Bali khẳng định mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 14-10 tới

222
Ảnh minh họa: Internet
Tiêu điểm:

Bali khẳng định mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 14-10 tới

Sân bay quốc tế Ngurah Rai sẽ cửa đón khách từ New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 14-10 sắp tới. Khách phải tự trả tiền cách ly bắt buộc trong 8 ngày tại khách sạn.
Các kế hoạch mở cửa của Bali đã dời nhiều lần, từ tháng 3-2021 đến nay do số ca nhiễm ở Indonesia và hòn đảo này liên tục tăng cao. Tuy nhiên, dịch đạt đỉnh vào giữa tháng 7 vừa rồi và số ca nhiễm cũng như tử vong giảm dần sau đó. Chính quyền Bali bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ ngày 13-9 vừa rồi.
Danh sách du khách các nước khác sẽ được công bố sau. “Chúng tôi tiếp nhận du khách với các điều kiện như quốc gia đó đã kiểm soát được dịch, các yêu cầu xét nghiệm đều đạt các chuẩn mà cả hai bên đều chấp nhận”, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno phát biểu.
Ông bộ trưởng kỳ vọng rằng doanh nhân cũng như người nước ngoài từng sinh sống tại Bali sẽ sớm quay lại, và cả những du khách mới.
Du lịch chiếm chỉ 5,7% GDP nền kinh tế Indonesia, thấp hơn con số 20% của nước láng giềng Thái Lan. Tuy nhiên, Bali có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào du lịch, tương tự như Thái Lan. Năm ngoái, GDP của hòn đảo giảm 9,3%, chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid trong 34 tỉnh thành của Indonesia.
Tuy nhiên, Bali cũng đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào du lịch. Đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã khuyến khích các bộ, cơ quan trung ương và các hãng công nghệ lớn của đất nước chuyển bớt nhân viên đến làm việc tại hòn đảo này. Cho đến nay, đã có trên 8.000 viên chức chính phủ trung ương làm việc trực tuyến từ hòn đảo này.
Bali đang được nhiều tạp chí công nghệ mệnh danh là “thủ đô công nghệ ở Đông Nam Á”, xếp trên Phuket và Chiang Mai của Thái Lan, khi số dân du mục số (digital nomad) kéo về đông. Những người này ở Bali nhưng làm việc cho các công ty khắp thế giới.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,75 – 57,45 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.763,9 USD/ounce, tăng 2,9 USD, tương đương 0,16% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Những tác động kinh tế của công nghệ mạng 5G
3/ Đàn heo nái chất lượng cao 1.250 con do Tập đoàn De Heus cùng Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ đối tác Topigs Norsvin, được vận chuyển bằng máy bay riêng từ Canada về Việt Nam, đã hạ cánh an toàn tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, lô heo giống này bà sẽ được chuyển thẳng về Tổ hợp Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk và 25 con heo đực sẽ được vận chuyển về Trung tâm Tinh heo giống Gencen tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Được biết, thời gian qua, trước tình hình ngành chăn nuôi heo trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh tả heo Châu Phi (ASF) suốt một thời gian dài thì cùng với công tác phòng ngừa dịch bệnh, nhu cầu tái đàn heo hiệu quả trở nên vô cùng cấp thiết.
4/ Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ước tính trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 483,2 tỷ USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, , tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%, còn tổng trị giá nhập khẩu đạt khoảng 242,65 tỷ USD, tăng 30,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt trong 9 tháng qua là 2,13 tỷ USD. Về kim ngạch xuất khẩu, hầu hết trị giá xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực đều tăng. Theo thống kê, gỗ và sản phẩm gỗ có tổng kim ngạch xuất khẩu mức cao nhất với tổng trị giá 11,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Về các mặt hàng nhập khẩu được nhập về, chủ yếu đều là nguyên liệu sản xuất và vẫn tăng mạnh dù dịch Covid-19.
5/ Theo báo cáo mới của iPrice, trong top 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Trong khi đó, có đến 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập. Theo đó, chưa đến 20% top mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử là hàng Việt Nam. Con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021, với tỷ lệ hàng Việt trong top 1.200 bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Theo iPrice, điểm sáng duy nhất là việc hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa, vốn là ngành hàng “hot” trong mùa dịch. Được biết, nông sản đặc sản, bách hóa trên sàn thương mại điện tử đã và đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nước nhà.
6/ Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 11,14 tỷ USD, tăng 30,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 832 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất siêu của ngành này trong 9 tháng năm 2021 đạt gần 9,7 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Theo đó, bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nhóm hàng này sang Mỹ 8 tháng đầu năm 2021 đã thu về 6,4 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2020.
7/ Sáng ngày 5/10, 3 trang mạng xã hội là Facebook, Instagram và WhatsApp đã kết nối lại được một phần sau gần 6 giờ gặp sự cố diện rộng khiến hoạt động của các nền tảng này bị tê liệt. Theo trang Downdetector chuyên giám sát các sự cố Internet, đây là sự cố lớn nhất từng xảy ra với Facebook, Instagram và WhatsApp. Theo ước tính từ công ty đo lường quảng cáo Standard Media Index, Facebook, với vị thế là nền tảng quảng cáo kỹ thuật số lớn thứ hai trên thế giới, đã bị mất khoảng 545.000 USD doanh thu quảng cáo mỗi giờ trong thời gian gặp sự cố. Các chuyên gia bảo mật cho biết đây có thể là một sự cố xảy ra do sai lầm nội bộ. Được biết, đội ngũ kỹ thuật của Facebook đã đăng tweet xin lỗi khách khi họ phục hồi được một số chức năng.
8/ Theo Economic Times, có tới 35 công ty tại Ấn Độ đang có kế hoạch huy động tổng cộng 800 tỷ rupee (10,76 tỷ USD) trong quý III của tài khóa hiện tại (từ tháng 10-12/2021), nếu thị trường vẫn ổn định. Theo đó, đây sẽ là mức vốn huy động cao kỷ lục mới, vượt mức kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2017 là 671 tỷ rupee. Được biết, khoảng 14 công ty đã được cơ quan quản lý thị trường vốn – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI), cấp phép để huy động khoảng 220 tỷ rupee, trong khi 64 công ty khác đã nộp các bản cáo bạch dự thảo về IPO. Đáng chú ý, công ty thanh toán kỹ thuật số Paytm của Ấn Độ, với sự hỗ trợ của Ant Group (Trung Quốc) và SoftBank (Nhật Bản), hiện đang chờ phê duyệt một đợt IPO trị giá 166 tỷ rupee (2,2 tỷ USD), có thể sẽ là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ.
Paytm có kế hoạch huy động từ 40-166 tỷ rupee trong các đợt IPO sắp tới. Ảnh: AFP
9/ “Quả bom nợ” Evergrande chưa gỡ ngòi thì Trung Quốc lại đối diện với các nguy cơ mới sắp bùng nổ. Theo CNBC, các tổ chức đánh giá tín nhiệm đã hạ điểm tín nhiệm của Fantasia Holdings và Sinic Holdings trên cơ sở dòng tiền của những doanh nghiệp địa ốc này bị thắt lại. Trong niêm yết thông tin tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Fantasia cho biết công ty không thanh toán được một lô trái phiếu đáo hạn ngày 4-10. Công ty đề nghị ngừng giao dịch cổ phiếu từ ngày 9-10 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu Fantasia đã giảm gần 60%.
Tuy nhiên, nếu Fantasia vỡ nợ thì ảnh hưởng của nó sẽ vẫn nhỏ hơn so với “quả bom khủng” Evergrande.
10/ Châu Á bội thu các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trong quí 3, ngay cả trong bối cảnh Hồng Kông khá yên ắng bởi các công ty hoãn kế hoạch niêm yết ở đây do các đợt chấn chỉnh tại Trung Quốc. Nhờ vào các thương vụ “bom tấn” ở Hàn Quốc và Ấn Độ, lần đầu tiên giá trị cổ phiếu bán ra lần đầu trong khu vực đạt 56 tỉ đô la trong quí rồi – theo dữ liệu của Bloomberg.
Các vụ IPO của hãng trò chơi điện tử Krafton và ngân hàng trực tuyến KakaoBank của Hàn Quốc đã đẩy giá trị vốn hóa trong quí 3 tại thị trường chứng khoán Seoul lên 10,4 tỉ đô la, tăng gấp bốn lần so với kết quả của quí 1 hay quí 2 năm nay.
Tương tự, startup giao nhận thực phẩm Zomato tại Ấn Độ gọi được 1,3 tỉ đô la trong tháng 7. Nhiều vụ niêm yết khác đang được chờ đợi trong quí cuối năm 2021 này. Có thể bắt đầu với hãng thanh toán điện tử Paytm vốn đã nộp hồ sơ để huy động 166 tỉ rupee, khoảng 2,2 tỉ đô la. Dự kiến đây sẽ là vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ. “Đất nước khổng lồ có dân số đam mê và giỏi công nghệ, có kết nối mạng tốt. Tổng hợp các yếu tố để giúp các hãng công nghệ thành công đều hội đủ. Tổng quát thì cơ hội thành công của các công ty công nghệ là rất lớn”, Anvita Arora thuộc Bank of Amercia nhận định.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
NTJ: Tặng gì cho nàng thêm đẹp xinh trong tháng của phái đẹp