Bản tin hội nhập số 119

101
(Từ 21/9 – 27/9/2020)
CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: GÓI HỖ TRỢ 16.000 TỶ ĐỒNG KHÔNG GIẢI NGÂN ĐƯỢC ĐỒNG NÀO
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2020 diễn ra sáng (22/9), NHNN cho biết cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Thế nhưng, doanh nghiệp này sau đó đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động nên không vay nữa. Như vậy, gói 16.000 tỷ này đến nay vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp nào.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều kiện giải ngân quá khắt khe khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ.
Trước đó, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ đã quy định người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
Trong một diễn biến có liên quan, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN trong năm nay thay vì chỉ áp dụng với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng, giảm 50% các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm nay, thậm chí kéo dài sang năm sau.
Theo một khảo sát của Ban này 81% doanh nghiệp (DN) cho biết không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% cho biết phải trả tiền lương, bảo hiểm các loại và kinh phí công đoàn; 53% phải trả tiền vay ngân hàng, 76% DN không cân đối được thu chi và tác động của đợt dịch lần thứ 2 khiến 47% DN phải cắt giảm lao động.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên, ngày 17/9, dẫn lời chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ, lại cho rằng  đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN nếu được thông qua cũng chẳng giúp được gì cho cộng đồng DN nói chung.
Bởi số DN tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng qua đã lên hơn 34.000 DN (tăng hơn 70%), DN quy mô dưới 10 tỷ đồng giải thể lên trên 9.000 DN, DN chờ giải thể hơn 24.000… Thế nên chỉ có nhóm DN có lợi nhuận, chẳng hạn trong ngành ngân hàng, dược phẩm… là nhóm “nhà giàu” có thể tiếp cận được hỗ trợ này, nếu có.
“Theo tôi, Việt Nam đừng loay hoay với chính sách giảm thuế nữa, không tác dụng vì lợi nhuận âm thì làm gì có chuyện đóng thuế mà giảm. Trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, các nước như Canada, Mỹ đều bơm tiền trực tiếp cho DN hoặc cho vay lãi suất 0% để trả lương nhân viên, trợ cấp 75% lương cho DN đủ một số điều kiện, cho hoãn các khoản thuế hàng hóa, thuế hải quan đến hết tháng 6. Canada cũng cung cấp khoản vay không lãi suất cho DN nhỏ, được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi Việt Nam mình đến nay, DN nhỏ không có tài sản không được vay, DN lớn vay phải thế chấp và mức lãi vay của mỗi DN thế nào không được công bố rộng rãi, chỉ theo thỏa thuận với ngân hàng”, ông Robert Trần phân tích.
A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT
– Thương hiệu Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên thị trường Nga : Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Moskva năm nay có khoảng 400 gian hàng, chủ yếu là của doanh nghiệp nước chủ nhà. Tuy nhiên, xen kẽ giữa các gian hàng này nổi lên 2 gian hàng trưng bày mặt hàng cà phê, trà và các sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam. Điểm đặc biệt là cả 2 gian hàng do các công ty Nga là đơn vị nhập khẩu, đại lý và đối tác của doanh nghiệp Việt tổ chức. Các công ty này cho biết các mặt hàng của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường Nga, được người tiêu dùng Nga lựa chọn.
– Hàng Thái ‘bắt sóng’ thị hiếu người Việt : Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, doanh nghiệp Thái Lan vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu trên dưới 20% tại thị trường Việt Nam. Mức tăng trưởng này được đánh giá sẽ còn tiếp tục trong 5 năm tới.
– Vượt đại dịch nhờ kịp ‘bẻ lái’ về thị trường nội địa : Trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, xuất khẩu giảm sút, lượng hàng tồn kho tăng, nhiều DN đã nhanh chóng chuyển hướng từ xuất khẩu vào nội địa và gặt hái thành công.
– Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 1.800% : Trong 8 tháng, sắt thép Việt Nam xuất khẩu tăng đột biến sang Trung Quốc với trị giá 2,07 triệu tấn, tương đương 844,5 triệu USD, tăng mạnh 1.827,5% về lượng và tăng 1.470% về kim ngạch nhưng giảm 18,6% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 34,8% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.
– EVN mua điện mặt trời mái nhà với giá 1.943 đồng/kWh : Ngày 22/9, Bộ Công Thương đã ban hành công văn hướng dẫn về giá mua điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh).
 Ngành mía đường chịu ‘khủng hoảng kép’ : Dịch Covid-19 đã dẫn đến sự đình trệ đồng loạt trong hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế, sụt giảm trầm trọng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó gồm cả mặt hàng nhu yếu phẩm là đường. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. Rất nhiều doanh nghiệp ngành đường khác đang lâm phải khó khăn do những tác động khó chồng khó từ thị trường.
– Cổ phiếu thủy sản đi lên nhờ kỳ vọng mới từ EVFTA : Trước những kỳ vọng mới, cổ phiếu ngành thủy sản trên sàn chứng khoán tăng trưởng rất tích cực, kể cả đối với những công ty có kết quả kinh doanh đi xuống thì giá cổ phiếu vẫn đi lên.
– Trái cây tươi Việt Nam chuẩn bị tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ : Sáng 25/9, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cùng đại diện Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tổ chức họp báo tại Trung tâm Chiếu xạ Sơn Sơn (TP.HCM) về công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ, sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 3/2020, các chuyên gia Mỹ đã phải trở về nước do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; điều này đồng nghĩa với những lô hàng trái cây tươi phải tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường nước này.
– Giao thương trực tuyến sản phẩm trái cây Việt Nam – Trung Quốc : Ngày 24/9, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại TP.Thượng Hải (Trung Quốc), Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Trái cây Thượng Hải tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm hoa quả Việt Nam – Trung Quốc. 20 nhà nhập khẩu đến từ TP đông dân nhất Trung Quốc cùng với hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả lớn của Việt Nam đã tham gia hội nghị.
 Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất của Nhật Bản : Theo tờ Nikkei Asia Review, lượng tiêu thụ cà phê hòa tan đang gia tăng ở Nhật Bản trong bối cảnh ngày càng có nhiều người làm việc ở nhà vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Điều này làm tăng nhu cầu về cà phê robusta – loại cà phê chủ yếu được sử dụng để làm cà phê hòa tan, trong khi doanh số bán cà phê arabica – loại cà phê có chất lượng cao hơn và thường được các cửa hàng cà phê sử dụng – lại giảm. Xu hướng này đã khiến Việt Nam – nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới – trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất của Nhật Bản, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai.
 An Giang xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo EVFTA : Ngày 22/9, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA). Theo đó, lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang châu Âu của Tập đoàn Lộc Trời với số lượng gần 126 tấn, loại giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg; lô gạo này sẽ chính thức xuất sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.
– Video: Đinh Gia Foods sản xuất theo tiêu chuẩn để chinh phục khách hàng: Đinh Gia Foods sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, như lá dứa, hoa đậu biếc, hạt dành dành, sầu riêng, tỏi, ớt, gấc, sữa chua… cho ra những loại sản phẩm với các vị khác nhau, để người tiêu dùng có thêm dinh dưỡng.
– Video: Tạo màu bánh ít với bột rau má, Bếp Cô Minh bày gói lá chuối tuyệt chiêu nhân môn dừa đậu
– Video: Ký kết chương trình “Go – Online” cho Doanh nghiệp
– Video: Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa cần có sự đổi mới và sáng tạo
B – HỘI NHẬP
– Nhật Bản tiếp nhận khách nước ngoài nhập cảnh từ đầu tháng 10 : Chính phủ Nhật Bản đã chính thức cho phép nối lại việc tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh kể từ đầu tháng 10 tới sau một thời gian dài hạn chế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
– Đề nghị Philippines huỷ bỏ điều tra hạt nhựa Việt Nam : Sáng 25/9, Văn phòng Bộ Công Thương thông tin cho báo chí, Cục Phòng vệ thương mại của Việt Nam đã đề nghị Philippines đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm hạt nhựa nhập khẩu.
– Malaysia ‘không hưởng ứng’ lệnh cấm vận 24 công ty Trung Quốc của Mỹ : Đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh nhấn mạnh Malaysia sẽ không đứng về phía nào và không hưởng ứng các lệnh cấm vấn của Mỹ chống lại 24 công ty Trung Quốc bị Washington cáo buộc góp phần quân sự hóa Biển Đông.
– Bắc Kinh nỗ lực thu hút các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu : Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép các nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài chuyển tiền vào và ra khỏi đất nước một cách tự do hơn, cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường trái phiếu trong nước.
– Việt Nam điều tra chống bán phá giá đường nhập từ Thái Lan: Bộ Công Thương vừa khởi xướng cuộc điều tra chống phá giá với mía đường từ Thái Lan – mặt hàng có lượng nhập tăng gấp 6 lần cùng kỳ.
– EU tiếp tục kiện Apple 15 tỷ USD tiền thuế ở Ireland : Theo CNBC, cuộc chiến về thuế giữa EU và Apple vẫn chưa chấm dứt. Hôm 25/9, Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của EU nói họ sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa sơ thẩm châu Âu về vụ kiện liên quan đến Apple và Cộng hòa Ireland.
 Thái Lan thực thi hành động pháp lý đối với Facebook, Twitter : Thái Lan ngày 24/9 đã bắt đầu thực thi hành động pháp lý đối với 2 trang mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới gồm Facebook và Twitter do đã phớt lờ yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin không phù hợp.
– Pegatron sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam : Có trụ sở chính tại Đài Bắc, Đài Loan, Pegatron hiện đang là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới sau Foxconn Technology của Đài Loan.
CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: MỸ – TRUNG KHẨU CHIẾN TẠI LIÊN HIỆP QUỐC
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75, Tổng thống Donald Trump không tiếc lời chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì để virus lây lan ra toàn thế giới.
“Chúng ta phải bắt quốc gia này (Trung Quốc) chịu trách nhiệm. Họ đã ‘thả’ dịch bệnh này ra thế giới” – ông Trump nói trong bài phát biểu trực tuyến ngày 22/9. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố: “Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mà đã gần như bị Trung Quốc kiểm soát, đã tuyên bố sai trái rằng không có bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm giữa người với người. Sai trái sau đó lại được tiếp tục khi họ nói rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh. Liên Hiệp Quốc phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm cho những hành động của họ”.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đã gây ra đại dịch Covid-19, ngày 24/9, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân chỉ trích lại những lời công kích của Mỹ.
“Tôi phải nói là đủ rồi đó. Các vị đã gây ra đủ rắc rối cho thế giới rồi”, ông Trương nói và bác bỏ cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đại dịch, theo AFP. “Mỹ có gần 7 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 người tử vong tính đến nay. Với các công nghệ và hệ thống y tế tiên tiến nhất thế giới, tại sao Mỹ lại là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất?”, ông Trương “đá xéo” Mỹ.
Vị đại sứ này nói rằng những người phải bị truy cứu trách nhiệm phải là một số chính trị gia của Mỹ. “Mỹ nên hiểu rằng thất bại của họ trong việc ứng phó với Covid-19 hoàn toàn là lỗi của họ và nước lớn nên hành xử như nước lớn”, ông Trương nói.
Tiếp tục diễn biến căng thẳng Mỹ – Trung, trong tuần này Hạ viện Mỹ hôm 22/9 thông qua dự luật cấm nhập khẩu mọi sản phẩm từ khu tự trị Tân Cương – Trung Quốc, với tỷ lệ phiếu thuận – chống là 406-3.
Trong khi đó có khoảng 3.500 công ty Mỹ bao gồm Tesla, Ford Motor, Target, Walgreen và Home Depot đã kiện chính phủ Tổng thống Donald Trump trong 2 tuần qua về việc Washington áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Được đệ trình lên Tòa án Thương mại Quốc tế của Mỹ, các đơn kiện nêu danh Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Cục Hải quan và Biên phòng, đồng thời phản đối chính phủ làm “leo thang bất hợp pháp” cuộc chiến thương mại khi áp đặt các vòng thuế quan, theo Reuters.
Liên quan đến căng thẳng công nghệ, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục thúc đẩy cấm TikTok và WeChat. Cụ thể, ngày 25/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi văn bản lên tòa án để thúc đẩy lệnh cấm các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc trên các kho ứng dụng dành cho điện thoại thông minh của Apple và Google.
Văn bản gửi tòa án của Bộ Tư pháp yêu cầu Thẩm phán sơ thẩm Mỹ Laurel Beeler tại San Francisco dừng phán quyết sơ bộ đưa ra vào ngày 20/9 chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng tin nhắn WeChat của công ty công nghệ Tencent (Trung Quốc), chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 thông báo mọi động thái phân phối hoặc duy trì WeChat cũng như ứng dụng chia sẻ video TikTok (cũng của công ty Trung Quốc) trên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến sẽ bị cấm từ ngày 20/9, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.

>> BẢN TIN HỘI NHẬP HẰNG TUẦN

Nhóm thông tin hội nhập (tổng hợp)