Khi Lee Kun-hee, người vừa qua đời hôm qua, nắm quyền điều hành Samsung từ tay cha mình vào năm 1987, tập đoàn Hàn Quốc này được biết đến với việc sản xuất tivi giá rẻ và lò vi sóng chất lượng kém. Vào thời điểm ông biến mất khỏi đời sống công cộng vào năm 2014 sau khi bị đau tim, Samsung đã là công ty hàng đầu thế giới về sản xuất điện thoại thông minh và chip máy tính.
Ông Lee nổi tiếng với phong cách quản lý không khoan nhượng, có thời điểm ra lệnh đốt công khai hàng đống điện thoại và máy fax để nhấn mạnh việc kiểm soát chất lượng. Ông bị kết tội hối lộ tổng thống và trốn thuế, nhưng, theo đúng khuôn mẫu điển hình của mối quan hệ ấm cúng giữa các chaebol (tập đoàn gia đình) và chính phủ Hàn Quốc, ông được ân xá chính trị trong cả hai vụ. Lee Jae-yong, con trai ông và ông chủ trên thực tế hiện tại của Samsung, đang bị xét xử vì tội hối lộ và thao túng giá cổ phiếu (ông phủ nhận cả hai). Nếu bị kết tội, ông kỳ vọng chính phủ sẽ tiếp tục ưu ái như truyền thống.
Doanh nhân Hàn Quốc Lee Kun-hee, người đã biến Samsung từ một công ty nhỏ thành gã khổng lồ điện tử toàn cầu, vừa qua đời ở tuổi 78. Ông nằm viện hơn sáu năm nay sau một cơn đột quỵ vào năm 2014. Dưới nhiệm kỳ chủ tịch của ông, doanh thu của Samsung tăng lên tới 327 nghìn tỉ won (290 tỷ đô la) vào năm 2019, tương đương khoảng 17% GDP của Hàn Quốc.
Một ứng viên đối lập đã thắng cuộc bầu cử tổng thống của Seychelles lần đầu tiên sau 43 năm. Wavel Ramkalawan, một cựu mục sư Anh giáo và là ứng viên của đảng Liên minh Dân chủ Seychelles, giành được 54,9% số phiếu với lời hứa tăng mức lương tối thiểu của đất nước. Người đương nhiệm Danny Faure bị đánh bại, và chỉ giành được 43,5%.
Trong một đòn đau cho chính phủ Malaysia, quốc vương Sultan Abdullah đã từ chối yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp vì covid-19. Nhà vua nói ông thấy không cần thiết. Tình trạng khẩn cấp có thể giúp Thủ tướng Muhyiddin Yassin được “tạm yên” trước thách thức đòi quyền lãnh đạo từ phe đối lập.
Một cuộc giao tranh mới nổ ra giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia tại vùng núi Nagorno-Karabakh. Hai bên cáo buộc lẫn nhau cản trở tiến trình ngừng bắn.
Người Lithuania vừa đi bỏ phiếu vòng hai trong cuộc bầu cử quốc hội. Phe đối lập trung hữu mong đợi chiến thắng. Thất nghiệp gia tăng và nợ nần do đại dịch covid-19 gây ra đã làm tổn hại danh tiếng của chính phủ đương nhiệm, một liên minh của các đảng cả tả và hữu.
Các quan chức Trung Quốc phát hiện thêm 137 ca nhiễm covid-19 mới trong 24 giờ tại thành phố Kashgar, thuộc khu vực tây bắc Tân Cương. Tất cả các ca lây nhiễm mới đều liên quan đến một xưởng may trong thành phố. Đây là cụm dịch cộng đồng đầu tiên ở Trung Quốc đại lục kể từ giữa tháng 10, khi một ổ khác được phát hiện ở thành phố Thanh Đảo ở miền đông.
Một thành viên cấp cao của phe đối lập Venezuela, Leopoldo López, đã đến Madrid để trốn quản thúc tại quê nhà. Ông đã sống 17 tháng qua tại dinh thự của đại sứ Tây Ban Nha ở Venezuela, sau khi nỗ lực lật đổ chế độ độc tài Nicolás Maduro thất bại. Đồng minh của ông López, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaidó, được hơn 60 quốc gia công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela.
TIÊU ĐIỂM
Thủ tướng Nhật phát biểu trước nghị viện
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm nay sẽ phát biểu trước Quốc hội khi cơ quan này khai mạc phiên họp mới đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức ngày 16 tháng 9. Covid-19 sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Dù Nhật Bản đã làm tương đối tốt việc kiềm chế virus, nhưng để giữ cho nền kinh tế khỏe mạnh có lẽ sẽ cần một đợt kích thích kinh tế khác. Những khoản tiền bổ sung đó có thể giúp ích cho các ưu tiên khác của ông Suga, chẳng hạn như số hóa các dịch vụ của chính phủ.
Ông cũng dự kiến sẽ công bố kế hoạch phi carbon hóa Nhật Bản vào năm 2050, tức đặt các mục tiêu của nước này ngang bằng với mục tiêu của EU. Các đảng đối lập sẽ tìm cách thu hút chú ý vào việc ông Suga loại sáu vị học giả đã chỉ trích Abe Shinzo, người tiền nhiệm của ông, khỏi cơ quan tư vấn khoa học của chính phủ, một động thái bị một số người gọi là tấn công tự do học thuật. Câu hỏi vẫn là liệu ông Suga, một bàn tay hậu trường lão luyện, có thể đối phó với áp lực hay không. Hôm nay sẽ là một bài kiểm tra lớn cho ông.
Thượng viện Mỹ sắp bỏ phiếu bổ sung thẩm phán tòa án tối cao
Hôm nay Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để xác nhận Amy Coney Barrett vào chiếc ghế của Tòa án Tối cao do Ruth Bader Ginsburg, một thẩm phán theo khuynh hướng tự do, để lại khi qua đời 38 ngày trước. Bà Barrett, 48 tuổi, một thẩm phán tòa phúc thẩm vô cùng bảo thủ, ủng hộ quyền sử dụng súng và phản đối phá thai. Việc bà tham gia cấp tòa cao nhất nước Mỹ sẽ làm nghiêng cán cân ý thức hệ, lần đầu tiên thiết lập thế đa số cho cánh hữu với tỉ lệ 6-3 sau gần một thế kỷ.
Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu tỉ lệ 52-48 ủng hộ bà, với chỉ một đảng viên Cộng hòa – Susan Collins có tư tưởng ôn hòa từ bang Maine – bỏ phiếu chống. Bà Barrett sẽ mặc chiếc áo choàng thẩm phán của mình giữa cuộc bầu cử mà Tổng thống Donald Trump nói kết quả sẽ bị tranh chấp và “được phán quyết bởi Tòa án Tối cao”. Nếu tham gia các vụ kiện liên quan đến bầu cử, bà Barrett có thể là lá phiếu quan trọng để phân xử các tranh chấp về quy tắc bỏ phiếu qua thư ở các bang chiến trường nóng bỏng như Pennsylvania và Bắc Carolina.
LVMH không thể rút khỏi thương vụ Tiffany
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ ủng hộ vụ mua lại Tiffany, một thương hiệu trang sức Mỹ, của LVMH, gã khổng lồ hàng xa xỉ Pháp. Mặc dù LVMH khởi xướng thỏa thuận trị giá 16,2 tỷ USD vào mùa thu năm ngoái, nhưng các giám đốc điều hành của họ chắc sẽ không ăn mừng. Họ đã nỗ lực tìm lối thoát khỏi vụ sáp nhập kể từ khi đại dịch hủy bỏ nhiều đám cưới, nhấn chìm thị trường nhẫn và các đồ trang sức xa xỉ khác.
Các luật sư của LVMH đã đưa ra một loạt lý do để biện minh cho việc đổi ý này. Họ lập luận “tác động bất lợi lớn” của đại dịch đã làm mất hiệu lực của thỏa thuận và cáo buộc các sếp của Tiffany quản lý yếu kém. Trong khi đó, Tiffany vẫn cam kết tham gia và đã kiện LVMH ở Delaware về việc thực thi mức định giá trước đại dịch của công ty. Các cơ quan quản lý chống độc quyền Mỹ đã thông qua thỏa thuận. Và với việc ủy ban châu Âu dự kiến cũng đồng ý vào hôm nay, LVMH có thể sớm nhận ra đã quá trễ.
Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức vẫn chưa thể chọn lãnh đạo mới
Coronavirus đã cản trở nỗ lực đầu tiên của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) cầm quyền của Đức trong việc chọn một nhà lãnh đạo mới vào mùa xuân. Đại hội đảng, với 1.001 đại biểu và nhiều khách mời tham gia, đã được thay đổi thời gian sang ngày 4 tháng 12 tại Stuttgart. Tuy nhiên, số ca nhiễm covid-19 tăng nhanh ở Đức có thể buộc các lãnh đọa CDU phải suy nghĩ lại về quyết định đó khi họ nhóm họp tại Berlin trong hôm nay.
Các lựa chọn thay thế có thể bao gồm chia đại hội thành một loạt các sự kiện nhỏ hơn trên khắp đất nước, hoặc đơn giản là tiếp tục lùi ngày. Ba người đang dẫn đầu cuộc đua lãnh đạo: Armin Laschet, Friedrich Merz và Norbert Röttgen. Người chiến thắng cuối cùng có khả năng, dù chưa chắc chắn, sẽ dẫn dắt CDU và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo, đảng liên kết ở Bavaria, trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu tới; và sau đó là thay thế Angela Merkel trở thành thủ tướng của liên minh mới. Cuộc đua cho đến nay vẫn rất tẻ nhạt. Việc lùi ngày chỉ khiến nó buồn tẻ hơn.