Bản tin thị trường – ngày 10/11/2020

544
Nền kinh tế số củaViệt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á
Nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới với tỷ lệ 29% mỗi năm và quy mô sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần bốn lần so với con số 14 tỷ USD được dự báo trong năm 2020.
Bản báo cáo do Google, quỹ đầu tư Temasek của Singapore và hãng tư vấn Bain & Co của Hoa Kỳ công bố hôm nay 10/11. Báo cáo đã khảo sát 4.700 người ở sáu nền kinh tế chính trong khu vực và ghi nhận: Singapore là nước duy nhất chứng kiến nền kinh tế số suy giảm trong năm 2020. Do tác động của dịch, nền kinh tế Internet của đảo quốc bị giảm 24% so với năm ngoái và chỉ còn trị giá 9 tỷ USD trong năm nay.
Indonesia có mức tăng trưởng kinh tế số đạt 23% mỗi năm trong 5 năm tới. Covid-19 tàn phá nặng nền kinh tế tổng thể của Indonesia nhưng lại thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử ở nước này. Trong quý 3, nền kinh tế lớn lớn nhất Đông Nam Á rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tuy nhiên, Google, Temasek và Bain dự báo giá trị nền kinh tế số hóa của Indonesia vẫn tăng gấp ba, lên con số 124 tỷ USD vào năm 2025.
Ba công ty này cũng ghi nhận thị trường dịch vụ tài chính trực tuyến Đông Nam Á có nhiều người dùng hơn khi các phương thức thanh toán và chuyển tiền không tiếp xúc được áp dụng. Dù vậy, giá trị cho vay trực tuyến ở khu vực này không đổi so với năm ngoái, đứng ở mức 23 tỷ USD, chủ yếu do các lo ngại nợ xấu.
Báo cáo nhận định: “Các tổ chức cho vay ngang hàng nhắm đến các dịch vụ cho vay ngắn hạn, có độ rủi ro cao  và một số tổ chức cho vay truyền thống nhỏ hơn sẽ đối mặt với khó khăn trong những quý tới”.
Báo cáo cho rằng các dịch vụ tài chính số sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận các phương thức thanh toán trực tuyến. Báo cáo nhận định giá trị thanh toán số của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng từ mức 600 tỷ USD trong năm 2019 lên 620 tỷ USD trong năm nay và có thể đạt quy mô 1.200 tỷ USD trong năm 2025.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,9 – 56,40 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm tới 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.878,3 USD/ounce, giảm tới 71,5 USD, tương đương 3,67% giá trị so với chốt phiên trước. Tính đến hiện tại, giá vàng vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng sau khi Pfizer và BioNTech thông báo về vắc xin cho Covid-19.
2/ Nhu cầu mua gạo từ khách hàng Philippines tăng cao cùng với nguồn cung trong nước hạn hẹp, đang đẩy giá gạo trong nước tăng khá mạnh. Cụ thể: gạo IR 50404 loại 5% tấm đang có giá 11.000 đ/kg, giá xuất khẩu là 11.800 đ/kg, tương đương 500 USD/tấn. Giá cao nhưng trên thị trường lại rất hiếm hàng trước tình hình này khách hàng tỏ ra thận trọng chưa ai muốn chốt đơn hàng. Nguyên nhân giá gạo trên thị trường tăng cao là do thời gian gần đây thời tiết diễn biến bất lợi, tiến độ thu hoạch lúa của bà con nông dân bị chậm khiến lượng lúa gạo hàng hóa trên thị trường trở nên khan hiếm, trong khi đó khách hàng Philippines lại đang có nhu cầu nhập khẩu gạo.
Nhu cầu tăng cao cho gạo từ phía khách hàng Philippines cùng với nguồn cung trong nước hạn hẹp đã đẩy giá gạo trong nước tăng khá mạnh
3/ Nhờ tác động từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), xuất khẩu tôm đến các thị trường EU, Canada… đã liên tục tăng trưởng khả quan trong thời gian qua. Tháng 9/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 385 triệu USD, tăng trên 25% so với tháng 9/2019, mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt hàng tôm xuất khẩu là tôm chế biến, tôm đông lạnh, tôm thẻ… thì Việt Nam được đánh giá đứng đầu ở phân khúc tôm chế biến khi chiếm tới 28% tổng giá trị xuất khẩu thế giới. Các dữ liệu của VASEP cho thấy, năm 2019, giá trị xuất khẩu tôm chế biến của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tương đương 40% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đà tăng trưởng này đã tiếp tục giữ được trong suốt các tháng qua dù dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.
4/ OKXE.VN là nền tảng ứng dụng mua bán xe máy trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. OKXE Việt Nam ra đời nhằm khắc phục những điểm tối của thị trường, đồng thời góp phần mang lại niềm tin cho người tiêu dùng với một cộng đồng mua bán xe lành mạnh, văn minh. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số lượt tải ứng dụng đã đạt 1.000.000 lượt và vẫn tiếp tục tăng. Tổng số cửa hàng hợp tác với OKXE Việt Nam cũng lên tới hơn 1.000 và trải dài khắp toàn quốc. Đáng chú ý, mới đây, OKXE Việt Nam đã gọi vốn thành công nâng tổng mức đầu tư lên tới 5.5 triệu USD (khoảng hơn 127 tỷ đồng).
5/ Thái Lan là nước xuất khẩu rau quả lớn nhất ở Đông Nam Á. Nhưng trong năm nay, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan lại tăng chóng mặt. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt hơn 17 triệu USD, tăng tới 134,5% so với tháng 9/2019. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đã đạt giá trị 120 triệu USD, tăng 211,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho đến nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải.
6/ Trong 9 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý nhất, thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong 9 tháng đầu năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức giảm 1,9%, thu nhập của lao động phi chính chính thức giảm 0,8%.
7/ VF Corp cho biết họ sẽ chi 2,1 tỷ USD để mua lại công ty may mặc thời trang dạo phố Supreme. Hãng cũng sở hữu các thương hiệu như The North Face và Timberland, cho biết họ sẽ thanh toán thêm lên tới 300 triệu USD, tùy thuộc vào sự hài lòng của một số mốc kết thúc sau giao dịch. Giám đốc điều hành của VF Corp cho biết thỏa thuận này với Supreme sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của họ, vốn đã trở nên cấp thiết hơn đối với các nhà sản xuất quần áo và giày dép do đại dịch Covid-19. Supreme, đã hợp tác với nhiều tên tuổi thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton cũng như Nike, Levi và Vans, thu được hơn 60% doanh thu từ việc kinh doanh trực tuyến.
8/ Đánh giá của khách hàng sau khi mua sắm trên Amazon là tính năng hữu ích vốn được đánh giá cao. Nhờ đó, những người mua sau có thêm thông tin để lựa chọn được món hàng mình cần sắm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều đánh giá “giả mạo” được đăng và tính năng này của Amazon không còn giữ được sự khách quan. Theo các công ty phân tích thị trường thương mại điện tử, từ tháng 3/2020, số lượng đánh giá giả mạo trên trang Amazon tăng lên 42%. Các chuyên gia dự báo tỷ lệ các bài đánh giá giả mạo sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2020, dịp mua sắm và lễ hội.
Đánh giá của khách hàng sau khi mua sắm trên Amazon là tính năng hữu ích vốn được đánh giá cao – Ảnh: Nikkei
9/ Công ty công nghệ OVH của Pháp đã cho biết rằng họ đang hợp tác với Google để nâng cao khả năngcủa mình trong lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing), dựa trên công nghệ của gã khổng lồ Hoa Kỳ để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển. OVH cho biết trong một tuyên bố rằng quan hệ đối tác với Google Cloud sẽ cho phép họ đưa một số công nghệ của công ty Hoa Kỳ này vào các dịch vụ mà họ sẽ vận hành ở Châu Âu. Hiện tại thì hai công ty này vẫn không tiết lộ bất kỳ chi tiết tài chính nào liên quan đến việc hợp tác này.
10/ Ngân hàng Trung ương Pháp đưa ra mức dự báo suy giảm GDP của nước này có thể tới 9-10% trong năm nay, cao hơn mức 8,7% ước tính trong tháng 9 do tác động của đợt phong tỏa thứ 2. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Pháp với 8.500 lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện từ ngày 28-10, hai ngày trước khi lệnh phong tỏa lần thứ hai có hiệu lực, hoạt động của ngành công nghiệp đã suy giảm 51% so với 89% trong tháng 4. Suy giảm kinh tế trong tháng 11 có thể ở mức -12% so với -4% trong tháng 10 và tới -31% vào tháng 4. Dù doanh nghiệp có thể xoay sở tốt hơn, nhưng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khiến việc dự báo thời điểm kinh tế phục hồi hoàn toàn trở nên khó khăn.
11/ Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm nay cho thấy giá thực phẩm suy giảm đã kéo lạm phát tiêu dùng tháng 10 vừa qua của nước này xuống mức thấp nhất trong 11 năm, chủ yếu nhờ nguồn cung thịt heo được cải thiện. Theo dữ liệu của NBS, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 0,5% so với cùng kỳ một năm trước, thấp hơn dự kiến của giới phân tích. Đây cũng là tháng tăng trưởng “giảm tốc” thứ ba liên tiếp của chỉ số này và cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Trong tháng 10 vừa qua, giá thịt heo, loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, đã giảm mạnh sau khi tăng vào năm ngoái vì dịch tả heo châu Phi bùng phát. NBS cho hay giá thịt heo tại Trung Quốc đã giảm 2,8% trong tháng 10 vừa qua lần giảm đầu tiên sau khi tăng 19 tháng liên tiếp trước đó.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 9/11/2020