Bản tin thị trường – 17/9/2020

689
Buổi tọa đàm “Nước mắm truyền thống – Từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới” do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hôm nay 17/9 tại TP.HCM
Tiêu điểm:
“Hộ chiếu” của ẩm thực Việt Nam
Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là “hộ chiếu” của ẩm thực Việt Nam bước ra thế giới, có mặt không chỉ trên bàn ăn của người Việt ở khắp nơi mà còn là gia vị cho nhiều món ăn của các nền ẩm thực trên thế giới.
Đó là khẳng định của khách mời tham gia tọa đàm “Nước mắm truyền thống – Từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới” do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hôm nay 17/9 tại TP.HCM.
Với mỗi người Việt, nước mắm là hương vị, là mùi quê hương.
Không ai rõ ông tổ của nghề làm nước mắm truyến thống của Việt Nam là ai, và cũng không ai biết nghề làm nước mắm ở Việt Nam xuất phát từ tỉnh thành nào hay nơi đâu là cái nôi của ngành này. Nhưng nghề nước mắm truyền thống đã hình thành và phát triển trong 300 năm qua.
Những làng nghề nước mắm của Việt Nam từ Nam ra Bắc với những công thức ủ chượp và chưng cất khác nhau, cho ra những loại nước mắm khác nhau. Mùi vị và màu sắc của nước mắm truyền thống phụ thuộc rất lớn vào vùng miền mà nó được sản xuất.
Xem link:
“Hộ chiếu” của ẩm thực Việt Nam
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,15 – 56,60 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra.  Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1945,3 USD/ounce, giảm 7,7 USD, tương đương 0,39% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Trị giá xuất khẩu xi măng và clinker tháng 8 đạt trên 148,3 triệu USD, tăng 24,3% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,9 triệu tấn, trị giá gần 882 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất của Việt Nam. Tính riêng trong tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 2,5 triệu tấn xi măng, trị giá hơn 81 triệu USD.
Thị trường xi măng phát đi tín hiệu đáng mừng khi sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều tăng mạnh – Ảnh: cafeland
3/ Sau khi EVFTA có hiệu lực, đơn hàng xuất tôm trong tháng 8 sang EU tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng 8,48% so với tháng 7/2020. Ngành tôm đang có cơ hội lớn bứt phá để đạt 3,8 – 4 tỷ USD năm 2020. Châu Âu là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,58% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trước mắt, đây là cơ hội lớn để ngành tôm phục hồi sau Covid-19 và xa hơn nữa chiếm thị phần cao tại thị trường châu Âu.
4/ Khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài hơn 3 tháng so với trung bình hàng năm, khiến diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khoảng 25,12 ngàn ha. Trong đó, sầu riêng 9,64 ngàn ha, bưởi 5,74 ngàn ha, chanh 2,34 ngàn ha, chôm chôm 4,61 ngàn ha, hồng xiêm 0,10 ngàn ha và cây ăn quả khác 2,65 ngàn ha. Thêm vào đó, diện tích bị mất trắng (thiệt hại trên 70%) nằm ở khoảng 11.181 ha.
5/ Trong báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, doanh số bán hàng xe máy Honda trong tháng 8 giảm mạnh. Theo đó, chỉ có hơn 170.000 xe được bán ra, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 2 bán hàng thấp điểm nhất của Honda tính trong 8 tháng đầu năm 2020. Vào tháng 4/2020, thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 cùng với giãn cách xã hội, đã khiến doanh số bán hàng của Honda giảm đến 72% với 61.000 xe bán ra, trong khi cùng kỳ là 221.000 xe. Theo Bảo Việt, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, Honda bán tổng cộng 1,354 triệu xe máy, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019 là 1,592 triệu xe.
6/ Ba công ty năng lượng hàng đầu của Thái Lan là Egco Group (Electricity Generating), Egat International (EGATi) và Ratch Group vừa ký một thỏa thuận chung để phát triển nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 ở Việt Nam. Truyền thông Thái Lan cho biết thỏa thuận phát triển chung của liên doanh nói trên được ký hôm 16/9 với tỷ lệ là EGATi đóng góp 40%, trong khi Ratch Group và Electricity Generating đóng góp mỗi bên 30%. Chi phí phát triển nhà máy nhiệt điện chạy bằng than này không được tiết lộ. Dự kiến, nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 sẽ bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2025 và điện sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo một hợp đồng mua điện dài hạn.
7/ Hãng bảo hiểm Singapore Life (Singlife) đã lên kế hoạch sáp nhập với hãng bảo hiểm Aviva Singapore theo một thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ SGD. Công ty mới dự kiến trở thành hãng bảo hiểm lớn nhất Singapore và là một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm ở khu vực Đông Nam Á. Singlife cho biết thỏa thuận này sẽ mang lại các giải pháp bảo vệ và tiết kiệm di động cho khoảng 1,5 triệu khách hàng quan trọng của Aviva, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp cho các khách hàng hiện tại của Singlife thêm nhiều sản phẩm và khả năng tư vấn sâu hơn. Việc sáp nhập pháp nhân của Singlife và Aviva Singapore dự kiến sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án Singapore.
8/ Nhà phát triển của game sinh tồn PUBG đã cắt đứt quan hệ đối tác với Tencent tại Ấn Độ. Hành động này nhằm nỗ lực cứu vớt sự tồn tại của PUBG tại thị trường béo bở này sau khi chính phủ Ấn Độ thực hiện các lệnh cấm nhiều hoạt động với các hãng công nghệ Trung Quốc. Thông tin này đã giáng một đòn mạnh vào Tencent, công ty đã bị cấm ứng dụng nhắn tin nổi tiếng WeChat tại Ấn Độ. Tencent hiện cũng đang phải đối mặt với lệnh cấm WeChat có thể xảy ra ở Mỹ. Trong thời gian vừa qua, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã cấm gần 200 ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và vào tháng 6, nước này đã cấm thêm ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance.
PUBG đã chấm dứt hợp tác với Tencent để tiếp tục sống sót tại Ấn Độ – Ảnh: Nikkei
9/ Kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thiệt hại đối với các nền kinh tế nhóm G20 (chiếm tới 80% GDP thế giới) do Covid-19 gây ra nặng nề gấp 4 lần so với khủng hoảng tài chính 2009, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế quý 2/2020, ngoại trừ Trung Quốc (tăng 11,5%). Tính chung GDP G20 quý 2 đã giảm kỷ lục 6,9% so với quý 1, trong đó giảm mạnh nhất ghi nhận tại Ấn Độ (giảm 25,2%) và Anh (giảm 20,4%), EU giảm gần 11,8%, Hàn Quốc và Nga giảm 3,2%. OECD cảnh báo tình hình kinh tế toàn cầu sẽ tồi tệ hơn nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát.
10/ Hong Kong dọa kiện Mỹ lên WTO sau yêu cầu hàng hóa gắn nhãn ‘Made in China’. Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong đã chính thức lên tiếng phản đối yêu cầu của Mỹ về việc phải gắn nhãn “Made in China” lên các hàng hóa xuất khẩu từ đặc khu này tới Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo cơ quan Thương mại và Phát triển Kinh tế Hong Kong Edward Yau cho rằng yêu cầu của Mỹ là “trái với các luật lệ của WTO và vi phạm quyền của Hong Kong trong vai trò một khu vực hải quan riêng biệt”. Ông Yau nhấn mạnh “Chúng tôi là một thành viên độc lập của WTO”.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thế giới – ngày 17/9/2020