Bản tin công nghệ, từ 18 – 24/4/2024

Smartphone Huawei Pura 70 hết hàng sau 1 phút mở bán: Hôm 18.4, tập đoàn công nghệ Huawei đã bắt đầu bán mẫu smartphone cao cấp Pura 70, thu hút sự quan tâm đông đảo của khách hàng tại Trung Quốc.
Dòng Pura 70 có 4 phiên bản gồm: Pura 70, 70 Plus, 70 Pro và 70 Ultra. Giá khởi điểm cho dòng Pura 70 là 5.499 nhân dân tệ (760,06 USD). Phiên bản Pro và Ultra đã có sẵn để bán cho khách hàng từ hôm 18.4, trong khi 2 mẫu còn lại sẽ bắt đầu bán từ hôm 22.4.
Theo Reuters, phiên bản Pro và Ultra đã hết hàng tại cửa hàng trực tuyến chính thức của Huawei chỉ 1 phút sau khi đợt mở bán bắt đầu. Hàng trăm fan cứng của thương hiệu này đã xếp hàng tại các cửa hàng hàng đầu của Huawei trên toàn quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến để chờ mua mẫu smarptphone mới.
EC yêu cầu đánh giá rủi ro của TikTok Lite đối với sức khỏe tâm thần trẻ em: Ngày 17/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt hạn chót 24 giờ, yêu cầu công ty truyền thông xã hội TikTok của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) đánh giá rủi ro trên ứng dụng mới TikTok Lite liên quan đến những lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và người dùng.
Yêu cầu trên được đưa ra sau khi Ủy viên châu Âu phụ trách công nghệ Thierry Breton mở cuộc điều tra về khả năng TikTok vi phạm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU).
DSA yêu cầu các công ty công nghệ phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết tình trạng nội dung bất hợp pháp và có hại xuất hiện trên nền tảng của họ, với mức phạt lên tới 6% doanh thu/năm trên toàn cầu nếu vi phạm. EC cũng yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về các biện pháp mà TikTok đã áp dụng để giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Cách trí tuệ nhân tạo thân thiện giúp NVIDIA dẫn đầu ngành công nghiệp mới: NVIDIA đang dẫn đầu thế giới trong việc làm cho trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên dễ tiếp cận và hữu ích đối với mọi người thông qua dòng sản phẩm GeForce RTX và NVIDIA RTX.
Với hơn 100 triệu người sử dụng AI cục bộ thông qua GPU GeForce RTX và NVIDIA RTX, những sản này của NVIDIA không chỉ mang lại hiệu suất vượt trội trong tác vụ trò chơi và chỉnh sửa video, mà còn tích hợp bộ tăng tốc AI đặc biệt gọi là Tensor Cores, giúp cải thiện hiệu suất AI trên mọi ứng dụng, từ trò chơi đến chỉnh sửa video, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của người dùng.
Công ty này đang nỗ lực để làm cho AI trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn đối với mọi người thông qua dòng sản phẩm GeForce RTX và NVIDIA RTX. Trong nhiều năm, NVIDIA đã triển khai công nghệ như vậy để mang đến cho người dùng trải nghiệm AI tốt nhất mỗi ngày.
Meta đưa trợ lý AI lên Facebook, Messenger: Theo công bố của Meta ngày 18/4, Meta AI,  được trang bị “mô hình nguồn mở mạnh nhất” LLaMA 3, bắt đầu được cung cấp miễn phí trên các sản phẩm chủ chốt của công ty, hoạt động độc lập trên một website riêng là meta.ai. Tuy nhiên, việc triển khai mới diễn ra ở khoảng 10 nước ở châu Âu và Mỹ, chưa có tại Việt Nam.
Một trong những tính năng được Zuckerberg đề cập là “Meta AI tích hợp LLaMA 3 có thể tạo ảnh chất lượng cao nhanh đến mức các thay đổi sẽ hiển thị theo mỗi từ khóa người dùng nhập vào, AI cũng sẽ tạo một video ghi lại quá trình sáng tạo đó”.
LLaMA 3 là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vừa được Meta tung ra với hai phiên bản đào tạo trên 8 tỷ và 70 tỷ tham số. Công ty mô tả LLM này giảm đáng kể tỷ lệ phản hồi sai, cải thiện liên kết và tăng tính đa dạng trong phản hồi.
Nhiều điện thoại Samsung bị lỗi sọc xanh màn hình sau khi cập nhật bản mới: Nhiều người dùng đang phàn nàn vì bị sọc xanh màn hình sau khi cập nhật phần mềm cho điện thoại Samsung Galaxy. Vấn đề này được gọi là sự cố sọc xanh (Green Line Issue), với biểu hiện là một đường thẳng đứng màu xanh lá xuất hiện trên màn hình.
Sự cố chủ yếu ảnh hưởng đến dòng Galaxy S21, trong đó người dùng Galaxy S21 Ultra và S21 FE được ghi nhận báo cáo nhiều nhất. Theo đó, một số người dùng gặp phải đường sọc xanh bất ngờ, trong khi số khác cho rằng nó liên quan đến cập nhật phần mềm hoặc sử dụng quá nhiều, chẳng hạn như chơi game. Một số trường hợp khác cho biết họ thấy đường sọc xanh ngay sau khi cài đặt bản cập nhật phần mềm.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác của sự cố sọc xanh trên các điện thoại Samsung Galaxy vẫn chưa được xác định rõ ràng. Phía Samsung vẫn chưa chính thức thừa nhận sự cố này, nhưng trong quá khứ, công ty cũng đã cung cấp dịch vụ sửa chữa và thay thế cho các vấn đề tương tự mà người dùng dòng Galaxy S20 từng gặp phải.
Apple gỡ ứng dụng của Meta khỏi cửa hàng ứng dụng nội địa Trung Quốc: Apple đã loại bỏ ứng dụng nhắn tin WhatsApp và Threads của Meta Platforms khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc sau khi cơ quan quản lý nước này yêu cầu với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Không chỉ có WhatsApp và Threads, Telegram và Signal – hai ứng dụng nhắn tin khác – cũng đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng Trung Quốc vào cùng một ngày. Việc loại bỏ bốn ứng dụng này cho thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng không khoan dung đối với các dịch vụ nhắn tin trực tuyến nước ngoài, đặc biệt là những dịch vụ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Điều này cũng báo hiệu rằng Apple có thể sẽ gặp phải những thách thức lớn hơn khi hoạt động tại Trung Quốc.
Hiện tại, các ứng dụng Meta khác như Facebook, Instagram và Messenger vẫn có sẵn để tải xuống trên App Store Trung Quốc, theo thông tin từ các công ty theo dõi ứng dụng.
Mỹ có thể cấm TikTok sớm hơn dự định: Theo Engadget, một cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Thượng viện có thể sẽ diễn ra ngay trong tuần tới, với mục tiêu là quyết định về việc cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ. Dự luật này, sau khi đã được thông qua tại Hạ viện tháng trước, đã trải qua một loạt các thay đổi để thu hút sự ủng hộ từ một số thành viên của Thượng viện, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện.
Nếu dự luật được thông qua, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ nếu công ty từ chối bán cho chủ sở hữu mới. TikTok cũng đã đưa ra phản ứng về quyết định này của Hạ viện, gọi đó là một cố gắng “chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ”. Công ty cũng cảnh báo về hậu quả kinh tế của việc cấm TikTok.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề an ninh mạng, câu chuyện về việc cấm TikTok vẫn còn rất phức tạp và có thể sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Elon Musk nhắm tới thị trường xe tự lái Trung Quốc: Thông tin này được tiết lộ khi ông Musk trả lời một bài đăng trên Twitter của một người dùng hỏi về thời gian ra mắt FSD tại Trung Quốc.
Mặc dù Tesla đã tung ra FSD cách đây 4 năm, nhưng họ vẫn chưa cung cấp nó tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác cũng đang tìm cách cạnh tranh với Tesla bằng cách phát triển phần mềm hỗ trợ lái xe tiên tiến của riêng mình. Vào tháng 3, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Xpeng đã công bố, họ đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ lái xe tiên tiến và dự kiến ​​cung cấp tất cả các chức năng của nó cho người lái xe trên khắp Trung Quốc vào năm 2024.
Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Tesla trong lĩnh vực xe tự lái đang trở nên gay gắt hơn, và sự cung cấp FSD tại Trung Quốc có thể là bước quan trọng giúp Tesla duy trì vị thế của mình trong thị trường này.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi ByteDance: Ngày 20/4 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ, nơi có khoảng 170 triệu người sử dụng.
TikTok đã kịch liệt chỉ trích việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật. Người phát ngôn của TikTok cho rằng dự luật, được thông qua trên cơ sở lưỡng đảng, “sẽ chà đạp quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hàng năm.”
Ngay từ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cấm TikTok nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra.
Khả năng tấn công mạng của GPT-4 gây lo ngại: Mô hình GPT-4 của OpenAI được đánh giá có thể khai thác lỗ hổng nhanh và rẻ hơn con người, gây lo ngại nếu bị lợi dụng.
Không chỉ nhanh hơn, chi phí tấn công mạng bằng GPT-4 còn rẻ hơn. Nhóm ước tính, để thuê một chuyên gia an ninh mạng cần khoảng 50 USD mỗi giờ, nhưng GPT-4 có thể làm điều tương tự với giá thấp hơn 2,8 lần. Nhóm dự đoán mô hình GPT-5 sắp ra mắt có thể khiến quá trình tấn công mạng trở nên dễ dàng hơn, do đó giới bảo mật “cần suy nghĩ nghiêm túc nhằm ngăn AI trở thành hacker”.
OpenAI chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo Tom’s Hardware, công ty được cho là đã lập tức liên hệ với nhóm nghiên cứu, đề nghị tác giả không công khai các câu lệnh đã sử dụng trong thử nghiệm. Nhóm sau đó đã đồng ý.
Microsoft tung trí tuệ nhân tạo có thể biến hình ảnh thành video: Microsoft Research Asia vừa công bố một công cụ trí tuệ nhân tạo mới có tên VASA-1, có thể chuyển đổi ảnh tĩnh hoặc bản vẽ của một người thành video người đó nói chuyện hoặc ca hát, theo Engadget. Công nghệ này có khả năng tạo ra nét mặt và chuyển động đầu cho hình ảnh tĩnh hiện có, cũng như chuyển động môi phù hợp với âm thanh đang phát.
Tuy nhiên, mặc dù công nghệ này mang lại nhiều tiềm năng trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng, nó cũng có nguy cơ bị lạm dụng để tạo ra các video deepfake. Để ngăn chặn việc này, các nhà nghiên cứu từ Microsoft Research Asia quyết định không phát hành bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến công nghệ này cho đến khi có biện pháp bảo vệ trách nhiệm và phù hợp.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn kỳ vọng vào tiềm năng của công nghệ AI mới khi việc cải thiện tính công bằng trong giáo dục, cũng như cung cấp khả năng tiếp cận cho những người gặp khó khăn trong giao tiếp.
Giả mạo Google Chrome để đánh cắp thông tin và loạt chiêu lừa đảo mới nhất: Ngày 21.4, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra 6 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam tuần qua, trong đó có chiêu giả mạo Google Chrome để đánh cắp thông tin người dùng.
Các nhà nghiên cứu tại McAfee đã bắt gặp một phiên bản mới của phần mềm độc hại Android XLoader phổ biến, ngụy trang thành Chrome để đánh cắp thông tin như mật khẩu, văn bản, ảnh và danh bạ. Phần mềm độc hại thường được phân phối bởi thư rác và tin nhắn lừa đảo. Sau khi cài đặt, ứng dụng sẽ tự động mở và yêu cầu người dùng cung cấp các quyền khác nhau như thực hiện và quản lý cuộc gọi điện thoại, gửi và nhận tin nhắn.
Ngoài ra, còn có các hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng như: Thuê, mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo; Lừa bán ôtô cũ; Mất tiền sau khi tham gia bán hàng online; Giả mạo Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ lấy tiền đã mất; Mạo danh nhân viên LastPass để hack kho mật khẩu
Zalo gặp sự cố, người dùng tạm thời không thể gửi tin nhắn và hình ảnh: Vào khoảng 0h ngày 22/4/2024, nhiều người dùng ứng dụng nhắn tin Zalo gặp trục trặc khi không thể gửi tin nhắn văn bản và hình ảnh, gây gián đoạn liên lạc. Tuy nhiên, chức năng gọi thoại vẫn hoạt động bình thường.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần VNG – đơn vị sở hữu ứng dụng Zalo vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng và thời gian dự kiến khắc phục sự cố này. Các chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dùng không nên quá lo lắng, đây là sự cố kỹ thuật có thể xảy ra với bất kỳ ứng dụng nào. Người dùng nên kiên nhẫn chờ đợi thông tin chính thức từ Công ty VNG và bộ phận kỹ thuật.
Sự cố này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luôn sẵn sàng phương án dự phòng trong liên lạc và không quá lệ thuộc vào một ứng dụng hay phương thức duy nhất.
Samsung, Qualcomm bắt tay để tăng tốc độ mạng 5G: Theo Phone Arena, Samsung và Qualcomm công bố đã thành công trong việc tăng tốc độ tải xuống mạng 5G lên đến 20% bằng cách hoàn thành các thử nghiệm công nghệ Điều chế biên độ cầu phương 1024 (QAM).
Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất và tốc độ truyền dữ liệu của mạng 5G. Công nghệ QAM là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu suất mạng 5G. Với việc sử dụng QAM, số lượng dữ liệu có thể được gửi qua mỗi lần truyền sẽ tăng lên đáng kể, từ đó làm tăng tốc độ truyền dữ liệu của mạng.
Thành tựu này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất mạng 5G mà còn là minh chứng cho sự cam kết của Samsung và Qualcomm trong việc cung cấp các giải pháp tiên tiến nhằm cải thiện trải nghiệm của người dùng 5G.
Malaysia sẽ xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp lớn nhất Đông Nam Á: Theo Reuters, Chính phủ Malaysia có kế hoạch xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp lớn nhất Đông Nam Á và sẽ đưa ra các ưu đãi bao gồm giảm thuế, trợ cấp, miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ, nhà đầu tư toàn cầu.
Trung tâm thiết kế mạch tích hợp này dự kiến sẽ được đặt tại bang Selangor, miền trung Malaysia, thu hút những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Arm Holdings của Anh.
Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli Malaysia cho biết, Chính phủ sẽ đưa ra các ưu đãi bao gồm trợ cấp không gian văn phòng, miễn giấy phép làm việc, đưa ra các dịch vụ tái định cư, giảm thuế doanh nghiệp cho các công ty đầu tư mạo hiểm nước ngoài, các doanh nhân công nghệ và kỳ lân công nghệ – những công ty khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỉ USD muốn đầu tư vào Malaysia.
Nvidia và FPT chi 200 triệu USD mở nhà máy AI: Tại lễ ký kết sáng 23/4 ở Hà Nội, đại diện FPT cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu mở rộng hệ sinh thái điện toán đám mây có chủ quyền của Việt Nam. Nhà máy AI này không sản xuất phần cứng, hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất của Nvidia, gồm bộ ứng dụng và khung công nghệ phát triển AI trong AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core.
Nhà máy được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp giải pháp công nghệ cao về AI và cloud của Việt Nam trên quy mô toàn cầu, đồng thời nâng tầm nguồn nhân lực công nghệ.
Cũng tại sự kiện, Nvidia tuyên bố FPT trở thành đối tác triển khai dịch vụ (Service Delivery Partner) trong mạng lưới, chuyên cung cấp phần mềm, phần cứng, dịch vụ điện toán đám mây và giải pháp AI tạo sinh tích hợp công nghệ Nvidia. FPT sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ ôtô, sản xuất chế tạo, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Meta chia sẻ hệ điều hành Quest cho các nhà sản xuất thiết bị bên thứ ba: Meta Platforms lần đầu tiên chia sẻ hệ điều hành của tai nghe Quest với các nhà sản xuất thiết bị đối thủ, bao gồm cả Microsoft.
Theo thông báo của Meta ngày 22/4, hãng sẽ cho phép các công ty đối tác sử dụng hệ điều hành Meta Horizon OS để phát triển thiết bị tai nghe của họ. Hệ điều hành này mang lại các khả năng như nhận dạng cử chỉ, nghe xuyên âm, hiểu bối cảnh và liên kết không gian với các thiết bị chạy trên hệ điều hành.
Động thái trên của Meta thể hiện tham vọng của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trong việc sở hữu nền tảng điện toán cung cấp năng lượng cho các thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR).
Hiểm họa mất thông tin cá nhân khi dùng ứng dụng hẹn hò qua mạng: Theo nghiên cứu mới của Mozilla, việc thu thập dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin của các ứng dụng hẹn hò đang ngày một gia tăng rủi ro, đa số chúng không tuân thủ các nguyên tắc bảo mật quan trọng. Điều này đã đặt ra câu hỏi về sự riêng tư và an toàn của người dùng khi sử dụng các dịch vụ hẹn hò trực tuyến.
Đáng lo ngại hơn, những ứng dụng này đã trở nên “tham lam” hơn trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng, đặc biệt là đối với nhóm người sử dụng thuộc thế hệ GenZ. Điều đáng chú ý là nhiều ứng dụng hẹn hò thu thập và lưu trữ vị trí địa lý chính xác của người dùng, thậm chí cả khi họ không sử dụng ứng dụng. Điều này có thể tạo ra nguy cơ về việc tiết lộ thông tin cá nhân và an ninh của người dùng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhấn mạnh sự thay đổi trong hành vi của người dùng, với tốc độ tải xuống các ứng dụng hẹn hò đang giảm đi. Mặc dù có sự gia tăng về việc sử dụng công nghệ AI để cải thiện trải nghiệm của người dùng, nhưng cũng có những lo ngại về việc bảo vệ quyền riêng tư của họ.
Robot hình người của Tesla sẵn sàng ra thị trường vào cuối năm sau: Ngày 23/4, tỷ phú Elon Musk – Giám đốc điều hành tập đoàn xe điện Tesla cho biết hãng có thể sẵn sàng bán ra thị trường sản phẩm robot hình người sớm nhất vào cuối năm 2025, sau khi hoàn thiện, robot hình người Optimus do Tesla chế tạo có thể thực hiện các tác vụ khó trong nhà máy.
Tesla ra mắt nguyên mẫu robot hình người Optimus thế hệ thứ nhất, có tên là Bumblebee, vào tháng 9/2022. Năm nay, hãng đã chia sẻ đoạn video về robot Optimus thế hệ thứ hai có kết cấu hoàn thiện hơn. Ông chủ Tesla đặt cược vào mảng phát triển và kinh doanh robot hình người trong bối cảnh doanh thu và bán hàng của hãng sụt giảm mạnh.
Trước đó, tỷ phú Musk khẳng định mảng kinh doanh robot hình người có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với các mảng kinh doanh khác, kể cả mảng chế tạo ô tô, trong toàn hộ hoạt động của Tesla.

Dinh Lê/BSA Media (tổng hợp)