Bản tin thị trường – ngày 1/9/2020

389
Mark Zuckerberg trả lời trước Quốc hội - Ảnh: TheHindu
Tiêu điểm:
Facebook
Từ 1/10/2020, Facebook có thể đóng tài khoản của bạn bất cứ lúc nào…
Hôm nay, Facebook tuyên bố rằng họ có thể gỡ bỏ hoặc chặn những nội dung có thể gây ra rủi ro pháp lý cho họ, ngay cả khi nếu nội dung đó không hề bất hợp pháp. Sự thay đổi của các điều khoản toàn cầu, có hiệu lực từ ngày 1/10, sẽ cho phép công ty của Mỹ này được phép làm bất cứ điều gì để duy trì các mục tiêu kinh doanh của mình trong một môi trường pháp lý luôn biến động.
Facebook cho biết rằng các điều khoản này sẽ cho phép họ chặn việc chia sẻ tin tức từ những người dùng và các hãng truyền thông ở Úc. Tuy nhiên, người phát ngôn của Facebook đã nói rằng điều khoản này sẽ được áp dụng toàn cầu chứ không phải chỉ ở Úc. Điều này nhằm trả đũa với bộ luật được đề xuất về việc buộc các công ty phải trả tiền cho các bài viết của các hãng truyền thông. Quy định mới của Úc này buộc các công ty như Facebook và Google phải “chia” lại một phần doanh thu quảng cáo kỹ thuật số cho các hãng truyền thông vì sử dụng nội dung tin tức của họ. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của một quốc gia nhằm kìm hãm sức mạnh của các hãng đại công nghệ với ngành truyền thông.
Trong thông báo gửi người dùng trong hôm nay, Facebook nói rõ: “Chúng tôi cũng có thể xóa bỏ hoặc ngăn chặn truy cập tới các nội dung, dịch vụ và thông tin của bạn, nếu chúng tôi xác định được rằng nó là cần thiết để giảm tải hoặc né tránh các rủi ro pháp lý đối với Facebook”.
Thông báo cập nhật này đi trái ngược lại với những tuyên bố công khai của Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận.
Facebook từ lâu phải đấu tranh lập luận về mức độ mà họ sẽ phải kiểm soát các nội dung của hơn 10 tỷ người dùng trên các nền tảng của mình, đặc biệt là khi đối mặt với các quy định quản lý khác nhau. Và vấn đề này đã trở nên nhạy cảm hơn trong bối cảnh bầu cử ở Mỹ vào tháng 11, khi mà sự gia tăng của thông tin sai lệch về Covid-19 và mối quan hệ giữa công ty với chính quyền ngày một sa sút.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 trên thế giới của Facebook với gần 60 triệu tài khoản. Trong khi đó, TP.HCM xếp cuối trong bảng Top 10 với 10 triệu người dùng.
1/ Theo báo cáo vừa công bố của FinnGroup dựa trên báo cáo tài chính quý 2/2020 của 19 ngân hàng niêm yết, cho vay khách hàng của nhóm ngân hàng này chỉ tăng trưởng 3,4% trong quý rồi, thấp hơn nhiều với mức 9,2% của năm 2018 và mức 8,2% của năm 2019. Bên cạnh đó, tín dụng cũng tăng thấp hơn huy động (tăng 4,2%). Điều này khác với xu hướng trong những năm gần đây khi tăng trưởng cho vay cá nhân luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi cá nhân.
Tín dụng cá nhân có xu hướng giảm từ năm 2019, dù vẫn là động lực chính. Cụ thể, tín dụng cá nhân của 16 ngân hàng niêm yết chỉ còn tăng 22,6% trong năm 2019, giảm so với con số 23,7% của năm trước đó. Ngược lại, tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh trở lại với mức tăng 11% so với mức 7,6% của năm 2018.
2/ Giá vàng miếng SJC hôm nay dao động ở mức 56,70 – 57,65 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 0,95 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, thì hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.983,4 USD/ounce, tăng 19,1 USD, tương đương 0,97% giá trị so với chốt phiên trước.
3/ Giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đã bật tăng trở lại bắt đầu từ đầu tháng 7. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 133,7 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong tháng 7 này, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng nhẹ 4,4%. Như vậy, hậu Covid-19, một số tín hiệu vui khởi động trở lại tại Tây Ban Nha, Anh và Mỹ đã giúp cho câu chuyện xuất cá tra sang Mỹ trong tháng này thêm lạc quan hơn.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm về lượng, nhưng tăng về giá trị – Ảnh: VTV
4/ Báo cáo tài chính bán niên 2020 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động tiếp tục của Vietnam Airlines.  Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020 của HVN, thì Vietnam Airlines lỗ ròng 6.559 tỷ đồng trong bán niên 2020, lỗ nặng hơn 25 tỷ đồng so báo cáo tự lập. Công ty cho biết dịch bệnh đã có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Vietnam Airlines. Khả năng tiếp tục hoạt động của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.
5/ Bất chấp “tháng cô hồn”, xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2020, các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi tại Việt Nam đã nhập khẩu 4.078 xe ô tô nguyên chiếc các loại, đạt tổng kim ngạch hơn 96,6 triệu USD. Số liệu này gần bằng sản lượng nhập khẩu của cả tháng 7/2020 (tháng 7 lượng xe hơi nhập khẩu về Việt Nam đạt 4.761 xe, tăng 1.209 xe so với tháng 6).
6/ Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) ghi nhận doanh thu đạt 1.638 tỉ đồng (tăng 51%) và lãi ròng 103 tỉ đồng (tăng 65%). Việc tập trung phân phối vào kênh các khách hàng bán lẻ nhiều kinh nghiệm như IKEA và Amazon, với xu hướng kinh doanh online chủ đạo, đã tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc thù cho Gilimex khi toàn bộ đơn hàng đều được tiêu thụ nhanh chóng bởi quá trình “online hóa”.
7/ Ngày 1/9, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) cho biết chính phủ nước này đã thông qua đề xuất khoản ngân sách kỷ lục 555.800 tỷ won (469,8 tỷ USD) cho tài khóa 2021, tăng 8,5% so với tài khóa 2020, nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo thêm việc làm, mở rộng cơ sở hạ tầng xã hội và các chương trình phúc lợi. Theo đó, một phần lớn ngân sách (gần 200.000 tỷ won) sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực y tế, phúc lợi và lao động, tăng 10,7% so với tài khóa 2020. Đặc biệt, 30.600 tỷ won sẽ được sử dụng để tạo việc làm, tăng 20%.
8/ Báo Bangkok Post đưa tin ngày 31/8 rằng Bộ Công nghiệp Thái Lan sẽ kích thích doanh số bán hơi trong nước bằng cách làm việc với Bộ Tài chính để tung ra các voucher (phiếu mua hàng), trị giá 100.000 baht mỗi phiếu. Phiếu mua xe hơi trị giá 100.000 baht này (tương đương 7,42 triệu đồng) sẽ được tặng cho các chủ xe, trên 15 năm sử dụng, muốn đổi xe mới. Các quan chức hy vọng kế hoạch này sẽ thúc đẩy nhu cầu xe hơi, vốn đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, đồng thời giảm lượng khí thải từ những chiếc xe cũ.
9/ Bộ trưởng Kinh tế Argentina, Martin Guzman, đã thông báo thỏa thuận tái cấu trúc nợ của nước này đã được nhiều chủ nợ ủng hộ, theo đó sẽ cho phép Argentina cơ cấu lại 99% tổng khoản nợ 66 tỷ USD. Phát biểu trước Tổng thống Alberto Fernandez và Phó Tổng thống Cristina Kirchner, Bộ trưởng Guzman đã cho biết rằng thỏa thuận trên đã được các chủ nợ chấp thuận sau nhiều tháng đối thoại. Theo thỏa thuận, Argentina sẽ được xóa 37,7 tỷ USD tiền nợ trong giai đoạn 2020-2030 và lãi suất hằng năm nước này phải trả sẽ giảm từ 7% xuống 3%. Thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng giúp Argentina thoát khỏi vòng xoáy nợ nần và vực dậy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.
10/ Các nhà băng lớn nhất Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm giảm ít nhất 10%, do các khoản cho vay doanh nghiệp khó đòi. Theo đó, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) (nhà băng lớn nhất thế giới về giá trị tài sản), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China cuối tuần trước đã công bố lợi nhuận nửa đầu năm nay đã giảm ít nhất 10%, mạnh nhất hơn một thập kỷ. Dự phòng thất thoát khoản vay của 4 ngân hàng này cũng tăng thêm 27% – 97%.
Giao dịch tại ngân hàng ở Trung Quốc – Ảnh: MalayMail
11/ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 31/8 cho biết Văn phòng sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung nhằm hạn chế nhập khẩu thép từ Mexico và Brazil trong bối cảnh thị trường nội địa gặp khó khăn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. USTR cho biết họ sẽ giảm hạn ngạch giai đoạn còn lại trong năm 2020 của Brazil đối với phôi thép xuất khẩu tới Mỹ từ 350.000 tấn xuống 60.000 tấn, song vẫn giữ nguyên các hạn ngạch hiện hành khác của Brazil đối với những mặt hàng thép khác. Trong các cuộc tham vấn với Mexico, thì nước này đã nhất trí với USTR về việc thiết lập một cơ chế giám sát nghiêm ngặt nhằm giải quyết sự gia tăng của các mặt hàng ống thép, hệ thống ống thép cơ khí và phôi thép xuất khẩu sang Mỹ.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)
Bản tin quốc tế – ngày 1/9/2020