Vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững được tổ chức tại Tòa nhà VCCI Tower (Hội trường lầu 7, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội), trong 3 ngày 6 – 7 – 8/10. Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA, Công ty Cổ phần Vinamit, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Cơn bão Yagi đã gây nên những mất mát cho miền Bắc, trong số hàng triệu người bị ảnh hưởng, có không ít những bạn trẻ thanh niên nông thôn đang trên con đường khởi nghiệp, nhiều người trong số họ gần như mất hết, phải làm lại từ đầu.
Do đó, 49 ý tưởng/dự án đến từ 17 tỉnh thành dự thi vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững tại Thủ đô Hà Nội, là một sự cố gắng, vượt lên hoàn cảnh của mình để tham gia cuộc thi. Họ bỏ lại sau lưng những thiệt hại, tổn thất của mình đến cuộc thi, thể hiện sự quyết tâm, kiên trì tiếp tục hành trình khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
17 tỉnh thành, có thí sinh tham dự vòng bán kết tại Hà Nội, gồm: Thành phố Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Trong đó, có những địa phương được coi là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về hậu quả do bão Yagi gây ra. Đặc biệt hơn, nhiều ý tưởng/dự án của những bạn trẻ khởi nghiệp này gắn liền với đồng bào các dân tộc như, Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái…
Bà Vũ Kim Anh – Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024 cho biết, “Để phụ giúp các bạn trẻ trong mạng lưới Khởi nghiệp Xanh mà Trung tâm BSA và các đối tác đã gây dựng trong suốt hơn 10 năm qua, Ban tổ chức có một số biện pháp hỗ trợ cho các bạn như sau:
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ thực hành tiêu chuẩn, chú trọng các yêu cầu chuyển đổi xanh…nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số. Ngay trước khi cuộc thi bắt đầu, Ban tổ chức có thực hiện buổi tập huấn “Kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thuyết trình và marketing thương hiệu doanh nghiệp”.
Thứ hai, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các đợt hội chợ quốc tế. Kết nối với các mạng lưới kinh doanh hiện đại như các Trung tâm thương mại, kênh bán hàng thương mại điện tử, chợ truyền thống”.
Cũng theo bà Vũ Kim Anh, 10 năm của cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã giúp một lực lượng, một hệ sinh thái mang tên gọi là doanh nông Xanh ra đời. Và có nhiều doanh nghiệp trong số này đã vươn lên trở thành doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, và HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Sản phẩm của họ không chỉ có chỗ đứng trên thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới.
Từ thời điểm phát động cho đến cuối tháng 7/2024, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ với 199 ý tưởng/dự án khởi nghiệp đến từ 46 tỉnh thành của các cá nhân và tập thể đam mê sáng tạo. Sau quá trình đánh giá và sàng lọc nghiêm ngặt từ Ban giám khảo đã chọn ra 119 ý tưởng/dự án của 44 tỉnh thành tham dự các vòng bán kết.
Trước đó, từ ngày 13- 15/9, vòng bán kết thứ nhất được tổ chức tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Đồng Tháp), đã tìm ra 13 dự án đầu tiên lọt vào vòng Chung kết. Vòng bán kết ở Đắk Lắk trong 2 ngày 21-22/9 đã tìm ra 9 dự án vào vòng chung kết. Như vậy, kết thúc 2 vòng bán kết này, đã có 22 ý tưởng/dự án vào chung kết. Hôm nay, tại Hà Nội, sẽ tìm ra những dự án cuối cùng vào TP.HCM tham gia tranh tài ở chung kết.
Sau gần 11 năm triển khai chương trình “KHỞI NGHIỆP XANH”, Trung tâm BSA đã xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã đạt được những con số ấn tượng. Trong đó có gần 2260 thí sinh với 1559 dự án đại diên cho 61 tỉnh, thành tham gia cuộc thi; Hơn 300 giải thưởng các loại đã được trao. Và đặc biệt trong số ý tưởng tham gia cuộc thi đã có gần 20% số ý tưởng đã thực sự biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần tạo nên giá trị thực tiễn cho xã hội tại các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa vùng núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
Mười năm hành trình của Chương trình Khởi nghiệp xanh tạo ra một hệ sinh thái doanh nông trẻ, tự tin khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Muốn phát triển bản thân, tạo sinh kế cho gia đình và cộng đồng cũng như phát triển nhiều sản phẩm hay, tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, thiên nhiên… Đồng thời góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, thành thị; vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tham gia đồng hành cùng Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững lần 10-2024 là nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gắn bó, như: Công ty TNHH Dịch vụ Ứng dụng Hỗ trợ Doanh nghiệp (HVNCLC- CHN); Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu; Công ty TNHH SX – TM – DV Qui Phúc; Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty TNHH Tân Nhiên; Công ty TNHH SX – TM – DV Bao bì Tăng Phú; BSA Media.
Thành viên Hội đồng Ban giám khảo chấm thi vòng bán kết tại Thủ đô Hà Nội, gồm:
-
Bà Phạm Thị Kiều Oanh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) Việt Nam
-
Ông Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI)
-
Ông Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ VN
-
Ông Trần Trí Dũng – Phụ trách Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thụy Sĩ
-
Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển Du lịch Châu Á (ATI) – Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam
-
Ông Nguyễn Thành Huy – Nguyên Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan – Nhà sáng lập Sáng kiến Mầm
-
Ông Nguyễn Đông Triều – Chuyên gia đào tạo của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần 10 năm 2024Đối tượng tham gia:– Các cá nhân, tập thể: là sinh viên/tổ hợp tác/hợp tác xã/doanh nghiệp trên phạm vi cả nước có ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, dự án khởi nghiệp nhằm bảo tồn văn hóa, sản phẩm địa phương, góp phần phát triển và nâng cao giá trị từ tài nguyên bản địa.– Các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong các doanh nghiệp, các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.– Các cá nhân, tập thể, dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham gia, đã có cácgiải thưởng trong cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp do quốc tế, quốc gia, và cấp khu vực, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức. Các dự án này phải có yếu tố mới, phát triển hoàn thiện hơn so với dự án đã tham gia các kỳ thi trước. Không giới hạn độ tuổi, giới tính, dân tộc, địa phương.Cuộc thi được chia thành 2 bảng:– Bảng A: Dự án là cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới 01 năm.– Bảng B: Dự án là Cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác/ hợp tác xã/doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 01 năm (căn cứ theo thời gian cấp GCN/Giấy thành lập doanh nghiệp/HTX). Có sản phẩm/ dịch vụ đã được thương mại hóa và thời gian hoạt động không quá 05 năm kế từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. |
Danh sách 49 dự án thi tại Thủ đô Hà Nội:
Một số dự án trưng bày tại cuộc thi:
Trần Quỳnh