Bản tin hội nhập, từ 16/9 – 23/9/2021

72
1/ Xuất khẩu toàn cầu: khoáng sản tăng mạnh và may mặc giảm | Xuất khẩu Đậu tương được giá | Fed tăng lãi suất trần – Lạm phát tăng
  • Tổng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu tăng thêm 34,7% trong tháng 6 2021, so với cùng kỳ năm ngoái 2020. So với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu đà tăng trưởng là Khoáng sản, với 72,8%; trong khi các mặt hàng Nông sản và Thủy hải sản chỉ tăng 22,6%; và 30,8% đối với ngành Sản xuất máy móc thiết bị; ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là may mặc, với lượng xuất khẩu giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • Dưới tác động sâu sắc của biến chủng Delta – đại dịch Covid-19, ngành du lịch toàn cầu rớt xuống còng 61 tỷ USD trong quý 2, so với 222 tỷ của quý 1 2020 và 320 tỷ của quý 4 2019. Tuy vào năm ngoái, tổ chức Du Lịch Toàn Cầu (UNWTO) đã dự đoán thiệt hại khoảng 20-30% trong 2020 so với 2019. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế cho thấy thiệt hại đã lên đến 70% trong năm 2020 so với 2019 – tương đương khối lượng thị trường cách đây 30 năm. Đây là một điều vô cùng đáng quan ngại, đặc biệt trong thời gian sắp tới.
  • Nếu Trung Quốc là thị trường tiêu thụ Đậu tương lớn nhất (với khoảng 39,5 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu – tương đương 60% lượng cầu trên thế giới), thì các nước Châu Mỹ La Tinh (Nam Mỹ) là cường quốc xuất khẩu loại nông sản này. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, và mới đây nhất là biến chủng Delta: khó khăn trong vận chuyển đường thủy (thiếu container rỗng, tắc cảng, v.v.), kèm theo áp lực bình ổn giá của các nhà nhập khẩu Trung Quốc, đã dấn đến tổng lượng xuất khẩu Đậu tương tại các nước Nam Mỹ đồng loạt giảm về lượng; tuy nhiên vẫn được về giá để bù lại. Tiêu biểu là Brazil trong 6 tháng đầu 2021, tuy tổng lượng xuất khẩu Đậu tương có giảm 1,1% xuống 57,6 triệu tấn nhưng giá trị lại tăng thêm 23,9% lên 24,7 tỷ USD. Trong cùng thời điểm, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu Đậu tương từ Mỹ lên 10,5 tỷ USD – tương đương 183,1% tăng trưởng so với trước đây.
  • Trước những dữ liệu khởi sắc về việc làm và phục hồi kinh tế nội địa Mỹ, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) thông báo họ có thể sẽ giảm việc mua trái phiếu (tài sản) mỗi tháng (bơm tiền) và bắt đầu tăng lãi xuất trần. Hệ quả là đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 1 tháng so với đồng bạc xanh Dollar. Hành động tăng lãi xuất trần của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ làm tăng lạm phát và suy yếu nội tệ của một số nước đang và kém phát triển (đặc biệt những quốc gia vẫn phải hứng chịu tác động nặng nề của đại dịch).
  • Song song đó, cổ phiếu Châu Á tại các thị trường chính, ngoại trừ Hàn Quốc (giảm), chỉ tăng nhẹ dưới ngưỡng 1 điểm %; bao gồm ngay sau khi cổ phiếu đáng lo ngại nhất là tập đoàn bất động sản Evergrande tăng lên 30% trong ngày.
Nguồn:  TradeBrief & TDM & Reuters
2/ Xu hướng sản phẩm nhựa dưới tác động của Covid-19
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid – 19 tác động đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, trong đó có ngành công nghiệp nhựa, nhưng năm 2020 ngành nhựa vẫn duy trì khá tốt được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng.
Trong giai đoạn năm 2016 – 2019, xuất khẩu mặt hàng sản phẩm nhựa liên tục tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 17,2%/năm, từ kim ngạch 2,14 tỷ USD trong năm 2016, lên mức 3,44 tỷ USD trong năm 2019.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã làm cho xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong các tháng đầu năm, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phá mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021.
Túi nhựa là sản phẩm nhựa chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân của mặt hàng túi nhựa không cao vì trong những năm gần đây rất nhiều thị trường lớn của sản phẩm túi nhựa của Việt Nam như Nhật Bản và một số thị trường EU như Hà Lan, Đức đều hạn chế hoặc cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Kim ngạch xuất khẩu túi nhựa trong 2020 đạt 910 triệu USD, tăng 46,3% so với 2016. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa 2020.
Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch Covid-19, Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng mà trong thời  kỳ dịch bệnh mọi người ở nhà nhiều hơn nên dành nhiều thời gian làm đẹp hay sửa sang, trang trí nhà cửa như tấm, phiến, màng nhựa; sản phẩm nhựa gia dụng; vải bạt; đồ dùng trong xây dựng; linh kiện lắp đặt đồ đạc trong nhà, xe cộ; vỏ mỹ phẩm…và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như túi nhựa.
Tấm, phiến, màng nhựa thay thế túi nhựa trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa giảm từ 27,7% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 19,6% trong 7 tháng đầu năm 2021 thì tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tấm, phiến màng nhựa tăng từ 19,4% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 20,3% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Trong giai đoạn năm 2016-2019, Nhật Bản giữ vững là thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2020, do tác động dịch Covid, một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng rất mạnh như tấm, phiến, màng nhựa và đồ dùng trong xây lắp do nhu cầu cao nên Mỹ thay thế Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu 2021, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu tới hơn 150 thị trường. Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành nhựa trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm tới 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa, đạt 1,01 tỷ USD, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng trong xây lắp của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang Mỹ là một trong 7 tháng đầu năm 2021. Sản phẩm nhựa này đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa như tấm sàn nhựa, ván sàn nhựa, rèm treo cửa, tấm trải sàn…Và một mặt hàng khác cũng đẩy mạnh sang thị trường Mỹ là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp như là bộ móng tay nhựa, dũa móng…
 
Việt Nam là thị trường lớn thứ 5 cung cấp mặt hàng sản phẩm nhựa này cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch tăng khá mạnh, đạt 108,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,5% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Mỹ.
Một số thị trường lớn cung cấp mặt hàng đồ vật dùng trong xây lắp (HS 3925) cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021
(Nguồn:Theo thống kê của ITC)
Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ những khó khăn khi cung ứng các sản phẩm nhựa bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc ngày càng quyết liệt, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thể hiện mạnh mẽ, đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Nguồn: Bộ Công Thương
3/ Cơn khát Chip khiến EU đổi mới chiến lược chất bán dẫn
Có hai nguyên nhân dẫn tới hiện tượng khan hiếm nói trên và cả hai cùng xuất phát từ châu Á. Trên đài phát thanh France Info, chuyên gia kinh tế Rémi Bourgeot, cộng tác viên Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) của Pháp, lưu ý đến chiến thuật của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung. 
Chuyên gia Bourgeot nhận xét, Trung Quốc đã lo xa, tích trữ linh kiện trong một thời gian dài để tránh bị thiếu hụt khoảng thời gian là từ 1 đến 2 năm. Trung Quốc đã đầu tư 180 tỷ USD để phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn, không phải lệ thuộc vào Mỹ. Châu Âu chỉ mới bắt đầu nhập cuộc.
Nguyên nhân thứ hai khiến thị trường công nghệ bán dẫn càng lúc càng “căng”, do dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại châu Á, nơi tập trung đến 80% các nhà máy sản xuất chip điện tử để cung cấp cho toàn cầu. Riêng tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất đến 28% chip điện tử trên thế giới. Một “người khổng lồ” khác trong ngành là UMC cũng của Đài Loan chiếm 13% thị phần toàn cầu. Nhật Bản bảo đảm 16,5% nhu cầu tiêu thụ cho thế giới, Hàn Quốc là 21%.
Theo ước tính của Công ty tư vấn Mỹ IC Insight, trong lĩnh vực điện tử, châu Âu phụ thuộc vào 94% chip điện tử châu Á.
Chiến lược nào cho EU?
Vào lúc Mỹ đã xem “công nghệ bán dẫn” là một ưu tiên chiến lược, Trung Quốc đầu tư 180 tỷ USD để không còn phụ thuộc vào chip điện tử của Mỹ, châu Âu đã có những bước chuẩn bị như thế nào? 
Tổng giám đốc Soitec, Paul Boudre cho hay, châu Âu có những công ty dẫn đầu thị trường trong ngành chip. Những công ty đó cần được hỗ trợ để tiếp tục là những “chú chim đầu đàn”, để tiếp tục giữ ưu thế trong tương lai. Trong số những hãng lớn của châu Âu phải kể tới ST MicroElectronics, NSX Semiconductors hay Infineon Technologies…
Mùa Xuân vừa qua, Paris đã thảo luận với nhiều đối tác Pháp và châu Âu trong ngành công nghiệp bán dẫn để “cùng hoạch định những chiến lược lâu dài”. Đầu tư trong lĩnh vực này là những dự án khổng lồ, nhất là châu Âu phải bắt kịp những chậm trễ so với các đối tác châu Á.
18 tháng trước, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Pháp nói riêng, Liên minh châu Âu (EU) nói chung đặt ra vấn đề “tự chủ về mặt công nghiệp” không chỉ vì thiếu hụt từ khẩu trang đến thiết bị y tế, mà cả trên lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Dù vậy, khi cả ngành công nghiệp ô tô của châu Âu, với hai đầu tàu là các hãng lớn của Đức và Pháp điêu đứng vì thiếu linh kiện bán dẫn, thất thu hàng chục tỷ USD. Đây có thể là “cú hích” thúc đẩy “lục địa già” đổi mới chiến lược phát triển công nghiệp.
Nguồn: Bnews
4/ UNCTAD dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh nhất trong 50 năm
Trong một báo cáo, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 16/9 dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm nay với mức tăng trưởng 5,3%, mức cao nhất trong gần 5 thập kỷ. Song cơ quan này lưu ý đà phục hồi sẽ không đồng đều tùy theo khu vực và ngành nghề. Sang 2022, UNCTAD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại khoảng 3,6%. Báo cáo cảnh báo tốc độ tăng trưởng có thể giảm tốc mạnh hơn dự kiến, nếu các nhà hoạch định chính sách áp dụng trở lại chính sách thắt lưng buộc bụng.
Theo báo cáo, nhiều quốc gia phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với gánh nặng nợ nần chồng chất, các nước này cũng có ít dư địa hơn để xoay sở thông qua chi tiêu công. Báo cáo trên lưu ý việc thiếu quyền tự chủ về tiền tệ và khả năng tiếp cận vaccine cũng đang kìm hãm nhiều nền kinh tế đang phát triển, nới rộng khoảng cách với các nền kinh tế tiên tiến và đe dọa mở ra một “thập kỷ mất mát” khác.
Richard Kozul-Wright, Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD, nhận định đại dịch COVID-19 đã buộc các nước xem xét lại các nguyên tắc cốt lõi của quản trị kinh tế quốc tế – cơ hội đã bị bỏ lỡ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguồn: Bnews
5/ Nông sản, thực phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại Trung Quốc
Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông, linh kiện điện tử và điện thoại di động chiếm 10,5 tỷ USD, thuỷ sản 300 triệu USD, trái cây chủ yếu là thanh long 183 triệu USD, gạo 160 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Quảng Đông 450.000 USD, trà 30.000 USD, tiêu, ớt 1,4 triệu USD, thực phẩm chế biến 60 triệu USD.
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông đã tiến bộ so với thời gian trước. Bên cạnh vai trò quan trọng của mặt hàng nông, thuỷ sản, mặt hàng máy móc thiết bị điện cơ, điện tử với sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI đã góp phần gia tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến”, ông Nguyễn Duy Phú cho hay.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường tỉnh Quảng Đông, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu lưu ý, do vậy doanh nghiệp trong nước cần phải tìm đối tác làm uỷ thác thương mại. Đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất khẩu qua đường biên giới mà không qua cảng biển.
Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm vào Trung Quốc nhưng hoạt động quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Muốn xuất khẩu bền vững cần tháo gỡ vấn đề này. Doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc hoàn thành giao hàng mà cần quan tâm đến sản phẩm được sử dụng ra sao, có dán mác hàng Việt Nam không.
Ngoài ra tại Trung Quốc, tận dụng thương mại điện tử và tham gia các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành tại Trung Quốc cũng là một kênh tìm kiếm đối tác và xúc tiến thương mại tốt cho doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương
6/ WB: nhà đầu tư vẫn tin tưởng triển vọng kinh tế Việt Nam
Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9 cho biết riêng trong tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. 
Các chuyên gia của WB cũng nêu một số thông tin đánh giá về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cụ thể, các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,3% so với tháng trước được WB đánh giá là mức “tương đối ổn định”.
Bên cạnh đó, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cuối tháng 7.
Các chuyên gia WB nhận định tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Nguồn: Báo Chính Phủ
7/ EVFTA: xuất khẩu cá Ngừ sang EU
Giai đoạn trước EVFTA hiệu lực, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan giảm liên tiếp trong 2 năm 2018 và 2019 là do chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” khiến cho xuất khẩu thủy sản khai thác tới EU giảm mạnh.
Hoặc tại Đức, tôm các loại chiếm 50,3% lượng và 72,9% về giá; cá ngừ các loại chiếm 25,2% về lượng và 14% về giá; cá tra, basa chiếm 15,8% về lượng và chiếm 7,1% về giá trong tổng xuất khẩu thủy sản sang Đức trong 6 tháng đầu 2021. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 91,9 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 18,9% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức tăng trong năm 2017 và 2018, nhưng giảm trong 2 năm tiếp theo 2019 và 2020 do nhóm hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu tới EU chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” IUU.
Cá Ngừ?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ các loại của Việt Nam tới thị trường EU trong quý II/2021 đạt 9,36 nghìn tấn với trị giá 45,05 triệu USD, tăng 43,9% về lượng và tăng 59,3% về trị giá so với quý I/2021; tăng 41,3% về lượng và tăng 50,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Lộ trình thuế của EVFTA đối với mặt hàng cá ngừ: EU đã xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%.
Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Tuy vậy, sức ép cạnh tranh và những quy định, rào cản kỹ thuật vẫn đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Hiện đang có xu hướng đưa ra quy định, tiêu chí khắt khe hơn đối với cá ngừ nhập khẩu vào thị trường châu Âu – thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam mặc dù được hưởng các ưu đãi thuế suất từ EVFTA nhưng mức giá cá ngừ EU nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Đồng thời, các nhà nhập khẩu cá ngừ EU luôn ưu tiên nhập khẩu những sản phẩm cá ngừ trong nội khối EU dù có giá cao hơn.
Nguồn: Báo Công Thương
Xuất khẩu cá ngừ sang EU có sự tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2021 (Ảnh: TTXVN)
8/ Thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm nay
Giám đốc điều hành (CEO) công ty vận tải biển khổng lồ A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch – công ty xử lý 1/5 container được vận chuyển trên toàn thế giới, ông Soren Skou, ngày 16/9 chia sẻ không nhận thấy có dấu hiệu nào về việc thị trường vận tải biển sẽ “hạ nhiệt” trong năm nay.
Maersk đã nâng triển vọng năm 2021 một lần nữa vào 16/9, do giá cước vận chuyển tăng lên khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn. Ông kỳ vọng khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 7-8% trong năm 2021 so với năm 2020.
Theo ông Skou, công ty nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng rất mạnh, kết hợp với việc các doanh nghiệp tăng cường hàng dự trữ. Trong khi đó, thực tế là công suất tại các cảng, nhà kho và tàu vận tải đang không được tận dụng toàn bộ do tác động của đại dịch COVID-19.
Ông Skou cho hay hiện 9-10% công suất container toàn cầu đang neo ngoài các cảng chờ dỡ hàng. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại cảng Long Beach ở Los Angeles, Mỹ nơi có khoảng 60 tàu container đang chờ dỡ hàng.
Nguồn: VietnamPlus
9/ Thông báo về Dự thảo quy định của Đài Loan về ghi nhãn với sản phẩm mật ong
31/08/2021, Đài Loan đã gửi thông báo số G/TBT/N/TPKM/464 cho các nước thành viên WTO về Dự thảo quy định về ghi nhãn mật ong và các sản phẩm siro mật ong bao gói sẵn. Dự thảo gồm 06 điều, quy định về ghi nhãn hàm lượng mật ong trên bao bì của sản phẩm để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi lựa chọn sản phẩm.
Cụ thể, đối với mật ong và các sản phẩm siro mật ong có hàm lượng mật ong từ 60% trở lên, kích thước phông chữ tại phần tên của sản phẩm phải nhất quán và phải đáp ứng các yêu cầu sau:
  1. Sản phẩm có thêm đường (siro), tên của sản phẩm phải được ghi nhãn bằng cụm từ “mật ong đã thêm đường” hoặc các từ ngữ tương đương;
  2. Đối với sản phẩm có thêm nguyên liệu khác ngoài đường (siro) và không thêm đường (siro), tên sản phẩm phải được ghi nhãn bằng cụm từ “mật ong có … (tên nguyên liệu không phải là mật ong)” hoặc “Mật ong pha trộn” hoặc các từ ngữ tương đương.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định điều khoản về nước xuất xứ và xử phạt khi vi phạm.
Bản mềm Dự thảo được đính kèm dưới đây:
10/ Phòng ngừa bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada
Với thị trường Canada, 2019, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của hải quan Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu thép chống an mòn từ Việt Nam vào Canada năm 2018 là xấp xỉ 7 nghìn tấn với kim ngạch xấp xỉ 11,6 triệu USD.
Tháng 10/2020, CBSA đã công bố kết luận cuối cùng vụ việc. Theo đó, đối với điều tra CTC, CBSA kết luận Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép chống ăn mòn, do đó không áp thuế CTC với mặt hàng thép này nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với điều tra CBPG, CBSA điều chỉnh giảm thuế CBPG đáng kể so với kết luận sơ bộ. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp đầy đủ thông tin cho CBSA trong vụ việc (chiếm 97% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada) có mức thuế CBPG giảm từ 36,3%-91,8 trong kết luận sơ bợ xuống còn 2,3%-16,2% kết luận cuối cùng.
Đánh giá về vụ việc này, Cục PVTM cho hay, đây là vụ việc thành công đối với cả Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan. Đặc biệt, kết quả có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Bộ, ngành, thương vụ Việt Nam tại Canada, các địa phương, Hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan trong công tác xử lý vụ việc.
Bộ Công Thương khẳng định, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro về kiện PVTM, Cục PVTM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương
11/ Triển vọng tích cực cho ngành gỗ xuất khẩu sang Canada
Số liệu từ Cơ quan Thống kê Canada cho biết, Trung Quốc, Việt Nam, EU và Mỹ là 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho Canada trong 7 tháng đầu  2021, trị giá nhập khẩu từ 4 thị trường này chiếm 85,4% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Canada trong 7 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Canada. Kim xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Canada đạt 141,3 triệu USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh; chỉ có mặt hàng cửa gỗ đạt 1,6 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cần chú ý tới những xu hướng của người tiêu dùng Canada. Người Canada ưa chuộng sản phẩm có độ bền và thời gian sử dụng lâu dài, do đó ngày càng có nhiều nhu cầu về đồ nội thất cao cấp. Các sản phẩm bằng gỗ được ưa chuộng chủ yếu là nội thất phòng khách và phòng ăn. Gỗ là một trong những nguyên liệu được sử dụng rộng rãi để sản xuất đồ nội thất, chiếm trên 30% nguyên liệu dùng trong sản xuất đồ nội thất.
Các loài gỗ của Canada được sử dụng như Western Hemlock, Western Red Cedar, Douglas Fir và Spruce-Pine-Fir mang lại tính linh hoạt, độ bền cao phù hợp để sản xuất đồ nội thất chất lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lưu ý việc Canada thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo thay đổi quy trình nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2 của Dự án Đánh giá và Quản lý thuế (CARM 2), dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2022.
Theo đó, CBSA yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada đang bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) theo Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA) đăng ký Mã số doanh nghiệp (Business Number) và Tài khoản SIMA (SIMA Program Account). Sau khi Dự án CARM 2 có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu vào Canada và doanh nghiệp xuất khẩu sang Canada muốn sử dụng giá trị thông thường, các khoản điều chỉnh giá xuất khẩu hay mức trợ cấp riêng biệt đối với từng lô hàng thì phải có Mã số doanh nghiệp và Tài khoản SIMA. Nếu không, hàng hóa nhập khẩu sẽ không được hưởng thuế suất riêng rẽ trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp mà phải chịu mức thuế suất toàn quốc của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng.
Nguồn: Báo Công Thương
Xưởng sản xuất của Công ty CP chế biến gỗ nội thất Pisico (Bình Định)
12/ Đài Loan giữ vị thế đầu tư vào Việt Nam
Nắm bắt sớm các cơ hội đầu tư
Trong 8 tháng đầu năm 2021, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) các DN Đài Loan đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 1,1 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ 6 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng qua.
Với mục tiêu “Nắm bắt thời cơ đầu tư sớm, chuyển hóa rủi ro thành cơ hội” DN Đài Loan đều nhìn nhận Việt Nam là mắt xích quan trọng nhất tại Đông Nam Á trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng với trọng tâm là ngành điện tử, viễn thông. Tại Việt Nam với hệ thống khu công nghiệp cùng với các ưu đãi hấp dẫn đang dần biến các tỉnh phía Bắc Việt Nam trở thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ, còn các địa phương phía Nam vẫn thu hút được nhà đầu tư Đài Loan ở những lĩnh vực truyền thống như sợi, dệt, da giày, cơ khí, chế biến gỗ…
Đón đầu cơ hội
Theo ông Lâm Tuấn Tú – Chủ nhiệm Cục Công nghiệp – Bộ kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxcom, Weistron, Foxlink… đã đầu tư vào Việt Nam và đang triển khai chiến lược mở rộng đầu tư. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng khâu sản xuất thành phẩm, hy vọng năm 2025 đến 2030 có thể đạt mức 45% – 70% tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam.
Bà Ngô Phẩm Trân- Chủ tịch Hiệp hội phát triển kinh tế văn hóa giáo dục Đài Việt chia sẻ một trong những vấn đề thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là trong những năm gần đây là Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân tài chất lượng cao, điển hình là chương trình đào tạo nhân tài theo chính sách Tân hướng Nam của Đài Loan bắt đầu từ năm 2016 đến nay. Có hơn 17.000 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình này tại Đài Loan (Trung Quốc), và con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh các điều kiện thuận lợi như hàng loạt FTA thế hệ mới, các DN Đài Loan cho rằng việc triển khai chuyển đổi số của Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định như nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ áp dụng và khoảng cách giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kinh tế Đài Loan, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ DN Đài Loan đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất (sau Hungary, British Virgin Islands, Hồng Kông, Mỹ). Trong khu vực ASEAN, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam lũy kế chiếm khoảng 55%, vượt xa vị trí thứ hai là Indonesia chỉ chiếm khoảng 23%.
Nguồn: Báo Công Thương
13/ “Đứt gãy” đầu vào khiến doanh nghiệp thủy sản khó phục hồi sản xuất
Theo tính toán của VASEP, thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng – 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 – 2 năm. Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như doanh thu và dòng tiền bị gián đoạn, giá cả đầu vào leo thang, sự đứt gãy nguồn cung nguyên – nhiên – vật liệu và lực lượng lao động…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng các địa phương cần sớm cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Hiệp hội mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động “3 tại chỗ” để doanh nghiệp sớm hoạt động và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết ngành cá tra cũng đang gặp áp lực rất lớn. Hàng nghìn tấn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ nhưng công nhân thu hoạch cá tra dù đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khi vào địa phương vẫn bị bắt buộc phải cách ly 14 ngày, dẫn tới đứt gãy cả chuỗi sản xuất. “Nếu tình hình này còn tiếp diễn, ngành cá tra sẽ còn bị ảnh hưởng đến cả năm 2022. Hiện, chúng tôi vẫn may mắn duy trì 50% công suất, nhưng để khôi phục lại 100% như trước, công ty còn chưa biết đến giờ,” bà Khanh cho hay.
Đại diện VASEP cho biết, thời điểm giữa tháng 7, nhiều doanh nghiệp chỉ tính toán dịch kéo dài 2 – 3 tuần, không ai đánh giá được dịch kéo dài đến 2 tháng hoặc hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế. Còn những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
Vẫn sẽ thiếu lao động
Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản còn đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguyên nhân khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu. Lý do là bởi công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị Covid-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.
Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 10 – 50% số lượng lao động. Theo kết quả khảo sát của VASEP, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30 -35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.
Theo VASEP, khi số lượng nhân công còn lại mệt mỏi vì “3 tại chỗ”, phúc lợi mới sẽ góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần sản xuất. VASEP đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bữa ăn cho công nhân viên, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng chung tay trả lương cùng doanh nghiệp…
Nguồn: VnEconomy
14/ EVFTA: phát triển nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,5% là một kết quả tương đối khả quan đối với ngành thủy sản khi Việt Nam.
Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Thuế suất thuế nhập khẩu đối với thuỷ sản vào thị trường EU tương đối cao, từ 5 đến 20% đối với thuỷ sản thô, sơ chế và từ 5,5 đến 26% đối với thuỷ sản chế biến.
Trong Hiệp định EVFTA, ngoại trừ cá ngừ đóng hộp và chả cá surimi EU áp dụng hạn ngạch thuế quan, các mặt hàng thuỷ sản còn lại được EU cam kết xoá bỏ thuế quan với lộ trình dài nhất là 7 năm. Như vậy, cơ hội để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng thị trường tại EU thông qua việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA là rất lớn. Hiện nay, Bộ Công Thương uỷ quyền cho 20 cơ quan, tổ chức (bao gồm 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng) được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA.
Về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sử dụng C/O mẫu EUR.1: Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU được các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA đạt xấp xỉ 336,9 triệu USD, chiếm khoảng 69,4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU (đạt trên 485,3 triệu USD). Trong đó, thuỷ sản thô, sơ chế chiếm 65,3% và thuỷ sản chế biến chiếm 34,7%. Số liệu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam theo C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU được thể hiện tại bảng sau:
Về cơ cấu thị trường sử dụng C/O mẫu EUR.1: Các thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tại EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là Đức, Bỉ, Hà Lan, I-ta-ly và Pháp. Trong 6 tháng đầu 2021, Đức và Hà Lan là hai thị trường nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam có trị giá C/O mẫu EUR.1 đạt lần lượt 69,4 triệu USD và 67,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 20,6% và 20% trong tổng trị giá C/O mẫu EUR.1 đối với mặt hàng thủy sản.
Về cơ cấu hàng thuỷ sản xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 thường bao gồm: tôm sơ chế (HS 0306.17), tôm chế biến (HS 1605.21 và 1605.29), cá phi lê đông lạnh (HS 0304.62, 0304.87 và 0304.99), mực đông lạnh (HS 0307.43), cá ngừ chế biến (HS 1604.14) và ngao, sò chế biến (HS 1605.56).
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU có sự gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 71,6 triệu USD), tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với mặt hàng này vẫn khiêm tốn, đạt 20 triệu USD, chiếm 27,9%Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cá ngừ4 của Việt Nam sang EU có sự gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 71,6 triệu USD), tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 đối với mặt hàng này vẫn khiêm tốn, đạt 20 triệu USD, chiếm 27,9%.
Phát triển nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA Trong 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 69,5% trị giá thủy sản xuất khẩu sang EU là có sử dụng C/O mẫu EUR.1.
Hiệp định EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU. Điều này có nghĩa là nguyên liệu thủy sản dùng cho thủy sản sơ chế hoặc chế biến phải được nuôi dưỡng, thu hoạch hoặc đánh bắt tại Việt Nam hoặc nhập khẩu có xuất xứ từ EU.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho thủy sản chế biến hiện nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là tôm và EU không phải là thị trường nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho sản xuất xuất khẩu trong nước. Do vậy, năng lực sản xuất, kinh doanh, nguồn hàng nguyên liệu cho sản xuất của ngành thủy sản Việt Nam trong ngắn hạn chưa thể đáp ứng hoàn toàn tiêu chí xuất xứ thuần túy của Hiệp định EVFTA.
Nguồn: Bộ Công Thương
15/ WSJ: nguồn cung cà phê, thiếc đứt đoạn khi COVID tấn công Châu Á
Bắt đầu từ tháng 7, đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 buộc Việt Nam phải áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển, từ đó gây ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, WSJ viết.
Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Đây là loại hạt cà phê dùng để chế biến cà phê hòa tan và cà phê espresso.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO của thương hiệu TNI King Coffee kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đến các cảng để xuất ra thế giới“.
Giá của hai loại cà phê Robusta và Arabica đã tăng vọt trong năm nay, chủ yếu là do hạn hán và sương giá ở Brazil – nước xuất khẩu cà phê số một thế giới. Tình trạng trì trệ ở Việt Nam càng góp phần đẩy giá lên cao hơn.
Ông Michael Orr, phát ngôn viên của hãng cà phê JDE Peet (Hà Lan), khẳng định: “Trong năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng mạnh về giá nguyên liệu, cước vận tải và một số chi phí khác. Điều này buộc công ty phải thực hiện các biện pháp thích hợp“.
Trong quá khứ, những biến động lớn về giá hạt cà phê đều được phản ánh trên thị trường, chúng tôi dự đoán lần này cũng không ngoại lệ“, vị phát ngôn viên hàm ý.
Chuỗi cung ứng thiếc đổ rạp
Giá thiếc đã tăng nóng trong những tháng gần đây sau khi Malaysia Smelting Corp., một trong các nhà sản xuất thiếc tinh luyện lớn nhất thế giới, tạm dừng hoạt động để tuân thủ quy định chống dịch của chính phủ.
Trong tháng 6/2021, xuất khẩu thiếc của Malaysia tụt mạnh 29% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện của Malaysia Smelting cho biết, hoạt động tinh luyện thiếc vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Trong báo cáo tài chính tháng trước, Malaysia Smelting cho hay: “Giá thiếc sẽ tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu thiếc hàn trong thiết bị điện tử bùng nổ, trong khi nguồn cung bị gián đoạn vì phong tỏa ở các nước sản xuất thiếc trên toàn cầu“.
Nguồn: VietnamBiz
16/ Xúc tiến dùng thử hàng nông sản Việt ở Australia
Ngày 19/9, chương trình quảng bá hàng nông sản Việt Nam với người tiêu dùng Australia đã được thực hiện tại thành phố Sydney, bang New South Wales; dưới dạng quầy hàng giới thiệu và mời dùng thử sản phẩm, thiết lập trong khuôn khổ hội chợ nông sản cuối tuần.
Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Australia tăng trưởng gần 19%, trong đó sản phẩm nông sản tăng khoảng 38%. Các mặt hàng trái cây tươi như xoài, nhãn, vải và thanh long đều trở thành mặt hàng được ưa thích.
Mặc dù Sydney đang ở trong tình trạng phong tỏa, nhưng Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney vẫn quyết định phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Australia, tổ chức chuỗi các chương trình giới thiệu và quảng bá hàng nông sản Việt Nam trên thị trường này.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết tiếp theo sự kiện mời dùng thử gạo Việt Nam tại Melbourne vừa qua với tên gọi “Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới”, sự kiện lần này tập trung vào các hoạt động chính là “Mời dùng cơm Việt,” cùng với quảng bá sầu riêng, nhãn, thanh long và càphê.
Địa điểm tổ chức được Thương vụ lựa chọn là Rozelle, một trong 10 khu chợ cuối tuần nổi tiếng nhất của thành phố Sydney, định hướng xúc tiến sâu vào các hoạt động văn hoá của cộng đồng người Australia, đồng thời hướng đến người tiêu dùng nhỏ tuổi, để xây dựng mục tiêu tiêu dùng bền vững sản phẩm Việt Nam.
Rất nhiều người dân địa phương đã ghé thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam.
Bà Janet Spencer, sống tại vùng Leichhardt của thành phố Sydney, cho biết bà vô cùng thích thú khi được thưởng thức nhãn tươi Việt Nam.
Trong khi đó, vừa thử ăn cơm nấu với hạt sen, ông David Moore chia sẻ có rất nhiều loại gạo đang được bày bán trên thị trường Australia, nhưng không dễ để tìm kiếm được đúng gạo Việt Nam thơm, ngon và chất lượng.
Nguồn: VietnamPlus
17/ Covid-19: khi các nền kinh tế mới nổi “hụt hơi”
Ngày 9/9, nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford thông báo sẽ rút khỏi Ấn Độ sau khi ghi nhận khoản thua lỗ lên đến hơn 2 tỷ USD trong 10 năm qua. Đây quả là một kết cục bất ngờ đối với một tập đoàn mà chỉ vài năm trước còn xem đất nước châu Á 1,3 tỷ dân này là một trong những thị trường ô tô hứa hẹn nhất hành tinh.
Mặc dù tăng trưởng ở châu Phi nhìn chung cao hơn so với phần còn lại của thế giới trong giai đoạn trước đại dịch (3,6% so với 2,7% vào năm 2019), nhưng thành quả này đã rơi về dưới mức trung bình toàn cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu. 
Trong khi đó tầng lớp trung lưu, một chỉ số khác chỉ sự phát triển ở các nước mới nổi, cũng bị thu hẹp với cuộc sống của hàng triệu gia đình đang rơi xuống dưới mức nghèo khổ. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ chiếm đến 80% trong số 100-150 triệu người rơi vào cảnh cùng cực của thế giới do hậu quả của khủng hoảng COVID-19.
Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Nam Á, tiếp theo là khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Những tầng lớp nghèo mới này chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức, trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây dựng và sống ở các đô thị.
Cuộc khủng hoảng có thể gây ra những hậu quả lâu dài. Tháng 4/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nhiều việc làm bị mất đi trong khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ bị “xóa sổ” vĩnh viễn, do “chuyển đổi số hóa và tự động hóa dây chuyền sản xuất” đã tăng tốc rất nhanh trong 18 tháng qua. 
Các quốc gia mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tự động hóa các công việc hoặc robot hóa nhân công, với 85% việc làm bị đe dọa trong 20 năm tới, so với 45% ở Mỹ.
Phục hồi chậm hơn và muộn hơn
Báo cáo công bố ngày 15/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho biết, trong năm 2020, các thị trường mới nổi đã chứng kiến đồng tiền của họ giảm giá hơn 20% so với đồng USD, khiến giá trị các khoản nợ bằng ngoại tệ tăng lên. Quyết định tăng lãi suất ở Mỹ, dù nhỏ nhất, cũng có thể dẫn đến tình trạng dòng vốn chảy ra từ các nước mới nổi, làm suy yếu đồng tiền bản địa và tăng chi phí nợ, trong khi quá trình phục hồi kinh tế của họ đang diễn ra chậm và muộn hơn nhiều.
Việc đóng cửa các nhà máy ở Đông Nam Á vào mùa Hè năm ngoái đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn và buộc các nhà sản xuất ô tô ở miền Bắc nước Pháp. Điều này dẫn đến ý tưởng xây dựng các vòng cung ứng mạnh hơn, nhanh hơn bằng cách đa dạng hóa các trung tâm sản xuất và đưa chúng đến gần thị trường hơn nhằm tránh các điểm tắc nghẽn trong dòng chảy hàng hóa.
Báo Financial Times ngày 13/9 dẫn lời Chủ tịch công ty vận tải UPS International Scott Price khẳng định các công ty sản xuất và phân phối lớn đang “thúc đẩy” tiến trình khu vực hóa chuỗi cung ứng của họ và điều này sẽ được thấy rõ trong thời gian 5-10 năm nữa. 
Sébastien Jean, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (Pháp), nhận xét: “Nhiều quốc gia đã sa lầy vào việc chuyên môn hóa ngành nghề của họ, cho dù đó là chế biến nông sản ở Brazil hay khai thác nguyên liệu thô ở Nga, mà không tính đến việc đa dạng hóa nền kinh tế. Lợi ích từ quá trình hiện đại hóa trước hết thu được rất nhanh chóng bởi lực lượng lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp có năng suất cao hơn nhiều, việc đô thị hóa dẫn đến đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng, nhưng tăng trưởng này sau đó phải tìm được một động lực tiếp sức mới”.
Nguồn: Bnews
18/ Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu không sớm “mở cửa”
Mới đây, Chủ tịch các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) vừa đồng loạt ký tên kiến nghị gởi Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
 “Chúng tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và khả năng phục hồi của nhân dân Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết và đầu tư vào tương lai với Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng Chính phủ là thích ứng để sống chung với virus một cách an toàn. Chúng tôi muốn chung tay cùng với Thủ tướng và lãnh đạo các tỉnh thành khắp cả nước, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng, để tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái bình thường mới. Điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai”, văn bản nêu rõ.
Đưa dữ liệu khảo sát mà các hiệp hội đã thực hiện cho thấy “ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác”, nhiều thành viên của các hiệp hội cho hay nhà đặt hàng thay đổi phương thức sản xuất sẽ rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại.
Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.
Khẳng định an ninh lương thực là tối quan trọng. Các Hiệp hội cho rằng, các biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại và gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực. Do đó Chính phủ cần xem xét các nhà hàng cũng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm. Việc “tái mở cửa ngay lập tức” đối với hệ thống cửa hàng, chợ ẩm thực, chuỗi cung ứng thực phẩm phải được ưu tiên tiếp cận vắc xin nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu vì “không ai nên bị đói”.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Theo khảo sát của các hiệp hội đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của các Hiệp hội đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác.
19/ Xuất khẩu sang Bỉ: Cơ hội rộng mở
Ông Andries Gryffoy- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ- Việt (BVA) – nhận định, cơ hội để DN Việt Nam thúc đẩy hàng hóa sang Bỉ rất rộng mở, bởi Bỉ đang có nhu cầu lớn về nông sản, thủy sản, các sản phẩm thủ công truyền thống… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại châu Âu.
DN của EU rất ủng hộ EVFTA, trong đó DN Bỉ rất kỳ vọng sẽ tìm được các đối tác tốt, tin cậy tại Việt Nam. Do đó, trước khó khăn do dịch Covid-19, chúng ta cần phải kiên nhẫn thiết lập mối quan hệ kinh tế lâu dài, bền vững trong tương lai”- ông Andries Gryffo cho hay.
Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Bỉ, cũng như hướng đến sự hợp tác lâu dài và bền vững về kinh tế, văn hóa giữa hai quốc gia, Hội Doanh nhân quốc tế Việt-Âu, thuộc Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cùng với Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ-Việt sẽ thành lập Ngôi nhà thương mại Việt-Âu tại Bỉ vào tháng 12/2021. Đây sẽ là địa chỉ để DN Việt Nam gặp gỡ với DN Bỉ và EU, tổ chức các sự kiện, triển lãm giới thiệu sản phẩm Việt Nam với châu Âu và thế giới, qua đó tăng cơ hội xuất khẩu, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với châu Âu.
Ông Philippe Vermeulen- Chủ tịch Tập đoàn Avalon, đại diện Ngôi nhà thương mại Việt-Âu cho biết thêm, Ngôi nhà thương mại Việt-Âu còn là văn phòng đại diện cho các DN Việt Nam triển khai các kế hoạch kinh doanh, ủy quyền để đại diện Ngôi nhà thương mại Việt-Âu thực hiện hợp tác thương mại với các đối tác Bỉ và EU, đây cũng là nơi để DN Việt Nam tìm hiểu sâu hơn các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Bỉ và EU.. “Việc tìm hiểu giá cả, chất lượng hàng hóa là các yếu tố DN Bỉ rất quan tâm, vì thế, ngôi nhà thương mại sẽ là địa chỉ tin cậy để DN Bỉ tiếp cận trực tiếp sản phẩm Việt Nam, hạn chế tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị trả về, do không đáp ứng yêu cầu của đối tác”- ông Philippe Vermeulen nói.
Với mạng luới hơn 1.000 DN tham gia kết nối kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt-Âu cho biết, thời gian tới, trên cơ sở hợp tác với Hiệp hội Thương mại, liên minh Bỉ-Việt, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến xuất khẩu, tạo cầu nối để DN trong nước tiếp cận nhiều hơn với các đối tác Bỉ cũng như EU. “Tuy nhiên, để các hoạt động, chương trình đạt hiệu quả tốt hơn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương thông tin về chính sách, định hướng thị trường xuất khẩu, phổ biến các thủ tục pháp lý kinh doanh quốc tế và các cam kết của EVFTA”- bà Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương
20/ EVFTA: doanh nghiệp Pháp quan tâm đến Việt Nam
Ngày 16/9. Hơn 50 doanh nghiệp lớn trong tỉnh Saône & Loire và các địa phương lân cận đã đến tham dự, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, gỗ và chế tạo máy.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) của tỉnh Saône & Loire, ông Michel Suchaud cho rằng, Việt Nam và tỉnh Saône & Loire cho rằng với dân số gần 100 triệu người và một tầng lớp trung lưu dự tính chiếm đến 50% dân số Việt Nam vào năm 2035, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng cũng như tiêu dùng của Việt Nam rất lớn, biến Việt Nam thành một mảnh đất của cơ hội, một đối tác không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Pháp.
Saône & Loire là tỉnh có diện tích lớn thứ 6 tại Pháp và nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như rượu vang Bourgogne, pho mát, thịt bò cũng như có một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến gỗ, vận tải đường thủy…, ông Michel Suchaud tin rằng, tỉnh Saône & Loire có thể mang đến cho phía Việt Nam nhiều giải pháp.
Trên thực tế, sau gần 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khiến hàng rào thuế quan từng bước bị xóa bỏ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang có những cú hích lớn, giúp đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hơn sang thị trường Pháp.
Là người đã có gần 20 năm tìm hiểu và gắn bó với thị trường Việt Nam, ông Thibault Giroux, đại diện cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết, qua trao đổi với các doanh nghiệp tỉnh Saône & Loire tham dự diễn đàn tìm hiểu về EVFTA, ông vẫn nhận thấy sự quan tâm rất lớn của phía Pháp đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Giroux cho rằng, sau gần 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc đẩy mạnh truyền thông, tổ chức các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa doanh nghiệp cũng như đại diện chính quyền hai bên vẫn vô cùng cần thiết, vì nhiều doanh nghiệp Pháp vốn đã rất quan tâm đến Việt Nam nhưng cần nhiều thông tin hơn về một Việt Nam đã khác so với trước kia. Ngược lại, phía Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng các hoạt động thực địa, xây dựng thêm nhiều hợp tác ở cấp độ địa phương tại Pháp, không chỉ là các hợp tác, trao đổi thương mại giữa các tập đoàn lớn.
Ông Giroux cũng nhận định, dù tình hình dịch bệnh đang gây ra nhiều khó khăn nhưng đó chỉ là ngắn hạn và về tổng thể, các doanh nghiệp Pháp vẫn rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
Nguồn: Báo điện tử VOV
21/ Cước vận tải biển đã/sắp chạm đỉnh?
Phía cầu đã “chịu hết xiết”
Đầu tháng 8-2021, MCS Industries, một chủ hàng chuyên về hàng nội thất đã đệ đơn lên Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) để kiện một số hãng tàu container quốc tế, trong đó chủ hàng này cho rằng các hãng tàu bị kiện đã nhiều lần vi phạm các điều khoản của Luật Vận tải đường biển Mỹ. MCS cáo buộc các hãng tàu đã tận thu khách hàng “một cách thiếu công bằng và vô lý”, đồng thời nhấn mạnh đến việc các hãng đã thông đồng để thao túng thị trường.
Mặc dù các hãng tàu đã bác bỏ các nội dung trong đơn kiện, nhưng vụ kiện này đã kịp thu hút sự quan tâm rất lớn từ các chủ hàng và hiệp hội ngành hàng trên toàn cầu.
Và trong vài tháng qua, lần lượt ba đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới là Home Depot, Walmart và IKEA đã quyết định giảm sự lệ thuộc vào các hãng tàu bằng cách tự thuê tàu và tự mua vỏ container để vận chuyển hàng hóa của họ.
Liệu đã chạm đỉnh?
Sau khi CMA CGM và Hapag-Lloyd tuyên bố ngừng tăng cước, thì cho đến ngày 13-9, chưa có thêm hãng tàu lớn nào quyết định đồng hành với hai hãng tàu châu Âu. Nếu các chủ hàng không thể lấy được booking từ CMA CGM và Hapag-Lloyd và chuyển qua các hãng khác thì cước vẫn sẽ tăng, vì cung thị trường vẫn đang căng thẳng.
Nhưng kể cả khi các hãng tàu quốc tế khác cũng tuyên bố như hai ông lớn vận tải biển từ châu Âu, thì cũng vẫn chưa chắc là cước không tăng nữa, hay chính xác hơn, chi phí cho vận tải biển của các chủ hàng vẫn có khả năng tăng. Thông báo của CMA CGM hay tuyên bố của Hapag-Lloyd đều chỉ nhấn mạnh đến cước vận chuyển (rate) chứ không nhắc đến các loại phụ phí (surcharge).
Theo chỉ số XSI theo dõi mức cước hợp đồng do đơn vị tư vấn cước Xeneta phát triển, chỉ số XSI tháng 7-2021 đã tăng đến 28% so với tháng 6-2021 và tăng 76% so với mức ghi nhận đầu năm 2021. Chỉ số XSI có độ tin cậy khá cao khi tổng hợp dữ liệu cước từ nhiều chủ hàng, trong đó có các tên tuổi lớn như Electrolux, Unilever, Nestlé, L’Orealvà Volvo.
Chỉ số XSI chỉ tăng nhẹ 2,2% trong tháng 8-2021. Trong ngành vận tải container đường biển, chủ hàng thường bắt đầu thương lượng cước hợp đồng vào giai đoạn tháng 11-12 hàng năm để ký hợp đồng mới với các hãng tàu. Và với các hãng tàu muốn duy trì mối quan hệ lâu dài với chủ hàng lớn, thì mức cước hợp đồng ở thời điểm này có lẽ là đã phù hợp để bắt đầu thương lượng với các chủ hàng.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
22/ Vận tải đường sắt đi EU ngày càng mở nhiều hướng
Tin từ Ratraco cho biết, để khơi thông tuyến vận tải đường sắt Á- Âu, doanh nghiệp đã bắt đầu hành trình vận tải 23 container hàng hóa xuất khẩu từ Hà Nội sang châu Âu, sang tải ở nhiều địa phương tại Trung Quốc. Trong chuyến vận tải gần nhất, sau khi thực hiện các thủ tục thông quan, đầu máy Trung Quốc sang kéo tàu về ga Bằng Tường (Trung Quốc) để đi tiếp đến Trùng Khánh. Tàu sẽ đến Trùng Khánh trong 5 ngày tới và kết nối vào đoàn tàu chuyên container Á – Âu để vận chuyển đến các thành phố châu Âu tại Bỉ, Hà Lan… theo kế hoạch. Sự hợp tác chính thức của các bên đã mở ra các đoàn tàu container trên tuyến đường sắt từ Yên Viên và Đồng Đăng (Việt Nam ) sang Trung Quốc hàng tuần vào thứ Tư và Chủ nhật.
Trị giá của chuyến hàng đang đến Trùng Khánh này là 2,26 triệu đô la Mỹ và tiết kiệm được 15-20 ngày so với vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển bằng đường sắt tùy từng thời điểm sẽ cao hơn vận chuyển bằng đường biển trên cùng một điểm đến.
Trước đó, hồi tháng 7-2021, cũng Ratraco vận chuyển chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam) đến thành phố Liege (Bỉ), sau đó sang tải bằng container trên đường bộ đến Rotterdam (Hà Lan).
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao, sự cố tại kênh đào Suez hồi tháng 3 vừa qua cho thấy vai trò thiết yếu của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng.
Trao đổi cụ thể hơn với KTSG Online hồi cuối tháng 3-2021, ông Hải cho biết hệ thống đường sắt của Trung Quốc và các nước châu Âu được thiết kế theo khổ đường 1435cm, trong khi đường sắt Việt Nam dùng khổ đường cơ bản là 1000cm. Tuy nhiên, riêng đoạn từ Yên Viên đến ga Đồng Đăng là đường khổ lồng, tức là chạy được cả tàu khổ 1435cm và 1000cm.
Do vậy, nếu hàng xuất khẩu từ miền Nam hoặc các nơi khác đưa về Yên Viên để chuyển sang toa tàu Trung Quốc thì lên Đồng Đăng không cần sang tải, chạy thẳng qua Trung Quốc. Còn nếu tàu từ miền Nam chạy thẳng lên Đồng Đăng thì sang tải ở ga Đồng Đăng. Hiện hàng Việt Nam vận chuyển lần lượt qua Trung Quốc (Trùng Khánh hoặc Thành Đô), đến Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức. Từ Đức sẽ tỏa đi các nước châu Âu khác. Nếu hàng chỉ vận chuyển đến Nga, Belarus, Ukraina hay các nước Liên Xô (cũ) thì không cần sang đến Đức mà có thể rẽ nhánh ngay khi ở Nga hay Belarus.
Ông Hải nhận định: “Chi phí vận chuyển trung bình hiện nay (thời điểm tháng 3) từ Việt Nam đi Đức bằng đường sắt khoảng 8.000-9.000 đô la Mỹ/container, cao hơn đường biển (6000 đô đến 8000 đô/container ) nhưng thời gian vận chuyển chỉ có 30 ngày so với 45-50 ngày nếu đi đường biển”.
Các tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt từ Việt Nam đi các nước châu Á hoặc từ châu Á đi tiếp châu Âu đều phải qua các tỉnh Trung Quốc. Tùy điểm đầu và điểm cuối mà tuyến đường sắt quá cảnh qua Trung Quốc có độ dài bao nhiêu. Nhưng theo ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc TCT đường sắt Việt Nam, nếu nối chuyến đi Kazakhstan qua Trung Quốc thì đoạn quá cảnh dài đến gần 6.000km trên đất Trung Quốc.
Hầu như không có trở ngại gì về giải pháp kỹ thuật. Việt Nam chưa thể có đoàn tàu chuyên tuyến đến các nước châu Âu hay châu Á như Hàn Quốc, Triều Tiên vì khổ đường ray không tương xứng và tiêu chuẩn đội tàu. Nhưng nếu là các đoàn tàu liên vận hợp tác với các nước, qua Trung Quốc thì hàng hóa hoặc hành khách sẽ được phía Trung Quốc tiếp nhận, sang tàu, nối toa và đi tiếp trong nội địa Trung Quốc trước khi qua nước thứ ba.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
23/ FDI khu công nghiệp: xu hướng mới
Phát biểu tại toạ đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển KCN” được tổ chức ngày 20/9, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích: “Báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid dẫn đến việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển người lao động trong các khu công nghiệp đã làm đình trệ sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, giảm công suất và sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… nên đã có những đơn hàng phải chuyển sang địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này, thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang các nước khác và ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh với các nước đang phát triển trong thu hút FDI nói chung và vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực là rào cản không nhỏ đối với việc duy trì tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu này của Việt Nam”.
Cũng theo ông Phan Hữu Thắng, cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế thành các trọng điểm chế biến, chế tạo, theo hướng tập trung vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh như: cơ khí chế tạo, điện và điện tử, công nghệ thông tin… (đã được xác định tại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020). Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế phải theo hướng bảo đảm đồng bộ với tốc độ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao, hiện đại theo yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế số, và thân thiện với môi trường.
Tiếp tục thu hút các dự án động lực quy mô lớn, công nghệ cao từ các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín và tiềm lực để hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn FDI. Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cao nhằm tạo điều kiện thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đứng ở góc độ đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hongsun, Phó Chủ tịch Korcham tại Việt Nam cho biết, tại các khu công nghiệp truyền thống, thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở, chính sách đó kéo dài từ đầu đến giờ. Trong khi xu hướng phát triển của khu công nghiệp, nhiều nước khác là hỗn hợp, thậm chí kết hợp khu đô thị, nhà ở, phòng khám, nhà trường để có thể phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên khu công nghiệp này. Do đó, Việt Nam nên phát triển khu công nghiệp mô hình mới, không chỉ xây dựng riêng nhà máy mà đi theo dịch vụ để công nhân sinh sống và làm việc tại chỗ.
Nguồn: Báo Hải Quan Online
24/ EVFTA: thương mại Việt Nam – Hà Lan
Trong quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan đạt 1,97 tỷ USD, tăng 3,3% so với quý I/2021, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 lên gần 3,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% sang toàn khối EU trong cùng thời gian. Kết quả này phần nào cho thấy việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. 
Nhóm công nghiệp chế biến: Tương tự như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang hầu hết các thị trường khác trong EU, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan phần lớn là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, dệt may, hạt điều; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù … Trong đó, nhiều mặt hàng vốn đã có lợi thế được hưởng mức thuế ưu đãi rất thấp từ chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và hiện được hưởng tiếp các mức lãi suất về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. 
Trong 6 tháng qua, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng công nghiệp chế biến chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 868,6 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, đạt 668,5 triệu USD, tăng tới 74,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 17,2% tỷ trọng. 
Nhóm nông, thủy sản: Mặc dù các mặt hàng nông, thủy sản đang được hưởng lợi từ EVFTA với mức thuế suất xuất khẩu bằng 0% hoặc giảm rất sâu, nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản sang Hà Lan trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 345,7 triệu USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,9% tỷ trọng trên tổng xuất khẩu sang Hà Lan. 
Hiện Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều, rau quả và thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU với kim ngạch chiếm 53% đối với hạt điều và rau quả, chiếm gần 21% đối với mặt hàng thủy sản trên tổng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều và rau quả sang Hà Lan đều giảm lần lượt 12,6% và 8,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 168,5 triệu USD và 38,8 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê cũng giảm 16,9% trong khi xuất khẩu thủy sản chỉ tăng nhẹ 4,8%. 
Theo số liệu của Eurostat, tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của Hà Lan đạt 2,47 tỷ EUR, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ chiếm 1,3% tỷ trọng trên tổng nhập khẩu của Hà Lan, thấp hơn so với mức tỷ trọng chiếm gần 2% của kim ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam trên tổng nhập khẩu của toàn khối EU. Với việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, thị phần nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan đã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020. 
Cụ thể: Thị phần mặt hàng giày dép của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hà Lan đã tăng từ 25,9% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 31% trong 4 tháng đầu năm 2021; thị phần hàng may mặc tăng từ 5,4%, lên 6,3%; thị phần sản phẩm từ sắt thép tăng từ 3,3%, lên 3,6%…
Hiện Việt Nam là thị trường ngoại khối cung cấp thủy sản lớn thứ 6 và cung cấp rau quả, sản phẩm đã qua chế biến lớn thứ 11 của Hà Lan. Các đối thủ cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường Hà Lan là Ấn Độ, Ecuador và Philipin. Theo số liệu của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu trung bình các mặt hàng chủ lực như tôm và cá ngừ của Hà Lan từ những thị trường này đều thấp hơn so với mức giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam. Trong khi đó, Hà Lan cũng nhập khẩu chính nhóm rau quả và sản phẩm đã qua chế biến từ các thị trường thuộc châu Mỹ như Peru, Chile, Brazil, Hoa Kỳ hay Costa Rica nhờ sự cạnh tranh về giá và thời gian vận chuyển, nhất là đối với những sản phẩm trái cây tươi. 
Doanh thu đồ nội thất và đồ đạc trong nhà, đồ giải trí, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ nhà bếp cũng tăng. Tuy nhiên, tiêu thụ đồ điện tử gia dụng lại giảm so với tháng 6/2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tháng 6/2019. Tiêu thụ đồ điện tử gia dụng giảm so với tháng 6/2020 chủ yếu do nhu cầu tháng 6/2020 tăng mạnh khi dịch Covid-19 khiến hầu hết người dân Hà Lan buộc phải ở nhà và làm việc từ xa.
Nguồn: Bộ Công Thương
25/ Thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – EU
TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. TMĐT xuyên biên giới rất phổ biến ở châu Âu. Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua kênh TMĐT tăng vọt trên thế giới và EU cũng không ngoại lệ.
Theo E-commerce News Europe, doanh thu của ngành TMĐT ở châu Âu tăng từ 636 tỷ EUR vào năm 2019 lên 717 tỷ EUR vào năm 2020, tăng 12,72%, ít hơn mức tăng trưởng 14,22% của năm 2019, nguyên nhân chủ yếu do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Phần lớn doanh thu trực tuyến vẫn chiếm đa số ở Tây Âu, khoảng 70% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của châu Âu. Nam Âu, Bắc Âu, Trung Âu và Đông Âu sở hữu thị phần thương mại điện tử thấp hơn nhiều, lần lượt là 15%, 7%, 6% và 1%.
Theo một cuộc khảo sát tiến hành năm 2020, Eurostat ước tính tỷ lệ người mua sắm trực tuyến độ tuổi từ 16 – 74 chiếm 65% tại EU, với Đan Mạch có tỷ lệ cao nhất (89%) và Bungary thấp nhất (31%). 73% số người sử dụng internet tại EU có giao dịch mua sắm hoặc đặt hàng trực tuyến; trong đó tỷ lệ nam giới cao hơn một chút so với nữ giới (tương ứng là 73% và 71%) và những người ở độ tuổi từ 25 – 34 là nhóm người mua sắm trực tuyến tích cực nhất so với các nhóm tuổi khác.
Nhóm hàng hóa được mua sắm trực tuyến phổ biến nhất là các mặt hàng quần áo, giày dép hoặc phụ kiện (63% người mua sắm trực tuyến); tiếp theo là đồ nội thất, phụ kiện gia đình hoặc sản phẩm làm vườn (29%); dịch vụ giao hàng từ nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn nhanh, dịch vụ ăn uống (28%); phẩm, sản phẩm làm đẹp hoặc chăm sóc sức khỏe (27%); sách báo, tạp chí (26%); máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động hoặc linh kiện (26%). Đa số những người mua sắm trực tuyến mua hàng từ các nhà cung ứng trong nước (88%); 31% mua hàng từ các nước EU khác và 22% mua hàng từ ngoài EU. Top các thương hiệu bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới tại châu Âu phải kể đến: Ikea; H&M; Pandora; Smyths Toys; Lego; Nespresso; Expert; Cos; Swarovski; Zara…
Để bán hàng trực tuyến vào EU, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU và chỉ định một đối tác tại nước EU đó để làm các thủ tục khai báo và nộp thuế theo quy định. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên. Nếu nhà cung ứng thương mại điện tử không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế GTGT.
Nguồn: Bộ Công Thương
26/ Diễn đàn thúc đẩy thương mại đầu tư Việt Nam-Séc?
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Cộng hòa Séc duy trì được mức tăng trưởng, tính nửa đầu năm 2021 đạt 936 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2020, nhờ nỗ lực hai bên và EVFTA.
Tối 19/9 theo giờ địa phương, tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức Diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Cộng hòa Séc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, anh Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tại Cộng hòa Séc, cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Cộng hòa Séc muốn tìm hiểu về các doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và về những thay đổi do EVFTA đem lại để tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác Việt Nam.
Theo doanh nhân trẻ Nguyễn Mạnh Tùng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tăng cường kết nối chia sẻ quá trình sản xuất, logistics sang Cộng hòa Séc vì đây hiện đang là những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam. Anh cũng chia sẻ đã có 3 năm nhập khẩu sản phẩm chè với thương hiệu “Master Việt Nam” vào thị trường Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay của các đối tác Cộng hòa Séc là khó khăn về ngôn ngữ và thiếu thông tin về các doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, sản phẩm này hiện chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tương tự của Nhật Bản và Trung Quốc vốn được quảng bá tốt, có thương hiệu mạnh và chất lượng cao theo tiêu chuẩn EU.
Anh Nguyễn Mạnh Tùng đánh giá các doanh nhân trẻ Việt Nam tại Cộng hòa Séc rất năng động, song hiện vẫn thiên về start-up và khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.
Nguồn: VietnamPlus
27/ OECD hạ triển vọng kinh tế toàn cầu 2021
Theo báo cáo của OECD, GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng 5,7% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó hồi tháng Năm. Song triển vọng cho 2022 đã được cải thiện một chút, với mức tăng trưởng dự kiến tăng 0,1 điểm phần trăm lên 4,5%.
OECD lưu ý sự phục hồi vẫn rất không đồng đều, với kết quả giữa các quốc gia khác biệt rất rõ ràng. Báo cáo cho biết khoảng cách về sản lượng và việc làm vẫn tồn tại ở nhiều nước, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vốn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trong báo cáo mới nhất, OECD đã hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ từ 6,9% xuống 6,0% trong năm nay. Con số này thấp hơn mức dự báo do Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đưa ra là 6,7%. Tuy nhiên, OECD đã điều chỉnh dự báo về Khu vực sử dụng đồng euro tăng thêm 1 điểm lên 5,3%. 
Triển vọng tăng trưởng của Argentina (Ác-hen-ti-na), Brazil, Mexico, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ cũng được cải thiện, trong khi dự báo của Australia, Anh, Nhật và Nga bị hạ. Dự báo về Trung Quốc không đổi ở mức 8,5%.
OECD cho biết tác động của biến thể Delta của virus gây dịch COVID-19 đến nay là tương đối nhẹ ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. 
Tuy nhiên, biến thể này đã làm giảm động lực phục hồi ở nhiều nơi khác, đồng thời gây thêm áp lực lên chi phí và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: VietnamBiz
28/ Việt Nam vượt Ấn về chỉ số đổi mới 2021
Trong thời kỳ dịch bệnh, các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu đã tăng cường đầu tư đổi mới. Theo “Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2021” vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Mỹ tiếp tục dẫn đầu toàn cầu, trong đó Thụy Sỹ đứng đầu bảng xếp hạng năm thứ 11 liên tiếp.
Tổng giám đốc WIPO Daren Tang phát biểu nhấn mạnh: Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII) năm nay cho thấy, mặc dù dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sinh kế, nhưng nhiều lĩnh vực đã thể hiện sự bền bỉ kinh ngạc, nhất là những lĩnh vực chú trọng đến số hóa, công nghệ và đổi mới.
Số liệu thống kê cho thấy, sản phẩm khoa học, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), đơn đăng ký sở hữu trí tuệ và giao dịch đầu tư mạo hiểm tiếp tục tăng dựa trên hiệu suất mạnh mẽ trước khủng hoảng.
Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp phần mềm, Internet và công nghệ thông tin, phần cứng và thiết bị điện, sản xuất thuốc và công nghệ sinh học đã tăng cường đầu tư đổi mới và nghiên cứu phát triển.
Điều đáng quan tâm là, mặc dù một số ít nền kinh tế thu nhập cao luôn đứng đầu bảng xếp hạng, nhưng một số các nền kinh tế thu nhập trung bình, bao gồm Trung Quốc (thứ 12), Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 41), Việt Nam (thứ 44), Ấn Độ (thứ 46) đang bắt kịp và thay đổi cục diện đổi mới.
Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc đã tăng mạnh 5 bậc từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng năm 2020 lên thứ 5 trong bảng xếp hạng năm nay. Các nền kinh tế châu Á khác nằm trong top 15 bao gồm Singapore (thứ 8), Trung Quốc (thứ 12) và Nhật Bản (thứ 13)… Trong đó, Trung Quốc là nền kinh tế thu nhập trung bình duy nhất nằm trong top 30.
Theo ông Bruno Lanvin, Giám đốc điều hành về chỉ số toàn cầu của Viện quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD), hoạt động đổi mới dần chuyển dịch về phía Đông và kinh tế toàn cầu chuyển dịch về phía Đông có liên quan mật thiết với nhau.
Nguồn: Bnews
29/ Việt Nam được, mất gì khi Trung Quốc tham gia CPTPP?
Như Sputnik đã đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay một số nước gọi là TPP11) cuối ngày 16/9/2021 vừa qua.
Trung Quốc là quốc gia thứ hai xin gia nhập CPTPP. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này của Bắc Kinh là nhằm củng cố tầm ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo kinh tế của quốc gia tỷ dân trong thương mại toàn cầu.
Nếu Trung Quốc được gia nhập, CPTPP sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, vượt qua Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) với quy mô 21,1 nghìn tỷ USD hay cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với quy mô 26 nghìn tỷ USD (Trung Quốc đã tham gia ký kết năm 2020, Ấn Độ vì nhiều lý do, trong đó có vì sự hiện diện của Bắc Kinh mà chưa quyết định tham gia).
Các chuyên gia cũng lưu ý, CPTPP hơn hẳn RCEP về các cam kết cải cách sâu rộng hơn giữa các quốc gia. Tầm ảnh hưởng về mặt địa lý của CPTPP cũng lớn hơn so với RCEP.
Ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị Quốc tế châu Âu tại Brussels đánh giá, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một tính toán hoàn toàn hợp lý của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trung Quốc đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và đây sẽ là “chiêu bài” giúp họ thực hiện điều đó”, chuyên gia kinh tế – luật kiêm nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung tâm Kinh tế chính trị Quốc tế châu Âu tại Brussels khẳng định.
Ngoài ra, theo một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ước tính, Trung Quốc tham gia CPTPP có thể mang về cho quốc gia này thêm 298 tỷ USD vào năm 2030.
Nếu xin gia nhập hiệp định này thành công, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối và củng cố hơn nữa vị thế của Bắc Kinh với thương mại và đầu tư trong khu vực”, Viện PIIE nêu rõ.
Điểm đáng lưu ý là đề nghị gia nhập CPTPP của Trung Quốc được đưa ra “chưa đầy một ngày” sau khi Australia, Mỹ và Anh tuyên bố sẽ thiết lập một thỏa thuận ba bên (AUKUS) về tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhằm gắn kết hợp tác quốc phòng hơn nữa và ứng phó trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc không thích AUKUS nhưng hiện tại, quốc gia này sẽ cần đàm phán với các bên về việc gia nhập CPTPP.
Chuyên gia Sourabh Gupta thuộc Viện nghiên cứu Mỹ – Trung tại Washington khẳng định với tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) rằng, Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định vì nguy cơ việc gia nhập của họ bị phủ quyết sẽ cao hơn nếu Anh đã là một thành viên. Chưa kể đến quan hệ không mấy nồng ấm với Australia, Canada, hay Nhật Bản – chủ tịch CPTPP.
Điều quan trọng là Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất để CPTPP mở rộng vị thế. Anh cũng đang đàm phán để gia nhập CPTPP, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan cũng rất quan tâm đến Hiệp định này”, Diplomat khẳng định.
Thuận lợi hay khó khăn cho Việt Nam khi Trung Quốc gia nhập CPTPP
Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường tỉ dân này.
Theo ông Hiếu, nông sản là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong chuyện này. Đây là nhóm hàng phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ tính riêng Trung Quốc, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong 8 tháng của Việt Nam đạt gần 6,1 tỉ USD (chiếm 18,9% thị phần), với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này.
Bên cạnh là không ít thách thức, đầu tiên là sự cạnh tranh rất gay gắt với hàng Trung Quốc bán tại Việt Nam. Đáng lưu ý, Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và có thể cán cân thương mại trong tương lai sẽ nghiêng về phía Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều này được chứng minh rất rõ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian vừa qua. Khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng hoá của Việt Nam cũng rất khó khăn bởi nguồn cung bị đứt gãy. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Vì vậy, sự lệ thuộc về nguồn cung nguyên liệu vào một quốc gia sẽ làm tăng mức độ rủi ro về thương mại cho Việt Nam”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Nguồn: Sputnik Việt Nam
30/ RCEP sẽ được Malaysia thông qua vào giữa tháng 12/2021
Ngày 21/9, Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết, quá trình phê chuẩn tuân theo thỏa thuận được ký kết tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư diễn ra ngày 15/11/2020.
Theo đó, dựa trên các quy định của RCEP, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và ba đối tác FTA ASEAN đệ trình các văn kiện phê chuẩn lên Ban thư ký ASEAN. Đến nay, các quốc gia đã phê chuẩn hiệp định gồm có Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, ông Azmin cho hay, đối với Malaysia, quy trình phê chuẩn RCEP yêu cầu sửa đổi ba Đạo luật dưới sự xem xét của Bộ Nội thương và Các vấn đề người tiêu dùng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đó là Đạo luật Sáng chế, Đạo luật Bản quyền và Đạo luật Nhãn hiệu.
Những lợi ích được kể đến bao gồm: Giảm thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, tiếp cận thị trường thương mại dịch vụ, sự di chuyển của các chuyên gia lành nghề cũng như các cơ hội tăng cường hoạt động đầu tư giữa các nước thành viên RCEP.
RCEP là FTA lớn nhất thế giới với thị trường chiếm gần 1/3 dân số thế giới, tương đương với khoảng 2,2 tỷ người. RCEP bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam
BSA Tổng hợp
Bản tin hội nhập, từ 9/9 – 16/9/2021