Theo Bloomberg Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ không đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy Washington muốn “đình chiến” với Bắc Kinh, đồng thời gửi đi tín hiệu tích cực. Ngoài ra, bà Yellen có thể khởi xướng việc hủy bỏ cải cách trong nhiệm kỳ tổng thống Trump
Nếu điều này xảy ra số quốc gia có tỷ giá hối đoái được Bộ Tài chính Mỹ theo dõi thường xuyên có thể giảm gần một nửa, như Việt Nam. Hiện tại, có ba tiêu chí chính mà Mỹ xác định rằng một quốc gia là thao túng tiền tệ. Bao gồm, (1) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; (2) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (3) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong khoảng thời gian 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP.
Tính đến nay, Mỹ đã dựa trên báo cáo đơn phương của mình và gán mác “thao túng tiền tệ” cho Hàn Quốc vào năm 1988, Đài Loan (Trung Quốc) lần thứ nhất cũng vào năm 1988 và lần tiếp theo vào năm 1992, Trung Quốc trong 3 năm liên tục từ năm 1992 đến 1994.
2/Làn sóng thương mại điện tử thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai
Kết quả phân tích, DHL Express (nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới) nhận định, thị trường thương mại điện tử (đặc biệt là thương mại điện tử B2B) thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Theo đó, đến 2025, 80% các giao dịch mua bán B2B (B2B là viết tắt của Business to Business. Ảnh hưởng của Covid-19 đẩy nhanh tốc độ số hóa và sự thay đổi hành vi mua hàng của thế hệ millennials (thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1984 – 1996); đây cũng chính là những người mua hàng B2B chuyên nghiệp.
Ông Ken Lee, Giám đốc điều hành DHL Express khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, số lượng hàng hóa vận chuyển tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong hai tháng cao điểm là tháng 11 và 12 năm 2020, bởi có nhiều người gửi hàng hơn và mức chi tiêu của mỗi khách hàng cũng tăng hơn 21%. Chỉ trong hai tháng đó, các lô hàng B2C tăng 65%, trong đó các sản phẩm công nghệ tiêu dùng và hàng may mặc chiếm đa số.
Trên thực tế, trước khi đại dịch diễn ra vào năm 2019, doanh số bán hàng toàn cầu trên các trang web và sàn thương mại điện tử B2B đã tăng trưởng 18,2%, đạt 12.2 nghìn tỷ đô la Mỹ vượt xa quy mô của thị trường B2C… Liên quan tới vấn đề trên, theo báo cáo của Mastercard, chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên khắp thế giới trong năm 2020 đã gia tăng thêm khoảng 900 tỷ USD. Nói cách khác, trong năm 2020, cứ mỗi 5 USD chi tiêu bán lẻ thì thương mại điện tử chiếm khoảng 1 USD, tăng từ tỷ lệ 1/7 vào năm 2019.
Ông Bricklin Dwyer, Nhà kinh tế trưởng tại Mastercard kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Mastercard, cho biết, dù bị kẹt ở nhà, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu tiền ở bất cứ đâu nhờ thương mại điện tử. Trong các lĩnh vực thì lĩnh vực bán lẻ đồ thiết yếu, vốn có tỷ trọng số nhỏ nhất trước khủng hoảng Covid-19, thì nay lại nhận được nhiều lợi ích nhất khi người tiêu dùng chuyển sang thương mại số.
Không chỉ là thương mại điện tử trong nước, mà thương mại điện tử quốc tế cũng tăng trưởng trong đại dịch, tăng cả về quy mô doanh số lẫn số lượng quốc gia có đơn đặt hàng. Với vô vàn lựa chọn dễ dàng, tính đến tháng 2/2021, chi tiêu thương mại điện tử quốc tế đã tăng khoảng 25-30% so với tháng 3/2020.
3/ Việt Nam khai thác tốt nhiều thị trường trong CPTPP
Sau 2 năm chính thức có hiệu lực với Việt Nam (từ ngày 14/1/2019), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá đã tác động tích cực tới xuất khẩu hàng Việt, đồng thời giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Cụ thể, ngay trong năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản cũng tăng trưởng tốt (đạt 9,9% so với năm trước) thì các thị trường mà Việt Nam chưa có các FTA song phương cũng đã cho giá trị xuất khẩu cao, như: Canada tăng khoảng 33%, Mexico tăng gần 24%… Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, xuất khẩu sang các thị trường CPTPP cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể.
Về hiệu quả lớn nhất ở đây là hoạt động thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với 10 nước thành viên còn lại của CPTPP, đặc biệt là những nước mà chúng ta chưa từng có các Hiệp định thương mại tự do trước đây (FTA) ở khu vực châu Mỹ như: Canada và Mexico. Đơn cử, xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sang Canada đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12%; Mexico đạt 3,1 tỉ USD, tăng 11%; Chile đạt 1 tỷ USD, tăng 8,3%.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, NewZealand tăng 35,1%.
Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt là việc tận dụng được các ưu đãi đó gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Điều này đôi lúc đòi hỏi thay đổi về chuỗi cung ứng, tìm các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cắt giảm thuế quan, hoặc thay đổi được quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi mã số.
Để giải quyết vấn đề về nguồn thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thiết lập và cho vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp Định CPTPP.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NN & PTNT trong việc đàm phán, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật để giúp cho các sản phẩm nông sản – đặc biệt là trái cây – có thể thâm nhập được thị trường của các nước CPTPP. Vì các yêu cầu về mặt kỹ thuật vẫn là một hàng rào hết sức khắt khe.
4/Doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh bán lẻ thương mại điện tử tại Việt Nam
Ngày 15/4, ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam cho biết, trong buổi “Japan Vietnam Festival” (Lễ hội Việt Nhật – gọi tắt là JVF) diễn ra từ ngày 17-18/4 tại TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đem lại những sản phẩm truyền thống của Nhật đến Việt Nam như kem, gia vị rắc cơm furikake, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mắt thư giãn.
Theo ông Shinji Hirai, sự quan tâm của người Việt Nam đến thực phẩm Nhật ngày càng cao và thị trường Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng. Do đó, dự án Japan Malll và nền tảng trực truyến BtoB “Japan Street” được Jetro tập trung đẩy mạnh phát triển để đưa các mặt hàng trên tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, tiền thân dự án đã bắt đầu hoạt động vào năm 2016 và đến năm 2020 đã có 7 đơn vị gồm các trang thương mại điện tử EC và nhà bán lẻ tham gia, bao gồm cả FamilyMart, Hachi Hachi, Kamereo.
Ngoài ra, trong lúc lưu lượng hàng hoá giữa Nhật Bản và nước ngoài bị hạn chế vì dịch COVID-19, Jetro đã bắt đầu vận hành nền tảng trực tuyến “Japan Street” từ đầu 2021 cho phép hỗ trợ việc phân phối các sản phẩm Nhật Bản trong suốt cả năm. Theo đó, đã có hơn 500 nhà cung cấp đăng ký trên trang web và dự kiến số lượng sẽ còn tăng gấp nhiều lần trong tương lai. Đơn cử, Việt Nam đã đứng thứ 5 trong top 10 thị trường nhập khẩu nông – lâm – thủy sản của Nhật Bản với doanh thu 53,5 tỉ yen trong năm 2020.
6/ RCEP gửi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết mở cửa thương mại của châu Á
Ngày 13/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của khu vực đối với thương mại mở và tự do. Theo đó, Jonathan D. Ostry – quyền Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF – cho biết, môi trường toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng châu Á đã có thể ký kết hiệp định này trong môi trường đầy thách thức như vậy đã cho thấy một tín hiệu rất tích cực.
RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, trong đó có cả ba gã khổng lồ trong khu vực – Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – lần đầu tiên tham gia vào một thỏa thuận khu vực chung.
Theo dự báo mới được công bố của IMF, châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 7,6% trong năm nay và 5,4% trong năm tới, với sự phân hóa đa chiều về sự phục hồi – giữa các quốc gia và trong các quốc gia trên các lĩnh vực, nhóm tuổi, giới tính và trình độ kỹ năng. Bên cạnh việc giảm các hạn chế thương mại và xoa dịu căng thẳng thương mại và công nghệ, IMF đề nghị rằng các lỗ hổng nợ doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được giải quyết bằng cách chuyển từ hỗ trợ thanh khoản đại dịch sang hỗ trợ khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, cần có những nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy chương trình nghị sự xanh và thúc đẩy sự chuyển dịch đầy hứa hẹn hướng tới một hỗn hợp năng lượng xanh đang xuất hiện trong bối cảnh đại dịch, đồng thời việc tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh cùng với giá carbon cao hơn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng chung 4,9% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 5,2% trước đó.
Ông Jonathan Ostry – Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF – cho biết, nguyên nhân khiến triển vọng kinh tế của một số nước Đông Nam Á giảm là do sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 và lo ngại đối với triển vọng ngành du lịch. Indonesia, Malaysia và Philippines là một trong số những nước đang phải gia tăng các biện pháp hạn chế khi số va bệnh Covid-19 tăng đột biến. Tiêm chủng vaccine tại các quốc gia này cũng chậm hơn nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo thống kê, tại Indonesia, tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 3,76%, thấp hơn so với mức trung bình 5,76%. Con số này ở Malaysia và Philippines lần lượt là 1,8% và 0,96%. Ông Jonathan Ostry đánh giá các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ có những khởi sắc. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng các nền kinh tế lớn khác của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng 8,4% năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 8,1%. Trong khi Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 12,5%, nhanh hơn so với 11,5% đưa ra trước đó. Ngoài ra, IMF cảnh báo sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế châu Á có thể vẫn không đồng đều trong ít nhất là 5 năm tới.
Báo cáo của IMF cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải cách cơ cấu để thúc đẩy năng suất và sản lượng, đồng thời đầu tư xanh để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Để đảm bảo mục tiêu này cần dựa trên 3 điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, thương mại phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở châu Á, là nền tảng của phép màu châu Á. Vì vậy, để phát huy hết tiềm năng của châu Á cần phải giảm bớt các hạn chế cản trở thương mại, dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tránh xung đột thương mại… Thứ hai, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đứng vững và phục hồi sau đại dịch. Thứ ba, hướng tới một nền kinh tế xanh với việc tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
8/ Doanh nghiệp FDI ngành Da – Giày – Túi xách có thể tối ưu hóa cơ hội nhờ tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP
Kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỷ USD mỗi năm, nên da giày luôn nằm trong danh mục các ngành hàng kỳ vọng có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ cú hích từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới. Sau chặng đường 2 năm CPTPP đi vào thực thi, những thông tin về tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp trong ngành này một lần nữa lại cho thấy sự vượt trội của khối doanh nghiệp FDI. Do tác động của Covid-19, xuất khẩu da giày giảm 12%, đạt kim ngạch 1,84 tỷ USD trong năm 2020.
Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, tác động tích cực nhất của CPTPP đối với ngành da giày những năm qua là thu hút đầu tư nước ngoài. “CPTPP với những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, yêu cầu xuất xứ nội khối cao hơn nhiều các FTA khác, đã thúc đẩy dịch chuyển vốn đầu tư từ các tập đoàn giày dép từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tới Việt Nam. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, ngành da giày đã nâng được tỷ lệ nội địa hóa từ 30% lên 55%”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso chia sẻ.
Ngoài ra, vẫn còn tới 80% doanh nghiệp nhà nước chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP vì “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ”. Do đó, sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất – kinh doanh là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể chớp thời cơ từ CPTPP cũng như các FTA khác.
Mổ xẻ sâu hơn về con số tăng trưởng xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: “Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh quá nhiều đến xuất khẩu mà chưa quan tâm đến nhập khẩu. Nhập khẩu phải mang được hiệu ứng là tăng nội lực cho nền kinh tế, chứ không phải chỉ nhập khẩu nhiều để phục vụ xuất khẩu. Bởi hết năm 2020, 72% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khối FDI, trong khi năng lực các ngành sản xuất của Việt Nam chưa tăng được bao nhiêu”.
Theo bà Lan, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của khối doanh nghiệp FDI ngày càng cao là nhờ một lượng vốn FDI vào Việt Nam thông qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, tận dụng xuất xứ Việt Nam trong các FTA để xuất khẩu.
“Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn FDI lập nhà máy sản xuất, nhưng đều từ các nước đối tác ngoài CPTPP, chưa thu hút được vốn FDI trong CPTPP đổ vào sản xuất với mong muốn tạo thành chuỗi cung ứng mới”, bà Lan phân tích.
FDI chiếm thế “thượng phong” trong tăng trưởng xuất khẩu. Trong quý I/2021, cả nước ước tính xuất nhập khẩu 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, đạt 77,34 tỷ USD. Tuy nhiên, đáng chú ý là đóng góp cho thành tích này hoàn toàn thuộc vào khu vực FDI.
Cụ thể, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 77 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%; trong khi trước đây, con số này chỉ trên 60%. Cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối FDI.
Ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, khu vực FDI luôn chiếm thế “thượng phong”. Chẳng hạn, với mặt hàng điện thoại và linh kiện, khu vực FDI chiếm tới chiếm 99,1%. Trong khi đó, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là 93,1%. Còn với giày dép và dệt may, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt, thì khối FDI cũng chiếm tương ứng 81,9% và 62,5%.
Ông Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) là một trong những chuyên gia đã có nhiều bình luận liên quan vấn đề này. Theo ông Tự Anh, việc nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI là điều rất khó chấp nhận. “Nếu muốn tạo ra nội lực, thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay”, ông Tự Anh nói.
Chính vì vậy, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là phải làm sao xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.
“Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng đề xuất việc cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam.
“Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm… Những người này, khi tách ra thành lập doanh nghiệp, sẽ là những người thành công nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
10/ Mỹ đưa Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ
Ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, đảo ngược quyết định mà chính quyền Trump đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Cùng với Việt Nam, Thuỵ Sĩ cũng được đưa ra khỏi danh sách này. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam, Thuỵ Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bị tăng cường giám sát. Bộ Tài chính Mỹ cũng không xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Trong thời qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực trao đổi với phía Mỹ để giải quyết vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, tham vấn với Mỹ để duy trì thương mại ổn định, duy trì cán cân thương mại hài hoà, bền vững, có lợi cho cả hai bên, bà Hằng khẳng định.
11/Việt Nam và Colombia tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại
Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela, kiêm nhiệm Colombia, mới đây đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam-Colombia; giới thiệu tiềm năng thị trường lao động và xuất khẩu của Việt Nam” nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư giữa hai nước.
Về thương mại, Việt Nam đánh giá Colombia là thị trường tiềm năng và đứng thứ 5 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh. Quan hệ thương mại song phương trong những năm gần đây đã không ngừng phát triển với kim ngạch hai chiều tăng từ 42,95 triệu USD năm 2007 lên 509 triệu USD năm 2019.
Trong năm 2020, tổng kim ngạch hai chiều đạt 640,8 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Colombia chủ yếu các mặt hàng như động cơ, máy móc, thiết bị điện, giày dép, thủy sản, dệt may, sợi kim loại… trị giá 622,5 triệu USD và nhập khẩu từ Colombia gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thực phẩm, da thuộc, hóa chất hữu cơ và kim loại quý… trị giá 18,3 triệu USD.
Về phía Colombia, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư Colombia (ProColombia) Gustavo Moreno cho biết Colombia đang là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và cam kết nước này sẽ dành những ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án lớn và khu tự do kinh tế tại Colombia.
12/ Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các địa phương của Canada và Việt Nam
Ngày 16/4, tân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada) Nguyễn Quang Trung đã có buổi chào xã giao và làm việc trực tuyến với hai bộ trưởng phụ trách kinh tế của tỉnh British Columbia, gồm ông Revi Kahlon – Bộ trưởng Việc làm, phục hồi kinh tế – và ông George Chow, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại của tỉnh.
Năm 2020, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch, kim ngạch trao đổi thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh British Columbia vẫn đạt gần 2 tỷ CAD (gần 1,6 tỷ USD). Kể từ năm 2014 đến nay, sức tăng trưởng kinh tế của tỉnh British Columbia luôn cao hơn mức trung bình trên toàn quốc.
Tỉnh này đã củng cố được xu hướng tăng trưởng vượt trội này trong đại dịch COVID-19, khi các nhà hàng, dịch vụ cá nhân và hệ thống bán lẻ vẫn mở cửa giữa làn sóng lây nhiễm thứ hai. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng TD, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của British Columbia ước tính tăng 6,3% trong năm 2021 và 4,2% trong năm 2022.
Hiện nay, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận với thị trường 660 triệu người tiêu dùng của ASEAN.
Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra các cơ hội mới, hai quan chức tỉnh British Columbia bày tỏ quan tâm đến tiềm năng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ, than, thủy sản và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
13/ Nắm kỹ quy định để xuất khẩu thành công qua thương mại điện tử
Thương mại điện tử là nội dung tương đối mới trong các FTA của Việt Nam, chủ yếu chỉ có trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cả 3 FTA này đều có phần khung tương đồng nhưng nội dung, phạm vi, độ toàn diện cũng như những chế tài rất khác biệt. Với CPTPP, chương thương mại điện tử là chương tương đối toàn diện. Trong 3 FTA kể trên, CPTPP là FTA có nhiều quy định nhất và ngặt nghèo nhất. Trong đó có các chính sách chung như cam kết không đánh thuế XNK với các sản phẩm truyền dẫn điện tử. Điều này vẫn thống nhất với tinh thần chung của WTO. Tuy nhiên, lưu ý là rất nhiều nước cũng đang tính toán vượt ra khỏi tinh thần chung của WTO về câu chuyện đánh thuế này.
Thứ hai là các cam kết không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kỹ thuật số tương tự nhau. Nội dung này với Việt Nam được miễn trừ 2 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực (14/1/2019-PV). Đến thời điểm này, quy định miễn trừ đối với Việt Nam đã hết.
Tuy nhiên, phần liên quan sau này xuyên suốt CPTPP và với mọi FTA có chương về thương mại điện tử khác là yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng trước gian lận, lừa đảo trong thương mại điện tử. Đây là quy chế rất quan trọng. DN làm XNK bình thường theo kênh truyền thống ra nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã là vấn đề phức tạp nhưng với thương mại điện tử đây lại còn là nội dung phức tạp hơn. Đó cũng là thách thức, song thách thức quan trọng hơn là về văn hóa. Một số DN thử XK ra bên ngoài qua thương mại điện tử khó quá liền quay trở lại trong nước.
EVFTA thì có những quy định tương đối mềm mại hơn về thương mại điện tử so với CPTPP. Cụ thể là, không áp dụng các loại thuế hải quan đối với giao dịch điện tử; cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm: Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin; ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…); bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
Hiệp định RCEP cũng có những nội dung tương đồng và cả những nội dung tương đối mới về thương mại điện tử so với CPTPP và EVFTA bao gồm: Thuận lợi hóa thương mại; ban hành quy định bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn gian lận, lừa đảo trên thương mại điện tử; không áp dụng thuế hải quan đối với các loại hình truyền dẫn điện tử giữa các bên; yêu cầu đặt trang thiết bị máy tính trên lãnh thổ quốc gia như là điều kiện để thực hiện kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia của bên đó… Tuy nhiên, phải sau 5 năm RCEP có hiệu lực mới phải thực hiện các quy định về thương mại điện tử. Bên cạnh các nội dung nêu trên, còn rất nhiều nội dung khác như: Bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật hay chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, các hàng rào kỹ thuật.
14/ Quy định mới của EU về chứng thư đối với thủy sản xuất khẩu
Từ ngày 21/4/2021, khi xuất khẩu (XK) một số mặt hàng thủy sản vào EU, doanh nghiệp thực hiện mẫu chứng thư mới, thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021.
Theo đó, ngày 16/12/2020 Uỷ ban châu Âu đã ban hành quy định số 2020/2235 liên quan tới mẫu chứng thư một số sản phẩm có nguồn gốc động vật XK vào EU, có hiệu lực từ ngày 21/4/2021, thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021, trong đó có một số nội dung cần lưu ý.
Cụ thể, đối với mẫu chứng thư cho sản phẩm thủy sản, nhuyễn thể, giáp xác sống, đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, sản phẩm composite từ nước thứ 3 xuất khẩu vào EU hiện đang được áp dụng trên TRACESNT (ban hành tại Phụ lục I và III của Quy định (EU) số 2019/628 ngày 8/4/2019) sẽ được chuyển đổi tham chiếu tương ứng tại các Chương của Phụ lục III Quy định (EU) số 2020/2235 kể từ ngày quy định này có hiệu lực.
Nhằm thực hiện quy định của EU và tránh các vướng mắc trong quá trình XK thủy sản vào thị trường này, NAFIQAD thông báo và đề nghị các DN chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU cần g cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định nêu trên trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản XK thị trường EU.
Đồng thời, nghiên cứu mẫu và hướng dẫn khai báo các nội dung trong chứng thư mới để đảm bảo thực hiện đúng, chính xác khi đăng ký thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản XK vào thị trường EU sau khi quy định có hiệu lực. Cũng như phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Quý I/2021 đã khép lại với tăng trưởng xuất khẩu khả quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 17,4% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ý kiến nghiêng về thời điểm giáp hạt khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong đàm phán. Tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận chuyển tăng phi mã cũng không nằm ngoài khả năng dẫn tới thực trạng trên. Do đó, các chuyên gia thương mại cho rằng cần nhiều hơn nữa sự chủ động từ các doanh nghiệp cũng như giải pháp linh hoạt để ứng phó và tận dụng cơ hội từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Giảm lượng nhưng được giá: tuy lượng gạo xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng giá gạo xuất khẩu lại tăng bởi nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng cao. Không chỉ giá gạo Việt Nam, mà giá gạo Thái Lan, Ấn Độ nhiều thời điểm cũng tăng vượt mức kỷ lục trong những năm gần đây.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2021 đạt 450.000 tấn với giá trị 246 triệu USD, lũy kế lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn, giá trị đạt 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, nguyên nhân xuất khẩu gạo quý I/2021 sụt giảm một phần là do trùng với khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung lúa gạo hạn chế trong khi giá lên cao nên các doanh nghiệp khó đàm phán hợp đồng xuất khẩu.
Qua tháng 3, khi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân thì tình hình xuất khẩu khả quan hơn. Tuy nhiên, tính tổng 3 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp giảm hơn 30% so với cùng kỳ, trong khi giá gạo xuất khẩu tăng khoảng 20%. Hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất vẫn là Philippines và Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, xuất khẩu gạo quý I sụt giảm nghiêm trọng về lượng là do tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận chuyển tăng phi mã.
“Khách hàng vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không đặt được container để đóng hàng, việc thiếu hụt container rỗng đã đẩy giá cước vận chuyển tăng gấp 600 -700%, từ 1.000 USD/container lên 6.000 -7.000 USD/container và thiết lập luôn giá sàn mới”, ông Phạm Thái Bình lý giải.
Tính đến hết quý I/2021, giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ ở mức cao 547 USD/tấn, tăng 18,6%, tương đương mức tăng 86 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020. Giá gạo như hiện nay đã và đang mang lại lợi ích cho người nông dân trồng lúa. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực mang tầm chiến lược như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và gần đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
“Các FTA này đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán so với gạo trắng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam”, ông Trần Quốc Toản khẳng định.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/4 thông báo Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi nước này trình văn kiện thông qua tới Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết Chính phủ nước này đã thông qua RCEP vào ngày 8/3.
RCEP được coi là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới sau khi 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt một thỏa thuận về hiệp định thương mại hồi tháng 11/2020. Một số nước tham gia ký kết, bao gồm Singapore và Thái Lan, cũng đã hoàn tất tiến trình thông qua RCEP.