Bản tin thị trường – ngày 10/8/2020

1040
Cắt giảm tối đa chi phí là một trong những tiêu chí hoạt động của Vietnam Airlines Group. Hãng Pacific Airlines giảm chi phí thiết kế và trang bị đồng phục, giảm lương nhân viên, và giữ luôn sơn cũ để tiết kiệm sơn máy bay… Ảnh: Archives
Tiêu điểm:
Tương lai hàng không Việt Nam: “Khôn lường, khó tả và bất định”
Đó là nhận định của ban lãnh đạo Vietnam Airlines tại đại hội cổ đông thường niên sáng nay 10/8.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh kiến nghị đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch 2020 phù hợp với tình hình thị trường. “Diễn biến thị trường hiện nay vô cùng phức tạp và biến động theo tuần”, ông Minh phát biểu.
Để giảm bớt gánh nặng vốn lưu động, Vietnam Airlines không trích quỹ đầu tư phát triển, không chi trả cổ tức từ phần lợi nhuận của năm 2019.
Trong khi đó, các nhà quản lý của hãng hàng không quốc gia viện dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự kiến đến tháng 7/2024 thị trường quốc tế mới hồi phục, tức là kéo dài thêm một năm so với dự báo trước đó. Vietnam Airlines dự báo sang đầu năm 2022 có khả năng hồi phục được, nhưng rất thận trọng với thời điểm này và đẩy lùi ra xa hơn.
Tổng giám đốc Dương Trí Thành nói mô hình dự báo tình hình hồi phục ngành sẽ theo hình chữ L – với gạch nganh kéo dài, khiến thị trường hành khách quốc tế phục hồi chậm hơn. Các hãng hàng không ở Đông Bắc Á – cũng là thị trường tài chính chủ lực của Vietnam Airlines, Đông Nam Á dự kiến mở cửa thị trường,  nhưng hiện làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 khiến chưa hãng nào bay được. Dự kiến các tháng cuối năm thị trường quốc tế giảm 83%. Bên cạnh đó, thị trường bay nội địa hồi phục nhanh hơn theo hình chữ V, nhưng cũng bị đợt bùng phát ca nhiễm ở Đà Nẵng làm giảm đà hồi phục.
Các kịch bản được đưa ra, bao gồm tái cơ cấu đội tàu bay. Theo tờ trình đại hội, Vietnam Airlines sẽ thừa 25 máy bay (trong tổng đội bay 100 chiếc) từ nay đến cuối năm, và thêm 6 chiếc trong năm 2021. Hãng cũng thừa năng lực đến 72%, gồm phi công, tiếp viên, kỹ thuật… Vietnam Airlines dự định bán 9 máy bay A321 CEO có tuổi đời 12 năm, cắt giảm lương nhân viên.
Khôi phục thị trường khách mảng quốc tế và nội địa không chỉ là cái khó của Vietnam Airlines, mà cả ngành hàng không. Mảng cho thuê máy bay (sale & lease back – SLB) hầu như không thể thực hiện được bởi hãng nào cũng dư. Trong các hãng bay Việt Nam, chỉ có hãng giá rẻ VietJet Air thuận tay và kiếm được lợi nhuận từ mảng SLB, nhưng hiện cũng bó tay.
Mảng vận tải hàng hóa là dư địa mới của các hãng bay Việt Nam. Tuy nhiên, ông Dương Trí Thành nói “chủ để máy bay chở hàng hóa, tháo ghế máy bay A321 để hàng nằm trong chiến lược và là điểm chưa triển khai hẳn, nhưng thời gian qua đã làm rồi”.
Ông Thành cũng nói rằng Vietnam Airlines có điểm mạnh cùng các hãng hàng không thành viên Sky Team có thị trường ngách và phối hợp với nhau tạo ra sản phẩm có giá thành rất thấp. Dây chuyền đồng bộ, hãng hàng không quốc gia 60 năm hình thành phát triển có chuỗi đồng bộ bao gồm sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu, các công ty suất ăn, 3 công ty phục vụ hàng hoá, 3 sân bay căn cứ…đây là nơi cung cấp chuyên gia kỹ sư và phi công cho cả ngành.
Ông Thành cũng nói thêm rằng việc tăng vốn cho hãng đang được triển khai gấp rút và sắp có quyết định cuối cùng. “Chủ sở hữu sẽ có biện pháp tăng vốn cho vay để Vietnam Airlines phát triển”, ông nhấn mạnh.
Đại hội cổ đông cũng bầu ông Đặng Ngọc Hoà làm Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Hoà sinh năm 1972, thạc sỹ kỹ thuật ngành hàng không, hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).
Đại hội cũng thông qua việc ông Phạm Ngọc Minh nghỉ hưu theo chế độ, ông Nguyễn Xuân Minh, thành viên HĐQT kết thúc nhiệm kỳ xin từ nhiệm và ông Koji Shibata đại diện phần vốn của ANA xin từ nhiệm do thay đổi công tác.
1/ Tiếp đà giảm cuối tuần rồi, giá vàng trong nước sáng nay 10/8 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh. Cuối buổi sáng, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 57,36 – 58,96 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 1,14 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,34 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối tuần trước. Như vậy là nhà đầu tư chạy châm lỗ 4-5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục giảm thấp so với cùng thời điểm hôm qua, hiện còn ở mức 2.029 USD/ounce trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 2/2021 cũng giảm còn mức 2.053 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã lao dốc sau chuỗi ngày đi lên thẳng đứng.
2/ Chưa có năm nào sầu riêng Việt Nam có giá rẻ như năm nay nhưng vẫn chưa thay thế được sầu riêng nhập khẩu giá cao từ Malaysia, Thái Lan. Cuối tuần qua, siêu thị MM Mega Market An Phú (quận 2, TP HCM) mở đợt bán sầu riêng Monthong nhập khẩu Thái Lan với giá 160.000 đồng/kg (giá gốc 180.000 đồng/kg). Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam (chủ yếu là Ri 6) được siêu thị này bán thường xuyên với giá từ 55.000 – 72.000 đồng/kg (tùy loại), thậm chí trong một số chương trình khuyến mãi, sầu riêng Việt Nam (loại từ 1,2 kg/quả) giá chỉ 39.000 đồng/kg.
3/ Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sang tháng 6 và tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại tăng trưởng rất tốt. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6% so với tháng 6/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 769 triệu USD, tăng 29,8%.
4/ Báo cáo tài chính nửa đầu năm của Thảo Cầm Viên ghi nhận doanh thu chưa đến 27 tỷ đồng, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí trong giai đoạn này xấp xỉ 41 tỷ đồng, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, nhân công… khiến công ty không có lãi. Bình quân mỗi ngày Thảo Cầm Viên lỗ 100 triệu đồng vì khách tham quan giảm mạnh, trong khi phải duy trì chi phí chăm sóc hơn 1.500 động vật.
5/ Ngày 10/8, giới chức Hàn Quốc cho biết nước này đã hoàn tất quá trình đàm phán về việc xuất khẩu các sản phẩm ớt bột sang Việt Nam. Theo TTXVN, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho biết nước này đã đàm phán với Việt Nam từ năm 2008 về các điều khoản xuất khẩu ớt bột, mặt hàng hiện phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Nhật Bản.
6/ Nền kinh tế Thái Lan vốn chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Chính phủ Thái Lan chuẩn bị đưa ra quy định mới đẩy mạnh việc trồng và bán cần sa y tế. Nội các đã sửa đổi Đạo luật về ma túy vào ngày 4/8/2020, trong khi chờ Quốc hội phê duyệt, để cho phép các nhà y tế tư nhân gồm bác sĩ y học cổ truyền và nông dân được trồng và kinh doanh loại cây cần sa bao gồm cả việc xuất khẩu và nhập khẩu.
7/ Tập đoàn dầu mỏ ARAMCO của Arab Saudi đã có doanh số sụt giảm 73% trong quý 2 của năm 2020 sau khi nhu cầu năng lượng trên thế giới sụt giảm mạnh vì dịch Covid-19. Nếu tính lợi nhuận của cả 6 tháng đầu năm, chỉ số này của ARAMCO đang giảm 6,75 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2019.
8/ Toyota Motor Thái Lan vừa công bố báo cáo doanh số bán hàng trong nửa đầu năm 2020. Theo đó doanh số của hãng giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 94.222 chiếc. Xuất khẩu của công ty này cũng giảm 30% xuống còn 97.000 chiếc do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, khiến sức mua suy yếu. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty khẳng định sẽ không sa thải nhân viên vì coi họ là tài sản quý giá.
Trong khi đó, tập đoàn xe Nhật Bản Mitsubishi dự tính sẽ thua lỗ tổng cộng 360 tỷ yen (khoảng 3,4 tỷ USD) trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/2021. Theo báo cáo của Mitsubishi Motors Corp, trong quý II/2020, hãng đã thua lỗ 176 tỷ yen (khoảng 1,7 tỷ USD), đồng thời cũng đưa ra dự báo hoạt động kinh doanh của công ty tiếp tục bị suy thoái trong năm tài chính (kết thúc vào cuối tháng 3/2021).
9/ Các nhà phân tích cho rằng vaccine Covid-19 sẽ không được bán “đồng giá” trên khắp thế giới. Chưa đầy một tháng trước, mức giá tương đối cụ thể của vaccine Covid-19 lần đầu được đưa ra là khoảng 20 USD/liều (463.000 đồng), và mỗi người cần tiêm 2 liều. Tuy nhiên, Moderna, công ty công nghệ sinh học của Mỹ đang đi đầu trong cuộc đua thử nghiệm và sản xuất vắc-xin COVID-19, mới đưa ra mức giá của họ là 32-37 USD (741.000 đến 858.000 đồng) mỗi liều, với những “đơn hàng nhỏ”.
Viện Huyết thanh Ấn Độ cùng với hãng dược AstraZeneca nói có thể giảm giá vaccine hơn nữa xuống dưới mức 1.000 rupee mỗi liều, tức dưới 300.000 đồng.
Trong khi đó, dự kiến trong hai ngày tới, Nga sẽ công bố vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và sẽ dùng vaccine này tiêm chủng đại trà từ tháng 10 tới. Tuy nhiên, trong một phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, nhà khoa học và dịch tễ học hàng đầu Anthony Fauci tuyên bố các loại vaccine của Nga và Trung Quốc “không đáng tin cậy” và nhấn mạnh chính phủ Hoa Kỳ không nên mua nếu Nga và Trung Quốc có vaccine trước. Ông Fauci nói quá trình sản xuất và thử nghiệm ở hai nơi này quá gấp gáp. “Nga không hề công bố các chỉ tiêu và thông số khoa học liên quan, còn Trung Quốc đã từng đưa ra loại vaccine 3 trong 1 – bạch hầu, ho gà và uốn ván – có khiếm khuyết, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn trẻ sơ sinh”, ông Fauci nhấn mạnh.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)

Bản tin thế giới – ngày 10/8/2020