Bản tin thị trường – ngày 10/9/2020

298
Trung Tâm dữ liệu của Google tại thành phố Chương Hóa, Đài Loan - Ảnh: DataCenterKnowledge
Tiêu điểm:
Google đặt trung tâm dữ liệu thứ ba tại Đài Loan
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 leo thang thì nhu cầu cho các dịch vụ trực tuyến ngày một gia tăng. Điều này đã dẫn đến các công ty công nghệ của Mỹ đang mở rộng và nâng cao hoạt động của trung tâm dữ liệu của họ. Google cho biết họ đã có hơn 10 trung tâm dữ liệu tại Bắc Mỹ, một cái ở Chile và năm trung tâm khác ở châu Âu.
Tuần rồi, gã khổng lồ công nghệ của Mỹ xác nhận họ đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm dữ liệu thứ ba tại Đài Loan, với lý do là vị trí của hòn đảo này rất phù hợp về mặt chiến lược cho một trung tâm truyền dữ liệu tại Châu Á. Công ty này đã mua lại một khu đất rộng khoảng 200.000m2 ở Douliu, một thành phố ở miền trung Đài Loan, và dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2022. Mặc dù Google chỉ tiết lộ một số chi tiết nhỏ cho các phóng viên vào hôm thứ Năm, nhưng khoản đầu tư này được cho là trị giá khoảng $20 NTD, khoảng 681 triệu USD
Đây sẽ là trung tâm dữ liệu thứ tư của Google tại châu Á, sau khi cơ sở dữ liệu đầu tiên tại Chương Hóa, Đài Loan được đưa vào vận hành vào năm 2013. Sau đó một trung tâm dữ liệu khác cũng đã được xây dựng tại Singapore. Và vào tháng 9/2019, Google đã công bố kế hoạch xây dựng thêm một trung tâm dữ liệu thứ hai tại thành phố Đài Nam, Đài Loan.
Tina Lin, tổng giám đốc khu vực của công ty, cho biết rằng Google đã chọn Đài Loan vì “lợi thế địa lý” của hòn đảo này, với việc nhiều tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển sâu kết nối Mỹ và châu Á đi qua Đài Loan, khiến nó trở thành một “vị trí ngày càng quan trọng để xây dựng trung tâm dữ liệu”.
Bộ Tư pháp của Mỹ vào tháng 6 vừa rồi đã đề xuất Đài Loan là một giải pháp thay thế sau khi khuyến nghị về việc không nên lắp đặt một tuyến cáp kết nối ngầm mới giữa Mỹ và Hong Kong. Google cho biết vào ngày 14/8 rằng họ sẽ không còn hợp tác trực tiếp với chính quyền địa phương về các yêu cầu bàn giao dữ liệu của người dùng. Đây được coi là một động thái nhằm đáp trả luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh đã áp đặt trên lãnh thổ này.
Đầu tư vào trung tâm dữ liệu ở đâu đã trở thành một mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực công nghệ. Và với những xích mích ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Google đã coi Đài Loan là một địa điểm cần thiết cho các khoản đầu tư ở Châu Á.
1/Việt Nam có thể chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển điện thoại thông minh của Google trong tương lai, bắt đầu với chiếc Pixel 4A. Năm ngoái, Google đã tích cực dịch chuyển các xưởng sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm giảm áp lực giá nhân công, chi phí thuế, cũng như ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Trong tuần này, một bức ảnh chụp vỏ hộp chiếc smartphone Pixel 4a trên diễn đàn công nghệ hàng đầu cho biết thông tin về Pixel 4A “Made in Vietnam” với các phụ kiện nhập từ Trung Quốc. Hồi tháng 5, cũng có thông tin và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về dòng Pixel 4A được sản xuất tại một nhà máy ở Vĩnh Phúc.  
Nikkei Asian Review nói dòng điện thoại Pixel 5 sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
2/ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) sẽ mở một văn phòng khu vực tại Hà Nội, nhằm điều phối các nỗ lực chung trong đối phó với dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra thông báo này sau cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) do Việt Nam đăng cai hôm nay tại Hà Nội. Dù vai trò của văn phòng khu vực CDC vẫn chưa được nêu rõ, nhưng phía Mỹ cho rằng văn phòng mới sẽ giúp nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc của các trung tâm khác của CDC ở khu vực Đông Nam Á.
CDC là cơ quan đầu não của Mỹ trong công cuộc đối phó với Covid-19. Hiện CDC có nhiều văn phòng địa phương trên toàn cầu, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Indonesia. Họ cũng có văn phòng ở Trung Quốc và hiện đang làm việc với Thái Lan và Việt Nam để tài trợ cho các hệ thống giám sát sự lây lan của Covid-19.
3/ Việt Nam có thể trở thành “căn cứ” lớn nhất của Samsung trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ này liên tục có hành động rút các nhà máy khỏi Trung Quốc, cùng lúc với việc TP.HCM kiến nghị nhà đầu tư này chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất trong TP, đặt ra kỳ vọng về việc chuyển dịch đầu tư của tập đoàn này sang Việt Nam. Việc Samsung được chuyển sang hình thức doanh nghiệp chế xuất sẽ đem lại nhiều ý nghĩa về mặt lợi ích kinh tế cũng như hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, có thể tạo được một làn sóng thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, khi các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm một môi trường đầu tư có sức cạnh tranh, ngoài Trung Quốc, tại khu vực Đông Nam Á.
Cụm nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam – Ảnh: VietnamBiz
4/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,90 – 56,60 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra tiếp tục được thu hẹp xuống còn 700.000 đồng/lượng. Đây là phiên tăng đầu tiên trong ba phiên gần đây. Cùng thời điểm này, thì giá vàng thế giớ trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1945,5 USD/ounce, tăng 14,5 USD, tương đương 0,75% giá trị so với chốt phiên trước. 
5/ Wee Digital vừa công bố gọi vốn thành công triệu đô từ quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc InterVest và Vinacapital Ventures. Khoản đầu tư mới cho phép công ty khởi nghiệp của Việt Nam phát triển công nghệ sinh trắc học và trí thông minh nhân tạo ứng dụng trong các sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) tại Việt Nam. 
Được biết đây là lần thứ hai VinaCapital Ventures rót vốn vào Wee Digital. Sau khi nhận được vốn từ VinaCapital Ventures trong lần đầu tiên, Wee Digital tăng trưởng theo cấp số nhân và trở thành một trong số ít các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á huy động vốn tiếp theo thành công trong thời kỳ Covid-19.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên của InterVest vào thị trường Việt Nam, trong khi VinaCapital Ventures đã đầu tư vào Wee Digital từ vòng đầu tiên.
6/ Lô hàng xỉ hạt lò cao nghiền mịn (S95) của Thép Hòa Phát Dung Quất đã được bốc xếp xuống tàu để lên đường “xuất ngoại” sang Úc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm S95 ra nước ngoài, đặc biệt thị trường Úc – nơi có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Lô hàng gồm 2.500 tấn S95 thành phẩm được sản xuất từ xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, đóng theo quy cách bao Jumbo (1,5 tấn/bao), đi ghép với tàu hàng chuyên chở xi măng xuất sang Úc.
7/ Hôm nay, hãng hàng không Pacific Airlines chính thức “ra mắt” chiếc máy bay hiện đại Airbus A320s với đầy đủ màu sắc thương hiệu mới. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện giữa TPHCM – Hà Nội vào lúc 10 giờ 20 phút. Thông tin từ Pacific Airlines cho biết, đây là chiếc đầu tiên trong đội bay Airbus A320s của hãng được sơn hoàn thiện theo nhận diện thương hiệu mới, được lấy cảm hứng từ màu sắc của Vietnam Airlines để tạo kết nối chuỗi trong hệ sinh thái hàng không của Vietnam Airlines Group.
Pacific Airlines ra mắt chiếc máy bay đầu tiên sơn thương hiệu mới – Ảnh: baomoi
8/ Nửa đầu năm 2020, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, về sản lượng tiêu thụ xe máy với 1,249 triệu xe. Theo số liệu từ trang thống kê dữ liệu Motorcycles Data, trong quý 2/2020, lượng xe máy tiêu thụ tại các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm mạnh do chịu tác động của dịch Covid-19 khiến tổng lượng lượng tiêu thụ xe máy tại Đông Nam Á trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020 là 4,83 triệu xe, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2020. 
9/ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo chính phủ của ông đã quyết định dành một khoản ngân sách bổ sung mới, trị giá 7.800 tỷ won (6,5 tỷ USD), để hỗ trợ những người dân cần sự trợ giúp khẩn cấp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp hội đồng kinh tế khẩn cấp lần thứ 8 tại Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ trong khoản ngân sách trên, chính phủ sẽ dùng 3.800 tỷ won (3,2 tỷ USD) để hỗ trợ tiền mặt cho 3,77 triệu người. Trong con số này, thì 2,91 triệu người lao động tự do và tiểu thương sẽ nhận được 2 triệu won/người.
10/ Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố chương trình hỗ trợ trong 4 năm trị giá 221 triệu CAD (168 triệu USD) nhằm giúp các doanh nghiệp của người da màu khắc phục những khó khăn do cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là chương trình hỗ trợ đầu tiên kiểu này dành cho cộng đồng người da màu tại Canada. Ông cho biết chính phủ liên bang sẽ chi khoảng 93 triệu CAD trong 4 năm cho chương trình này và đang hợp tác với các tổ chức tài chính như RBC, BMO Financial Group, Scotiabank, CIBC, National Bank, TD, Vancity và Alterna Savings để bổ sung 128 triệu CAD.
11/South China Morning Post đưa tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong cho biết chính phủ Mỹ đã bán bất động sản ở thành phố này trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng trầm trọng. Những chuyên gia về bất động sản ước tính giá trị của các lô đất này khoảng 413 triệu USD đến 450 triệu USD. uy nhiên, hầu hết nhà phát triển bất động sản có tiếng của Hong Kong đều né tránh hoặc từ chối bình luận về thương vụ này do những vấn đề nhạy cảm giữa quan hệ Mỹ – Trung. Đơn cử như ông Victor Lui – Giám đốc điều hành tập đoàn bất động sản lớn nhất Hong Kong Sun Hung Kai Properties cho biết tập đoàn đã không mua bất động sản này của Mỹ.
Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA
Bản tin thế giới – ngày 10/9/2020