Bamboo Airways ký hợp đồng mua động cơ máy bay GE trị giá 2 tỷ USD

221
Tiêu điểm
Bamboo Airways ký hợp đồng mua động cơ máy bay GE trị giá 2 tỷ USD
Hãng hàng không non trẻ của Việt Nam sẽ ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với hãng General Electric để mua động cơ Genx cho dòng Boeing 787-9 Dreamliner của hãng. Dự kiến lễ ký kết sẽ diễn ra ở Mỹ dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang thăm Mỹ và dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Bamboo Airways cho biết các động cơ GEnx sẽ được bàn giao vào năm 2022 và được lắp đặt trên đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của hãng để thực các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ như kế hoạch đề ra trước đó.
‘’Thỏa thuận này sẽ là dấu mốc quan trọng để Bamboo Airways mở rộng mạng lưới bay bay xuyên lục địa, kết nối Việt Nam với các thị trường tầm trung và tầm xa”, thông cáo của Bamboo Airways cho biết.
Theo Bloomberg, Bamboo Airways cũng có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Mỹ và ký kết thỏa thuận hợp tác với sân bay quốc tế San Francisco và Los Angeles. Chuyến bay thẳng Việt – Mỹ thử nghiệm đầu tiên sẽ được Bamboo Airways thực hiện vào ngày 23-9 tới. Bamboo Airways đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục xin cấp phép để thực hiện các chuyển bay thẳng thương mại đến Mỹ vào đầu năm sau, trong khi chờ chính phủ hai nước phê duyệt. 
Hãng bay này còn có kế hoạch mở các đường bay quốc tế đến Australia,  Anh và Đức bằng tàu thân rộng Boeing 787-9.
Trước Bamboo Airways, Vietnam Airlines cũng tuyên bố sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ từ tháng 10 năm nay.
Đường bay Việt – Mỹ là thị trường tiềm năng với 700.000 – 1 triệu khách mỗi năm. Nhưng các hãng hàng không Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ trong các đường bay đến Mỹ bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng hàng không trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản với giá rẻ và tần suất thường xuyên hơn. Một tính toán trước đây cho thấy các hãng có thể lỗ tối thiểu từ 5-30 triệu đô la mỗi năm trong những năm đầu để duy trì thị phần. Khoản lỗ có thể lên đến 50 triệu mỗi năm nếu gặp sự canh tranh khốc liệt hơn.
Các hãng hàng không Mỹ sau một thời gian dài thua lỗ trên đường bay này đã đóng cửa văn phòng tại TP.HCM và thực hiện các chương trình bay liên danh code-share với Vietnam Airlines hay các hãng hàng không châu Á khác trên tuyến bay này.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57,1 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 300.000 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.765 USD/ounce, tăng 11,2 USD, tương đương 0,64% so với chốt phiên trước.
2/ Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 3,1 triệu tấn lúa mì, trị giá gần 880 triệu USD, tăng 78,6% về lượng, 95,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, lượng và kim ngạch lúa mì nhập khẩu trong 8 tháng qua đã vượt qua tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong cả năm 2020 (hơn 2,9 triệu tấn và 755 triệu USD). Được biết, Việt Nam nhập khẩu lúa mì chủ yếu từ Úc trong 8 tháng đầu năm với mức 2,39 triệu tấn, tương đương 683,45 triệu USD, tăng rất mạnh 355,4% về lượng,  tăng 368,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Lúa mì Úc chiếm tới 77% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Lúa mì nhập khẩu trong 8 tháng đã vượt cả năm ngoái. Ảnh: TL
3/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Algeria đã đưa ra thông báo tạm ngừng nhập khẩu một số mặt hàng động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Theo đó, Algeria là một trong số ít quốc gia chưa gia nhập WTO, và trước tình hình nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 cùng với giá dầu ở mức thấp, thì Algeria được dự báo sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế thương mại, giảm nhập khẩu, bảo vệ thị trường nội địa. Được biết, trong số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Algeria, cà phê luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Từ nhiều năm qua, cà phê luôn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Algeria. Theo Thương vụ Việt Nam tại Aigeria, thị phần cà phê của Việt Nam thường duy trì ở mức cao nhất, chiếm trên 50%.
4/ Phú Quốc dự kiến sẽ thí điểm đón khách quốc tế vào trung tuần tháng 11-2021 tới đây. Theo đó, Kiên Giang dự kiến sẽ chọn ra 7 doanh nghiệp ở Phú Quốc có quy mô 14 khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao để phục vụ thí điểm đón khách quốc tế. Hiện cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tỉnh có khoảng 900 cơ sở lưu trú, do tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội, 90% phải đóng cửa, còn lại hoạt động cầm chừng; bên cạnh đó, 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa cũng phải ngưng hoạt động.
5/ Một nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời của Mỹ đã kêu gọi Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra 14 nhà máy ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia với cáo buộc rằng họ đã “đồng lõa” trong hoạt động chuyển hướng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, quốc gia hiện đang bị Mỹ đánh thuế cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo đó, các nhà máy này, 4 trong số đó ở Thái Lan, có thể đã thay đổi bao bì của các sản phẩm Trung Quốc và xuất khẩu chúng dưới bao bì của mình để lách thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) của Mỹ. Được biết, Mỹ hiện đang trong một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc với việc áp dụng nhiều mức thuế khác nhau như AD, CVD và tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Trung Quốc bao gồm cả pin mặt trời.
6/ Theo Reuters, với nhu cầu đồ chơi tăng lên mức kỷ lục, các nhà cung cấp và bán lẻ của Mỹ đang nỗ lực vượt qua những khó khăn trong quá trình vận chuyển để đáp ứng nhu cầu mua sắm vào dịp Giáng sinh. Được biết, thống kê cho thấy doanh số bán hàng trong dịp nghỉ lễ đóng góp phần lớn doanh thu gần 33 tỷ USD của ngành công nghiệp đồ chơi hàng năm. Tuy nhiên, những trục trặc trong hoạt động logistics có thể khiến người tiêu dùng “trắng tay” và làm mất doanh thu của các nhà bán lẻ như Walmart và Target. Theo đó, các nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu gồm MGA, Kids2 và Funko Inc cho biết họ đang sử dụng máy bay chở hàng có chi phí đắt đỏ, điều hướng các chuyến hàng đến các cảng biển mới và yêu cầu các nhà bán lẻ như Target tự vận chuyển.
7/ Thái Lan đã nâng trần nợ công trên GDP từ 60% lên 70% để phục hồi kinh tế. Theo đó, biện pháp này được hy vọng sẽ giúp Chính phủ Thái có thể vay thêm tiền để tái thiết đất nước sau khi bị ảnh hưởng nặng vì dịch. Trần nợ công cao hơn sẽ cho phép chính phủ tiếp tục kế hoạch vay nợ của năm tới, ước tính khoảng 2.300 tỷ baht để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, chi tiêu cứu trợ Covid-19 và tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có. Theo báo cáo nghiên cứu của Kasikornbank, Tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan dự kiến sẽ đạt 58,9% vào cuối tháng 9 và dự kiến sẽ tăng đều đặn lên mức 63,8% vào cuối năm 2022. Được biết, Thái Lan đã rất miễn cưỡng trong việc nâng trần nợ công trong thập kỷ qua nhằm gây tiếng vang về kỷ luật tài khóa.
8/ Theo Coinmarketcap, trong 24h qua, giá đồng Bitcoin đã mất gần 8%, có lúc xuống dưới mốc 42.000 USD trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đi xuống. Được biết, thị trường chứng khoán toàn cầu hiện đang trượt dốc khi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro lan rộng từ sự rung chuyển trên thị trường bất động sản của Trung Quốc gắn với quả “bom nợ” Evergrande. Các nhà đầu tư cũng đang tập trung theo dõi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ xem liệu cơ quan này có báo hiệu sự sẵn sàng để bắt đầu loại bỏ kích thích tiền tệ khỏi nền kinh tế hay không. Đầu tháng này, Bitcoin đã tăng lên trên 50.000 USD, mức kháng cự tâm lý quan trọng đối với các đầu tư. Hiện đồng tiền điện tử này giảm xuống sâu so với mức dưới mức trung bình của nó 50 ngày qua là 46.514 USD.
9/ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị tăng gấp đôi thuế rượu, bia tại châu Âu như một giải pháp nhằm giảm khoảng 5.000 ca tử vong do các bệnh ung thư mỗi năm tại châu lục này. Theo đó, việc tăng thuế các đồ uống chứa cồn là một trong những giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh ung thư. Nếu chủ trương này được thực thi, theo WHO, Nga và Anh sẽ là 2 nước được hưởng lợi nhiều nhất. Văn phòng WHO tại châu Âu cho biết mức thuế đối với đồ uống có cồn ở phần lớn khu vực châu Âu đều đang ở mức thấp, đặc biệt tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, tạp chí y học của Anh Lancet đã công bố nghiên cứu cho thấy Nga và Đức là hai nước châu Âu có thể cứu được nhiều người bệnh nhất bằng biện pháp đánh thuế này.
10/ Theo Bloomberg, dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng nền kinh tế Ấn Độ và Malaysia được dự báo sẽ tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất châu Á năm 2022. Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được nâng lên nhiều nhất khu vực, thêm 85 điểm cơ bản, đạt mức 5,65% vào năm tới. Ấn Độ đứng thứ hai, với GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7%, nhanh hơn 80 điểm cơ bản so với trước đó. Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng đã nâng dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia châu Á, ngoại trừ Thái Lan và New Zealand, với triển vọng giảm ít nhất 20 điểm cơ bản, trong khi triển vọng của Indonesia ít thay đổi.
Thay đổi điểm cơ bản trong dự báo tăng trưởng các nước châu Á năm 2022. Nguồn: Bloomberg
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Từ câu chuyện nho mẫu đơn và trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại Hàn Quốc