Bản tin thế giới – ngày 21/09/2020

89
Tổng thống Donald Trump hậu thuẫn một thỏa thuận cho phép hãng phần mềm Oracle và gã khổng lồ bán lẻ Walmart nắm giữ 20% cổ phần trong TikTok, một ứng dụng video ngắn của Trung Quốc. Lệnh cấm đối với TikTok, tới hạn vào hôm qua, sẽ bị hoãn lại cho đến 27 tháng 9 để thương vụ được chốt. Trong khi đó, một thẩm phán đã chặn lệnh của Bộ Thương mại buộc các cửa hàng ứng dụng Mỹ phải gỡ bỏ WeChat, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc.
Victoria, nơi chiếm phần lớn ca nhiễm covid-19 ở Úc, ghi nhận 14 ca nhiễm mới hôm Chủ nhật, con số thấp nhất kể từ tháng 6. Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 trong hơn một tháng. Nhưng Ấn Độ báo cáo tới ít nhất 90.000 ca mới mỗi ngày trong sáu ngày qua, và ghi nhận gần 87.000 trường hợp tử vong được xác nhận. Trên toàn cầu, số ca tử vong được xác nhận do covid-19 là gần 1 triệu.
Người biểu tình Thái Lan tiếp nối cuộc biểu tình hôm thứ Bảy bằng cách tuần hành tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok và hô vang “đả đảo phong kiến, nhân dân muôn năm” hôm Chủ nhật. Họ đưa ra mười yêu cầu cải cách và cắm một tấm bảng tuyên bố Thái Lan “thuộc về nhân dân, không phải của quốc vương” gần cung điện. Giọng điệu cộng hòa như vậy là rất đáng chú ý ở một nước mà việc chỉ trích chế độ quân chủ bị cấm và bị trừng phạt nghiêm khắc.
Lisa Murkowski tham gia cùng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins kêu gọi bỏ trống ghế của Ruth Bader Ginsburg trong Tòa án tối cao cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Donald Trump tuyên bố sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế này trong vòng một tuần. Nếu không có thượng nghị sĩ Dân chủ hoặc độc lập nào ủng hộ ứng viên do ông Trump để cử thì sẽ cần bốn thượng nghị sĩ Cộng hòa “đào tẩu” để chặn việc bổ nhiệm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran sẽ “đáp trả mạnh mẽ hành động bắt nạt của Mỹ”, sau khi Mỹ cố gắng tái áp dụng trừng phạt quốc tế. Chính quyền Trump đã cố gắng kích hoạt một cơ chế “hồi phục” các lệnh cấm vận trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Các thành viên khác của Hội đồng nói Mỹ đã mất thẩm quyền làm như vậy sau khi từ bỏ thỏa thuận và áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Biểu tình bước vào tuần thứ sáu liên tiếp ở Minsk, yêu cầu Alexander Lukashenko, tổng thống bị cáo buộc gian lận bầu cử của Belarus, “biến đi”. EU đã thề sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi ông gian lận bầu cử hồi tháng 8, nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều. Trong khi đó, tin tặc đã rò rỉ dữ liệu cá nhân của 1.000 thành viên lực lượng an ninh chính phủ, những người góp phần vào việc duy trì quyền lực cho Lukashenko.
Sau khi tìm thấy 13 chiếc quách trong một giếng mới được phát hiện ở Saqqara, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở phía nam Cairo, Ai Cập, vào đầu tháng này, các nhà khảo cổ đã khai quật được thêm 14 chiếc nữa. Mặc dù được chôn cất hơn 2.500 năm trước nhưng các quách bằng gỗ vẫn có màu sắc rực rỡ và được cho là chưa bao giờ được mở ra. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong những khám phá lớn nhất trong lĩnh vực này.
TIÊU ĐIỂM
Số người tử vong do covid-19 sắp đạt 1 triệu
Chín tháng sau khi xuất hiện các báo cáo về một loại virus bí ẩn mới ở Trung Quốc, thế giới sẽ ghi nhận cái chết thứ một triệu do SARS-CoV-2 trong tuần này. Con số thực sự chắc chắn cao hơn nhiều. Một nửa số ca tử vong được ghi nhận ở chỉ bốn quốc gia: Mỹ, Brazil, Mexico và Ấn Độ. Ở Mỹ, 750 người chết mỗi ngày. Tổng số chính thức sẽ sớm vượt qua 200.000. Ở châu Âu, nơi đã chặn được virus trong mùa hè, hiện lại có số ca tăng nhanh chóng.
Tuần tính đến ngày 18 tháng 9 chứng kiến 260.000 ca mắc mới ở 40 quốc gia châu Âu, vượt qua mức đỉnh trước đó của tháng 4 và đẩy tổng số ca bệnh chính thức trên toàn cầu lên trên 30 triệu ca. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở châu Âu vẫn ở mức thấp — ít hơn khoảng 90% so với hồi tháng Tư. Năng lực xét nghiệm tăng gấp gần 5 lần có nghĩa là một tỷ lệ lớn hơn trong các ca nhiễm hiện tại là những người trẻ tuổi, có khả năng sống sót cao hơn. Và đáng lo ngại là số lượt nhập viện đang tăng ở Anh và Pháp. Sẽ còn nhiều tin xấu.
Trách nhiệm nặng nề của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế 
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là cơ quan bảo vệ trật tự hạt nhân dân sự của thế giới. Vào thứ Hai, họ khai mạc hội nghị thường niên tại Vienna, bất chấp covid-19. Chương trình nghị sự rất bận rộn. Cơ quan này không chỉ chịu trách nhiệm trợ giúp các nước về chương trình hạt nhân cho mục đích năng lượng và nghiên cứu, mà còn đảm bảo họ không làm điều gì bất chính trong quá trình này. Trách nhiệm gây tranh cãi nhất của tổ chức này là xác minh thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia với Iran, vốn đã đổ vỡ kể từ khi Mỹ rút khỏi từ 2018.
Đó là một chủ đề nóng về địa chính trị. Cơ quan này gần đây đã đàm phán về quyền tiếp cận hai địa điểm đáng ngờ ở Iran, nhưng nhiều nước muốn họ gây thêm áp lực. Cơ quan cũng đang ngày càng có nhiều trách nhiệm. Trong một nghiên cứu công bố tuần trước, IAEA cho biết công suất điện hạt nhân toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Toàn thế giới có 53 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở 19 quốc gia, 9 trong số đó ở các nước mới sản xuất điện hạt nhân như Bangladesh và Belarus.
Đại Hội đồng Liện Hợp Quốc họp thường niên
Vào thời điểm này trong năm, New York thường chật ních khi các nhà lãnh đạo thế giới và các phái đoàn của họ đến tham dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA). Năm nay thì không. Vì covid-19, các nhà lãnh đạo sẽ ở nhà và thay vào đó gửi các thông điệp video được ghi hình sẵn. Vì vậy, lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc vào hôm nay sẽ không lớn lắm. Với tình trạng khó khăn của thế giới, nó sẽ không phải là một bữa tiệc sinh nhật khoe mẽ. “Chúng tôi không ở đây để ăn mừng”, tuyên bố kỷ niệm của Liên Hợp Quốc nói. “Chúng tôi ở đây để hành động.”
Tuyên bố nhằm nhắc lại các lời thề và một cam kết đối với “chủ nghĩa đa phương được hồi sinh”. Nó bao gồm cam kết “thổi sức sống mới vào các cuộc thảo luận về cải cách Hội đồng Bảo an”, theo đó vẫn phản ánh cấu trúc quyền lực toàn cầu của năm 1945. Tuy nhiên, với các lợi ích cắm rễ chống lại mọi thay đổi, cách thức họp của UNGA năm nay có khả năng chứng minh một điều: cải cách vẫn là ảo hơn thực.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ bị chính trị hóa
Bộ An ninh Nội địa là cơ quan hành pháp mới nhất của Mỹ, thành lập từ 2003. Dưới thời George Bush bộ chủ yếu tập trung vào chống khủng bố, và dưới thời Barack Obama bộ chuyển sang hoạt động an ninh mạng và nhập cư. Nhưng khi một người tố giác, Brian Murphy, làm chứng trước Quốc hội vào hôm nay, các đảng viên Dân chủ sẽ muốn nghe chi tiết về những cáo buộc của ông rằng Donald Trump đã vượt ra ngoài việc định hình các ưu tiên cho bộ này để chuyển sang bóp méo và chính trị hóa thông tin tình báo.
Murphy nói bộ phận tình báo của bộ đã được lệnh làm nhẹ bớt mối đe dọa về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử sắp tới cũng như về chủ nghĩa khủng bố cánh hữu trong nước, trong khi thổi phồng mối đe dọa bạo lực từ những người biểu tình cánh tả. Các mệnh lệnh được đưa ra bởi Chad Wolf, bộ trưởng tạm quyền chưa được Thượng viện xác nhận. Ông Trump thừa nhận ông thích bổ nhiệm kiểu nửa vời; bộ trưởng tạm quyền mang lại cho ông “sự linh hoạt”. Nếu dùng các cơ quan nội các để làm công cụ chính trị, đảng Dân chủ sẽ phản pháo.
Các văn phòng New York vẫn chưa thể đông đúc trở lại
Các tòa nhà chọc trời của Manhattan hầu như trống rỗng trong nhiều tháng do các doanh nghiệp cho phép nhân viên ở nhà. Nhưng các công ty đang lên kế hoạch đón họ trở lại. JPMorgan Chase đã yêu cầu một số nhân viên giao dịch của mình trở lại văn phòng từ hôm nay và các ngân hàng khác đang có kế hoạch đưa nhân viên quay lại bàn làm việc. Song thử nghiệm của JPMorgan đã gặp trục trặc. Dù đã nhiều tháng tỷ lệ tăng ca nhiễm covid-19 ở mức thấp tại New York, nhưng một nhân viên quay lại văn phòng đã cho kết quả dương tính, buộc một số người phải cách ly hồi tuần trước.
Với tương lai của các trung tâm thành phố vẫn bất định, các chủ nhà văn  phòng cho thuê ở New York sẽ cảm thấy nhẹ người khi các ngân hàng lớn thể hiện không mặn mà với làm việc tại nhà. Các công ty công nghệ, vốn đã mở rộng hiện diện của họ ở Manhattan trước đại dịch, thì khó đoán hơn. Facebook đã thuê 67,8 nghìn mét vuông văn phòng ở Manhattan vào tháng 8, mặc dù mới vài tháng trước đó đã công bố kế hoạch cho một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa vào năm 2030.

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế