Bản tin hội nhập, từ 27/5 – 3/6/2021

153
1/ Trung Quốc thiếu sữa trong khi nhu cầu ngày một tăng cao | Đồng Nhân Dân Tệ và đồng tiền của các con Rồng Châu Á có chiều hướng tăng so với USD
  • Trong khi nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm làm từ sữa tăng cao, sản lượng nội địa của Trung Quốc – tương đương 34 triệu tấn vào năm ngoái chỉ đủ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bên cạnh là giá vật tư để chăn nuôi bò sữa ngày một tăng cao dưới diễn biến của dịch Covid-19. Tuy giá quả Cocoa (Cacao – Chocolate) có chiều hướng tăng cao hậu Covid, vẫn được xem là yếu và cần thêm thời gian để đánh giá.
  • Giới đầu cư đẩy giá hợp đồng thì tương lai giữa đồng Yuan/USD lên cao trong 6 tháng đổ lại. Bên cạnh, hầu hết các đồng tiền của các quốc gia Châu Á phát triển như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, đều có xu hướng tăng so với Đồng Bạc Xanh USD của Mỹ; bởi niềm tin về sự kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cũng như Vaccine sẽ trở nên đầy đủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, tín hiệu thị trường vẫn không mấy khả quan đối với đồng Ringgit của Malaysia.
Nguồn: Reuters
2/ Xuất khẩu tôm tăng mạnh và thời cơ mở rộng nhờ FTA
Xuất khẩu tôm sang khối CPTPP, EU tăng mạnh
Với khối CPTPP, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 297 triệu USD, chiếm gần 31%, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó chỉ tính riêng tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật tăng gần 6% khi đạt 177,9 triệu USD; tiếp đến là Australia có giá trị xuất khẩu tăng mạnh 177,4%.
Tương tự, tại thị trường EU hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến nhận định năm 2021 sẽ là năm nhập khẩu của khối EU giảm nhưng tới nay tình hình lại đảo ngược khi giá trị xuất khẩu 4 tháng vẫn đạt 145,7 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020 và riêng tháng 4/2021 đạt gần 50 triệu USD, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ. Theo VASEP, ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế 12 – 20% đã về 0% như tôm sú đông lạnh.
Ước tính của VASEP cho biết, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Là doanh nghiệp có sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm tăng mạnh 25% trong 4 tháng qua, tập trung chính vào Mỹ và EU, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước – chia sẻ: Chính sự kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp tôm Việt tận dụng được khoảng trống thị trường khi các đối thủ khác đang phải vất vả gồng mình chống dịch, từ đó kéo giá trị xuất khẩu tăng cao.
Chủ động đón đầu xu thế
Theo VASEP, trong năm 2021 ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Dự báo này dựa trên cơ sở tiêu thụ ở các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng trở lại.
Tìm cơ hội kinh doanh trong bối cảnh trên, Thực phẩm Sao Ta có nhiều giải pháp kịp thời như: Mở rộng khu trữ nước nuôi, nâng đáy ao nuôi, cung ứng oxy và cách thức cho ăn cũng thay đổi, an toàn sinh học trại luôn được đề cao… Bên cạnh đó, Sao Ta cũng nhanh tay tranh thủ thời cơ với 2 nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ năm 2020 với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Cũng trong xu thế mở rộng này, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có kế hoạch khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Công ty CP thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu.
Riêng với Thuận Phước, ông Trần Văn Lĩnh cho biết, ngay đầu năm 2021 công ty đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3ha, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Nhà máy này có công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm ngày và hệ thống kho lạnh công suất 3.000 tấn. Đồng thời, An An có vùng nuôi tôm 200 hecta tại Ba Tri, Bến Tre. Đây sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm. “Năm nay chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng 30% so với năm 2020. Do đó ngay từ đầu năm chúng tôi đã đưa vào hoạt động nhà máy mới, mở rộng thêm cơ sở đang hoạt động để nâng công suất, đáp ứng các đơn hàng tăng cao” – ông Lĩnh cho biết.
Cùng với việc chủ động vùng nguyên liệu, mở rộng công suất nhà máy, các doanh nghiệp tôm cho biết đang tối ưu hóa mọi hoạt động, tiết giảm những chi phí không cần thiết để ứng phó trước tình hình căng thẳng của cước tàu biển. Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn hoạt động trong bối cảnh Covid đang phức tạp như hiện nay cũng được các doanh nghiệp siết chặt.
Nguồn: Báo Công thương
3/ Việt Nam nhận 14 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng
Cụ thể, trong gần 5 tháng đầu của năm 2021, đã có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến ngày 20/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,43 tỷ USD, chiếm 38,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỷ USD…
Trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ USD, chiếm đến gần 37,6% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Nhật đứng sau với 2,59 tỷ USD, chiếm 18,5%. Hàn Quốc thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,83 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư…
Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,35 tỷ USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP. Hồ Chí Minh thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư. TP. Cần Thơ thứ ba với 1,32 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, tính đến 20/5, lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Tạp chí Tài chính
4/ Vận tải hàng không dân dụng có thể hoàn toàn phục hồi vào năm 2023
Trong dự báo đưa ra ngày 26/5, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhấn mạnh do dịch bệnh, dự báo lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải hàng không trong năm 2021 sẽ chỉ đạt mức gần 52% so với mức trước khi đại dịch xảy ra (năm 2019).
Trong thập kỷ này, đại dịch COVID-19 đã kéo tăng trưởng của ngành hàng không chậm lại từ 2-3 năm. Tuy nhiên, với việc ngày càng có nhiều người được tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, ngành hàng không sẽ có thể sớm phục hồi.
Tăng trưởng trung bình hằng năm của ngành trong giai đoạn 2019-2039 sẽ là 3,2%.
Nguồn: VietnamPlus
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore
5/ Thách thức lớn cho ngành sản xuất công nghiệp
Các ngành sản xuất công nghiệp như ô-tô, đồ gia dụng hay thiết bị điện tử đang rơi vào tình cảnh lao đao, buộc phải gián đoạn sản xuất, khi nguồn linh kiện chíp bán dẫn bị thiếu hụt. Các tập đoàn bị cuốn vào cuộc đua tranh đặt, mua hàng từ các “lò” chíp lớn trên thế giới, như Intel, TSMC hay Samsung… khiến giá thành leo thang chóng mặt.
Cuộc khủng hoảng chíp toàn cầu đang cho thấy điểm yếu vì sự phụ thuộc linh kiện này trong ngành sản xuất hiện đại. Theo dự báo của các tập đoàn, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung chíp có thể còn kéo dài đến năm 2023. Nhà sản xuất chíp TSMC mới đây đã công bố lộ trình đầu tư thêm 100 tỷ USD trong ba năm tới để mở rộng sản xuất.
Chíp bán dẫn chịu trách nhiệm chạy phần mềm, thao tác dữ liệu và điều khiển các chức năng của thiết bị điện tử. Hầu hết các sản phẩm hiện nay như điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, hay các sản phẩm thông minh, như ca-mê-ra, khóa cửa, đồ chơi trẻ em… đều cần chíp. Nhu cầu cho linh kiện này ngày càng lớn và quy trình để sản xuất ra chíp đòi hỏi thời gian dài, cùng những khoản đầu tư khổng lồ khiến nguồn cung chíp khó theo kịp những thay đổi bất thường của thị trường thế giới.
 Năm 2020, dịch bệnh khiến nhiều nhà máy chíp chậm trễ trong kế hoạch sản xuất và giao hàng. Sự cố cháy tại một nhà máy sản xuất chíp của Renesas (chiếm khoảng 35% thị phần linh kiện bán dẫn dành cho ngành ô-tô) ở Na-ca, Nhật Bản hồi giữa tháng 3-2021 càng khiến cho “cơn sốt” chíp nóng hơn. Các “ông lớn” trong ngành ô-tô như Ford, BMW, Honda… đồng loạt đưa ra tuyên bố cắt giảm kế hoạch sản xuất và giãn, dừng hoạt động ở các nhà máy của mình. Tại Đức, một số nhà máy của Volkswagen và Mercedes buộc phải ngừng khi không có đủ linh kiện bán dẫn, khiến hàng nghìn lao động bị giảm giờ làm hoặc nghỉ việc tạm thời. Trong khi đó, một số nhà sản xuất khác, như Nissan hay Chevrolet thậm chí quyết định thay đổi thiết kế của các mẫu xe để giảm bớt thành phần có chíp, nhằm duy trì số lượng ô-tô xuất xưởng ở mức cao.
Nguồn: Báo Nhân dân
6/ Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh kêu gọi G7 ủng hộ cải cách WTO
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss. (Ảnh: AFP/TTXVN)
27-28/5, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss kêu gọi các nước G7 ủng hộ công cuộc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cảnh báo rằng nếu không đạt được tiến bộ thực sự trong việc cải cách WTO cho phù hợp với thế kỷ 21, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ có nguy cơ bị tan rã.
Bộ trưởng Truss cho rằng cần phải có một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ để xử lý các vấn đề liên quan đến trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp, hiện đại hóa các bộ quy tắc của WTO, cũng như thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và thương mại xanh.
Bà Truss cũng thúc giục G7 ủng hộ Tổng giám đốc mới của WTO, Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala, người đang nỗ lực để đạt được những tiến bộ trong cải cách và tạo ra một khuôn khổ hành động mới trước Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC-12) vào tháng 11 tới.
Bà cũng nói Anh muốn tranh thủ vai trò Chủ tịch G7 để giải quyết các vấn đề cơ bản mà thương mại toàn cầu đang phải đối mặt và hỗ trợ Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala trong việc cải cách WTO trong thế kỷ XXI. Nếu không cải cách thương mại, thương mại toàn cầu sẽ có nguy cơ tan rã và cuối cùng là rất ít quốc gia tuân theo luật lệ.
Nguồn: VietnamPlus
7/ Việt Nam – Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác, thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP
Tại buổi điện đàm này, Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Công Thương và bày tỏ mong muốn hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để phát triển quan hệ kinh tế – thương mại song phương trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn lời chúc mừng của Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura, đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng được củng cố và nâng tầm hơn nữa.
Hai Bộ trưởng đã thảo luận về việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của một số nền kinh tế đang bày tỏ sự quan tâm hiện nay, đặc biệt là Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura đề nghị Việt Nam ủng hộ việc tổ chức phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2021 để xem xét khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh sau khi nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập vào ngày 1/2/2021.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP và đề nghị Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư tại Việt Nam. Từ đó giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may cũng như các lĩnh vực có lợi ích cho sự phát triển quan hệ kinh tế – thương mại song phương.
Nguồn: Báo Công thương
8/ Dệt may lấy lại đà tăng trưởng
Sản lượng hồi phục
Một báo cáo phân tích của SSI Research mới đây đã đưa ra số liệu cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành may mặc Việt Nam đã phục hồi 19,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tận dụng lợi thế của khối thị trường CPTPP mới (có hiệu lực từ tháng 1/2019) với mức tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là những con số đáng khích lệ phản ánh sự cải thiện đáng kể trong tháng 4/2021, như: tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt tới 84%, sang EU tăng 52%… SSI Research dự đoán, sự phục hồi mạnh mẽ này sẽ tiếp tục duy trì đến quý 3/2021. Hiện hầu hết các DN may mặc đã có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc khi thị phần của nước này giảm từ 28,5% hồi tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021, trong khi thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã đạt 10,8 tỷ USD, tăng trưởng gần 14% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sơ, sợi dệt các loạt đạt 1,9 tỷ USD, tăng 58%; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 252 triệu USD, tăng 55%. Kết quả này sẽ hỗ trợ tích cực để dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay.
Dù sản lượng tiêu thụ đã có sự cải thiện đáng kể, song giá bán vẫn là thách thức lớn đối với các DN. Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam đã tăng 0,87% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức trung bình 1,625 USD/tấn.
Kỳ vọng vào các dự án mới
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các DN đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh sẽ có lợi thế hơn hẳn. Điển hình trong số đó là Công ty CP May Thành Công. Xu hướng tăng của giá sợi cùng với sự phục hồi của các đơn đặt hàng may mặc từ các khách hàng xuất khẩu đã giúp doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty này đã tăng lần lượt 20% và 83% trong quý 1/2021, đạt 946 tỷ đồng và 62 tỷ đồng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty CP May Thành Công, ước tính kết quả tháng 4/2021 tiếp tục khả quan với mức tăng trưởng lãi ròng lên tới 136%, đạt hơn 18 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, May Thành Công đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2021 với mức doanh thu hàng tháng gần 400 tỷ đồng. Song do phải gia công bên ngoài rất nhiều nên biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng, dao động dưới mức 7% doanh thu. Dự kiến, nhà máy mới tại Vĩnh Long sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2021 sẽ giúp công ty giảm phụ thuộc vào nguồn thuê ngoài và cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong tương lai.
Để chủ động nguồn nguyên liệu và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng từ khách hàng, Công ty May Việt Tiến cũng đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy vải thông qua việc thành lập Công ty TNHH Việt Thái – liên doanh hợp tác giữa Việt Tiến và 2 đối tác chiến lược là Luenthai và Newtech. Dự án này sẽ giúp Việt Tiến dễ dàng gắn kết vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hơn trong tương lai với việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA trong tương lai. Do hơn 13% tổng doanh thu năm 2020 của công ty đến từ doanh thu xuất khẩu sang EU, nên khi đáp ứng được các quy tắc xuất xứ trong EVFTA, Việt Tiến sẽ có khả năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Hơn nữa, việc chính thức ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong EVFTA đã góp phần giúp Việt Nam xóa bỏ điểm nghẽn về yêu cầu xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA. Trước đây, hàng may mặc vào thị trường Nhật Bản buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản. Nhưng nay, Hiệp định RCEP cũng không yêu cầu vải nguyên liệu phải sản xuất tại Việt Nam hay các nước nội khối, mà chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Xuất khẩu sang Nhật cũng chiếm 27% tổng doanh thu năm 2020 của Việt Tiến, do đó RCEP sẽ tạo động lực cho tăng trưởng xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.
Tương tự, nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng nhà máy cũng đang được các DN đẩy mạnh triển khai nhằm nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường. Theo đó, tại TNG, giai đoạn 1 của nhà máy mới Võ Nhai đã đi vào hoạt động trong quý 2/2020 và giai đoạn 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021, qua đó giúp gia tăng công suất. Trong khi đó, May Sông Hồng mở rộng công suất nhà máy SH10; Sợi Thế Kỷ cũng khởi công dự án nhà máy sợi tổng hợp Unitek giúp nâng công suất sản xuất các sản phẩm thế mạnh của công ty là sợi tái chế, sợi chất lượng cao và sợi đặc biệt, theo đúng xu hướng tiêu dùng mới của thị trường. Đáng chú ý, trong dự án này, Sợi Thế Kỷ và các đối tác FDI sẽ hình thành một chuỗi giá trị dệt may hoàn chỉnh để tối ưu hóa chi phí và tận dụng quy tắc xuất xứ trong các FTA như EVFTA và CPTPP. Điều này sẽ giúp gia tăng sản lượng bán hàng của công ty trong tương lai.
Nguồn: Báo Hải quan
Các DN đang đẩy mạnh mở rộng nhà máy, đầu tư thêm dự án mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
9/ Cung ứng toàn cầu rạn nứt, EU mạnh tay hỗ trợ lĩnh vực chip bán dẫn
Vào tháng 4/2021, EU đã khởi động một liên minh của các công ty bán dẫn châu Âu bao gồm ASML cũng như Infineon, STM và NXP để giúp đạt được những mục tiêu đó.
Hiện tại, EU đang xem xét thành lập một liên minh bán dẫn bao gồm STMicroelectronics, NXP, Infineon và ASML để cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip bán dẫn của nước ngoài trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị rạn nứt.
Ông Breton nhắc lại hy vọng thu hút một trong ba nhà sản xuất chip lớn trên toàn cầu là Taiwan Semiconductor, Samsung của Hàn Quốc hoặc Intel của Mỹ để xây dựng một nhà máy tiên tiến ở châu Âu; với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu lên 20% và sản xuất loại tiên tiến nhất Chip 2 nanomet vào năm 2030.
Nguồn tài trợ có thể đến từ một số chương trình của EU, bao gồm quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 800 tỷ Euro, trong đó 20% được dành cho “quá trình chuyển đổi kỹ thuật số” của lục địa này.
Ông chủ của ASML Peter Wennink cho hay, châu Âu bắt đầu hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng ngay từ bây giờ cho các ngành sẽ trở nên rất quan trọng trong 5 năm tới, và tập trung vào các công ty đã có thế mạnh về chip bán dẫn ô tô.
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam
10/ Kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ nhập khẩu để bảo vệ ngành gỗ
Loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung
Chính phủ Việt Nam đã cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi nguồn cung. Cam kết này thể hiện qua việc Chính phủ ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU từ năm 2019.
Thực hiện Hiệp định này, Chính phủ đã ban hàn Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 4831/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/11/2020 quy định các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu nhằm thiết lập các cơ chế kiểm soát rủi ro.
Theo đó, gỗ rủi ro và gỗ được nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực thì người nhập khẩu cần hoàn thành Bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu nhằm kiểm soát và giảm rủi ro về nhập khẩu gỗ bất hợp pháp. Bản kê khai này gồm 4 hợp phần: Phần A: Thông tin chung về lô hàng; phần B: Mức độ rủi ro của lô hàng nhập khẩu; Phần C: Tài liệu bổ sung và phần D: các biện pháp bổ sung của chủ gỗ nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của gỗ.
Tuy nhiên, qua khảo sát nắm bắt thông tin tại một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ châu Phi trong thời gian gần đây, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, việc thực hiện Nghị định 102 đang gặp phải một số khó khăn. Nguyên nhân là do chưa quy định cần phải yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ cụ thể nào ở phần C và D nêu trên.
Thông tin chia sẻ từ Hiệp hội Gỗ Cameroon cho thấy, chuỗi cung xuất khẩu gỗ từ quốc gia này tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ khâu khai thác cho tới khâu xuất khẩu. Một số doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi cũng cho biết điều này cũng đúng với nhiều quốc gia khác thuộc châu Phi hiện đang xuất khẩu gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.
Giải pháp để kiểm soát tốt hơn
Kiểm soát hiệu quả tính hợp pháp của gỗ rủi ro nhập khẩu có vai trò sống còn với ngành gỗ Việt Nam bởi Chính phủ Việt Nam đã ký kết VPA/FLEGT và đã ban hành và đang thực hiện Nghị định 102 để kiểm soát gỗ nhập khẩu bất hợp pháp. Thêm vào đó, Chính phủ Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra ngành gỗ Việt Nam.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn cho thế giới và chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm 2021, trong đó kim ngạch từ thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của cả ngành. Trong khâu xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang cam kết tuân thủ chặt chẽ yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu như quy định EUTR 995, Luật Lacey của Mỹ, Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cam kết và cung cấp đầy đủ các bằng chứng về nguồn gốc gỗ sử dụng làm đổ gõ xuất khẩu.
Đối với gỗ từ rừng trồng theo quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, chủ lâm sản khi khai thác phải cung cấp các giấy tờ: báo cáo địa danh, diện tích, khối lượng lâm sản dự kiến khai thác; bảng kê lâm sản; hợp đồng mua bán và giấy chứng nhận quyền sở hữu diện tích đất khai thác lâm sản.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, ngành gỗ nhận thức sâu sắc rằng, không có lý do gì để nguồn gỗ rủi ro với nhiều bất ổn có nguồn góc từ nhập khẩu luồn sâu vào thị trường nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp gỗ đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời của các Bộ, ngành và với cách làm việc linh hoạt, đúng pháp luật của cơ quan Hải quan trong việc tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính để tạo sự thông thoáng trong công tác xuất nhập khẩu gỗ.
Tuy nhiên, để kiểm soát tốt hơn nữa nguồn gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý không tích cực và loài gỗ rủi ro, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên, mới đây, Viforest đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cần yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu nghiêm chỉnh chấp hành việc hoàn thiện thông tin trong phần C và D của Bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu trong Nghị định 102. Cùng với đó, cần cung cấp, khai báo bổ sung các giấy tờ: bản photo giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, hoặc chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng; bản photo giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ (nếu là gỗ xẻ) và bản photo giấy phép được phép xuất khẩu.
Doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần bổ sung tài liệu, chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin “quốc gia nơi khai thác” thay vì theo hướng quốc gia xuất khẩu. Theo phản ánh của các hội viên Viforest, đa phần các đơn vị nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đều yêu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng hoặc gỗ có chứng chỉ. Do đó, Viforest đề nghị, trong tương lai Việt Nam cần hướng tới mục tiêu 100% gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ như một số thị trường nhập khẩu thế giới yêu cầu Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phải đảm bảo 100% là gỗ rừng trồng hoặc từ nguồn gỗ có chứng chỉ.
Nguồn: Báo Hải quan
11/ ‘Thông đường’ cho nông sản Việt sang Trung Quốc giữa dịch Covid-19
Hỗ trợ tối đa cho xuất khẩu trái vải Bắc Giang giữa ‘bão’ Covid-19
Bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương)- nhận định, sản lượng vải của Bắc Giang chiếm 80% sản lượng vải của cả nước, trong khi đó thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, chiếm 90%. Theo báo cáo của tỉnh, năm nay sản lượng vải của Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Nếu giữ mức xuất khẩu như năm ngoái khoảng 47% thì chúng ta phải tìm đầu ra cho 85 nghìn tấn vải.
Để hỗ trợ tiêu thụ trái vải Bắc Giang nói riêng và tiêu thụ nông sản đến vụ nói chung, đặc biệt là đưa ra các biện pháp thay thế khi 190 thương nhân Trung Quốc không thể sang Bắc Giang mua hàng đợt này, bà Lê Hoàng Oanh cho biết: Vụ Thị trường châu Á- châu Phi đang chỉ đạo quyết liệt chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây làm việc với phía Trung Quốc tạm thời miễn kiểm tra các lô vải đảm bảo chất lượng do Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang bảo lãnh. “Nếu Trung Quốc đồng ý phương án này, theo tôi đây là giải pháp rất thuận lợi để có thể xuất khẩu sang các thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc”, bà Lê Hoàng Oanh nói.
Trong trường hợp các thương nhân Trung Quốc không thể sang Bắc Giang để mua hàng, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông qua các chuyên viên của Vụ tại thị trường này để duy trì liên lạc thường xuyên với 190 thương nhân, hỗ trợ đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng nếu tỉnh yêu cầu, theo sự hướng dẫn của tỉnh Bắc Giang.
Cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân.
Bên cạnh, ông Khánh cho rằng cần xây dựng chiến lược 4 bước. Thứ nhất, tạo lòng tin về độ an toàn của quả vải. Việc này, Bắc Giang đã xây dựng quy trình rồi, tuy nhiên, quy trình này nếu được sự xác nhận chính thức của Bộ Y tế thì sẽ tạo lòng tin lớn hơn nữa cho người dùng ở thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, tạo ra lòng tin về quy cách, chất lượng, số lượng sản phẩm. Tình hình năm nay, có thể thương nhân Trung Quốc không qua được Bắc Giang. Vậy làm thế nào để họ có được lòng tin mặc dù họ không có mặt tại Bắc Giang? Việc này, chắc chắn tỉnh phải đánh giá. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị, tỉnh Bắc Giang nên giao trách nhiệm cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đứng ra xác nhận vấn đề này. Làm thế nào để trên từng thùng xốp, từng bao bì có tem dán của tỉnh Bắc Giang thì nhà nhập khẩu có thể yên tâm hoàn toàn sản phẩm.
Thứ ba, Bộ Công Thương kêu gọi không chỉ Bắc Giang mà tất cả các tỉnh thành có nông sản xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ sẽ cùng với Lạng Sơn, Lào Cai xây dựng quy trình ưu tiên cho quả vải của Bắc Giang và các địa phương đi qua cửa khẩu chính ngạch.
Về phía địa phương, đề nghị Bắc Giang có các doanh nghiệp đủ lớn, đủ uy tín để liên hệ với khách hàng nước ngoài, để ký kết các hợp đồng bán theo đường chính ngạch. Nếu không có các doanh nghiệp đó thì Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đứng ra làm việc này. Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ có VAT.
Thứ 4, vấn đề lưu chuyển hàng hóa của địa phương lên cửa khẩu theo đánh giá của Bộ Công Thương về cơ bản không có vấn đề gì. Nhưng nếu có bất kỳ vấn đề gì, mong địa phương sẽ cùng phối hợp với Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ. “Chúng tôi sẽ làm việc với Lạng Sơn và Lào Cai để bảo đảm sự lưu thông thông suốt hàng hóa từ Bắc Giang lên hai cửa khẩu chính xuất khẩu là Lào Cai và Hữu Nghị”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Tăng chế biến sâu và đa dạng hóa thị trường
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu trái vải vào thị trường Trung Quốc, hiện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, phối hợp với các thương vụ tại Nhật Bản, Australia, Singapore tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ trái vải của Bắc Giang vào các hệ thống phân phối lớn và trên nền tảng thương mại điện tử.
 “Năm ngoái, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa chuyên gia của Nhật Bản vào đánh giá vùng trồng và đánh giá chất lượng quả vải để đưa vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mới chủ yếu đưa vào siêu thị AEON. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tổ chức kết nối để đưa vào chuỗi siêu thị tại Nhật Bản nhiều hơn nữa, nhất là các khu vực đông dân tại thị trường này”, bà Võ Hồng Anh nói.
Tại buổi tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba diễn ra chiều ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho việc tiêu thụ các loại hoa quả, nông sản của Việt Nam, nhất là những loại trái cây sắp vào vụ thu hoạch như vải thiều, nhãn, xoài của Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La và các địa phương khác của 3 miền.
Nguồn: Báo Công Thương
12/ Canada đáp trả Mỹ sau cáo buộc phá vỡ thỏa thuận mở cửa thị trường sữa
Sau khi  Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo Washington sẽ kiện Ottawa ra cơ quan giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ USMCA, Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết Canada sẽ tự vệ.
Theo bà Tai, quyết định trên của Mỹ sẽ đảm bảo ngành sữa của Mỹ và lực lượng lao động trong ngành có thể nắm bắt các cơ hội mới trong khuôn khổ USMCA để tiếp thị và bán các sản phẩm của Mỹ cho người tiêu dùng Canada.
“Trận chiến” này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Biden đề xuất tăng thuế trừng phạt đối với gỗ xẻ nhập khẩu từ Canada.
Cho đến nay, ông Biden cũng từ chối can thiệp vào nỗ lực của bang Michigan nhằm đóng cửa Line 5 (một đường ống dẫn năng lượng xuyên biên giới với Mỹ, do công ty Enbridge của Canada vận hành); hoặc cho Canada được miễn trừ các quy định cứng rắn trong chính sách Mua hàng Mỹ.
Theo cơ chế quản lý nguồn cung, Canada đánh thuế lên tới 300% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài. Đây là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa chính quyền cựu Tổng thống Trump và chính quyền Thủ tướng Trudeau để thay thế NAFTA phiên bản cũ bằng USMCA.
Trong khuôn khổ USMCA, Canada đã đồng ý nới lỏng hệ thống này bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn mà không bị áp thuế cao.
Cuộc chiến về sữa cũng sẽ là thử nghiệm đầu tiên đối với hệ thống giải quyết tranh chấp của USMCA. Nếu ban hội thẩm không đứng về phía Canada, Ottawa sẽ phải thay đổi các hoạt động của mình hoặc đối mặt với các mức thuế trả đũa từ Mỹ.
Nguồn: VietnamPlus
13/ Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn ‘bình yên’ khi không còn ưu đãi GSP từ EAEU
EAEU và Việt Nam đã có FTA
Ngày 5/3/2021, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) – Cơ quan hành pháp của EAEU đã ban hành Quyết định số 17 sửa đổi Quyết định số 130 ngày 21/11/2009, cập nhật lại danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển được quyền hưởng ưu đãi theo GSP của Liên minh. Theo đó, 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và hai nước kém phát triển sẽ ngừng được hưởng ưu đãi của hệ thống này từ ngày 12/10/2021. 
Đi sâu phân tích về GSP, bà Ngọc cho rằng, GSP là việc dành ưu đãi thuế quan đơn phương đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển và/hoặc các nước kém phát triển nhất. Việc dành ưu đãi này nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển, cho phép ưu đãi về thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng mà nhóm các nước này quan tâm.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ các nước này, nếu có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A) chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ các nước trong Danh sách các nước GSP, thì sẽ được hưởng mức thuế suất nhập khẩu bằng 75% thuế suất trong Biểu thuế hải quan chung của EAEU (tức là 75% của thuế MFN). Nhóm các nước kém phát triển được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.
Với EAEU, bà Ngọc cho rằng, tiêu chí được hưởng ưu đãi GSP theo Quyết định số 47 ngày 6/4/2016 của EAEU quy định: các nước đang phát triển là các nước không được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm các nước có thu nhập cao hoặc các nước có thu nhập trên trung bình.
Tuy nhiên, EAEU đã cho Việt Nam tiếp tục hưởng chế độ GSP thêm 5 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (Việt Nam – EAEU FTA) có hiệu lực kể từ tháng 10/2016.
 Thuế suất GSP cao hơn nhiều FTA
 “Do vậy, qua rà soát về các mức thuế đối với các mặt hàng trong danh mục được hưởng ưu đãi GSP, tính từ 1/1/2022 hầu hết các mặt hàng đều có thuế suất trong Việt Nam – EAEU FTA thấp hơn thuế suất GSP của EAEU”, bà Ngọc khẳng định.
Về cơ bản, dỡ GSP không có tác động lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. GSP trên thị trường EAEU không giống như GSP của EU hay Hoa Kỳ. Đây là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp dụng GSP trên diện rộng, do đó GSP sẽ có tác động nhiều hơn.
Ngoại trừ một số trường hợp như gạo. Tuy nhiên, Việt Nam hàng năm được xuất khẩu 10.000 tấn gạo sang EAEU với thuế suất 0% theo hạn ngạch thuế quan.
Năm 2021, thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản (thịt động vật, cá, rau củ, trái cây, cà phê…) hầu hết đều đang được hưởng thuế suất 0% trong Việt Nam-EAEU FTA. Trong khi thuế suất GSP của những mặt hàng này hiện đang dao động từ 3,75%-18,75%.
Ngoài ra, mặt hàng dệt may cũng thuộc các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định nhưng không nằm trong danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP.
“Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định việc ngừng hưởng ưu đãi GSP sẽ không có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước thành viên EAEU trong thời gian tới”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Theo số liệu của Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC), xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này năm 2019 đạt trên 4,221 tỷ USD, năm 2020 là 4,471 tỷ  USD. Quý 1/2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.
Liên bang Nga vẫn chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch XNK giữa EAEU với Việt Nam (92,8% lượng xuất khẩu và 88,1% lượng nhập khẩu).
Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao vào khu vực EAEU trong quý 1/2021  bao gồm: cá đông lạnh (tăng 4,4 lần), động vật giáp xác (tăng 3,8 lần), động vật thân mềm (tăng 2 lần).
Một số nhóm hàng xuất khẩu nổi trội là bộ điện thoại (đạt 419 triệu USD, tăng 50%), các bộ phận thiết bị truyền hình (79 triệu USD, tăng 2,4 lần). Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, dệt may, cá khô có xu hướng giảm nhẹ.
Nguồn: Tạp chí VnEconomy
14/ Trung Quốc hạn chế xuất khẩu thép tác động ra sao đến thị trường toàn cầu?
Xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh khi chính phủ nước này thực hiện một loạt biện pháp chặn đà tăng bất thường của giá các loại hàng hóa chủ chốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hạn chế này sẽ chỉ khiến các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc gặp khó chứ không có tác động nhiều đến thị trường quốc tế do lượng xuất khẩu thép hàng năm của nước này vốn đã bị hạn chế.
Giá thép tại Trung Quốc đã tăng vọt từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, lên mức hơn 1.600 nhân dân tệ/tấn (tương đương 250 USD/tấn), mức cao chưa từng thấy, thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc.
Trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát, chính phủ Trung Quốc đã khôi phục mức thuế xuất khẩu thép và cắt giảm thuế nhập khẩu quặng sắt từ ngày 1/5. Tuy nhiên, biện pháp này có thể khiến các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc càng khó khăn hơn khi họ đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do sự biến động như tàu lượn của giá thép trong những tuần qua.
Ông Wang Ji – Giám đốc của Công ty Thương mại Thép Tangshan Xunzhuo chuyên xuất khẩu các sản phẩm thép sang Đông Nam Á và châu Phi – nói với Global Times rằng, công ty của ông có thể xuất khẩu tới 40.000 tấn thép thành phẩm sang thị trường nước ngoài, nhưng năm nay hoạt động xuất khẩu của công ty ông không còn suôn sẻ như vậy vì giá cả tăng cao khiến thép Trung Quốc không còn được ưa chuộng.
“Khách hàng không thể theo kịp đà tăng đột biến của giá thép, đặc biệt là ở các nước châu Phi”, ông Wang nói và cho biết, doanh thu của công ty ông đã giảm trong năm nay khi giá thép tăng mạnh.
Với các mức thuế mới vừa ban hành, ông Wang lo ngại hoạt động xuất khẩu của công ty ông sẽ khó khăn hơn trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Wang Guoqing – Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thông tin thép Lange Bắc Kinh – thị trường thép quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Bởi lượng thép xuất khẩu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng thép hàng năm của Trung Quốc.
Năm 2020, tổng các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt khoảng 1,32 tỷ tấn, chiếm 4,1% tổng sản lượng thép của nước này.
“Xuất khẩu thép của Trung Quốc chủ yếu là thép cuộn cán nóng, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn, trong khi thép thanh vằn, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, chỉ chiếm 0,6% tổng lượng thép xuất khẩu”, ông Wang cho biết.
Theo Global Times, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch tại một số nước như Hàn Quốc, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng giá thép tăng cao và thiếu hụt nguồn cung. Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông, tại Hàn Quốc có tổng cộng 59 dự án xây dựng đang bị đình hoãn trong hai tháng qua do thiếu thép cây và giá thép tăng 50% so với cuối năm ngoái./.
Nguồn: Bất động sản Việt Nam
Xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh
15/ Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam phục hồi rất tích cực
Theo ông Daniel Müller – chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực ASEAN của OAV, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể xấp xỉ mức trung bình những năm trước đại dịch COVID-19.
Điều này được thể hiện rõ trong quý 1/2021, đặc biệt là hoạt động ngoại thương, lĩnh vực vốn hết sức quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị hàng hóa xuất khẩu quý 1/2021 đã tăng 22% và giá trị nhập khẩu tăng 26,3%.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt 206,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Daniel Müller, trong quý 2, xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước khó đạt mức tương tự quý 1.
Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ làn sóng bùng phát dịch do loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra mức độ tác động thế nào tới Việt Nam, nhưng theo chuyên gia Daniel Müller, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể xấp xỉ mức trung bình những năm trước đại dịch.
Trong trung hạn, chuyên gia Daniel Müller khẳng định lĩnh vực công nghiệp vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.
Ông nói: “Nếu tiếp tục mở rộng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số hóa nền kinh tế, Việt Nam có cơ hội tốt để tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế, ví dụ trong các ngành điện tử, máy tính và ôtô.”
Để đối phó với những thách thức dài hạn, thay vì phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, cơ chế thị trường nên đóng vai trò lớn hơn. Điều này là rất cần thiết, nhất là để đảm bảo cơ chế hợp tác đối tác công tư (PPP) đạt hiệu quả.
Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đóng vai trò quan trọng, là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hai nước.
Tháng 1/2021, Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương đã phối hợp với Bộ Kinh tế Đức và Bộ Công thương Việt Nam thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt-Đức (JEC).
JEC sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc thảo luận, trong đó một nội dung quan trọng là tiến độ thực hiện hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, để khai thác tốt hơn tiềm năng to lớn của EVFTA, cần thúc đẩy và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Những quan hệ đối tác này có thể giúp chuyển giao nhiều bí quyết công nghệ hơn nữa từ nước ngoài vào Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu và Đức và làm cho các sản phẩm này hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn cần thiết của EVFTA.
Về những đánh giá của các nhà đầu tư Đức đối với thị trường Việt Nam, chuyên gia Daniel Müller cho rằng cùng với Ấn Độ, Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Đức coi là thị trường tiềm năng thú vị nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam đã tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tại đây. Chẳng hạn như đầu tư mạnh cho quy trình số hóa.
Nguồn: Vietnam Plus
16/ Doanh nghiệp đề xuất hướng đi mới cho ngành thép
Ngành thép là ngành công nghiệp nền tảng, vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế quan trọng của đất nước như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ… Bên cạnh đó, ngành này cũng đóng góp quan trọng cho quá trình dịch chuyển, đô thị hóa đất nước. Tuy nhiên, “đến nay, ngành thép vẫn chưa đáp ứng tiềm năng hiện có
Sản lượng phôi thép năm 2010 đã đạt khoảng 4,3 triệu tấn, đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2020 đạt 19,9 triệu tấn. Năng lực sản xuất toàn ngành năm vừa qua đạt khoảng 24 triệu tấn/năm. Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á về sản xuất, tiêu thụ thép. Trên bản đồ thế giới, sản xuất thép thô đứng thứ 14.
Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số còn xuất khẩu như tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép phục vụ lĩnh lực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội… phần lớn phải nhập khẩu.
Trong khi đó, công suất trong nước hiện đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu 10 triệu tấn và xuất khẩu chỉ 0,7 triệu tấn. Do vậy, năm nay, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Do đó, cần khuyến khích các nhà đầu tư mới đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu nhằm đảm bảo nguồn cung thép cuộn cán nóng (thép HRC) cho tiêu thụ trong nước.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đề xuất Bộ Công thương xây dựng chiến lược phát triển ngành thép thời gian tới gắn với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành thép Việt Nam, bên cạnh những thành công đạt được, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết Tập đoàn cũng gặp một số khó khăn nhất định. 
Ông đề xuất Bộ quan tâm đến vấn đề nhập khẩu quặng sắt và thép cuộn cán nóng HRC của doanh nghiệp thép. Đồng thời, ủng hộ doanh nghiệp ngành thép trong việc có ý kiến góp ý xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp, sát tình hình thực tế.
7 giải pháp phát triển ngành thép theo hướng “đi tắt đón đầu”
Kế thừa những thành tựu trong công nghiệp sản xuất thép thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 7 giải pháp:
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.
Thứ ba, Hiệp hội Thép phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ tư, từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép phải mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, xây dựng được các chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.
Thứ năm, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.
Thứ sáu, từng bước hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm.
Thứ bảy, nghiên cứu, cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.
Nguồn: The Leader
17/ Nông sản Việt rất cạnh tranh tại Ba Lan
Theo ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, nước này hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều…
Trong đó, mặt hàng gạo, nhất là gạo ST24 và ST25, có khả năng cạnh tranh được với gạo Thái Lan về chất lượng và giá. Hiện, giá CIF (nghĩa là giao hàng tại cảng dỡ hàng. Người bán hàng chịu chi phí thuê tàu, bảo hiểm đến cảng dỡ hàng-PV) các mặt hàng gạo này của Việt Nam tới các nước châu Âu đang thấp hơn 2-3% so với gạo Thái Lan, kể cả tính thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, sản phẩm hạt điều chế biến sâu cũng được nhận định có thể phát triển mạnh mẽ tại thị trường Ba Lan. Cùng với đó, các loại nước cô đặc của xoài, dứa, chanh leo cũng đang có nhu cầu lớn tại thị trường Ba Lan.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), EVFTA mà Ba Lan là một thành viên là FTA thế hệ mới mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU nói chung và Ba Lan nói riêng.
Cho đến nay, cam kết của EU trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
“Do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10-15% so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và một số nước châu Á khác như Campuchia, Myanmar, Bangladesh… nên hàng Việt Nam vào EU nói chung và Ba Lan nói riêng có sức cạnh tranh đáng kể”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Để thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan phát huy tốt lợi ích từ EVFTA, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam trong đó có Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về những cam kết trong hiệp định và đòi hỏi của thị trường.
Nguồn: Báo Hải Quan
18/ Phí vận chuyển container từ Á sang Âu lần đầu tiên vượt 10.000 đô la
Hôm 27-5, Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants công bố chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới cho thấy, chỉ số giá cước vận chuyển container tổng hợp của 8 tuyến đường biển chính của thế giới tăng 2% so với tuần trước, lên mức 6.257 đô la, cao hơn 293% so với cách đây một năm.
Riêng cước phí vận chuyển container 40 foot từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến  Rotterdam (Hà Lan) tăng lên mức 10.174 đô la Mỹ, cao hơn 3,1% so với tuần trước và nhảy vọt 485% so với cách đây một năm. Cả hai con số giá cước trên đều đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Theo dữ liệu của Drewry Shipping Consultants, trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới chưa bao giờ vượt quá 3.000 đô la.Tại Mỹ và nhiều nơi khác, nhiều chủ hàng cũng phải trả hơn 10.000 đô la để thuê vận chuyển một container trên thị trường giao ngay vốn đang thắt chặt, nơi các hợp đồng với các hãng tàu bao gồm những khoản phụ phí lớn.
Hôm 27-5, Michael O’Sullivan, Giám đốc điều hành hãng bán lẻ thời trang Burlington Stores, có trụ sở ở bang New Jersey (Mỹ) cho biết: “Các bất lợi về chi phí trong chuỗi cung ứng và vận tải biển tiếp tục nghiêm trọng hơn và điều này có thể gây sức ép cho biên lợi nhuận hoạt động của chúng tôi”.
Trong khi đó, cổ phiếu của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk (Đan Mạch) tăng lên mức kỷ lục trong tuần này. Trong quí 1, Maersk ghi nhận mức lợi nhuận ròng 2,7 tỉ đô la, gần bằng mức lãi ròng 2,9 tỉ đô la của cả năm 2020.
Cổ phiếu của ZIM Integrated Shipping Services (Israel), một trong 20 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, đang giao dịch ở mức giá 46,4 đô la, cao gấp 3 lần so với mức giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng này vào hồi đầu năm.
Patrik Berglund, Giám đốc điều hành hãng tư vấn thị trường vận tải biển Xeneta nhận định, khi các nước dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 và các hãng tàu, các cảng cải thiện công suất, cước phí vận tải biện sẽ giảm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn, các hãng tàu vẫn cầm trịch thị trường.
Berglund cho rằng tình trạng thiếu công suất vận tải biển và tác động của đại dịch Covid-19 cùng với các sự kiện khó lường như vụ tắc nghẽn kênh đào Suez đang bóp nghẹt các chuỗi cung ứng. Điều này khiến các chủ hàng bị lép vế hoàn toàn trong các cuộc thương lượng với các hãng tàu.
Hiệp hội vận tải biển quốc tế Bimco cho biết cước phí vận tải biển tăng cao đã thúc đẩy các hãng tàu đặt đóng hàng loạt tàu mới trong 5 tháng đầu năm nay với tổng công suất vận tải 2,2 triệu TEU (TEU đơn vị đo sức chứa hàng hóa tính theo container 20 foot chuẩn với 1 TEU tương đương 1 container 20 foot). Con số này tăng hơn 12 lần so với tổng công suất 184.245 TEU của những tàu được đặt đóng trong 5 tháng đầu của năm ngoái và cao hơn 60% so với mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2015.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
19/ Xuất khẩu EU: xu hướng tiêu dùng mới
EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu cao so với cùng kỳ năm 2020 như: Hạt tiêu, gạo, cao su, chè, cà phê…
Tuy nhiên, ông Zachaier – Giám đốc Bộ phận chuỗi cung ứng SOA (Source of Asia) – một trong những công ty hàng đầu về hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam và châu Á – Thái Bình Dương – cho biết, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu đang thay đổi và thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, người mua hàng ngày càng quan tâm đến sự bền vững, bao gồm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, yếu tố bảo vệ môi trường. Khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Kinh nghiệm từ các DN đã thành công xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường EU như: Vinamilk, Viettel, Kova… cho thấy, điểm chung của các DN đều tập trung chất lượng sản phẩm ngay từ khi phát triển thị trường trong nước
Ở phạm vi rộng hơn, DN cần chủ động tham gia vào quá trình các cơ quan nhà nước nội luật hóa các cam kết EVFTA để có được những quy định có lợi nhất cho DN.
Nguồn: Báo Công Thương
20/ G20 mong muốn đạt thỏa thuận cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế
Các nguồn tin thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 29/5 cho biết nhóm này có kế hoạch đạt được một thỏa thuận sâu rộng về cải cách thuế quốc tế trong tháng 7/2021.
G20 đang xem xét cho phép các quốc gia đánh thuế đối với những “gã khổng lồ” kỹ thuật số có doanh thu và mức lợi nhuận lớn như Google, Apple ở mức từ 15% trở lên.
Các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, dự kiến cũng sẽ nhất trí với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu khoảng 15%.
Các cuộc đàm phán của G20 là một phần của các cuộc đàm phán thuế toàn cầu với sự tham gia của khoảng 140 quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn đầu trong bối cảnh những “gã khổng lồ” kỹ thuật số như Google LLC và Apple Inc. bị chỉ trích không đóng phần thuế phù hợp với mức lợi nhuận họ kiếm được.
Nguồn: Thời báo Tài chính
21/ Chưa thể dự báo trung và dài hạn cho thị trường dệt may
Trước diễn biến rất phức tạp của Covid-19, chưa thể có dự báo trung và dài hạn cho thị trường dệt may, mọi diễn biến đều đang xoay trong chu kỳ 3 – 6 tháng.
Đó là nhận định của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Thưa ông, xuất khẩu dệt may đã hồi phục từ đầu năm đến nay, sau 1 năm tăng trưởng âm. Sự tăng trưởng này đến từ đâu?
Sau năm 2020 với kết quả từng quý đều thấp hơn so với năm 2019, sang quý I/2021 đã chứng kiến sự phục hồi khá tốt của ngành dệt may, với mức tăng trưởng đạt 9,6%, bù lại được mức suy giảm của năm 2020, trong bối cảnh tổng nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may thế giới chỉ phục hồi nhẹ và còn khá xa so với năm 2019.
Tại Vinatex, ngành sợi đã có sự khởi sắc sau 24 tháng kinh doanh dưới giá thành, góp phần quan trọng làm tăng hiệu quả lên trên 28% so với cùng kỳ. Ngành may có đủ việc làm đến hết 6 tháng đầu năm, chủ yếu vẫn là đơn cơ bản, giá trị thấp.
Số lượng đơn hàng tăng cao trong quý I/2021 có yếu tố khách quan đến từ sự dịch chuyển trở lại của đơn hàng đặt tại Myanmar do bất ổn chính trị.
Như vậy, các doanh nghiệp đang có những thuận lợi nhất định từ khó khăn của các quốc gia xuất khẩu trong khu vực, thưa ông?
Xuất khẩu đã đạt được kết quả khả quan hơn trong những tháng đầu năm, nhưng với riêng Vinatex thì vẫn còn những điểm hạn chế, như tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hiệu quả ngành sợi chủ yếu là do tác động thuận lợi của thị trường mang lại, chứ không phải đến từ việc đổi mới mô hình kinh doanh; tuyển dụng lao động trong doanh nghiệp vẫn kém hấp dẫn hơn so với khối FDI và tư nhân cùng làm dệt may, dẫn tới nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn và thời gian giao hàng ngắn…
Bên cạnh đó, thị trường sợi vừa phục hồi được khoảng 5 tháng lại đã có những dấu hiệu trầm lắng, giao dịch mua giảm trên 10% cả về số lượng và giá, trong khi giá bông và xơ polyester lại tăng trên 5% trong 1 tháng qua. Năng lực sản xuất vải còn hạn chế, dẫn tới chưa đủ sức cung cấp cho khách hàng lớn, chủ yếu vẫn làm nội địa và khách hàng nhỏ, đóng góp không đáng kể cả về phương diện doanh thu lẫn hiệu quả.
Đợt dịch lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và cả Việt Nam, ông dự báo ra sao về tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong năm 2021?
Thị trường 6 nước cung ứng hàng hóa dệt may ở Nam Á và Đông Nam Á ngưng trệ sản xuất do Covid-19 có thể là một chỉ dấu cho thấy, trong quý II và quý III năm nay, doanh nghiệp may sẽ có nhiều đơn hàng nếu ta tiếp tục duy trì được kiểm soát dịch bệnh. Tuy vậy, những dấu hiệu dịch bệnh chưa được kiềm chế tại châu Âu hay nền kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm có thể vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu.
Tôi cho rằng, có thể phải tới năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại như năm 2019. Hiện chưa có một dự báo trung và dài hạn cho thị trường này và mọi diễn biến đều đang xoay trong chu kỳ 3 – 6 tháng.
Năm 2021, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu ở kịch bản cao là 39 tỷ USD (bằng với năm 2019) và mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD. Để có thể cán đích, nhiệm vụ của doanh nghiệp sẽ rất nặng nề, thưa ông?
Với ngành may, theo tôi, cần lựa chọn một “thực đơn” đơn hàng tối ưu để tối đa hóa năng suất và hiệu quả trong điều kiện cầu vượt cung. Trong ngắn hạn, tình trạng đơn hàng nhiều hơn so với năng lực sản xuất có thể được duy trì do ảnh hưởng của dịch bệnh ở Nam Á và bất ổn chính trị ở Myanmar, do đó, lựa chọn làm đơn hàng nào trở thành bài toán “cân não” với nhà quản lý.
Với ngành sợi, vì nguyên liệu lên giá, thành phẩm mất giá, cần chú trọng quản trị tồn kho nguyên liệu. Đặc biệt, kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang có 30 – 40% năng lực sản xuất phục vụ trong chuỗi cung ứng, cả trong và ngoài nước.
Nguồn: Báo Đầu Tư
22/ Nghị định thư sửa đổi AJCEP có hiệu lực: Ý nghĩa đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam
Ngày 01 tháng 08 năm 2020, Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) giữa Nhật Bản và năm nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có hiệu lực.
Nền tảng
AJCEP là Hiệp định thương mại tự do đa phương (FTA) đầu tiên của Nhật Bản dựa trên các Hiệp định Đối tác Kinh tế song phương (EPA). EPA là những Hiệp định được ký kết bởi hai hoặc nhiều quốc gia nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do liên quan đến sự tham gia và hội nhập kinh tế song phương giữa các nước.
Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký một Hiệp định EPA có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) mang đến nhiều ưu đãi hơn cho thương mại và đầu tư song phương so với AJCEP. Hai FTA này có thể cùng tồn tại và các doanh nghiệp có thể lựa chọn để áp dụng hiệp định nào có lợi hơn.
Thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và ASEAN
Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), ASEAN là đối tác  thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản sau Trung Quốc.
Tính đến năm 2019, có hơn 13.0000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Đông Nam Á và có hơn 200.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc trong khu vực này. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) vào năm 2019 cho thấy hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách mở rộng kinh doanh ở các nước ASEAN trong những năm tới, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Ý nghĩa của Nghị định thư này đối với Việt Nam
Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại, nhà đầu tư và nhà cung cấp viện trợ nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là lựa chọn chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Theo JETRO, 64% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động hiện tại tại Việt Nam và 43% cho rằng Việt Nam là sự lựa chọn chuyển dịch đầu tiên của họ.
Cung cấp dịch vụ xuyên biên giới dễ dàng hơn
Việt Nam dự kiến sẽ xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc cung cấp xuyên biên giới phần lớn các dịch vụ pháp lý, kế toán và kiểm toán, thuế, kỹ sư và kỹ sư tổng hợp, y tế và nha khoa, máy tính và các dịch vụ liên quan, hoạt động R&D trong khoa học tự nhiên, nghiên cứu thị trường và tư vấn quản lý, giáo dục, dịch vụ quảng cáo,…
Ví dụ, Nghị định thư cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài với số vốn tối thiểu là 20 triệu USD và cũng cho phép các doanh nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản và các thành viên khác của AJCEP tiến hành kinh doanh dịch vụ kỹ thuật.
Sự di chuyển của các chuyên gia kinh doanh
Sự di chuyển thể nhân đề cập đến việc công dân và người đang thường trú từ bất kỳ nước thành viên nào của AJCEP di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ thương mại. Trong Nghị định thư này, Việt Nam đã cấp thời hạn lưu trú 90 ngày cho nhân viên kinh doanh dịch vụ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng nước ngoài khác.
Về phía Nhật Bản, các doanh nhân Việt Nam hiện có thể xin thị thực đầu tư và kinh doanh ngắn hạn hoặc dài hạn. Các chuyên gia trong một số lĩnh vực như pháp lý, kế toán, thuế và các nhà cung cấp dịch vụ đủ điều kiện có thể ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm.
Những điểm chính
Các thương nhân trong nước cũng có thể tận dụng cơ sở tìm nguồn cung ứng lớn hơn. Ví dụ, họ có thể sử dụng nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu trung gian từ bất kỳ thành viên AJCEP nào để được hưởng mức thuế ưu đãi.
Đối với Việt Nam, AJCEP cung cấp các lợi ích bổ sung về việc xóa bỏ thuế quan ngay lập tức và nhanh chóng đối với các sản phẩm và dịch vụ không thuộc VJEPA.
Nguồn: Vietnam Briefing

23/ Phục hồi kinh tế gắn với phát triển xanh thời kỳ hậu Covid -19
Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ hai diễn ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc với sự tham gia của hơn 60 nhà lãnh đạo các nước lớn và tổ chức quốc tế. Hội nghị tổ chức trong 2 ngày 30-31/05/202 dưới hình thức trực tuyến. 
Chương trình Hội nghị bao gồm phiên thảo luận thượng đỉnh có sự tham gia của lãnh đạo các nước như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel; và phiên thảo luận chung với sự tham gia của 170 quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức dân sự, giới học thuật.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là phục hồi kinh tế phải gắn với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu Covid-19. Đó là:
Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh.
Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của  biến đổi khí hậu.
Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công – tư trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi  giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công – nông nghiệp và dịch vụ.
Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Tiểu vùng sông Mê Công và  Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực,  an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới. 
Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19 là giải pháp cấp bách hiện nay; đề nghị tăng cường hỗ trợ cung cấp các nguồn vắc-xin, hợp tác  đi lại và duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại – đầu tư  quốc tế.
Thứ sáu, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nguồn: Tạp chí Tài chính
24/ Chặn hàng nghìn doanh nghiệp bị “bật” khỏi thị trường
COVID-19 đẩy số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 23%
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có 12 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Lũy kế 5 tháng đầu, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Là một trong hàng nghìn doanh nhân phải ngậm ngùi đóng cửa công ty trong năm nay – ông Vũ Tuấn Anh (Mỹ Đình, Hà Nội), cho biết: Doanh nghiệp ông kinh doanh về mặt hàng giấy in nhiệt.
“Sau một năm cố gắng chống chọi, hoạt động cầm chừng, cố gắng duy trì doanh nghiệp và trả lương cho lao động, tôi đã phải đóng cửa vì hàng loạt nhà hàng, quán càphê, cửa hàng… những đối tượng sử dụng giấy in nhiệt của tôi hoạt động cầm chừng, gián đoạn” – ông Vũ Tuấn Anh nói.
Từng có trong tay 3 trung tâm luyện thi đại học có tiếng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng bước sang năm thứ 2 dịch COVID-19, bà Nguyễn Chi Lam (phố Phạm Thận Duật – Cầu Giấy – Hà Nội) cũng đã phải đóng cửa cả 3 địa điểm.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch bệnh COVID-19 đã có sức công phá lớn đối với khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, thời gian hoạt động dưới 3 năm, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ…
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI) – cho hay, tác động của dịch bệnh COVID-19 với doanh nghiệp ở một số ngành rất lớn. Lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn nhất là: May mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%)…
Có 87,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc ‘hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Doanh nghiệp cần kịp thời chuyển đổi, tái cấu trúc
Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI – cho biết thêm: Bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh. Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Doanh nghiệp phải tự đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mở rộng tiêu thụ, nắm vững thị trường trong nước và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu; tận dụng các Hiệp định thương mại tự do.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.4.2020; Chính phủ đã gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19; gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng.
Nguồn: Báo Lao động
25/ FDI tăng, nhưng giá thuê đất khiến nhà đầu tư lo
Vốn ngoại tập trung cho sản xuất, vốn nội vào bất động sản công nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 290 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỉ đô la Mỹ (tương đương 138,3 ngàn tỉ đồng), tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử như tỉnh Bình Dương, trong gần 5 tháng đầu năm nay, địa phương này đã thu hút 1,252 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn ngoại rót vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1,163 tỉ đô la, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh.
Những tập đoàn lớn như P&G, Far Eastern hay Cheng Loong,… đã tiếp tục rót thêm vốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Bình Dương.
Các khu công nghiệp trên cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
Báo cáo thị trường mới đây của Colliers Việt Nam ghi nhận giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TPHCM trong ba tháng đầu năm vào khoảng 165 đô la Mỹ/m2/kỳ hạn thuê, trong khi con số này ở Hà Nội trung bình là 140 đô la/m2/kỳ hạn thuê. So với năm ngoái, giá cho thuê này đã tăng thêm khoảng 6-7%. Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng số lượng khu công nghiệp tại hai thành phố này không đổi nên giá thuê không ngừng tăng.
Trong khi đó, báo cáo chuyên đề thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, Công ty tư vấn đầu tư bất động sản CBRE Việt Nam cũng nhận định vùng công nghiệp lớn miền Bắc tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên có tỷ lệ lấp đầy hơn 91%, giá chào thuê từ 65 đến 260 đô la/m2. Tại vùng công nghiệp lớn miền Nam, gồm TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, giá chào thuê 80 – 300 đô la/m2.
“Sức nóng” giá thuê đất và nỗi băn khoăn về phát triển dài hạn
Trước đó, ông John Campbell thuộc công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho rằng giá cả tăng cao vẫn là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất.
Lũy kế đến cuối tháng 5-2021, Việt Nam có 394 khu công nghiệp được thành lập lên với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 ngàn ha, trong đó có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86.000 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57.300 ha và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.900 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23.600 ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các khu công nghiêp đạt khoảng 42.900 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 53%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,8%.
“Nếu giá thuê tiếp tục tăng theo cùng một quỹ đạo từ năm 2018, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam có thể bị suy yếu”, ông John Campbell nói.
Việc phát triển các khu công nghiệp mới ở các tỉnh thành lân cận TPHCM và Hà Nội sẽ góp phần làm giảm “sức nóng” của giá thuê. Hiện tại, ở phía Bắc, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn.
Một số tỉnh ở khu vực phía Nam cũng có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Đơn cử như tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung ba khu công nghiệp mới vào quy hoạch quốc gia, khu công nghiệp Sài Gòn – Mê Kông có diện tích 200 ha, khu công nghiệp Tân Tập có diện tích 654 ha và khu công nghiệp Lộc Giang có diện tích 466 ha.
Sáu địa phương của tỉnh Đồng Nai gồm huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh có kế hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp, mỗi khu công nghiệp từ 200 ha đến 900 ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích đất công nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái, theo các công ty tư vấn, cũng được xem là một mô hình phù hợp và nên được phát huy. Trong đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
26/ Ngô vẫn “Hot” dù giá vừa giảm mạnh
Tháng 5/2021 đánh dấu thời điểm giá ngô vượt ngưỡng 700 US cent/bushel lần đầu tiên trong vòng 8 năm, và đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm vào ngày 7/5/2021, khi hợp đồng ngô tham chiếu (kỳ hạn tháng 7/2021) trên sàn Chicago đạt 771-3/4 US cent/bushel vào ngày 7/5/2021, tăng khoảng 150% so với chỉ 307-3/4 US cent trước đó 9 tháng (1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô Brazil và Liên minh Châu Âu (EU) – hai nhà cung cấp ngô lớn khác – cũng tăng theo xu hướng giá ngô Mỹ. Theo đó, giá ngô EU ngày 28/5/2021 đạt 267,75 EUR/tấn (tăng hơn 60% so với chỉ 164,5 EUR trước đó 9 tháng); ngô Brazil cũng tăng từ 43,8 real/bao đầu tháng 6/2020 lên 102,46 real đầu tháng 5/2021 (tăng khoảng 140%).
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá ngô Mỹ đã tăng hơn 50%, mức tăng nhiều chưa từng có trong 5 tháng đầu năm của ít nhất là từ 1973. Mức tăng nhiều thứ 2 ghi được là vào năm 2008, khi đó 5 tháng đầu năm giá ngô Mỹ tăng 38%.
Có hai nguyên nhân chính đẩy giá ngô tăng mạnh trong thời gian qua, đó là: (1) Khô hạn ở Brazil gây mất mùa, buộc khách hàng phải tập trung mua ngô Mỹ, và (2) nhu cầu ngô trên thế giới tăng mạnh, nhất là từ Trung Quốc.
Trong năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng ngô Mỹ cao kỷ lục do giá ngô trong nước của Trung Quốc cũng đạt kỷ lục cao giữa bối cảnh các kho dự trữ ngô dã cạn kiệt và nước này đang khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi nghiêm trọng.
Nhập khẩu ngô vào Việt Nam năm qua cũng đạt mức cao kỷ lục do nhu cầu tăng cao cho ngành thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh sản lượng ngô trong nước những năm gần đây liên tiếp giảm.
Triển vọng giá ngô
Sau khi đạt mức cao kỷ lục như trên, giá ngô đã quay đầu giảm liên tiếp từ đó đến nay. Theo đó, giá ngô Mỹ kỳ hạn tháng 7 (hợp đồng tham chiếu) đã giảm 15% kể từ ngày 7/5 đến ngày 28/5, xuống mức 735-1/4 US cent/bushel. Mức giảm 15% chỉ trong 3 tuần là mức giảm nhiều nhất đối với hợp đồng kỳ hạn giao sau 2 tháng cũng kể từ ít nhất là năm 1973, vượt xa mức giảm nhiều thứ 2 và thứ 3 của quá khứ (năm 2001 mức giảm nhiều nhất là 8%, năm 2014 mức giảm nhiều nhất năm là 7%). Mặc dù vậy, giá ngô thế giới hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm.
Việc giá ngô gần đây quay đầu giảm mạnh nhưng vẫn duy trì ở mức cao nhất gần một thập kỷ khiến cho việc dự đoán về giá trong tương lai trở nên khó chính xác.
Tỷ lệ thời gian giá hợp đồng tham chiếu quanh mức 3 USD trong năm 2017 lên đến 99%, trong khi năm 2018 là 96%.
Dự báo giá ngô sắp tới sẽ giảm càng được củng cố khi có thông tin khách hàng Trung Quốc gần đây đã hủy nhiều đơn đặt mua ngô Mỹ. Đã có gần 1 triệu tấn ngô Mỹ bị khách hàng Trung Quốc hủy bỏ. Mặc dù con số này không lớn so với mức 23 triệu tấn nước này đã mua của Mỹ trong năm 2020/21.
Trong khi đó, các dự báo trước đây đều đánh giá thấp nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương của Trung Quốc. Ông Peter Meyer, trưởng ban phân tích ngũ cốc và dầu thực vật thuộc hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, cho biết “Mới 6 tháng trước đây, hầu như không có ai quan tâm đến việc nhập khẩu ngô của Trung Quốc nhưng giờ đây các doanh nghiệp nước này đang ồ ạt thu mua ngô Mỹ”.
Trong báo cáo tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo lượng ngô Mỹ Trung Quốc nhập về trong niên vụ 2021/2022 sẽ đạt 26 triệu tấn, tương tự như năm 2020-2021. USDA cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngô trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục kéo dài, do đó giá ngô sẽ còn neo ở mức cao trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 10/2020, USDA chỉ dự báo tổng lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trên toàn cầu sẽ chỉ ở mức 7 triệu tấn.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng vẫn ở mức cao, và giá ngô tại Trung Quốc hiện vẫn cao kỷ lục, mặc dù nước này đã xuất bán khá nhiều lúa mì và gạo dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, để giảm bớt việc sử dụng ngô và giúp hạ nhiệt giá, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tháng 4 vừa qua đã ban hành hướng dẫn mới đề xuất tỷ lệ bao gồm ngô trong thức ăn cho lợn và gia cầm thấp hơn và khuyến nghị lúa miến và lúa mạch (có nguồn cung dồi dào trên thế giới) thay thế ngô trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác. Do đó, nhập khẩu ngô vào Trung Quốc năm tới dự báo vẫn giữ nguyên như năm nay, song nhập khẩu lúa miến và lúa mạch dự báo sẽ tăng mạnh.
Nhập khẩu ngô vào Việt Nam năm 2021-2022 được USDA dự báo là vững ở mức 13,0 triệu tấn trong bối cảnh sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng giảm và nhu cầu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng. Năm 2020/21, Việt Nam được dự báo là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 trên thế giới và dự kiến sẽ duy trì vị trí đó vào năm 2021/22. Bất chấp những lo ngại về dịch tả lợn châu Phi, bắt đầu từ tháng 2 năm 2019, nhập khẩu ngô và nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng so với năm trước.
Nguồn: CafeF
27 OECD dự báo kinh tế thế giới sáng sủa hơn
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế, OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm nay, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so dự báo hồi tháng 3 vừa qua. 
OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm nay, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, OECD hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm 2022 từ mức 4% xuống còn 3,6%.
Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nền kinh tế sẽ tăng trưởng lần lượt 4,3% và 4,4% trong năm nay và năm tới, cao hơn dự báo 3,9% và 3,8% hồi tháng 3.
Anh được dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022.
Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt 8,5% và 5,8% trong năm nay và năm 2022, cao hơn mức 7,8% và 4,9% trong dựa báo hồi tháng 3.
Đối với kinh tế Nhật Bản, OECD hạ dự báo tăng trưởng năm nay từ mức 2,7% xuống còn 2,6%, song tăng mức dự báo tăng trưởng năm tới lên 2%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó.
Cho tới nay, Mỹ và Trung Quốc đã trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và Đức. Bà cũng nhấn mạnh điều “rất đáng lo ngại” là không có đủ vaccine cho các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp. 
Giám đốc OECD nêu rõ, chừng nào phần lớn dân số toàn cầu chưa được tiêm chủng, thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bà cũng lưu ý các đợt phong tỏa mới sẽ làm tổn hại niềm tin của công chúng, trong khi các công ty, vốn đang ngập trong nợ nần, có thể phá sản.
Cũng theo OECD, một nguy cơ khác đối với kinh tế toàn cầu là cách thức các thị trường tài chính phản ứng với những mối quan ngại về lạm phát. Mặc dù cho rằng giá cả tăng chỉ là tạm thời, song OECD nhấn mạnh điều đáng quan tâm nhất là nguy cơ các thị trường tài chính sẽ biến động mạnh trước việc lạm phát tăng cao. 
Trước đó, các nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại lạm phát gia tăng sẽ khiến các ngân hàng trung ương rút lại các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng.
Nguồn: Vietnambiz
28/ Áp lực lạm phát trước giá hàng hóa leo thang
Giá thế giới, trong nước cùng tăng
Theo phản ánh của Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã tăng khoảng 30 đến 40% so với cuối năm 2020 và tăng mạnh nhất từ tháng 4-2021. Nguyên nhân tăng giá nhóm hàng này là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Bên cạnh đó, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc và việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế cũng đẩy nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng, tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.
Một diễn biến khác được cơ quan thống kê rất chú ý là giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ giữa năm 2020 đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng tăng thêm 8,79% trong 4 tháng đầu năm nay.
Trước đó, trong quý I, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm; giá nhiên liệu trong nước biến động theo giá thế giới,… Những diễn biến này cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu từng bước thiết lập mặt bằng giá mới khi hàng loạt mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến vật liệu xây dựng (VLXD) đồng loạt tăng giá.
Thận trọng, linh hoạt điều hành giá
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 4 giảm nhẹ 0,04% so tháng trước. Sang tháng 5, CPI quay đầu tăng 0,16% nhưng bình quân 5 tháng qua, CPI chỉ tăng 1,29% so cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Thông tin này khiến dư luận đặt câu hỏi, con số thống kê có phản ánh sát diễn biến thực tế hay không?
Tổng cục Thống kê lưu ý, CPI bốn tháng đầu năm thấp là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần. Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao.
Giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá dầu Brent bình quân được dự báo tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI chung tăng 0,9 điểm phần trăm.
Trong nước, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn chực chờ tăng giá theo lộ trình thị trường sau một thời gian tạm gác lại do tác động của dịch Covid-19. Ðặc biệt, cần có giải pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, thổi giá, hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng không đồng đều mà phụ thuộc vào kết quả chống dịch ở từng quốc gia. Vừa qua, giá xăng dầu, cước vận tải, sắt thép… tăng nhưng lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới trong năm 2021. Ngay cả những nền kinh tế phát triển, dự báo mức tăng lạm phát cũng chỉ 1,3%, trong đó đã tính tới mức tăng của nhiều mặt hàng tăng giá nhanh trong thời gian qua.
Nguồn: Báo Nhân dân
29/ Dù Covid, chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê mới công bố, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 vẫn tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hưởng giảm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng đã chứng minh, tại thời điểm 1/5/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với thời điểm tháng 1/4/2021 và 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020; ngành sản xuất và phân phối điện không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,2%. Riêng ngành khai khoáng, tại thời điểm trên, số lao động tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước, nhưng so với cùng thời điểm năm trước giảm 0,9%.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với thế giới.
Tuy nhiên, một số hạn chế của công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là chủ đạo vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.Tuy tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu tập trung ở khối Doanh nghiệp FDI, lại cậy vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.
Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị – kinh tế – xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ điển hình).
Cần thu hút FDI một cách có hiệu quả hơn – phát triển nội lực
Theo đó, Việt Nam cần tập trung thu hút FDI vào những nhà đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn (không chỉ năng lượng, mà cả đất đai, nguồn nước, nguyên liệu thô…); tạo cơ hội để doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi không chèn lấn nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thu hút FDI cần có chiến lược và có chọn lọc, tránh tiếp nhận FDI công nghệ thấp vào cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Quan trọng hơn, cần hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với khu vực FDI và dần gây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước vững mạnh, có được doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Bên cạnh đó, đầu tư FDI từng bước đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Thời gian tới, với việc hàng loạt các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực cùng với sự phát triển năng động của nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
30/ Trung Quốc áp thuế lúa mạch Australia, WTO vào cuộc
Động thái này diễn ra sau khi Australia hồi tháng 12 năm ngoái đã đệ đơn lên WTO, cho rằng quyết định của Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch của Australia là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Thành lập hội đồng là bước tiếp theo trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.
Australia cho biết, nước này sẽ sử dụng hệ thống của WTO để giải quyết những khác biệt với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích cho các nhà sản xuất lúa mạch của họ. Trong khi đó, Trung Quốc tin rằng các biện pháp thuế của họ tuân thủ các yêu cầu của WTO.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra trở nên tồi tệ kể từ năm ngoái, khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Đáp lại, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm lúa mạch, rượu vang và thịt của Australia.
Nguồn: Báo An ninh Thủ đô
Nông dân tại bang Tây Australia đã giảm diện tích trồng lúa mạch sau khi biết tin Trung Quốc lên kế hoạch áp thuế chống bán phá giá
31/ Hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và EVFTA
Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được một số phản ánh vướng mắc của hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến sử dụng bản điện tử của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).
Tháo gỡ vướng mắc, Tổng cục Hải quan cho biết đối với các lô hàng nhập khẩu có mã số REX có trị giá trên 6000 Euro theo quy định tại Hiệp định EVFTA và các lô hàng nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định CPTPP, cơ quan Hải quan chấp nhận hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được cấp điện tử và được gửi cho người nhập khẩu trên hệ thống quản lý chung của cùng một tập đoàn hoặc được gửi thông qua các phương thức điện tử khác.
Các hình thức tự chứng nhận xuất xứ này được người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan theo hình thức đính kèm tờ khai hải quan nhập khẩu thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Cơ quan Hải quan không yêu cầu người khai hải quan nộp bản giấy chứng từ tự chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP, mẫu EVFTA nếu các chứng từ này đã được người khai hải quan đính kèm trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do người khai hải quan nộp trên hệ thống để xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hải quan 2014; quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Công Thương.
Căn cứ quy định Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Công văn số 2669/TCHQ-GSCL về việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và EVFTA
Nguồn: Báo Hải quan
32/ Làm sao giữ được ‘hàng rào’ phòng vệ cho doanh nghiệp?
Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ cho hàng hóa từ 51 quốc gia đối tác của 14 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia với tư cách là thành viên chính thức. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều thị trường lớn trên thế giới cũng đang khiến luồng hàng hóa xuất khẩu chuyển hướng tới những nền kinh tế mới có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn như Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, nguy cơ hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực tới các ngành sản xuất nội địa.
Tính cuối năm 2020, Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 13 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp và 6 vụ điều tra tự vệ.
Các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng đã phần nào bảo vệ lợi ích cho một số ngành sản xuất trong nước với giá trị đóng góp lên tới 6% tổng sản phẩm quốc nội so với năm 2019 và giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng, giữ gìn uy tín, thương hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại chưa thực sự hoàn thiện, năng lực của các cơ quan thừa hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn lại thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nên hiệu quả sử dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại chưa góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là chưa kể, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa cao trong vấn đề này.
Dẫn tới hậu quả, Việt Nam đã trở thành đối tượng bị điều tra của hơn 100 vụ việc liên quan tới chống bán phá và gần 100 vụ việc chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh của khá nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Trước thực tế ấy, ông Vũ Tuấn Nghĩa, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sử dụng các công vụ phòng vệ thương mại không dễ dàng.
Để có thể giữ được “hàng rào” các biện pháp phòng vệ thương mại an toàn cho doanh nghiệp Việt Nam, các ngành sản xuất nội địa phải tập hợp được lực lượng đủ lớn; phải chứng minh được hành vi bán phá giá, trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nước ngoài. Đồng thời, phải chứng minh được thiệt hại cụ thể của mình trước cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, doanh nghiệp không chỉ cần hiểu biết về quy trình, các điều kiện mà còn phải đầu tư nguồn lực để theo đuổi vụ việc.
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần phối hợp đầy đủ, chặt chẽ với các cơ quan điều tra để cung cấp các bằng chứng cần thiết khi phát sinh sự vụ; đồng thời, lưu ý kỹ vấn đề sản phẩm bị điều tra để cung cấp thông tin chính xác.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu liên quan vụ việc, cần trả lời đầy đủ các câu hỏi điều tra, lưu ý các vấn đề về sản phẩm như mã HS hay mô tả… lưu ý mức thuế có thể thay đổi qua các kỳ rà soát, thủ tục hải quan và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… ông Nghĩa khuyến nghị.
Ngay cả, hàng nhập khẩu cạnh tranh lành mạnh, nếu có thể chứng minh được hàng nước ngoài đó được nhập khẩu ồ ạt, gây thiệt hại nghiêm trọng thì ngành sản xuất nội địa cũng có thể sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình.
Nguồn: VietnamPlus
33/ Tác động COVID-19 đến việc thực hiện FTA thế hệ mới?
Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19, với việc kiềm chế được sự bùng phát của đại dịch COVID-19, việc thực hiện các HĐTMTD đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương.
Năm 2020, xuất khẩu đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết; 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia.
Về hàng hóa xuất khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về hàng hóa nhập khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.
Kết quả khả quan này có thể coi là đóng góp lớn của việc thực thi các HĐTMTD, đặc biệt là các Hiệp định mới ký kết và có hiệu lực gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,…
Trên thực tế, dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, để việc thực thi Hiệp định mang lại kết quả tốt nhất, doanh nghiệp nên quan tâm đến một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và giáo dục mọi nhân viên nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thứ hai, đổi mới, tự tìm hiểu, nắm bắt cơ hội về các HĐTMTD, vượt lên chính mình đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường, chứng minh xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định.
Thứ ba, tự đổi mới cơ cấu sản xuất – kinh doanh, luôn linh hoạt đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, quy trình quản lý, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường các quốc gia phát triển để nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ tư, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa. 
Thứ năm là tham gia vào các chuỗi sản xuât hàng hóa khép kín (cả trong nước và quốc tế) – chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, chuỗi giá trị thuần Việt để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế.
Và cuối cùng là tích cực tham gia các liên kết ngang và liên kết dọc để tăng tính cạnh tranh. Tích cực tham gia và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng…
Với các cơ quan quản lý nhà nước việc tuyên truyền phổ biến về các HĐTMTD cụ thể cho từng mặt hàng, từng ngành hàng, tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường của từng Hiệp định.
Cùng với đó, việc tạo các điều kiện hỗ trợ thích hợp về môi trường sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp để giảm các chi phí logistic, vận tải, chi phí tiếp cận thị trường… để các doanh nghiệp giảm chi phí và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Và cuối cùng là trong điều kiện đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cần phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Đại sứ quán tại các quốc gia thành viên các HĐTMTD tổ chức tìm hiểu thị trường, tạo các trang web nhằm giúp các doanh nghiệp có các điều kiện tìm hiểu về luật pháp, về thị trường, thâm nhập, xuất nhập khẩu hàng hóa và hưởng các ưu đãi, tránh các rủi ro có thể xảy ra …
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
34/ Nhiều “rào cản” kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu gỗ dán
Xuất khẩu tăng 3 lần trong vòng 5 năm qua
Năm 2015, xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724 nghìn m3 với giá trị khoảng 200 triệu USD, thì đến năm 2020 xuất khẩu mặt hàng này lên tới 2,09 triệu m3, đem về kim ngạch 659,74 triệu USD cho ngành gỗ Việt.
Hiện có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, và Thái Lan với trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trung bình mỗi năm thế giới chi ra khoảng 16-17 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3 và nhu cầu tiêu dùng gỗ dán được dự báo ngày càng tăng.
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính đến nay, hiện có khoảng trên 340 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán. Riêng trong năm 2020, khoảng 20 nhà máy với quy mô lớn – nhỏ đã đi vào sản xuất gỗ dán hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại các tỉnh như Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình,.. Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận 2 dự án mới đi vào sản xuất mặt hàng gỗ dán với mức vốn đầu tư trên 14 triệu USD, công suất dự kiến 100.000 m3/năm.
2 thách thức lớn
Còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ngành gỗ dán trong đó phải kể đến rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán.
TS Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend – nhận định, hầu hết các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất ván bóc mua gỗ nguyên liệu (gỗ tròn) từ các hộ gia đình. Việc các hộ gia đình cung gỗ tròn cho các cơ sở sản xuất ván bóc trong bối cảnh thiếu các bằng chứng đảm bảo sự tuân thủ với các quy định về thuế hiện hành làm phát sinh rủi ro trong khâu này. Rủi ro trong khâu này đồng nghĩa với rủi ro trong tất cả các khâu còn lại của chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Năm 2020, Việt Nam chi khoảng 2,55 tỉ USD để nhập gỗ nguyên liệu, trong đó chi 227,27 triệu USD để nhập khẩu ván bóc và gỗ dán. Rủi ro liên quan đến việc luồng nguyên liệu gỗ dán nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, được “hòa” với nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước trước khi đi vào khâu xuất khẩu, dưới nhãn mác là sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.
Rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành hiện thực. Các rủi ro này có thể lan rộng trong tương lai trên cả 2 phương diện về thị trường xuất khẩu và mở rộng điều tra đối với một số mặt hàng mới có sử dụng nguồn gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào được xuất sang một thị trường cụ thể.
Tuy nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất gỗ dán nói riêng, sản xuất đồ gỗ nước ta nói chung chính là thiếu nguyên liệu đầu vào, do sản lượng rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ. Trong khi đó, vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây là tình trạng “chảy máu” nguồn nguyên liệu ván bóc sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Quang Huy – Chi hội trưởng Chi Hội gỗ dán – cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, khối lượng ván bóc làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn rừng trồng được xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng rất lớn. Việc các thương lái tăng cường mua gỗ ván bóc để xuất đi Trung Quốc đã khiến nguyên liệu này ở trong nước thiếu hụt trầm trọng.
“Trong sản xuất gỗ dán, 85% nguyên liệu đầu vào là gỗ ván bóc, phần còn lại chủ yếu là keo dán và một số phụ liệu khác. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá keo dán tăng 17-20%, giá mua ván bóc tăng 10-15%. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết với đối tác ấn định giá bán sản phẩm từ trước, nay không thể điều chỉnh được, khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán ở nước ta khó càng thêm khó”, ông Vũ Quang Huy nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quang Huy, hiện Trung Quốc vẫn là quốc gia cung cấp gỗ dán hàng đầu thế giới, chiếm trên 30% thị phần toàn cầu cả về lượng và giá trị. Việc xuất khẩu gỗ ván bóc sang Trung Quốc gây ra nhiều hệ lụy, giảm sức cạnh tranh của ta.
Để không chảy máu nguồn nguyên liệu, cùng với đề xuất áp giá tối thiểu với sản phẩm ván bóc xuất khẩu làm từ gỗ keo, gỗ bạch đàn, gỗ mỡ, gỗ bồ đề rừng trồng và ván bóc sản xuất từ cao su; tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ván bóc HS 4408 lên 25%, ông Vũ Quang Huy đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ hồ sơ nguồn gốc ván bóc xuất khẩu để bảo vệ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tạo đà phát triển ngành gỗ dán.
Các cơ quan quản lý có liên quan tăng cường kiểm tra giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa. Việc kiểm tra giám sát không chỉ dừng lại đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa, mà cần bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn sở hữu từ Trung Quốc.
Nguồn: Báo Công thương
Lượng container rỗng thiếu hụt tại các hãng tàu dẫn đến giá cước vận chuyển tăng kỷ lục thời gian qua.
35/ Doanh nghiệp lo lắng khi cước đường biển tăng kỷ lục
Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TPHCM), giá cước vận chuyển mỗi container hiện tại đã tăng hơn 3 lần so với thời điểm trước. Trước thời điểm dịch bệnh, mỗi container hàng xuất sang 2 thị trường Mỹ và châu Âu chỉ khoảng 3.000 đô la Mỹ nhưng hiện tại, mức giá này đang là 10.000 đô la/container. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu khi doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu hàng dệt may sang châu Âu và Mỹ.
Theo ông Việt, giá cước vận chuyển tăng nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do các đơn hàng đã ký từ trước. Vì vậy, mỗi lô hàng xuất đi, lợi nhuận cho doanh nghiệp còn rất ít, thậm chí là không có lãi.
Ngoài ra, giá cước vận chuyển tăng cao khiến khách hành giảm tần suất đặt các đơn hàng mới, việc thanh toán cũng chậm hơn so với bình thường.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành FURNIST cho biết khi các chi phí vận chuyển tăng lên, giá bán sản phẩm cũng vì thế tăng. Theo đó, người tiêu dùng tại thị trường châu Âu phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch để mua một sản phẩm đồ gỗ. Từ đó, tiêu dùng sụt giảm, các đối tác tại thị trường này dè dặt hơn.
Ngoài ra, cước vận chuyển tăng cũng khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất đội lên, gây khó khăn trong vấn năng lực cạnh tranh.
Theo đó, giải pháp chủ yếu hiện tại là đôi bên chia sẻ tổn thất từ việc giá cước tăng. Trong trường hợp không thương lượng được, việc ngừng nhập và xuất hàng là điều khó tránh khỏi.
Lý giải về vấn đề trên, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, việc giá cước vận chuyển tăng phi mã trong thời gian qua phụ thuộc vào yếu tố cung cầu. Theo đó, Mỹ và các nước châu Âu đang tăng cường nhập hàng để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Dịch bệnh khiến quá trình giao thương gặp khó khăn, thời gian quay đầu của tàu hàng diễn ra chậm hơn, dẫn đến nguồn container rỗng tại các bến tàu thiếu hụt.
Do nguyên nhân nằm ở vấn đề cung cầu nên đến hiện tại Hiệp hội Logistics vẫn chưa có những giải pháp làm hạ nhiệt giá cước. “Chỉ khi nào nhu cầu nhập hàng giảm thì tự động giá cước sẽ giảm. Riêng về vấn đề một số hãng tàu lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá thì thuộc thẩm quyền của nhà nước
Ngày 28-5 vừa qua, công ty tư vấn Drewry World mới công bố một chỉ số cho thấy chi phí vận chuyển mỗi container chứa hàng từ châu Á đến châu Âu đã tăng kỷ lục lên trên 10.000 đô la Mỹ lần đầu tiên trong năm 2021.
Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình thiếu container rỗng dẫn đến giá cước vận chuyển tăng cao sẽ còn diễn ra cho đến hết quí 2-2021. Từ giờ đến đó, các doanh nghiệp còn phải chịu nhiều tác động không tốt từ vấn đề này. 
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
36/ Xuất khẩu gạo Số 2 thế giới vẫn… chênh vênh
Quy mô nhỏ, thiếu bền vững
Việt Nam nhiều năm nay đứng trong “top” 3 XK gạo trên thế giới. Đáng chú ý, năm 2020, gạo Việt nhiều lần vượt qua các đối thủ về giá bán, khối lượng XK đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD và Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan, trở thành cường quốc XK gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Song với mức giá cuối tháng 4/2021 khoảng 488 USD/tấn, gạo Việt vẫn cao hơn hẳn 2 đối thủ Thái Lan, Ấn Độ với mức giá lần lượt là 377 USD/tấn và 485 USD/tấn.
Ở Thái Lan riêng đất trồng lúa là khoảng 10 triệu ha, còn ở Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ta có khoảng 4,1 triệu ha đất trồng lúa.
Song ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chỉ ra rằng, sản xuất, XK gạo của Việt Nam đã và đang đối mặt không ít khó khăn.
Trước tiên, đó là hạn chế trong sản xuất, chế biến khi sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai, … Ngoài ra, quy mô nông hộ nhỏ, cơ giới hóa kém. Liên kết giữa DN và nông dân thiếu bền vững. Số lượng DN tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế.
Một số chuyên gia nhìn nhận, cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản thiếu làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản.
“Vũ khí” phải là thương hiệu
Ở thời điểm hiện tại, “vũ khí” phải là thương hiệu, tập trung cao độ cho chất lượng và dựng xây thương hiệu gạo XK thay vì tăng diện tích, năng suất.
Trên thực tế, xây dựng thương hiệu là điểm yếu không nhỏ của ngành lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua. Một trong những mục tiêu quan trọng của “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 là đến năm 2020 là có 20% lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên thực tế đến nay vẫn chưa có lô gạo XK nào mang logo, thương hiệu gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN XK gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice); hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.
Về giải pháp tổng thể tiếp tục tái cơ cấu ngành lúa gạo hiệu quả hơn trong thời gian tới, PGS, TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTTN, cho rằng cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: thể chế và chính sách; phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa, tăng tỷ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa…
Theo Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2021 của Bộ NN&PTNT phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025 giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7-7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn; XK khoảng 5 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 20%. Chỉ tiêu đến năm 2030 là giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm; XK khoảng 4 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 40%.
Nguồn: Báo Hải quan
37/ CPTPP: Các thành viên nhất trí đàm phán về đơn xin gia nhập của Anh
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 2/6, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura thông báo 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa quyết định bắt đầu tiến trình đàm phán về việc Vương quốc Anh gia nhập hiệp định này.
Theo dự kiến, các nước thành viên CPTPP và Vương quốc Anh sẽ thành lập các nhóm công tác trong một vài tháng tới để thảo luận về vấn đề thuế quan cũng như các quy tắc thương mại và đầu tư.
Trước đó, Vương quốc Anh đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 2/2021.
Đây là nước đầu tiên xin gia nhập CPTPP kể từ khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Ngoài Vương quốc Anh, một số nền kinh tế khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã bày tỏ sự quan tâm về việc gia nhập vào hiệp định này.
Được ký kết tại Chile vào tháng 3/2018, CPTPP hiện có 11 thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm 13% GDP toàn cầu.
Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 sau khi được Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore thông qua, và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019.
Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn: VietnamPlus
BSA Tổng hợp
Tiện lợi lưu trữ với văn phòng phẩm Xukiva