Bản tin thị trường – ngày 10/12/2020

591
Năng lực sản xuất của Nanogen là 2 triệu liều vaccine mỗi năm và có thể mở rộng lên đến 30-50 triệu liều/năm.
Tiêu điểm: 
Vaccine ngừa Covid-19 “made in Vietnam” chỉ 120.000 đồng/liều
Nano Covax của hãng dược Nanogen của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm. Loại vaccine này hứa hẹn sẽ là vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên được đưa ra thị trường, với giá dự kiến khoảng 120.000 đồng/ liều. 
Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen (Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen), cho biết rằng thế giới đang sử dụng bốn công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19, gồm sử dụng virus bất hoạt, ARN, virus sống và công nghệ tái tổ hợp. Nanogen đã chọn công nghệ tái tổ hợp, bằng cách tạo ra gai giả giống y hệt gai trên virus SARS-CoV-2. Mỗi liều vaccine sẽ gồm nhiều gai giả. 
Hôm nay 10/12, Nanogen cùng Học viện Quân Y tiến hành tuyển các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax. Trong giai đoạn 1, vaccine của Nanogen sẽ được thử nghiệm ở 20 người trẻ tuổi. Ở giai đoạn 2, từ tháng 3/2021 vaccine này sẽ được tiêm thử nghiệm cho 400 người ở độ tuổi từ 50-75. 
Nếu các thử nghiệm lâm sàng tốt đẹp, Nano Covax sẽ được tung ra thị trường từ giữa năm tới. Theo đại diện Nanogen, đây là dòng vaccine cúm nên thuốc có tác dụng miễn dịch trong khoảng một năm và phải tiêm nhắc lại. Theo liệu trình, mỗi người từ 12 đến 75 tuổi cần tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày. 
Năng lực sản xuất của Nanogen là 2 triệu liều vaccine mỗi năm và có thể mở rộng lên đến 30-50 triệu liều/năm. 
Sinh năm 1966, ông Hồ Nhân có bằng tiến sỹ công nghệ sinh học tại Hoa Kỳ. Ông hiện là tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của Nanogen với tỷ lệ cổ phần là 67,5%. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ông, chiếm tỷ lệ 22,5%. Số cổ phần còn lại thuộc các cổ đông nước ngoài. 
Theo định giá tạm thời của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam – đơn vị đang sở hữu 162.500 cổ phiếu của Nanogen – công ty có giá trị khoảng 5.093 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. KIS lưu ý rằng chưa thể định được tổng giá trị của Nanogen bởi công ty chưa lên sàn. Tuy nhiên, nếu Nano Covax thành công, giá trị của Nanogen sẽ tăng nhiều lần. 
Hai vợ chồng ông Nhân – bà Vân là những thành viên của gia tộc sở hữu Sơn Kim, một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ bất động sản, bán lẻ đến thời trang.
Theo trang web của Sơn Kim, những viên gạch đầu tiên của Sơn Kim bắt đầu từ giữa những năm 1950 khi doanh nghiệp tư nhân Đại Thành ra đời – do ông ngoại của bà Hồng Vân điều hành. Sau đó, vào thập niên 90, bà Nguyễn Thị Sơn, mẹ bà Hồng Vân, làm Tổng giám đốc Legamex, một trong những công ty dệt may xuất khẩu quy mô lớn tại Việt Nam thời điểm đó.
Đến năm 1993, con trai của bà Sơn là ông Nguyễn Hoàng Tuấn sáng lập Sơn Kim. Công ty của gia đình bà Sơn bắt đầu phát triển các thương hiệu nội y, đồ ngủ, đồ mặc ở nhà bằng cách bắt tay liên doanh, nhận nhượng quyền thương hiệu với các đối tác Nhật Bản và Hoa Kỳ. 
Song song với mảng thời trang, Sơn Kim cũng bắt đầu phát triển lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 90. Chính bà Nguyễn Thị Sơn là người đi đầu trong việc liên doanh với đối tác Hong Kong để xây dựng khu căn hộ cao cấp cho thuê đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1996. Hiện danh mục dự án của Sơn Kim có đủ 3 phân khúc bất động sản nhà ở, văn phòng, nghỉ dưỡng.
Năm 2017, Sơn Kim bước vào cuộc đua trên thị trường bán lẻ khi liên kết với Tập đoàn GS của Hàn Quốc, mở chuỗi cửa hàng tiện lợi GS Retail ở Việt Nam. Trước đó vào năm 2012, tập đoàn này cũng bắt tay đối tác Hàn Quốc để triển khai VGS Shop – một kênh mua sắm trên truyền hình.
Năm người con của ông Nhân và bà Vân đều là những người thành đạt và có sự nghiệp riêng. Bà Hồng Vân cũng cùng các thành viên gia đình đầu tư vào mảng giáo dục.
(Tổng hợp từ Zing & CafeF)
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,50 – 55,10 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 400.000 đồng ở chiều mua vào và 350.000 đồng chiều bán ra, chênh lệch 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.838,3 USD/ounce, giảm tới 32 USD, tương đương 1,71% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng giảm mạnh khi sự lạc quan về vaccine Covid–19 đang củng cố hy vọng về khả năng phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
2/ Trong tuần này, Campuchia đã bắt đầu xuất lô hàng xoài tươi đầu tiên sang Trung Quốc sau khi nhận được giấy phép xuất khẩu trái cây sang thị trường này. Theo Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Campuchia Veng Sakhon, các lô hàng xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ được trung chuyển qua Việt Nam. Tính đến cuối tháng 11/2020, đã có bốn công ty Campuchia sẵn sàng xuất khẩu mặt hàng xoài tươi sang Trung Quốc, trong khi bảy công ty khác đang hoàn thiện các dây chuyền đóng gói sản phẩm. Những công ty Campuchia tham gia lô hàng xuất khẩu xoài đầu tiên sang Trung Quốc sẽ học hỏi và làm quen với quy trình vận chuyển này để tạo thuận lợi cho những lô hàng tiếp theo.
Các lô hàng xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ được trung chuyển qua Việt Nam
3/ Sau 5 năm, tốc độ đô thị hóa của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng 4,6%, tạo nhiều thách thức đối sự phát triển của đồng bằng. 
Tại hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm 10/12, Bộ Xây dựng cho biết, vùng ĐBSCL hiện có 174 đô thị, trong đó gồm 1 đô thị trực thuộc Trung ương; 2 đô thị loại 1 thuộc tỉnh; 12 đô thị loại 2; 9 đô thị loại 3; 23 đô thị loại 4 và 27 đô thị loại 5. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói tỷ lệ đô thị hoá của vùng ĐBSCL chỉ đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Con số này thấp hơn mức trung bình 40% của Việt Nam. “Khu vực đô thị có tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và hiện đại hơn”, ông Nghị cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng, công tác triển khai quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và nhiều thách thức. Ông nói hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu.
4/ Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 từ mức 1,8% lên 2,3% do đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi. 
Trong báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay 10/12, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý 2 lên 2,6% trong quý 3, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 9 lên 2,1%.
Các chuyên gia của ADB cũng dự báo, tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3% do đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, và kinh tế phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc. Dự báo tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 6,1%.
5/ Để đối phó với các khoản nợ chồng chất,  hãng Tianqi Lithium của Trung Quốc bán gần một nửa số cổ phần của mình trong mỏ lithium lớn nhất thế giới. Công ty niêm yết tại Thâm Quyến này hiện đang bán 49% cổ phần của mình trong mỏ lithium tại Greenbushes, Tây Úc với giá 1,4 tỷ USD cho IGO Ltd.  IGO sẽ gián tiếp thu được 24,99% cổ phần trong Greenbushes và 49% cổ phần trong nhà máy lithium hydroxit mà Tianqi đang xây dựng ở Kwinana, Tây Úc. Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang dần xấu đi. Tianqi cho biết, trong hồ sơ gửi đến sàn giao dịch Thâm Quyến, rằng thỏa thuận này hiện vẫn đang cần được các cơ quan lập pháp ở Bắc Kinh và Canberra chấp thuận. 
6/ Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong tháng 11/2020, Brazil đã xuất khẩu 4,3 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), tăng 32,2%, tương đương 1,1 triệu bao so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục theo tháng của Brazil, đồng thời cũng là tháng thứ ba liên tiếp quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này đạt kỷ lục về doanh số bán cà phê ra nước ngoài. Mỹ tiếp tục là thị trường tiêu thụ số một cà phê của Brazil, chiếm 18,2% tổng lượng xuất khẩu cà phê của quốc gia Nam Mỹ này. Cecafe dự báo sản lượng cà phê của Brazil sẽ đạt mức 61,6 triệu bao trong năm nay, tăng 25% so với năm 2019 và là mức cao thứ hai trong lịch sử.
7/ Hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Singapore Chan Chun Sing và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Anh -Singapore. Hai bên cũng nhất trí xây dựng khung Thỏa thuận Kinh tế Kỹ thuật số Anh-Singapore (DEA) và sẽ khởi động các cuộc đàm phán về DEA vào năm 2021. Theo FTA mới ký kết này, các công ty Singapore và Anh sẽ được hưởng những lợi ích tương tự mà họ đang được hưởng theo FTA giữa Liên minh châu Âu  và Singapore (EUSFTA). Các ưu đãi bao gồm việc xóa bỏ thuế quan đối với thương mại hàng hóa, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ và thị trường mua sắm chính phủ của hai bên, cắt giảm các hàng rào phi thuế quan trong 4 lĩnh vực chủ chốt là điện tử, xe hơi và phụ tùng, dược phẩm và thiết bị y tế, và năng lượng tái tạo.
8/ Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố hôm nay, xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc đã tăng hơn 30% trong 10 tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mỳ ăn liền hoặc “ramyeon” của Hàn Quốc từ tháng 1 – 10 đạt 573 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát, buộc người dân các nước không được đi ra ngoài, ở nhà nhiều hơn và do vậy thường xuyên phải nấu ăn. Báo cáo cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của mỳ ăn liền Hàn Quốc. Theo báo cáo này, nhập khẩu của Trung Quốc đối với mỳ Hàn Quốc đã tăng nhanh trong năm 2020, với tỉ lệ tăng trưởng lên tới 43,7%.
9/ S&P Dow Jones Indices đã thông báo sẽ loại bỏ 21 công ty Trung Quốc ra khỏi các chỉ số chứng khoán và trái phiếu theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. S&P Dow Jones Indices cho biết trong danh sách này có Hikvision (một trong những hãng sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới) và SMIC (tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc). Mã cổ phiếu của 10 công ty Trung Quốc sẽ bị vô hiệu hóa trên sàn chứng khoán Mỹ từ ngày 21/12. S&P Dow Jones Indices sẽ loại bỏ 11 mã cổ phiếu Trung Quốc còn lại từ ngày 1/1/2021. Với lệnh hành pháp này, chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn các các công ty đầu tư, quỹ hưu trí và các doanh nghiệp khác của Mỹ mua cổ phần tại 31 công ty Trung Quốc bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

10/ Indonesia đã ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặc trị giá 110 triệu USD với Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon do mất rừng và suy thoái rừng từ nay đến năm 2025. FCPF cho biết Indonesia sẽ nhận được các khoản thanh toán dựa trên kết quả cắt giảm 22 triệu tấn khí thải carbon nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về khí hậu và môi trường. Thỏa thuận này được ký kết nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ mất rừng và suy thoái rừng với tổng diện tích 12,7 triệu ha rừng mưa nhiệt đới, cũng như bảo vệ đa dạng sinh học của Indonesia. 
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Mekong Connect 2020: Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu