Bản tin hội nhập, từ 5/8 – 12/8/2021

86
1/ Đồng bạc xanh Dollar tăng nhẹ, mọi con mắt đổ dồn về động thái của Fed khi thị trường Lao động dần hồi phục | Giá vàng tiếp tục xu hướng giảm trong hơn 1 năm qua | Khô hạn tại Nam Mỹ và quốc gia của các loại hạt Argentina
  • Thứ tư rồi, 11 tháng 8, chỉ số Dollar Index, vốn dùng để đo đạt Đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ lớn của thế giới, đã thay đổi một chút xuống 92,89, hay giảm 0,19 điểm %; sau khi đã tăng lên đến 93,19, mức cao nhất kể từ tháng 4. Với sự phục hồi của nền kinh tế thông qua sự tăng trưởng của chỉ số tiêu dùng (tăng 0,5 điểm % tháng trước), cũng như sự tăng trưởng của việc làm và triển vọng về thị trường việc làm, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ có khả năng cao thắt lại các chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng lãi xuất trần.
  • Song song đó, việc giá vàng nhích lên một chút vào thứ 5 vừa rồi lên $1.753,9 dollar mỗi ounce (0,1%) vẫn không làm giảm quan ngại về một xu hướng giảm sâu của giá vàng trong hơn 1 năm qua (khoảng 15%). Điều này có thể được lý giải khi nền kinh tế Mỹ dần hồi phục và Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ siết lại các chính sách hỗ trợ cũng như chính sách nối lỏng tiền tệ, cuối cùng là để thắt lại đà lạm phát phi mã từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
  • Sự khô hạn kéo dài từ năm ngoái tại Brazil nay đã lan sang Argentina – một đất nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản, các loại hạt, cũng như thức ăn cho ngành công nghiệp chăn nuôi. Argentina đứng thứ 3 về cung cấp bắp ngô và thứ nhất về thức ăn gia xúc từ đậu nành, dùng trong chăn nuôi lợn và gia cầm từ Châu Âu sang Đông Nam Á. Với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và khó khăn chồng chất trong vận chuyển cũng như giá cả leo thang, giá của các loại hạt có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao đi kèm sự thiếu hụt về năng suất trong thời gian tới.
Nguồn: Reuters
2/ Vai trò mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu
Chập chững từ 50 năm trước
Cố giáo sư Trần Đại Nghĩa từng ấp ủ giấc mơ xây dựng ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Việt Nam từ những năm 1970-1980. Ông đã từng đặt mua dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của hãng chuyên công nghệ hàng không và quốc phòng Thomson CFS – tiền thân của tập đoàn Thales Group tại Pháp. Nhưng do cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và ngành logistics còn quá kém lúc đó, giấc mơ của ông đã không thành.
Những nỗ lực sau đó của GS.TS Đặng Lương Mô – nhà khoa học Việt kiều Nhật có uy tín trong lĩnh vực bán dẫn trên thế giới – cũng chỉ mang lại các kết quả khiêm tốn. Ông cũng đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kê vi mạch (ICDREC), sản xuất thành công nhiều con chip công nghệ cao, trong đó có chip vi xử lý VN1632 vào năm 2010. Những con chip đầu tiên “made in Vietnam” đã khiến chính phủ đi đến quyết định đặt công nghệ chip ở vị trí hàng đầu trong số 46 ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Với làn sóng đầu tư nước ngoài từ thập niên 1990 trở đi, đặc biệt là cuối những năm 2000 đến nay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã trở thành trụ cột trong nền kinh tế xuất khẩu. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm smartphone và linh kiện cùng nhóm máy tính, đồ điện tử và linh kiện lên đến 95,8 tỉ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 281,5 tỉ đô la. Tổng cục Thống kê dự báo hai ngành hàng này sẽ đạt trên 100 tỉ đô la trong năm 2021.
Công nghệ Việt Nam bao nhiêu?
Ngành công nghiệp phụ trợ cho các hãng đại công nghệ như Samsung và Apple đã được hình thành và đang dần mở rộng tại Việt Nam. Nhưng yếu tố hàng đầu để Việt Nam trở thành “đất lành chim đậu” cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc vẫn là giá lao động, các ưu đãi về đất đai và thuế.
Năm 2008, khi đầu tư 650 triệu đô la để thành lập nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh, Samsung đã đề cập “vị trí đắc địa” của tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam – rất gần với nguồn linh kiện từ Trung Quốc, gần Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng. Song song với việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung đầu tư thêm gần 7 tỉ đô la để xây dựng tổ hợp sản xuất smartphone và các xưởng vệ tinh sản xuất linh phụ kiện tại Thái Nguyên từ năm 2013. Thái Nguyên được chọn vì khoảng cách đến Bắc Ninh và Hà Nội – nguồn cung cấp nhân lực cao cho trung tâm R&D của Samsung sau này.
TPHCM là nơi đặt nhà máy điện tử gia dụng duy nhất của Samsung tại miền Nam bởi lý do: “Các doanh nghiệp ở đây có thế mạnh trong ép nhựa và đúc chi tiết. Thành phố cũng có sân bay và cảng biển quốc tế, thuận tiện cho việc xuất hàng đi châu Âu, Mỹ và các nơi khác” – một cựu lãnh đạo cấp cao của Samsung Vina giải thích.
Trong hơn một thập niên qua, tập đoàn Hàn Quốc đã hình thành nên hệ thống công nghiệp phụ trợ gồm 28 nhà cung ứng tại Việt Nam, đều là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Họ chiếm 80% các giao dịch của Samsung và cung cấp 60% linh kiện. Họ cũng kéo các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển cơ xưởng sang Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 10-2020, hai hãng thiết bị viễn thông hàng đầu KMW và Ace Technologies đã mở xưởng tại Việt Nam và trở thành nhà thầu phụ của Samsung.
Số nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam cũng tăng lên 22 trong năm tài chính vừa rồi, so với con số 14 trong năm 2018 khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra. Bảy trong số này thuộc các sở hữu các công ty đặt tại Trung Quốc hay Hồng Kông. Trong số này có Luxshare Precision Industry và GoerTek chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPod mở nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong năm 2020.
Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TPHCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam.
Thời hoàng kim của công nghiệp bán dẫn?
Hồi tháng 1-2021, công ty Intel Products Việt Nam đầu tư thêm 475 triệu đô la để xây dựng xưởng sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP). Đợt châm vốn lần thứ ba đã giúp tổng vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam lên đến 1,5 tỉ đô la. Tập đoàn công nghệ chip của Mỹ đang đặt mục tiêu vượt qua hai gã khổng lồ về chip hiện tại– Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan – để giành lại ngôi quán quân trước đây vào năm 2025.
Công ty điện tử gia dụng của Samsung tại TP.HCM vừa được phép chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất, góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị vệ tinh công nghệ phụ trợ, đặc biệt là công nghệ chất bán dẫn. Hãng SNST & Finger Vina của Hàn Quốc đã đầu tư 1 triệu đô la để mở xưởng thiết kế vi mạch điện tử tích hợp tại SHTP.
Nguồn: TheSaigonTimes
3/ Xuất khẩu gạo: những tín hiệu tốt
Tổng khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 3,58 triệu tấn với giá trị 1,94 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.Trong 6 tháng năm 2021, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bangladesh với mức tăng gấp 142 lần. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Indonesia với mức giảm 60,5%.
Chủng loại và thị trường 
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo jasmine và gạo thơm chiếm 42,7% tổng kim ngạch; gạo trắng chiếm 38,2%; gạo nếp chiếm 16,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,7%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.
Về thị trường xuất khẩu gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines chiếm 26,8%, Ghana chiếm 23% và Bờ Biển Ngà chiếm 14%. Với gạo trắng, thị trường lớn nhất của Việt Nam cũng là Philippines chiếm gần 59%, Cuba chiếm trên 10% và Bangladesh chiếm 5%.
Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm trên 80%, Malaysia chiếm trên 6% và Philippines gần 6%. Với gạo japonica và gạo giống Nhật, đứng đầu vẫn là Philippines, tiếp đến là Trung Quốc và Malaysia.
Trên thị trường thế giới, trong tuần vừa qua, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan và Việt Nam giảm, còn Ấn Độ giữ nguyên mức trung bình 364 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm trung bình của Thái Lan đạt 397 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với tuần trước đó. Mặc dù giá gạo Thái Lan đã giảm trong thời gian qua nhưng lượng người mua vẫn không tăng lên nhiều.
Khó khăn thực hiện đơn hàng
Giá gạo Việt Nam loại 5% tấm ước tính đạt 390 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn so với tuần trước. Khối lượng gạo được bán ra đang rất chậm do sự hạn chế vận chuyển trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết, xuất khẩu gạo tuy có giảm nhưng cũng không hẳn là khó khăn. Khó khăn chính là các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được đơn hàng.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Nam bộ khiến thiếu lao động bốc xếp và đơn vị muốn mua hàng nhưng cũng không có người làm. Chưa kể, nếu phát hiện một chuyến hàng hay một nhà máy có lao động bị nhiễm COVID-19 là tất cả bị “đóng băng.”
Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu thu mua lúa qua thương lái. Thương lái lại gặp khó khăn trong hoạt động. Theo quy định, lao động làm việc không đảm bảo được phòng dịch cũng không được hoạt động, trong khi hoạt động bốc xếp lúa gạo đòi hỏi nhiều lao động.
Các nhà máy của Tập đoàn Intimex vẫn hoạt động bình thường nhờ tổ chức phương án “3 tại chỗ” sớm. Nhưng khâu bốc xếp hàng hóa thì cần lực lượng lao động bên ngoài và rất khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó tình trạng này.
“Trong tình hình hiện nay, vẫn có những doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng lượng rất thấp so với trước đây. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước trong khu vực còn đỡ về chi phí, nếu bán sang châu Phi giá vận chuyển quá cao. Việc giá gạo đi xuống trong thời gian vừa qua chỉ là biến động ngắn hạn. Giá gạo vẫn có cơ hội tăng trở lại, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất e ngại về giá vận chuyển,” ông Đỗ Hà Nam cho hay.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết họ đã ký kết hợp đồng và phải giao hàng. Trong bối cảnh hiện nay, các công ty đang cố gắng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới.
Nguồn: VietnamPlus

4/ Anh chính thức trở thành Đối tác của ASEAN
Chiều ngày 5/8 đã diễn ra buổi lễ trực tuyến trao quy chế Đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN cho Vương quốc Anh. Sự kiện này là kết quả của quá trình tham vấn trong ASEAN và giữa ASEAN với Vương quốc Anh từ năm 2020, thể hiện tính tích cực và rộng mở trong quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định ưu tiên hợp tác thời gian tới gồm hợp tác kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên.
“Đây là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong chiến lược hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Vương quốc Anh. Mối quan hệ chặt chẽ hơn của Anh với ASEAN sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm ‘xanh’, củng cố hợp tác an ninh của Anh với các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy quan hệ đối tác khoa học và công nghệ cũng như bảo vệ các trụ cột chính của luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”- Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chia sẻ.
Thỏa thuận mới sẽ giúp Vương quốc Anh làm sâu sắc hơn liên kết kinh tế với ASEAN, khu vực có tổng GDP lên tới 3,2 nghìn tỷ USD. Lĩnh vực thương mại có tiềm năng to lớn và có khả năng tạo ra nhiều việc làm tại Anh.
Nguồn: Thời báo Tài chính
5/ Đưa chất xám vào nông nghiệp
Đa số các loại rau quả Việt Nam, từ khi thu hoạch đến tiêu thụ chỉ có vỏn vẹn 7 ngày. Điều này, tạo áp lực rất lớn đối với người trồng trọt, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thấu hiểu áp lực ấy, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên đã quyết định “rẽ hướng” sang lĩnh vực logistics để hỗ trợ nhà nông bằng việc đầu tư 2.500 tỉ đồng vào Trung tâm logistics nông sản xuất khẩu ở tỉnh Hậu Giang.
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên đã có 10 năm tham gia vào việc chế biến rau quả và nông sản xuất khẩu, dự nhiều hội chợ quốc tế tại Mỹ, châu Âu, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chứng kiến sự phát triển ngành nông nghiệp của những quốc gia này, ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hạnh Nguyên logistics của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên luôn trăn trở, ấp ủ một điều, đó là làm sao cho ngành nông sản, trái cây Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển như các nước. “Trong tình hình phát triển như hiện nay, tôi nghĩ rằng mình cần đầu tư thêm nhiều chất xám trong ngành chế biến nông sản và rau quả Việt Nam”, ông Hoài chia sẻ.
 “Vì vậy, nếu chúng ta đầu tư chất xám, công nghệ cao vào sản phẩm thông qua quá trình chế biến sâu như: hệ thống dây chuyền, máy móc để làm nước ép trái cây cô đặc hay đông lạnh, làm mứt, trái cây sấy dẻo…, thì sẽ làm tăng giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trữ của trái cây tươi. Qua đó, giúp phát triển ngành kinh doanh nông sản và trái cây tươi của Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn, bên cạnh ngành lúa gạo”, ông Hoài cho biết.
Trong khi đó, thị trường hiện nay hiếm có doanh nghiệp đứng ra cung cấp các dịch vụ từ khâu bắt đầu canh tác cho đến bảo quản sau thu hoạch và tìm đầu ra cho nông sản. Chính vì vậy, ông Hoài đã cho ra đời Trung tâm logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang. “Với mảng logistics, tại ĐBSCL còn nhiều hạn chế và khó khăn, điều này đã thôi thúc tôi “rẽ hướng” sang logistics để làm điều gì đó có ý nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, giúp cho cuộc sống của bà con nông dân đỡ vất vả, ấm no hơn, nền kinh tế của ĐBSCL sẽ phát triển hơn trong thời gian sắp tới”, ông Hoài chia sẻ.
Theo ông Hoài, mục tiêu lớn nhất của trung tâm này là để phục vụ bà con nông dân, thay đổi thói quen và tập quán của người nông dân. “Trước đây, khi chuẩn bị thu hoạch trái cây, bà con có thói quen là kêu chủ vựa thu mua lại vườn và chốt giá ngay lúc đó”, theo ông Hoài.
Tuy nhiên, ông Hoài cho rằng, đây là giai đoạn bà con nông dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Ví dụ, với quả xoài, từ sau khi thu hoạch, thì trong vòng 3 ngày, bà con phải bán gấp vì để lâu hơn sẽ hư. Như vậy, áp lực chốt giá và bán của bà con chỉ giới hạn trong vòng 7-10 ngày và việc chốt giá chỉ diễn ra tại vườn, thiếu thông tin nên giá cả sẽ không minh bạch”, ông dẫn chứng.
Với trung tâm logistics của Hạnh Nguyên, ông Hoài cho rằng, đơn vị này sẽ giúp bà con lựa rửa, phân loại, đóng gói, chiếu xạ và bảo quản trong kho mát với nhiệt độ thích hợp nhất. “Vì vậy, trái xoài được tăng thời gian bảo quản lên đến 90 ngày và trong giai đoạn này, bà con có quyền thương lượng giá một cách công bằng và minh bạch”, ông cho biết và giải thích, bởi tại trung tâm có nhiều thương nhân nội địa lẫn quốc tế, nên bà con sẽ có cơ hội để chào bán cho đơn vị trả giá phù hợp nhất.
Nguồn: TheSaigonTimes
6/ RCEP: Chủ động phòng vệ để doanh nghiệp lớn mạnh
Trong năm 2021, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước bối cảnh đó, các quốc gia không ngừng gia tăng chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, do đó số lượng các vụ việc điều tra PVTM cả hai chiều không ngừng gia tăng. Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA, trong đó có RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Ông Chu Thắng Trung khuyến nghị thêm, việc bị áp thuế PVTM sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp PVTM sẽ làm kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu.
Do vậy, nhiều khuyến cáo đã đưa ra đối với doanh nghiệp, đó là muốn tham gia “sân chơi” mở rộng như RCEP, đòi hỏi cần nắm vững quy định pháp lý để hạn chế rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài; chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ, chính xác mọi thông tin của đối tác về năng lực tài chính và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nhằm bảo đảm quá trình giao kết hợp đồng được đúng thủ tục pháp lý, quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên.
Đặc biệt, để giảm bớt những vụ việc về PVTM, doanh nghiệp cần đẩy mạnh những nhóm hàng Việt Nam chủ động nguồn cung và có giá trị gia tăng cao, có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh như nông sản – thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế.
Thực tế, qua các vụ khởi xướng điều tra thời gian qua đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đều cho thấy, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn.
Nguồn: VietnamPlus
7/ VinaCapital: Mỹ không áp thuế với Việt Nam, nhà đầu tư hưởng lợi
Gần đây, Mỹ công bố sẽ không áp đặt các mức thuế cứng nhắc đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng:
  • Thứ nhất, thỏa thuận sẽ khuyến khích dòng vốn từ các nhà đầu tư tài chính nước ngoài (FII) vì những nhà đầu tư đó thường ưu tiên các quốc gia có đồng tiền ổn định hoặc tăng giá.
  • Thứ hai, điều này có thể thuyết phục các doanh nghiệp địa phương cải thiện khả năng cạnh tranh của công ty mình.
Cuối cùng, nâng cao mức sống cho người tiêu dùng địa phương bằng cách thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế trong nước của Việt Nam. “Những con hổ châu Á” phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất xuất khẩu, nhưng hầu hết các quốc gia đó phụ thuộc vào sản xuất theo định hướng xuất khẩu quá lâu, dẫn đến việc định giá đồng tiền của họ bị điều chỉnh thấp hơn một cách có chủ đích trong nhiều năm.
Khi một quốc gia hạ giá đồng tiền của mình một cách có chủ đích để hỗ trợ xuất khẩu, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng (ví dụ, tiêu dùng trung bình chiếm 53%/GDP ở Trung Quốc trong 10 năm qua so với gần 70% ở Mỹ), và khi tiền tệ được định giá thấp sẽ tạo ra sự kém hiệu quả và các động lực bị biến dạng mà cuối cùng gây bất lợi cho hầu hết các công ty nội địa.
Ngược lại, đồng tiền tăng giá của Việt Nam sẽ giúp đất nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” bằng cách khuyến khích đổi mới vì các công ty trong nước sẽ không thể dựa vào mức tỷ giá hối đoái rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, lương công xưởng của Việt Nam thấp hơn 2/3 so với ở Trung Quốc, vì vậy Việt Nam sẽ vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới.
Nhà đầu tư “thở phào”, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi trong tương lai
VinaCapital tin rằng chính sách tăng cường can dự của Mỹ ở Đông Nam Á (SEA) để đối trọng với Trung Quốc, sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam từ sự hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ, dưới hình thức Hoa Kỳ sẽ là một thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu của Việt Nam (đây cũng là chiến lược mà Hoa Kỳ đã sử dụng để hỗ trợ Nhật Bản và Hàn Quốc trong chiến tranh lạnh).
Bên cạnh đó, tuyên bố chung Việt – Mỹ cũng ngụ ý rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang chịu áp lực đáng kể để cho phép Việt Nam đồng tăng giá, điều này được củng cố bởi tuyên bố của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai rằng “USTR, phối hợp với Bộ Tài chính, sẽ giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết liên quan đến việc định giá đồng tiền của mình”.
Theo quan điểm của VinaCapital, việc giá trị của Việt Nam đồng tăng đều 2-3%/ năm là điều gần như chắc chắn. Lý do vì lượng vốn khổng lồ tiếp tục chảy vào trong nước và Ngân hàng Trung ương Việt Nam sẽ không còn tiếp tục các biện pháp “can thiệp ngoại hối không trung hoà” đã làm giảm giá trị của Đồng Việt Nam trong những năm gần đây.
VinaCapital ước tính rằng vốn nước ngoài đã chảy vào Việt Nam trong năm ngoái với trị giá 10%/GDP, bao gồm cả dòng vốn FDI là 7%/GDP. Dòng vốn chảy vào, cùng với thặng dư tài khoản vãng lai 4,5%/GDP, đã đưa thặng dư Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam lên 7%/GDP vào năm 2020 và kỳ vọng thặng dư BoP 5% vào năm 2021.
Nguồn: CafeF
8/ Khởi động FTA giữa ASEAN – Canada trong 2021
Ngày 5/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN – Canada. Đây là hoạt động tiếp theo trong chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau khẳng định mong muốn cùng ASEAN nâng tầm quan hệ, tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì và sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN – Canada .
2020, tổng kim thương mại hai chiều đạt 16,2 tỷ USD và đầu tư từ Canada vào ASEAN đạt 5 tỷ USD. Trong 2021, ASEAN – Canada sẽ khởi động đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hợp tác thông qua triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn mới 2021-2025..
Liên quan đến chương trình hợp tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, Canada khẳng định tiếp tục triển khai các chương trình như Chương trình học bổng trao đổi phát triển giáo dục ASEAN – Canada (SEED), hỗ trợ doanh nghiệp, quản lý thiên tai, giáo dục, y tế và bình đẳng giới, ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh mạng, phát triển kinh tế số và đẩy mạnh hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Công Thương
9/ Các đứt gãy mới của kinh tế thế giới
Theo The Economist, kinh tế toàn cầu đang phục hồi, song vẫn mong manh và không đồng đều, với ba đường đứt gãy chính.
Đầu tiên là việc phân chia và phân phối vaccine COVID-19. Hiện chỉ 1/4 dân số thế giới mới được tiêm liều vaccine đầu tiên và chỉ 1/8 dân số được tiêm đủ hai mũi. Ngay cả ở Mỹ, một số bang chưa tiêm chủng rộng rãi hiện phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta.
Thứ hai là việc đảm bảo cung và cầu. Tình trạng thiếu vi mạch đã làm gián đoạn việc sản xuất đồ điện tử và ô tô. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các cảng ở bờ Tây nước Mỹ đã tăng gấp 4 lần.
Đường đứt gãy cuối là việc rút bớt nới lỏng tiền tệ. Tại một thời điểm, các nhà lãnh đạo sẽ đảo ngược các biện pháp hỗ trợ. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã mua lượng tài sản trị giá hơn 10.000 tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu và đang xem làm thế nào để không gây biến động lớn khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Trung Quốc, đã đánh đi tín hiệu về việc thắt chặt chính sách tín dụng trong năm nay.
Trong khi đó, các viện trợ khẩn cấp của chính phủ, như bảo hiểm thất nghiệp và các điều khoản về không trục xuất người thuê nhà đang bắt đầu hết hiệu lực. Các hộ gia đình dường như sẽ không nhận được thêm một nguồn tài chính mới nào trong 2022.
Tại châu Âu, các nước đang bắt kịp tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19. Tại Anh, Pháp và Thụy Sỹ, 8-13% nhân viên vẫn làm việc theo kế hoạch tăng cường vào cuối tháng Năm vừa qua.
Ở tất cả các nền kinh tế này, rủi ro đặt ra là các nhà hoạch định chính sách phản ứng quá mức với lạm phát nhập khẩu tạm thời và rút chương trình hỗ trợ quá nhanh. Nếu vậy, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, giống như Khu vực đồng euro đã phải hứng chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009.
Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng đang bị ràng buộc. Trong năm nay, các nước nghèo nhất, vốn đang rất thiếu vaccine, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn các nước giàu trong vòng 25 năm.
Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi phải đối mặt với lãi suất cao. Điều này tạo ra xu hướng gây áp lực giảm giá lên đồng nội tệ của các nước khi các nhà đầu tư mua đồng USD.
Brazil, Mexico và Nga đã tăng lãi suất trong thời gian gần đây và nhiều nước khác có thể có biện pháp tương tự. Sự chậm trễ của chương trình tiêm chủng và việc thắt chặt quá sớm chính sách tiền tệ sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế.
Theo một số nhà tích, mùa Hè năm 2022, hầu hết dân số sẽ được tiêm chủng, doanh nghiệp sẽ thích nghi với các mô hình nhu cầu mới và các gói kích thích tài khóa sẽ được dỡ bỏ một cách có trật tự. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ kinh tế hiện nay, các nước vẫn cần cẩn trọng với những đường đứt gãy đã nêu ra ở trên.
Nguồn: VietnamBiz
10/ Hoạt động thu hẹp “bào mòn” doanh nghiệp mỗi ngày
Thiếu lao động
Mới đây, tại buổi trao đổi trực tuyến với phóng viên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” vẫn là giải pháp lý thuyết với ngành dệt may. Bởi nhiều đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba, không ít lao động đã bỏ nhà máy.
Hiệp hội này thừa nhận các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” cũng không hiệu quả khi tình trạng lao động thiếu hụt. Phần nhiều ở các nhà máy chỉ có 30-40% công nhân đồng ý tham gia 3 tại chỗ, có nhiều doanh nghiệp số công nhân tham gia chỉ có 10-20% dù lãnh đạo doanh nghiệp hết sức thuyết phục.Trước tình hình năng suất lao động sụt giảm, nhiều đối tác nước ngoài đã bắt đầu rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba.
 “Hiện nay các tỉnh thành có chủ trương đón lao động về địa phương cũng đang gây nên sự xao động trong công nhân, dẫn đến thiếu hụt lao động và hàng hóa. Cho nên mỗi giám đốc doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo kinh doanh, sản xuất vừa làm công tác dân vận, xoa dịu, động viên giữ lực lượng công nhân”, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM, cho biết.
Ngoài ra, thông tin nhanh từ các hiệp hội ngành nghề khác cũng lo ngại về sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” khi một số nhà máy có số ca F0 xuất hiện và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Trong đó, sự xáo trộn của đội ngũ lao động là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự đứt gãy sản xuất mà lãnh đạo doanh nghiệp phải lường trước.
Phập phồng chuỗi cung ứng
Không riêng về chuyện lao động mà doanh nghiệp còn vận hành cầm chừng vì nguồn cầu suy giảm đột ngột, hàng hóa tồn ứ ngày một nhiều, nguyên liệu đầu vào tắc nghẽn và tăng giá. Mới đây, tình trạng hàng hóa bị dồn ứ tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Đức) ngày một nhiều khiến Tổng cục Hải quan phải ra văn bản hướng dẫn các giải pháp cấp bách để giải phóng hàng tồn. Lý do được công ty quản lý cảng đưa ra là doanh nghiệp tạm dừng họat động vì điều kiện sản xuất bị thu hẹp khiến hàng không thể lưu thông.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (đơn vị xuất khẩu nông sản TPHCM), một đơn vị xuất khẩu nông sản lớn, do các địa phương áp dụng nghiêm ngặt quy định không cho tập trung, di chuyển nên hiện nay việc thu hoạch trái cây của đơn vị ở hầu hết các tỉnh phía Nam gặp khó.
Không chỉ quốc tế mà ngay những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu lớn trên thị trường nội địa như mì gói cũng lao đao. Hiện nay một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể sử dụng 50% lực lượng lao động. Thêm vào đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu của ngành chế biến lương thực, thực phẩm đều xuất phát từ các tỉnh đưa về TPHCM bị ách tắc.
Mới đây, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận nhiều tỉnh phía Nam có dấu hiệu không thành công khi áp dụng phương châm sản xuất “3 tại chỗ”. Để duy trì sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, Cục Công nghiệp cho rằng vaccine vẫn là giải pháp căn cơ và cần phải tiến hành sớm.
Nguồn: TheSaigonTimes
11/ Tận dụng CPTPP xuất khẩu nông, thuỷ sản vào Nhật
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2021 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6,6 tỷ USD. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là nông sản có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, như hạt tiêu tăng 35,23%, hạt điều tăng 20,35%, cà phê tăng 14%… Nhưng tính chung giá trị xuất khẩu cả nhóm hàng nông thủy sản và thực phẩm mới chỉ chiếm khoảng 8,2% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo số liệu tổng hợp từ hải quan Nhật Bản, nước này nhập khẩu nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản lại chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường đối tác khác. Như nhóm hàng nông thủy sản – chủ yếu từ Hoa Kỳ, chiếm xấp xỉ 23,3%, Trung Quốc chiếm 11,8%. Thị phần của ASEAN chiếm 13,4%, trong đó Việt Nam chỉ chiếm 18,3% tổng nhập khẩu từ khối ASEAN và chỉ gần 2,4% tổng nhập khẩu nhóm hàng của Nhật Bản.
Trong khi đó, Nhật Bản hiện có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng như cá, sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả.
So với Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh do được ưu đãi thuế quan theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Nhật Bản. Như vậy, dư địa xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản còn rất lớn.
Tận dụng CPTPP
Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 FTA song phương, đa phương, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định CPTPP.
Theo cam kết trong CPTPP, đối với nhóm hàng thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam, Nhật Bản cam kết xoá bỏ thuế đối với khoảng 1/3 số dòng sản phẩm thịt ngay khi hiệp định có hiệu lực; cắt giảm và xoá bỏ thuế theo lộ trình 2-16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 2/3 số dòng thuế. Ví dụ, đối với thịt heo nguyên con hoặc nửa con, tươi hoặc ướp lạnh, đông lạnh, trong vòng 10 năm, thuế suất sẽ về 0%. Hay như nội tạng của trâu bò tươi, đông lạnh,… sẽ được xoá bỏ thuế theo lộ trình 13 năm. So với VJEPA, cam kết trong CPTPP có mức mở cửa mạnh hơn đối với các dòng sản phẩm mà trong VJEPA Nhật Bản không cam kết xóa bỏ thuế.
Đối với mặt hàng thuỷ sản, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với khoảng 65% dòng sản phẩm thủy sản; cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 6 – 16 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế thuỷ sản từ Việt Nam.
Có thể thấy, CPTPP đem lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc gia có các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, tạo thành hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản.
Các giấy tờ theo quy định của Nhật Bản khi thực hiện nhập khẩu rau quả vào quốc gia này khá phức tạp như Giấy chứng nhận an toàn sức khỏe; kết quả xét nghiệm; các tài liệu chứng minh các thành phần nguyên liệu, phụ gia và quy trình sản xuất (Chứng nhận nhà sản xuất)… Cùng với đó, còn nhiều quy định khác của Nhật Bản liên quan như: Luật Thương mại quốc tế và Trao đổi ngoại hối, Luật Vệ sinh thực phẩm, Luật Thuế quan và Hải quan,…. Đây là một thách thức đối với ngành hàng nông thủy sản – thực phẩm của Việt Nam.
Vì vậy, khi xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này. Sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, dân số Nhật đang bị già hóa nên xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm đặc biệt quan tâm đến yếu tố tác động tới sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm… Doanh nghiệp cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng, thành phần nào có thể gây dị ứng…
Nguồn: Báo Công Thương
12/ Xuất khẩu gạo “tê liệt” do gãy chuỗi cung ứng
Hiện tại đối tác quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nước ta không giao hàng được. Tân Cảng là cảng container chính đã ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại Cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc…
Xuất khẩu gạo sụt giảm do tác động từ dịch bệnh và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, dẫn tới giá xuất khẩu hiện ở mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.
Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa: từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu xuất khẩu. Trong khi, kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy. Một số doanh nghiệp phải đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như phương tiện vận chuyển giữa các nơi (đồng ruộng về nhà máy sấy/nhà máy xay xát chế biến…) trên địa bàn các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long phải qua nhiều chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19.
Tình trạng này dẫn đến việc nhiều chủ phương tiện từ chối chuyên chở do các chi phí phát sinh, thậm chí có đồng ý vận chuyển nhưng lại không thể được xét nghiệm vì lực lượng y tế không đáp ứng được nhu cầu (hết sinh phẩm xét nghiệm nhanh hoặc các cơ quan có chức năng hạn chế số lượng mẫu nhận xét nghiệm mỗi ngày).
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là đường bộ hiện đang gặp nhiều khó khăn khi tài xế ở một số địa phương phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần, nhưng các cơ sở y tế chức năng tại địa phương lại không đáp ứng được nhu cầu.
Khách hàng có nhu cầu, doanh nghiệp “bó tay”
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
Khách hàng đối tác quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được, nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng do thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên Cảng.
Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra Cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên Tàu biển. Công nhân bốc xếp phải “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.
Nguồn: VnEconomy

13/ Xuất khẩu cá ngừ sang Ý tăng trưởng 3 con số nhờ EVFTA
Các sản phẩm từ cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy đã có sự tăng trưởng liên tục với tốc độ cao tới ba con số trong nửa đầu năm nay nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do giữ Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 283% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 2,1 triệu USD. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy đạt gần 22,5 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường này, đáng chú ý là sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh. Nếu như nửa đầu năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam không xuất được lô hàng loin cá ngừ hấp đông lạnh nào sang Italy, năm nay số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt tới hơn 11,4 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy. Xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 cũng tăng 19%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp giảm 63%.
Phân tích nguyên nhân xuất khẩu cá ngừ tăng, VASEP cho rằng đây là hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA. Các thống kê từ VASEP cho thấy, hiện có khoảng 7 doanh nghiệp cá ngừ tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Italy. Trong đó, Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam) là doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này. Tiếp đến là Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang (Dragon Waves) và Công ty CP Vịnh Nha trang (Nha Trang Bay).
Dù vậy, hiện tại các doanh nghiệp đang lo ngại việc xuất khẩu trong các tháng tới có thể chậm lại bởi dịch bệnh tại các nước Nam Mỹ như Ecuador đang dần dần được kiểm soát, trong khi đó tại Việt Nam đang bùng phát mạnh làm cản trở hoạt động của các doanh nghiệp. Điều lo ngại hơn, phần lớn các công nhân tại các nhà máy chế biến lại chưa được tiêm vaccine khiến cho nhiều doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động, hoặc giảm bớt công suất do giãn cách xã hội. Cùng khó khăn trên, chi phí sản xuất tăng, giá thuê container tăng, giá cước vận chuyển từ châu Á sang châu Âu tăng mạnh…
Nguồn: Báo Công Thương
14/ Xi măng, sắt thép tăng trưởng xuất khẩu giữa đại dịch
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bất chấp dịch Covid-19, 2 ngành công nghiệp nặng là xi măng, sắt thép không những không bị tác động mà còn có mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 24,35 triệu tấn sản phẩm xi măng, clinker, trị giá 945 triệu USD, tăng lần lượt 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng so với sắt thép thì mức tăng của xi măng chưa thấm vào đâu. 7 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 5,52 tỷ USD, tăng 45,6% về lượng và tăng 118% về trị giá so với cùng kỳ.
Các sản phẩm từ sắt thép cũng có mức tăng xuất khẩu phi mã khi mang về 2,26 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của xi măng, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép đã mang về hơn 8,7 tỷ USD. Trong đó, nhờ tăng xuất khẩu thêm gần 5 triệu tấn sản phẩm, ngành xi măng đã mang về thêm 211 triệu USD.
Sở dĩ xi măng tăng mạnh xuất khẩu là nhờ tăng xuất bán clinker sang một số thị trường, điển hình là Trung Quốc. Những năm gần đây, thị trường này đã nhập lượng lớn clinker từ Việt Nam.
Nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker từ 5% lên mức 10%.
Đề nghị này được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…
Bởi theo Bộ này, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp.
Đối với ngành thép, sở dĩ xuất khẩu gia tăng mạnh là do nhiều thị trường vẫn đang có nhu cầu lớn với thép nhập từ Việt Nam. Trong khi, nâng lực sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục được củng cố.
Trong đó, đối với sản phẩm phôi thép: Tập đoàn Hòa Phát và Công ty cổ phần Thép Nghi Sơn năm 2021 dự kiến có mức tăng trưởng lớn so với năm 2020. Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát tăng khoảng 38%, Công ty cổ phần Thép Nghi Sơn tăng 44%, Tổng công ty Thép Việt Nam tăng 7%.
Nguồn: Báo Đầu tư
15/ Xuất khẩu : Phụ thuộc kiểm soát dịch bệnh
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường sớm khôi phục sau đại địch Covid-19…
Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu hàng hóa XK vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc – xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng NK từ Việt Nam.
Đồng thời, các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành XK của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK .
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), chu kỳ NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, XNK có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan… Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch XNK đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động XNK hàng hóa trong những tháng cuối năm.
Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến xuất nhập khẩu (XNK) nói chung, xuất khẩu (XK) nói riêng trong tháng 7 có phần chững lại. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng XNK sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin trong nước.
16/ Điện thoại và linh kiện tiếp tục xuất khẩu tốt
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 7 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 30,5% so với tháng trước, trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu sụt giảm. Theo đó, 7 tháng năm 2021, nhóm hàng điện thoại và các loại và linh kiện đã mang về cho Việt Nam 29,35 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử lại có diễn biến ngược lại so với nhóm hàng điện thoại. Cụ thể, kim ngạch nhóm hàng vi tính, sản phẩm điện tử sụt giảm 15,5% so với tháng trước khi trị giá xuất khẩu trong tháng 7/2021 đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng năm 2021 đạt 27,36 tỷ USD, vẫn tăng 16,46% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, nhóm linh kiện điện thoại tăng tới 40%; trong 7 tháng, Việt Nam đã sản xuất trên 128 triệu chiếc điện thoại di động.
Bộ Công Thương nhìn nhận, năm 2021 ngành điện tử tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa. Do đó xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.
Dư địa tốt thúc đẩy xuất khẩu
Bộ Công Thương cho rằng, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. “Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan…”, Bộ Công Thương cho biết.
Đáng chú ý xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…
Báo cáo của Bộ Công Thương phân tích cụ thể, hiện thị trường xuất khẩu điện thoại và linh kiện mức độ phân bố xuất khẩu là tương đối tốt tại 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, chiếm 86,7% kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện năm 2016. Năm 2020 chiếm 88,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2019 do tác động của dịch bệnh Covid-19. “Trong 9 thị trường xuất khẩu hàng đầu năm 2020, có tới 7 thị trường nằm ở khu vực châu Á gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường trong khối ASEAN, Ấn Độ, chiếm 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử trong cả nước”, báo cáo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương
17/ Delta, cước tàu và thức ăn nuôi thủy sản tăng giá: 3 quả tạ đè ngành thủy sản
Giá thành sản xuất thủy sản thì thức ăn chiếm khoảng 50-70%, trung bình là 60%. 
Do đó, khi giá cả biến động sẽ rất nhanh tác động đến thị trường, làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực thủy sản đặc biệt là giảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản.
Cước phí vận tải và chi phí nguyên vật liệu neo ở mức giá cao dự kiến tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong quý III/2021. 
BSC cho rằng các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục đối mặt với rủi ro. Giá cước vận tải vẫn neo ở mức cao giá các loại thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở tăng 20% so với cùng kỳ. 
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu vào do chi phí thức ăn chiếm khoảng 60% – 70% chi phí nuôi trồng thủy sản. 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cuối năm phụ thộc nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch COVID-19.
Trong điều kiện tốt nhất, khi thị trường lắng xuống và kiểm soát được dịch bệnh sau 3 tháng thì mức tăng xuất khẩu thủy sản hàng tháng khoảng 6 – 8%. Khi đó, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt mục tiêu 9 tỷ USD.
Nguồn: VietnamBiz
18/ Cơ hội cho nông sản Việt vào Đức là rất lớn
Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Đức – Việt Nam đã đạt gần 16 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020, mặc dù kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Đức – Việt Nam vẫn đạt 15,2 tỷ USD (giảm 3,6% so với cùng kỳ) tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức tăng 7,85% so với 2019, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong ASEAN và là đối tác lớn thứ 4 của Đức tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn chiếm tỷ trong chưa lớn trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt sang Đức. Cụ thể: Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Đức 196,6 triệu USD các sản phẩm thịt, cá tươi sống và chế biến, chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu nhập khẩu của Đức (khoảng 26 tỷ USD); 303 triệu USD sản phẩm qua quả tươi, hoa quả chế biến và các loại hạt, chiếm 2,7% nhu cầu nhập khẩu của Đức (khoảng 11,2 tỷ USD); 429 triệu USD sản phẩm chè, cà phê, gia vị, chiếm 10% nhu cầu nhập khẩu của Đức (khoảng 4,1 tỷ USD).
Theo Tham tán Bùi Vương Anh, con số trên đã cho thấy tiềm năng của thị trường Đức còn rất lớn. Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà các cơ chế, khung pháp lý hợp tác giữa hai nước như Hiệp định EVFTA, cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – Đức mang lại, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ cơ hội thâm nhập được sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.
Một điểm lợi thế nữa của thị trường Đức đó là việc nước Đức có cộng đồng người Việt đông đảo, đang sinh sống, làm việc và kinh doanh, có hệ thống phân phối sản phẩm châu Á, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Việt Nam rộng khắp nước Đức, là các đầu mối tiêu thụ và trung chuyển tiềm năng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ trong phạm vi nước Đức.
Thông qua trao đổi, các doanh nghiệp đã thấy được tầm quan trọng trong việc cần đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã để đáp ứng được thị hiếu của nhiều đối tượng người tiêu dùng cũng như sự cần thiết của việc hiện đại hóa công nghệ sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của EU.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ngay các mặt hàng nông sản nói trên, Thương vụ cũng đang phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện Đề án phân phối và Logistic, qua đó sẽ thiết lập các kênh phân phối lớn giúp mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội thâm nhập và khẳng định vị trí tại thị trường Đức cũng như EU, cũng qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp có kế hoạch dài hơi nhằm giảm chi phí và tăng mức độ cạnh tranh, tăng tính chủ động về mặt logistic.
Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, Thương vụ Đức nói riêng và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, bên cạnh các hoạt động xúc tiến truyền thống, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục XTTM để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực.
Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng cũng như áp dụng hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số, bên cạnh mô hình truyền thống, để quảng bá, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.
Nguồn: Bộ Công Thương
19/ Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Nắm thông tin để tránh rủi ro
Lo “nghẽn đường”
Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) – cho biết, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau khi phía Trung Quốc dừng thông quan một ngày để làm công tác khử khuẩn, việc thông quan thanh long diễn ra chậm, mỗi ngày chỉ khoảng 20 – 30 xe.
Còn tại Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng- Lạng Sơn), các cơ quan chức năng quản lý cửa khẩu này cho biết, để thực hiện khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19, phía Trung Quốc hiện nay đã tạm thời ngừng tiếp nhận các xe hàng XK của Việt Nam vào 1 bãi trong Trung tâm hoa quả ASEAN (Pò Chài, Trung Quốc) từ ngày 30/7/2021. Việc tạm ngừng tiếp nhận xe vào bãi này từ phía Trung Quốc, cũng chưa biết thời gian nào sẽ mở trở lại; vì vậy sẽ làm giảm lưu lượng phương tiện và hàng hóa nông sản, hoa quả XK của Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày 2/8, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 97 xe, giảm 60-70% so với cùng kỳ, xe tồn ở bãi lên vài trăm xe chủ yếu thanh long.
Thống nhất quy trình kiểm dịch
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường nhập khẩu hàng rau, quả lớn thứ 3 trên thế giới. 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 5,5 tỷ USD, trong đó nhóm rau, quả chiếm tới 26,9%.
Để tháo gỡ cho trái cây XK, hiện Cục Bảo vệ thực vật vẫn trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, để kiểm soát tình hình tốt hơn. Tuy nhiên, việc kiểm soát xe hàng chậm do khâu y tế.
Ông Liễu Anh Minh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn – khuyến cáo tới các hiệp hội, DN… có nhiều nông sản XK qua Lạng Sơn cần thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; chủ động điều tiết kế hoạch XK hàng hóa phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp để tránh ùn ứ hàng hóa, phương tiện, tránh thiệt hại về kinh tế.
Nguồn: Báo Công Thương
20/ Xuất khẩu thanh long sang Ấn còn nhiều dư địa
Ấn Độ nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó, Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Người Ấn Độ ưa chuộng thanh long vì đây là loại quả có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng và đây là thị trường có tiềm năng rất lớn đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã hình thành hành lang pháp lý khá đầy đủ thông qua các văn kiện hợp tác cấp Chính phủ.
Tuy nhiên, để xuất khẩu thanh long thuận lợi và bền vững sang thị trường Ấn Độ, Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại lưu ý: “Yêu cầu của thị trường Ấn Độ không quá cao về chất lượng và tiêu chuẩn, tuy nhiên, yêu cầu về giá là rất quan trọng do thu nhập bình quân đầu người của người dân Ấn Độ còn thấp hơn so với Việt Nam và giá cả hoa quả nội địa của Ấn Độ rất thấp do chính sách hỗ trợ của chính phủ và năng suất khá cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ đặ điểm thị trường, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường”..
Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng rất cao, từ 26% năm 2015 lên 52% năm 2020, chứng tỏ có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này. Tuy nhiên, để xuất khẩu thanh long sang hai thị trường này thì các doanh nghiệp cần lưu ý về văn hoá kinh doanh, văn hoá tiêu dùng, khó khăn trong vận chuyển, thậm chí cả yếu tố chính trị.
Gần 60 % người dân của Ấn Độ ăn chay và món ăn chủ yếu cho ăn chay chỉ có rau quả và trái cây. Vì vậy, đây là một thị trường cực kỳ lớn để cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả và trái cây Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn do đại dịch về công tác vận chuyển thanh long, do đó, phải tìm biện pháp để vượt qua. Sau khi kết thúc dịch, chúng ta cần phải đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang thị trường này và một trong những biện pháp là phải tìm được các nguồn nhập, phải tăng cường công tác giao lưu tuyên truyền, quảng bá. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ đồng hành cùng với tất cả các tỉnh để làm thế nào thúc đẩy được xuất khẩu sang Ấn Độ”, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, kim ngạch xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ nếu như năm 2017 mới chỉ đạt 316.400 USD, thì năm 2019 đã tăng lên 842.800 USD, tăng bình quân 64%/năm. Sức ép về tiêu thụ là khá lớn nếu như không có giải pháp và hướng dẫn kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tại thị trường Ấn độ.
Các doanh nghiệp phải chú ý đến phương thức thanh toán. Nên chú ý đến phương thức thanh toán cọc 30% khi ký kết hợp đồng mua bán, sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, sẽ thanh toán 70% còn lại để tránh những tranh chấp, rủi ro, mà đôi bên cùng có lợi”, bà Huỳnh Thúy Vy, Thành viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý.
Theo các thương vụ, nhiều loại hoa quả, trong đó có thanh long của Việt nam được phép nhập khẩu vào thị trường Ấn Độ, thủ tục nhập khẩu không quá phức tạp. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải trả thuế và nhận lệnh thông quan, sau đó, doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị Ủy ban tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ cấp giấy phép, thời hạn sử dụng hợp lệ còn lại của sản phẩm lớn hơn 60% thời hạn sử dụng ban đầu của sản phẩm tại thời điểm thông quan hàng hóa nhập khẩu… Ngoài ra, muốn xuất khẩu thanh long sang thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đến chất lượng hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng và khẳng định thương hiệu thanh long Việt Nam.
Nguồn: Báo điện tử VOV
21/ Việt Nam – Thụy Sỹ: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và FTA Việt Nam – EFTA
Ngày 5/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với ngài Ignazio Cassis – Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 4-6/8/2021.
Ngày càng có nhiều công ty Thụy Sỹ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba-Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thể), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/CIE (thương mại) và một số doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra khoảng 20 nghìn việc làm cho thị trường Việt Nam, đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm, mà còn áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ lao động và năng lực sản xuất của ngành trong nước. Tính đến tháng 6/2021, Thụy Sỹ có 172 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Về phía Thụy Sỹ, Phó Tổng thống Ignazio Cassis cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia tích cực quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA mà Thụy Sỹ là thành viên. Đồng thời bày tỏ mong muốn quá trình đàm phán Hiệp định tiếp tục được đẩy mạnh, hai bên cùng thống nhất và giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, tiến tới kết thúc đàm phán như mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai bên.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết trực tiếp chỉ đạo cấp kỹ thuật để hợp tác chặt chẽ với Thụy Sỹ, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định này trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Công Thương
22/ Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Châu Âu
Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Hiện, EU đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần, sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần). Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân cho rằng, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này. Cùng với đó, các nước EU có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.
Còn theo chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn, việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng xuất khẩu.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, để hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP, có biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất theo hướng chứng nhận, phí chứng nhận vùng trồng;…
Được biết, để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ sẽ thúc đẩy và kết nối Công ty LTP tại Hà Lan với Công ty 3 cây tre Tiền Giang triển khai nhập khẩu khoảng 300-500 container dừa và sản phẩm dừa từ Việt Nam sang Hà Lan để phân phối sang thị trường EU.
Kết nối Tập đoàn Vinamit với Công ty MCE tại Hà Lan, hai bên đã thống nhất ký đối tác hợp tác nhập khẩu các sản phẩm mít, trái cây, rau củ chế biến sang EU. Hiện Vinammit đã hoàn thiện việc gửi mẫu sang Hà Lan, đồng thời, công ty MCE đã tiến hành việc làm với các cơ quan chức năng tại Hà Lan để hoàn thành việc kiểm tra các chỉ tiêu và gửi tới các siêu thị để chào hàng.
Thương vụ đang tiếp tục đôn đốc Công ty MCE làm việc với các doanh nghiệp tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang thực hiện các hợp đồng chuyển tiếp các container thanh long và chanh leo sang thị trường Hà Lan để phân phối tại hệ thống siêu thị; Xúc tiến trao đổi với Công ty Natural tại Bỉ nhập khẩu các loại nông sản sản hữu cơ để phân phối cho mạng lưới 600 cửa hàng chuyên kinh doanh hữu cơ tại Bỉ, Luxembourg và các vùng phía Bắc của Pháp.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn & Doanh nghiệp
23/ Tận dụng 3 FTA khi xuất hàng đi Nhật
7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Nhiều loại nông thủy sản của nước ta vẫn đều đặn xuất đi mỗi tuần nhờ sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng tốt tiêu chuẩn nhà nhập khẩu. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu tăng 35,23%, hạt điều tăng 20,35%, cà phê tăng 14%…
Theo kế hoạch, Tập đoàn AEON, nhà phân phối lớn của Nhật Bản – sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật lên 1 tỷ USD (khoảng 110 tỷ yên) vào năm 2025, gấp 4 lần so với năm 2017.
Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 FTA song phương, đa phương, bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và gần nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá tốt ưu đãi thuế quan từ các FTA khi xuất khẩu sang thị trường này. Trong số 19,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,4 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 38,35%.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng C/O theo các Hiệp định AJCEP, VJEPA và CPTPP cao trong năm 2020 có thể kể đến như rau quả (71%), nhựa và sản phẩm nhựa (90%), giày dép (92%).
Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, vì thế, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại nhằm đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Chẳng hạn, các sản phẩm sữa đậu nành của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) hay sản phẩm nước dừa, sữa dừa chế biến mang nhãn hiệu VietCoco của Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới  thông qua sự kết nối của Thương vụ, đang được bán tại Nhật Bản với nhiều chủng loại và nhận được sự yêu thích của đông đảo người tiêu dùng.
Đại diện Công ty Dừa Lương Quới cho biết: “Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA… cơ hội mở rộng thị trường sẽ nhiều hơn với những sản phẩm tiêu chuẩn cao, do đó, định hướng chiến lược của VietCoco sẽ đầu tư mạnh vào sản phẩm để phát triển giá trị thương hiệu dừa Việt Nam để tiến sâu hơn vào Nhật và nhiều thị trường lớn khác”.
Trong khi đó, sản phẩm của Vinasoy đã phủ sóng rộng rãi gần như hầu hết lãnh thổ Nhật Bản, với gần 1.000 cửa hàng và siêu thị tại 45/47 tỉnh, thành phố.
Nguồn: Báo Đầu Tư

24/ Sớm sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt – Lào
Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều 9/8, trong khuôn khổ chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đến thăm và làm việc với Bộ trưởng Công Thương Lào Khampheng Xaysompheng.
Trong thương mại, hai Bộ trưởng vui mừng khi kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu 2021, tạo nền tảng để hai Bộ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại 10% trong 2021.
Hai bên thống nhất thúc đẩy công tác đàm phán Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào năm 2015 sớm hoàn tất và đi đến ký kết trong năm 2021; thúc đẩy các cơ quan liên quan của cả hai nước thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên còn nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của việc quy hoạch và xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, coi đây là không gian kinh tế để đẩy nhanh, đẩy mạnh, mở rộng luồng thương mại song phương cũng như là cơ sở để Bộ Công Thương Việt Nam khuyến khích, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào nhằm khai thác tối đa tiềm năng quan hệ giữa hai nước.
Nguồn: Vietnam Plus
25/ Khủng hoảng thiếu linh kiện bán dẫn
Theo The Economist, không chỉ các hãng xe là nạn nhân phải gánh chịu, Apple và Microsoft cũng đã đưa ra những báo cáo về hậu quả ảnh hưởng đến kinh doanh.
Các nhà phân tích cho rằng, khủng hoảng thiếu là kết quả tăng mạnh từ nhu cầu. Phát triển của ngành sản xuất linh kiện bán dẫn là minh chứng cho thấy những chiếc máy tính đang trở thành nhu cầu sâu rộng trong xã hội hiện đại.
3 hệ quả của 1 vấn đề
Khủng hoảng đem đến ba hệ quả, có tích cực và tiêu cực. Đầu tiên là tăng trưởng đầu tư, những nhà sản xuất như Intel, Samsung, TSMC đang đặt ra kế hoạch chi hàng trăm tỉ đô la thúc đẩy năng suất trong vài năm tới.
Thứ hai là khách hàng tiêu dùng ngành công nghiệp bán dẫn lại cũng chấp nhận điều này, đặc biệt những hãng ô tô, nơi tiêu thụ lượng lớn chip toàn cầu. Việc liên tục cải tiến từng bộ phận của ô tô nhằm mang đến giá trị trải nghiệm cho người sử dụng là áp lực để các hãng ô tô là bạn hàng thân thiết với nhu cầu lớn của nhà sản xuất chip.
Để giải quyết nhu cầu lớn cũng như đảm bảo nguồn cung, nhiều hãng ô tô và nhà cung ứng phụ tùng đã triển khai những dự án sản xuất chip phục vụ cho từng bộ phận của ô tô.
Thứ ba, nhiều quốc gia định hướng chủ động nguồn cung. Mỹ đang lập kế hoạch  hàng tỉ đô la thu hút trở lại các nhà sản xuất chip từ Đông Á. Châu Âu muốn tăng gấp đôi năng lực sản xuất lên tới 20% nguồn cung ứng cho sản xuất toàn cầu vào 2030. Ngay cả Anh đã tuyên bố việc mở một nhà máy sản xuất chip tại xứ Wales.
Theo The Economist, cuộc chạy đua sở hữu và làm chủ được công nghệ sản xuất và cung ứng linh kiện bán dẫn đang được nhiều nền kinh tế coi là chủ lực và thể hiện được sức mạnh giống như quyền lực sở hữu các nhà máy chế biến dầu và công xưởng xe ô tô của thế kỷ 20. Việc quá tập trung sản xuất linh kiện chip tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng được xem là có yếu tố rủi ro.
Nguồn: Báo Người Đưa Tin
26/ Hỗ trợ thông quan nhanh hàng hóa giữa cao điểm dịch Covid-19
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn TPHCM và 18 tỉnh thành phía Nam, UBND các tỉnh, thành phố đã yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc giãn cách làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, vận chuyển hàng hóa xếp dỡ xuống một số cảng biển Việt Nam. Đặc biệt tình trạng ùn tắc hàng hóa đã diễn ra tại cảng biển lớn như cảng Cát Lái với lý do hàng hóa nhập khẩu sau khi dỡ xuống cảng không thể giải phóng và ùn tắc tại cảng. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa nhập khẩu tại cảng biển, cần thiết ban hành Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội.
Thông quan nhanh hàng hóa phòng, chống dịch
Để đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa kịp thời phục vụ công tác điều trị, khám chữa bệnh cho người dân, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TPHCM yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất quán triệt đến từng cán bộ công chức tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan ngay trong ngày các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm…
Bên cạnh đó, đối với việc thông quan hàng hóa tân dược phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh nói chung, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cùng với việc đảm bảo chất lượng của hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã có các chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp và tạo điều kiện thông quan nhanh như chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan. Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt (như: thuốc, vắc xin, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C) về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp.
Cơ quan Hải quan căn cứ kết quả phân luồng kiểm tra và chỉ dẫn kiểm tra trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để kiểm tra đối với các lô hàng nhập khẩu có tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 1/8/2021. Trong đó, đối với tờ khai hải quan luồng Vàng, cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu nội dung khai hải quan với bộ hồ sơ hải quan theo quy định, nếu phù hợp thì thực hiện thông quan ngay; nếu không phù hợp hoặc nghi ngờ về tính xác thực của các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan thì chuyển luồng Đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa. Đối với tờ khai hải quan luồng Đỏ, cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa với thông tin khai trên tờ khai hải quan và bộ hồ sơ hải quan, đồng thời yêu cầu người khai hải quan xuất trình bản chính: Giấy ủy quyền, Giấy phép lưu hành sản phẩm, Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm để kiểm tra, đối chiếu với bản sao (có xác nhận của doanh nghiệp) nộp kèm bộ hồ sơ nhập khẩu.
Nguồn: Báo Hải Quan
27/ Giải pháp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử
Nguy cơ tụt hậu về công nghệ
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng các doanh nghiệp ngành điện tử đang đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 nên buộc doanh nghiệp phải phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.
Nhân công rẻ không còn là lợi thế. Tài nguyên thiên nhiên sẵn có cũng không còn là lợi thế nữa, do vậy đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi thực sự để có thể duy trì lợi thế là nơi có lực lượng lao động tay nghề cao, với mức lương xứng đáng.
Thêm vào đó, bà Hương còn đề cập đến những thách thức từ an ninh phi truyền thống, từ biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên không bền vững…
Một thách thức nữa là nguy cơ thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Trong tình hình đại dịch như hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung linh kiện từ các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…
Trong khi đó, bà Phạm Liên Anh, chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất thấp.
Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh là điều kiện quan trọng để phát triển, song theo bà Liên Anh, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều sử dụng máy vi tính nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu.
Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho số hóa không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước. “Có tới 51% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, nhưng số áp dụng công nghệ số cho bán hàng online chỉ chiếm 1%”, bà Phạm Liên Anh cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu chuỗi đa quốc gia trong lĩnh vực điện – điện tử, đều có các bộ phận công nghệ thông tin chuyên trách xây dựng các nền tảng số, cho phép họ kết nối toàn cầu, xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu quản lý và đánh giá các nhà cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Ở góc độ chính sách, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Deloitte Việt Nam, nhận xét rằng Chính phủ trong thời gian qua đã đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Điển hình là thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao nhất, cụ thể đó là thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Nghị định 57/2021/NĐ-CP mới được ban hành đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định là các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước năm 2015 và đã được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Doanh nghiệp thuộc các trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi công nghiệp hỗ trợ …
Đẩy mạnh số hóa cho các doanh nghiệp
 “Điều quan trọng là thu hút FDI có chọn lọc. Cần tập trung, ưu tiên vào các FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, chứa đựng nhiều tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các chính sách cần chặn các dòng vốn đầu tư và công nghệ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường kỹ thuật số và nền kinh tế số”, bà Hương đề xuất.
Chính phủ nên tập trung đầu tư vào các công ty đầu ngành để có thể kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất cần ưu tiên đầu tư vào công nghệ tầm trung và cao.
Mặt khác, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời bà Hương khuyến nghị Chính phủ tận dụng cơ hội chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn. Trong đó, những dạng hỗ trợ như chuyển đổi số, ưu đãi start-up, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sáng tạo…
Nguồn: Tạp chí VnEconomy
28/ Doanh nghiệp loay hoay chuyển đổi số
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, chuyển đổi số là khái niệm mà hiện nay chúng ta đang nghe nhiều. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp hiểu rõ và chuẩn bị tốt để bắt đầu vào thực tiễn kinh doanh.
Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Thiếu sự cam kết và kiên trì từ lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ số, đồng thời hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cho công cuộc này.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa ông Vũ Ngọc Cảnh chia sẻ, chuyển đổi số trong bán hàng và marketing là hai lĩnh vực mà doanh nghiệp rất quan tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều thách thức do dịch bệnh, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là mối lo mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Đặc biệt là chỉ ra cho doanh nghiệp thấy được lộ trình và những điểm gì làm trước, điểm gì làm sau, cần phải chuẩn bị hạ tầng hay máy móc như thế nào và dự kiến nguồn ngân sách cho hoạt động là bao nhiêu?….
Trước thực trạng này, ông Chiến cho biết, Bộ Công Thương đang từng bước triển khai các hoạt động huấn luyện, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn trong thời kỳ Covid-19 và trong thời gian tới.
Đơn cử như tập huấn, thực hành chuyển đổi số trong bán hàng và marketing cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là chuỗi sự kiện do Cục phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tập trung nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các tổ chức và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Kỹ năng bán hàng và marketing cho doanh nghiệp là hai hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao doanh số, hình ảnh của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp thấy được hiệu quả tức thì khi bắt đầu cho chuyển đổi số”, ông Chiến nhấn mạnh.
Nguồn: Tạp chí VnEconomy
29/ Tư vấn xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Hà Lan
Chiều 9/8, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan tổ chức Phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Hà Lan.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp tham dự, các vấn đề doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu tập trung vào 6 nhóm nội dung chính.
Cụ thể, gồm yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường Hà Lan đối với một số mặt hàng nông sản tươi, khô, gia vị, đồ uống, thủy sản; bao bì, quy cách đóng gói nông sản tươi, đông lạnh, sấy khô nhập khẩu vào Hà Lan; bộ chứng từ xuất khẩu và thủ tục thông quan hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Hà Lan; những rào cản thương mại (về thuế quan, phi thuế quan); quy tắc xuất xứ cho hàng nông sản, thủy sản vào EU để được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA; tiềm năng, dư địa thị trường Hà Lan cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Theo đó, những mặt hàng được các doanh nghiệp đề cập bao gồm trái cây tươi như bưởi da xanh, chanh, chuối, nhãn, trái cây chế biến gồm đông lạnh IQF, sấy khô, xay nhuyễn, cô đặc, bột rau sấy lạnh là cần tây, cải bó xôi, rau má…, nấm mối đen, hạt điều chế biến, thủy sản tôm thẻ, tôm sú.
Tại phiên tư vấn, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan và ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) đã giải đáp hơn 20 câu hỏi liên quan tới 6 nhóm vấn đề doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nêu trên.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh Hà Lan là thị trường mở, không có bất cứ ưu tiên hoặc hạn chế hàng nông sản, thủy sản từ quốc gia nào. Họ sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu nói chung, của thị trường Hà Lan nói riêng và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây.
Từ tháng 8/2020, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mà Hà Lan là thành viên, đã triển khai Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), có nhiều ưu đãi về thuế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vận dụng tốt C/O này để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu hàng hóa vào Hà Lan.
Khẳng định hàng thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang EU từ rất lâu, có tiềm năng, thế mạnh tại Hà Lan, song bà Võ Thị Ngọc Diệp cũng lưu ý, những năm gần đây, hàng thủy sản của Việt Nam phải cạnh tranh với thủy sản từ một số nước như Bangladesh, Ấn Độ, Ecuador…
Với mặt hàng trái cây, hiện nay, đa số trái cây tươi tại Hà Lan được nhập khẩu từ Nam Mỹ do sự cạnh tranh về thời gian vận chuyển và giá.
Về phía nhà nhập khẩu, ông Phạm Văn Hiển khẳng định sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay 50% hàng nhập khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu LTP là sản phẩm đến từ Việt Nam. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn tăng cường nhập khẩu hàng từ Việt Nam.
Đặc biệt, hàng nông, thủy sản, nhất là đặc sản các vùng miền của Việt Nam gần đây được người tiêu dùng Hà Lan đón nhận. Ngoài ra, ông Phạm Văn Hiển cũng tư vấn các doanh nghiệp về quy cách đóng gói sản phẩm.
Cụ thể, với mặt hàng đồ khô, khi đóng gói cho khách bán sỉ nên đóng túi 20-25kg, nhưng đưa vào các chuỗi siêu thị chỉ nên đóng khoảng 400gr hoặc 500gr, hạt điều chế biến sấy tẩm gia vị, sấy khô có thể đóng gói 100-500gr khi bán cho siêu thị, quả bưởi da xanh cần đóng mỗi thùng 9 quả…
Theo ông Phạm Văn Hiển, thị trường Hà Lan có những đòi hỏi về chỉ tiêu môi trường nên sẽ không nhập khẩu những sản phẩm đóng gói bằng nilon. Các doanh nghiệp cần sử dụng bao bì được làm từ những chất liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Hiển cũng lưu ý các doanh nghiệp, sản phẩm nông sản, thủy sản muốn vào được thị trường EU nói chung, Hà Lan nói riêng bắt buộc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được dư lượng thuốc trừ sâu trong giới hạn cho phép đối với hàng rau quả tươi và sấy khô.
Nguồn: Bnews
30/ Có nhiều lợi thế, nông sản Việt Nam vào Nga vẫn gặp khó
Khó cạnh tranh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Nga trong thời gian gần đây tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, như: rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%.
Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng bị giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, chè và gạo (giảm đến 75%). Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, nguyên nhân chủ yếu làm xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga giảm là do giá gạo Việt Nam cao hơn gạo của các nước khác khoảng 100-150 USD/tấn nên khó cạnh tranh, đặc biệt là gạo từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Nga có xu hướng dùng nhiều gạo đồ hơn nên cũng làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Đối với cà phê, nguyên nhân chính là cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào Nga ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% cà phê Việt xuất khẩu sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%).
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 86 ngàn tấn cà phê, trị giá 153 triệu USD, chiếm tỷ trọng 39,4% về lượng và 24,3% về trị giá. Trong khi đó, Ý chỉ xuất khẩu vào Nga 15,6 ngàn tấn cà phê nhưng đạt kim ngach 105 triệu USD, vì 100% cà phê của Ý xuất sang Nga là cà phê đã qua chế biến có thương hiệu.
Cần hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại
Để đưa được hàng vào các chuỗi này, ngoài chất lượng sản phẩm, mẫu mã; các doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu rất quan trọng là phải liên tục có hàng dự trữ tại kho (ở Nga) để cung cấp thường xuyên cho các cửa hàng. Ngoài ra, để có thể xuất khẩu sang thị trường Nga một cách ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Nga vẫn còn hạn chế, đó là các doanh nghiệp Việt Nam và LB Nga vẫn còn thiếu thông tin về thị trường của nhau.
Từ năm 2020 đến nay, Thương vụ đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 5 diễn đàn/hội thảo và giao thương doanh nghiệp Việt – Nga trong lĩnh vực nông, thủy sản, đồ gỗ; trong đó 4 cuộc được tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tính riêng năm 2020, Thương vụ đã trực tiếp hỗ trợ trên 150 doanh nghiệp Việt – Nga, và 6 tháng đầu năm 2021 cũng có gần 100 doanh nghiệp được Thương vụ hỗ trợ.
Nguồn: Báo Công Thương
31/ Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ chế?
Lợi ích thiết thực
Theo đánh giá của Deloitte, dù còn nhiều không gian chính sách được yêu cầu để bổ sung lợi ích cho doanh nghiệp ưu tiên trong thời gian tới, nhưng cơ chế hiện nay đã giúp đơn giản hóa quy trình, tiết kiệm thời gian làm thủ tục hải quan, mang lại lợi ích không nhỏ về quản lý dòng tiền, cắt giảm đáng kể chi phí logistics.
Ngoài ra, tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quản lý doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu, đóng góp vào quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách quản lý, trong đó có chính sách về thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan.
Về thương mại quốc tế, cơ chế doanh nghiệp ưu tiên có thể coi như một chứng chỉ đảm bảo về độ tin cậy, năng lực kinh tế, và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Trong thời gian tới khi Việt Nam áp dụng Thỏa thuận Công nhận Lẫn nhau (MRA) với các nước như Hàn Quốc, ASEAN, doanh nghiệp ưu tiên sẽ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ít doanh nghiệp ưu tiên tại việt nam
Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, đội ngũ tư vấn của Deloitte thấy một số doanh nghiệp đang hiểu nhầm rằng doanh nghiệp ưu tiên là một loại hình riêng, bên cạnh các loại hình khác như doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu…
Ví dụ, nếu doanh nghiệp chế xuất đồng thời hưởng cơ chế doanh nghiệp ưu tiên mà có các giao dịch mua bán hàng trong nước; thì số lượng tờ khai xuất-nhập khẩu tại chỗ có thể được cắt giảm lớn, do có thể lựa chọn một ngày trong tháng để mở tờ khai thay vì theo từng lần giao hàng. Việc tỷ lệ phân luồng tờ khai vào luồng xanh gần như tuyệt đối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ưu tiên để tiết kiệm thời gian giao nhận, làm thủ tục và lưu kho bãi, đặc biệt là đối với các mặt hàng trị giá lớn và chứa bí mật kinh doanh. 
Tiếp đó, điều kiện áp dụng doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC (Thông tư 72) và Thông tư 07/2020/TT-BTC còn nhiều điểm chưa cụ thể, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện. Ví dụ, Thông tư 72 quy định cụ thể về kim ngạch xuất-nhập khẩu, nhưng lại chưa có hướng dẫn chi tiết về phương pháp tính.
Trải qua 6 năm thực thi, Thông tư 72 dần bộc lộ những điểm thiếu và chưa đạt được mục tiêu hỗ trợ cũng như tạo thuận lợi thương mại của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xem xét sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hải quan cho phù hợp với thực tiễn các giao dịch và hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có những nội dung liên quan tới doanh nghiệp ưu tiên.
So với việc chờ thay đổi để thích nghi, việc nắm bắt thời cơ sẽ mang lại lợi ích hiệu quả và nhanh chóng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp nên chủ động rà soát, đánh giá một cách đầy đủ, hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn về khả năng được áp dụng cơ chế sau khi tự đánh giá yếu tố cơ bản về kim ngạch xuất nhập khẩu.
Nguồn: Tạp chí VnEconomy
32/ Thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất 480 triệu USD mỗi năm nếu bị “thẻ đỏ”
Trong trường hợp bị EC phạt “thẻ đỏ”, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP – thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 – 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 – 40% giá trị.
Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành hải sản khai thác Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ, nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ thẻ vàng và đã được EU ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, tháo gỡ thẻ vàng còn nhiều khăn nhất là nâng cao năng lực truy xuất nguồn góc và việc tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Với tiềm năng về nguồn lợi thủy sản, Việt Nam là nước sản xuất thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới và là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường thế giới nhờ nguồn lao động ổn định, công suất cao và công nghệ chế biến tốt. Hàng thủy sản Việt Nam đã tiếp cận trên 160 thị trường và đứng vững ở nhiều thị trường lớn và khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới.
Nguồn: Báo Công Thương
BSA Tổng hợp
Gas South chung tay góp sức để Việt Nam sớm khỏe mạnh