.
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc gia tăng, buộc “tái cấu trúc” các đại tập đoàn công nghệ vốn được ca tụng trước đây, cư dân mạng và các nhà đầu tư nhanh chóng đã so sánh về thời đại mới với những ngày lịch sử sơ khai đầy máu và oan khuất của vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên – Tần Thủy Hoàng.
Bài thơ của Trương Chi được viết vào thời Đường (năm 618 – 907 sau Công nguyên). Chỉ trong 28 chữ, nhà thơ đã phê phán gay gắt chuyện đốt sách để kiểm soát, cấm đoán tư tưởng, và rồi triều đại của Tần Thủy Hoàng bị nông dân, không đọc sách – tức Lưu Bang và Hạng Võ, chứ không phải giới sĩ phu lật đổ.
CEO Vương Hưng đăng bài thơ cổ giữa lúc chính quyền và truyền thông Trung Quốc đang rốt ráo thực hiện các cuộc điều tra với Meituan. Tuần trước, truyền hình nhà nước đã đăng phóng sự một quan chức đã giả làm tài xế giao hàng cho Meituan, và vị này chỉ kiếm được 41 nhân dân tệ, gần 150.000 đồng cho một ca làm việc 12 tiếng.
Một vài nhà phân tích đã nói rằng bài thơ Đường đăng lại đã làm nhà đầu tư thêm lo lắng về đợt điều tra, uốn nắn của nhà nước đối với các đại công ty công nghệ. “Niềm tin của nhà đầu tư còn rất ít. Và nếu có những sự kiện chưa từng có diễn ra, nhà đầu tư thường đón nhận với thái độ tiêu cực”, một nhà phân tích nói.
Vương Hưng đã xóa bài thơ cổ và đưa ra lý giải khác. Ông nói ông đang đề cập đến chuyện cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử và “những thành tố chống đối nguy hiểm thường là những gì bạn không chờ đợi”.
Nhưng dường như đây là lời báo trước những sóng gió mới của nền kinh tế Internet Trung Quốc vốn đang bị chính phủ Trung Quốc dần siết chặt.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 55,98 – 56,33 triệu đồng/lượng, tiếp tục tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra hiện đang ở mức 350.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.836,8 USD/ounce, tăng 6,1 USD/ounce, tương đương 0,33% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Trong báo cáo vừa công bố, Virac đánh giá, thời trang Việt vẫn còn xa lạ với bản đồ thế giới hoặc kể cả trong khu vực dù Việt Nam nằm trong top đầu xuất khẩu hàng dệt may. Các sản phẩm dệt may xuất khẩu vẫn nặng về gia công, xuất khẩu dưới tên các thương hiệu nước ngoài. Theo dữ liệu của Euromonitor, ba doanh nghiệp trong top 10 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất tại Việt Nam đều do nước ngoài sở hữu. Tại thị trường nội địa, ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam và chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo… Khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài có cửa hàng chính thức tại Việt Nam, phủ sóng từ phân khúc hàng bình dân tới cao cấp.
3/ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến là 15,5 triệu tấn, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, đứng thứ ba là Thái Lan. Năm ngoái, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo với 6,15 triệu tấn, xếp sau là Thái Lan khoảng 5,3 triệu tấn. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm nay Cơ quan này tính toán, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao.
4/ Báo cáo “Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?” do HSBC vừa công bố cho biết, nợ hộ gia đình ở Việt Nam đang là một “mối quan tâm lớn” vì có khả năng chịu tác động xấu, đặc biệt khi thị trường lao động gặp ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, đang có sự gia tăng rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đi cùng với tình hình nợ hộ gia đình tăng cao. Nếu như năm 2013, vay hộ gia đình chỉ chiếm 28% tổng cho vay, thì năm 2020, tỷ lệ này đã đạt 46%. Điều này đồng nghĩa, nợ hộ gia đình đã tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng giai đoạn. Tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020, nhưng vẫn thuộc mức độ cao. Tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập năm 2013 lên hơn 100% năm 2020.
5/ Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2021, cả nước có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, bao gồm: Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện. Xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song với nhiều giải pháp về sản xuất và thị trường nên 4 tháng vừa qua đã phục hồi tốt. Sự đóng góp tích cực của các mặt hàng chủ lực đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
6/ Tại Lễ tôn vinh Giải thưởng chất lượng Quốc gia 2020, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Vietcoco) đã nhận “Giải Vàng chất lượng Quốc gia năm 2020”. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích ấn tượng về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; có đóng góp nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam… Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất, từ những quả dừa tươi, tự nhiên. Trong thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định tự do thương mại như EVFTA, Vietcoco sẽ đẩy mạnh hơn nữa để phát triển giá trị thương hiệu dừa Việt Nam.
7/ Do mảng kinh doanh lữ hành gặp khó khăn lớn vì Covid-19, Vietravel sẽ tái cấu trúc theo mô hình holdings (tập đoàn), tách Vietravel Airlines không còn thuộc sở hữu trực tiếp của Vietravel. Theo đó, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 25/5 tới đây, HĐQT Vietravel sẽ trình cổ đông thông qua chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại Vietravel Airlines. Được biết, doanh thu của Vietravel sụt giảm hơn 73% trong năm 2020, ghi nhận lỗ 90 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, hãng đã phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh để cắt giảm chi phí. Việc mảng lữ hành của Vietravel chưa phục hồi như dự kiến đã dẫn đến kết quả kinh doanh của công ty mẹ thấp và không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ Vietravel Airlines.
8/ Tỷ lệ tài sản được định giá bằng USD trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống còn 59%, thấp nhất 25 năm. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là việc nhiều nước như Trung Quốc và Nga đẩy mạnh đa dạng dự trữ bởi lo lắng về triển vọng của USD. Dữ liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, USD có thể đang mất dần đi sức hấp dẫn trong vai trò đồng tiền dự trữ. Khi Covid-19 đang khiến cho thâm hụt tại Mỹ tăng cao, tạo ra tâm lý hoài nghi về giá trị lâu dài của USD, giới chức trên toàn thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các loại tài sản thay thế cũng như các tài sản phi tiền tệ kiểu như vàng. Bộ Tài chính Mỹ công bố cuối năm 2020, Trung Quốc nắm 1.070 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, giảm gần 20% so với mức đỉnh cách đây 7 năm.
9/ Theo VASEP, tôm tự nhiên của Mexico đã bị Mỹ cấm nhập khẩu vì không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rùa biển trong quá trình khai thác tôm. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo trong Cục Đăng kiểm Liên bang về việc đình chỉ nhập khẩu tôm tự nhiên của Mexico vào nước này vì những nỗ lực bảo vệ rùa biển của Mexico “không tương đương với Mỹ”. Mexico hiện chỉ có thể xuất khẩu tôm nuôi vào Mỹ. Được biết, năm ngoái Mỹ cũng đã có động thái tương tự với tôm tự nhiên của Trung Quốc và Venezuela. Theo hãng tin AP, các quan chức Mexico cho biết họ có yêu cầu ngư dân của nước này đặt thiết bị loại trừ rùa biển vào lưới, nhưng trước động thái của Mỹ, nước này sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung và có huấn luyện thêm cho ngư dân.
10/ Sau nhiều năm quen với lạm phát thấp, người Mỹ đang bắt đầu phải trả tiền nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ khi nền kinh tế phục hồi. Theo NielsenIQ, giá các mặt hàng tiêu dùng từ thịt chế biến đến nước rửa chén đã tăng hai con số so với một năm trước. Được biết, chi phí đang tăng lên ở từng khâu trong quá trình sản xuất nhiều hàng hóa. Giá dầu, cây trồng và các mặt hàng khác đã tăng vọt trong năm nay. Các công ty vận tải hàng hóa đang phải trả lương cao hơn cho tài xế vì khó tuyển người. Do đó, các công ty đang tính phí nhiều hơn đối với thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm giấy bạc và cốc dùng một lần. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 2,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 8/2018.
Ricky Hồ – Lê Hiếu / BSA
Khô ráo toàn thân với Áo mưa Sơn Thủy