Bản tin hội nhập số 112

79
(Từ 27/7-2/8/2020)
Sự kiện Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 – khiến vấn đề tiêu chuẩn, hội nhập lại được quan tâm hơn, do đó Bản tin hội nhập tuần này lấy “làm theo chuẩn” và “tư duy theo chuỗi” làm câu chuyện tiêu điểm.
CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: ‘LÀM THEO CHUẨN’ – ‘TƯ DUY THEO CHUỖI’ NGẠI GÌ EVFTA?
“Xuất hàng đi EU dễ hơn Nhật”, ông Huỳnh Khắc Nhu, CEO Trabaco (Công ty CP Trà Bắc, tỉnh Trà Vinh) nói về thời cơ “nóng hổi” của Trà Bắc khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Nhưng ông Nhu có lý do để “nổ”. Trải qua bao nhiêu thử thách, Trabaco trở thành nhà cung cấp than hoạt tính lớn nhất Việt Nam tại Nhật. Đó là sản phẩm kỳ diệu làm sạch cả thành phố Osaka. Thậm chí là nguồn cung cấp bền bỉ sang Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Đức, Thuỵ Điển – trong số 30 nước nhập sản phẩm từ gáo dừa trên toàn cầu..
Nhưng chỉ nhìn vào thành quả thì khó có thể thấy hết được những gì mà ông Nhu và Trabaco đã trải qua. Lấy lòng người Nhật đâu có dễ. Ông Nhu kể, sản phẩm than hoạt tính chỉ có độ chuẩn mực tới từng li, từng tí. Nếu doanh nghiệp đã có thiết bị, công nghệ, phòng lab… thì nhà nhập khẩu lại quay qua hỏi người làm việc trong phòng thí nghiệm dùng phương pháp phân tích nào? Tại sao phải phân tích theo cách này? Để bảo đảm chất lượng cần có phòng hoá nghiệm, tiêu chuẩn nào? Thiết bị nào? Hoá chất nào?…
Và, điều ngạc nhiên hơn, ở vị CEO, kỹ sư Hóa, ĐH Bách khoa TP.HCM là tư duy theo chuỗi. “Tư duy của mình là chuỗi chứ làm nguyên chuỗi sao nổi; giỏi dở tính sau, nhưng cái gì cũng phải chỉn chu”, ông Huỳnh Khắc Nhu nói. Thế nên, trong đại dịch Covid-19, than hoạt tính của Trabaco tham gia việc làm khẩu trang phòng lây nhiễm bệnh, trong mặt nạ phòng chất độc hoá học…
Các bạn có thể đọc thêm câu chuyện về ông Nhu ở đây: ‘Lọ lem’ hoạt tính đu theo EVFTA.
Và đừng quên một trong những bài viết được đọc và chia sẻ nhiều nhất của TGHN tuần này: Hành trình của cơ khí Mạnh Quang: đó là ‘cuộc chơi’ tiêu chuẩn.
Đúng thế, đó là câu chuyện là hành trình của cơ khí Mạnh Quang. Và một lần nữa, lại là những chia sẻ tâm sự lý thú về chuyện “làm theo chuẩn” và “tư duy theo chuỗi” của Mạnh Quang, nhà cung cấp chính thức cho Honda từ năm 2008. Đến năm 2014, Mạnh Quang được nhận giải thưởng: Honda Best Kaizen dành cho những nhà cung cấp có cải tiến xuất sắc.
Ông Nguyễn Mạnh Quang, giám đốc điều hành Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang chia sẻ: “Nền tảng cơ bản là mình phải có công nghệ, có thể sản xuất ra sản phẩm họ đang tìm mua. Khi đã có nền tảng đó rồi thì phải nghĩ đến việc vận hành, sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các tập đoàn lớn đều có bộ tiêu chuẩn đánh giá nhà cung cấp mà bắt buộc mình phải đáp ứng được thì mới có thể bán hàng cho họ. Cái khó khăn nhất là mình phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen, quyết tâm, sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với hệ thống đánh giá nhà cung cấp của họ. Khi mình đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một “ông lớn” rồi, thì việc nói chuyện với đối tác, khách hàng khác trở nên dễ hơn, và có khi được giá hơn vì họ yên tâm chất lượng.”
Sự kiện Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 – cũng khiến câu chuyện tiêu chuẩn, hội nhập lại được quan tâm hơn. Trên nguyệt san TGHN tháng này, chúng tôi có hai bài viết đặc sắc riêng về LocalG.A.P. – “một tiêu chuẩn mới ở Việt Nam là “bước đệm” đưa nông sản vượt ra khỏi biên giới của thị trường nội địa, đến với thị trường thế giới chính là LocalG.A.P., vừa được tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn GlobaLG.A.P. phối hợp xây dựng với Hội DN.HVNCLC và từ năm 2020, bắt đầu thực hiện tại Việr Nam” như lời giới thiệu của tác giả Kim Hạnh trong bài  Trao chìa khoá mở cửa thị trường xa và bài LocalG.A.P. cho phụ nữ miền núi phía Bắc.
A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT
– Đại sứ hàng Việt tí hon 2020: những tấm lòng đến với các em: 2010- 2020, đúng mười năm chăm chút chuẩn bị trại hè cho những em nhỏ nghèo khó miền sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), năm nay, ban tổ chức đã nghĩ ra một chương trình thật “xôm tụ” ở Sài Gòn cho các em ngày nào cũng được hồi hộp, sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, tới giờ chót, buồn thay, dịch bệnh Covid-19 đã làm chương trình phải hủy bỏ. Các em không được “lên thành phố”, nhưng ban tổ chức trại hè đã nghĩ ra cách khác. Ban tổ chức chia thành nhiều đoàn xuống đến tận nơi trao quà cho các em.
– Điện Quang tung hộp diệt khuẩn mùa dịch Covid-19: Mới đây, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại Việt Nam, Điện Quang đã kịp thời cho ra thị trường sản phẩm hộp diệt khuẩn UVC. Đây là sản phẩm dùng để khử trùng cho các vật dụng cá nhân như: khẩu trang, dụng cụ trang điểm, điện thoại, tai nghe, mắt kính, đồ trang sức, tiền giấy, đồ chơi, và các vật dụng khác có thể bỏ vừa không gian trong hộp. Hộp diệt khuẩn được thiết kế nhỏ gọn phù hợp mang đi mọi lúc mọi nơi.
 Sự hoà quyện giữa nông sản Việt và Mỹ trong chiếc bánh trung thu ABC Bakery: Mùa trung thu 2020, ABC Bakery sẽ phân phối ra thị trường bộ sưu tập bánh với nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, dòng bánh mang sự khác biệt và được chờ đợi nhất là bánh trung thu thanh long nhân phô mai và bánh trung thu nhân Tiramisu. Nguyên liệu làm nhân bánh được nhập khẩu từ California của Hoa Kỳ.
– Hơn 100 công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch có mặt tại Techmart : Trong hai ngày, 30 và 31/7, tại TPHCM, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (CESTI) tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch. Chương trình nhằm hỗ trợ đưa công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường. Qua đó, phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
– Đưa Phiên chợ Xanh – Tử tế lên sàn thương mại điện tử Chiều 29/7, Trung tâm BSA tổ chức chương trình kết nối cho gần 30 doanh nghiệp SME, doanh nghiệp khởi nghiệp, các CLB, HTX đến từ nhiều địa phương đang bán hàng tại Phiên chợ xanh – Tử tế nhằm đưa hàng hoá lên sàn thương mại điện tử Foodmap. Theo đó, Foodmap sẽ triển khai ký kết và cùng BTC Phiên chợ Xanh Tử tế chọn lựa các đơn vị đủ tiêu chuẩn và hồ sơ để đăng bán online. Ở giai đoạn đầu, hai bên thống nhất ưu tiên các mặt hàng khô, đông lạnh.
– ATM khẩu trang đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động
– Găng tay cao su Nam Long: đi xa vẫn không quên thị trường nội địa: Găng tay y tế sử dụng nhiều trong mùa dịch Covid-19, cơ hội cho Nam Long, nhưng đơn hàng có được hôm nay, theo ông Long, lại đến từ quá trình dài lăn lộn ở hội chợ quốc tế, quảng bá sản phẩm, giới thiệu, kết nối, tiếp xúc khách hàng…
– Hoàng Kim Vị với mơ ước nuôi gà sinh thái: Là một người khuyết tật, Hoàng Kim Vị, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, có cuộc sống không thật dễ dàng so với người bình thường.
– Bột rau sấy lạnh thêm nhiều visa: Gần đây, thông tin trong tháng 6/2020, bột rau sấy lạnh của Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt có chuyến hàng thứ 2 với gần 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh, xuất khẩu sang Hà Lan, khiến cộng đồng khởi nghiệp ngưỡng mộ.
– Trồng thanh long vàng thuận tự nhiên: Sau một lần qua Thái Lan tham quan vườn thanh long hữu cơ, cô gái miền Tây quyết định khởi nghiệp với trái thanh long vàng.
– Doanh nghiệp thủy sản bức xúc vì bị đánh đồng với vựa lặt đầu tôm: Hầu hết sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp thủy sản bị ngành thuế coi là hàng “sơ chế”, tương tự như hàng từ các vựa lặt đầu tôm, bóc vỏ,…nên có thể bị truy thu thuế.
– Hơn 46% hàng điện gia dụng và linh kiện nhập từ thị trường Thái Lan: Hàng điện gia dụng và linh kiện được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Thái Lan, với 517,89 triệu USD, chiếm 46,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
– Kiểm tra việc áp dụng mã HS đối với mặt hàng gỗ cao su xuất khẩu: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa chỉ đạo Tổng cục Hải quan xem lại việc áp mã HS lên sản phẩm gỗ cao su xuất khẩu dạng tấm (do bị thay đổi thuế suất từ 0% lên tới 25%).
– Vingroup đạt chuẩn FIDO2 cho sản phẩm máy chủ xác thực mạnh : Ngày 6/8, Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup) công bố đạt chứng chỉ chuẩn FIDO2 cho máy chủ xác thực mạnh VinCSS FIDO2 Server do Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới (FIDO Alliance) chứng nhận. VinCSS FIDO2 Server cung cấp dịch vụ chuyển đổi xác thực mạnh trọn vẹn cả về hạ tầng và công nghệ, đặc biệt cho các doanh nghiệp trong mảng tài chính – ngân hàng, công nghệ tài chính, ví điện tử và các siêu ứng dụng.
– Đạm Phú Mỹ lần thứ 5 lọt vào Top 50 thương hiệu dẫn đầu : Ngày 5/8, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – mã chứng khoán DPM, nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ) cho biết thương hiệu Đạm Phú Mỹ của TCT lần thứ 5 lọt vào danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2020.
– Thanh toán điện tử, cuộc đua mới của các ứng dụng gọi xe: Sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh của các ứng dụng gọi xe trong thời gian qua là rất nhanh và hầu hết đều hướng đến việc tích hợp dịch vụ thanh toán điện tử. Cuộc chạy đua tích hợp chức năng ví điện tử của các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam đang ngày càng quyết liệt. Mới đây nhất, Gojek công bố việc hợp tác với PayPal để tích hợp dịch vụ thanh toán vào ứng dụng của họ.
– Bán máy bay, đàm phán lại nợ, Vietnam Airlines có vượt khó?: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) năm 2020 dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng. Để cải thiện tình hình, VNA dự kiến bán 9 máy bay A321CEO để cơ cấu lại tài sản nhằm giải phóng nguồn lực dư thừa và có thêm dòng tiền và thu nhập, theo tài liệu phục vụ đại hội cổ đông của VNA.
 Nợ xấu vì Covid-19 khiến ngân hàng “đỏ mắt” đi tìm vốn: Áp lực tăng vốn vì Covid-19 ngày nay đến các nhà băng còn lớn hơn nhiều so với những năm trước loay hoay  tăng vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chí Basel II.
B – HỘI NHẬP
– WHO cảnh báo số người trẻ mắc Covid-19 tăng vọt: Số người từ 15-24 tuổi mắc Covid-19 trên thế giới tăng gấp 3 lần trong 5 tháng do nhóm tuổi này thường di chuyển nhiều.
– Người dân Nga sẽ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 miễn phí: Hãng Sputnik ngày 3/8 dẫn nguồn từ Trung tâm nghiên cứu virus học và công nghệ sinh học Vektor cho biết viêm tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được miễn phí tại Nga.
– Thái Lan tìm cách thu hút du khách nước ngoài: Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo số lượng du khách nước ngoài tới “xứ sở chùa Vàng” trong năm 2020 sẽ giảm mạnh xuống 7 triệu lượt từ mức kỷ lục 39,8 triệu lượt trong năm 2019, nếu quốc gia Đông Nam Á này vẫn đóng cửa vào quý 4/2020.
– Campuchia có thể mất hơn 15% lượng kiều hối trong năm 2020: Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia có thể mất hơn 15% lượng kiều hối trong năm 2020 trong kịch bản xấu nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
– Mối lo an ninh sinh học từ hạt giống bí ẩn: Sau Mỹ, một loạt quốc gia khác mở cuộc điều tra khi nhận được trình báo về bưu kiện chứa các gói hạt giống kỳ lạ dấy lên mối lo về an ninh sinh học.
– Đức cảnh báo quan hệ EU-Trung Quốc sẽ không còn bình thường: Quốc vụ khanh Đức phụ trách châu Âu Michael Roth cho rằng mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ không còn bình thường sau những động thái liên quan đến vấn đề Hong Kong.
– Samsung dời nhà máy cuối cùng từ Trung Quốc sang Việt Nam: Theo Nikkei Asian Review, Samsung Electronics sẽ chấm dứt mảng sản xuất máy tính cá nhân tại Trung Quốc và tính toán chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
– Công ty mẹ của TikTok chuyển trụ sở khỏi Trung Quốc: Theo tờ The Sun, tập đoàn ByteDance của Trung Quốc – công ty mẹ của TikTok – sẽ chuyển trụ sở từ Bắc Kinh (Trung Quốc) đến London (Anh).
– Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Trung Quốc điện đàm về Đài Loan và Biển Đông: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Mỹ Mark Esper đã cảnh báo nhau trong một cuộc điện đàm về nguy cơ leo thang đối với vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
– Nổ lớn ở Lebanon: Một vụ nổ lớn làm rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon, khiến ít nhất 78 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, san phẳng phần lớn khu cảng, làm hư hại các tòa nhà và khiến các thi thể bị chôn vùi trong những đống đổ nát.
– Số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt, Philippines thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á: Bộ Y tế Philippines hôm 6/8 ghi nhận thêm 3.561 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 119.460 ca, đánh dấu nước này có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á.
– Hàng loạt lao động nhập cư ở Singapore tự tử: Singapore tăng cường giám sát các vụ tự tử liên quan lao động nhập cư, dấy lên mối lo ngại sức khỏe tinh thần của hàng ngàn công nhân bị kẹt lại trong các khu tập thể do Covid-19.
– YouTube xóa 2.500 kênh liên kết với Trung Quốc: Trong một động thái đầy bất ngờ, gần 2.500 kênh YouTube có liên kết với Trung Quốc đã bị xóa sau khi Google tuyên bố sẽ làm sạch thông tin sai lệch trên nền tảng chia sẻ video này.
– Mỹ cảnh báo mã độc mới có nguồn gốc Trung Quốc: Tổng cộng 3 cơ quan, bộ ngành của chính phủ Mỹ hợp lực công bố cảnh báo liên quan đến mã độc bắt nguồn từ Trung Quốc, mà theo phía điều tra có dính líu chính quyền Bắc Kinh.
CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: SỨC NÓNG TRÊN ‘MẶT TRẬN’ CÔNG NGHỆ
Sau một loạt các động thái ngoại giao mạnh mẽ tuần trước thì tuần này sức nóng của cuộc đối đầu Mỹ – Trung lại chuyển sang “mặt trận” công nghệ.
Ngày 7/8, báo chí quốc tế loan tin, sau TikTok, đến lượt WeChat sẽ bị Mỹ loại bỏ
Theo Neowin, các kế hoạch mới đi xa hơn nhiều so với cuộc tấn công nhắm vào TikTok hiện tại vì chúng có thể dẫn đến việc nhiều ứng dụng Trung Quốc bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ, như WeChat. Bên cạnh đó còn có kế hoạch để kiểm soát nhà cung cấp điện toán đám mây từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 5 biện pháp mà Mỹ đang tìm cách theo đuổi để đối phó với các mối đe dọa mà họ nhận thấy từ Trung Quốc, chúng bao gồm:
– Chặn các “nhà cung cấp dịch vụ… không đáng tin cậy” khỏi các mạng viễn thông Mỹ.
– Xóa ứng dụng Trung Quốc khỏi các cửa hàng ứng dụng Mỹ.
– Ngăn các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cung cấp các ứng dụng phổ biến của Mỹ để tải xuống.
– Ngăn chặn thông tin cá nhân của công dân Mỹ và tài sản trí tuệ của các công ty được lưu trữ và truy cập trên các dịch vụ đám mây của Trung Quốc.
– Bảo vệ các tuyến cáp dưới biển chạy từ Mỹ đến phần còn lại của thế giới nhằm tránh bị tình báo Trung Quốc thu thập thông tin.
Trong khi Microsoft đang đàm phán để mua lại TikTok thì Apple mạnh mẽ nói không. Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm TikTok từ ngày 15/9 nếu không được bán cho một công ty ở Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng tiết lộ kế hoạch cấm các dịch vụ tương tự, mà theo ông là các mối đe dọa đáng kể đối với dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ. Theo BBC News, những điều này bao gồm không chỉ việc cấm các ứng dụng từ WeChat, TikTok mà còn các công ty tiềm năng khác của Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent.
Tuy không nói rõ điều này sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng Ngoại trưởng Pompeo cho hay các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ bị ngăn cài đặt hệ điều hành sẵn hoặc cung cấp cho người dùng tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất của Mỹ. Hơn nữa, dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ sẽ không còn được phép lưu trữ hoặc truy cập trên các dịch vụ đám mây của Trung Quốc. Những phát biểu kiên quyết nói trên của ngoại trưởng cũng phần nào giải thích rằng ông đang hướng đến mô hình tương tự như hơn 30 quốc gia đã có “mạng lưới sạch” không dính dáng đến Trung Quốc và chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với thương mại và các cơ quan khác. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là điều này sẽ bảo vệ tài sản trí tuệ có giá trị nhất của doanh nghiệp tại Mỹ, bao gồm cả nghiên cứu vắc-xin Covid-19.
Nhóm thông tin hội nhập/BSA