Bản tin thị trường – ngày 13/8/2020

664
Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam đang gặp khó khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu - Ảnh: BSAOnline
Tiêu điểm
Dân túng, doanh nghiệp khốn khó
Người tiêu dùng chi tiêu ngày càng tiết kiệm hơn, doanh nghiệp bán lẻ khó bán hàng và hiệu ứng dây chuyền đối với nền kinh tế bắt đầu.
Chợ ế
Tiểu thương các chợ nhỏ ở TP.HCM than vãn chợ càng ngày càng ế ẩm. Cộng thêm những ngày mưa gió vừa qua khiến đầu vào giá rau củ tăng từ 3.000-10.000 đồng/kg. Chủ sạp vừa phải giảm lãi khi bán hàng theo giá cũ, vừa chịu cảnh doanh số bán giảm.
Dịch bệnh khiến người dân thắt chặt túi tiền, chi tiêu dè xẻn. Theo khảo sát từ Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, Việt Nam vươn lên vị trí đứng đầu nhóm quốc gia có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, sau Hồng Kông và Singapore trong quý 2 vừa rồi. Phần lớn người tiêu dùng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và các địa điểm bên ngoài khác.
Các hệ thống siêu thụ cũng đồng loạt giảm giá để kích thích tiêu dùng. Big C bán thịt heo không lợi nhuận, hệ thống Co.opmart giảm giá nhiều mặt hàng thực phẩm… Riêng Lotte Mart bán đồng giá 89.000 dụng cụ học tập, quần áo, giày dép và giảm 50% các sản phẩm bánh kẹo, gia vị, dầu ăn, dụng cụ làm bếp, đồ dùng cho em bé…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2.800.000 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ yếu tố giá giảm 4,8%. Cần nhắc lại, tổng mức bán lẻ của bảy tháng đầu năm 2019 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tạm nghỉ, chờ phá sản
Cục Thuế TP.HCM cho biết hơn 47.000 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm nghỉ do dịch Covid-19. Số hộ này thuộc diện hỗ trợ kinh doanh theo Nghị quyết 42 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chỉ có hơn 2.000 hồ sơ đã nộp để được hỗ trợ, cơ quan thuế đã thẩm định 1.409 hồ sơ và xác định 1.001 hồ sơ đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Tức là số người đủ điều kiện được hỗ trợ đến giờ chỉ là 2% – một tỷ lệ siêu thấp đối với các doanh nghiệp nhỏ li ti thế này.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian trên cả nước có đến hơn 8.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chờ giải thể – chiếm 37,2%.
Đáng chú ý, theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong vòng 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố hồi tháng 6 vừa rồi nói có đến 31 triệu lao động bị mất việc làm hay bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Nếu tình hình không cải thiện, cuối năm sẽ có thêm ít nhất 5 triệu người gia nhập đội quân nhàn rỗi. Đợt dịch mới bùng phát ở Đà Nẵng cuối tháng 7 khiến dự báo này có thể sẽ trở thành hiện thực.
Chính những lúc này, người dân và doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ li ti, nhỏ và vừa – đang trông chờ sự hỗ trợ và giải ngân các gói tài chính hàng trăm ngàn tỷ đồng Chính phủ công bố vào tháng 3 và tháng 4 vừa rồi.
Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông, áo đỏ, trong lễ trao giải thưởng doanh nhân xuất sắc Sao Đỏ 2019 – Ảnh: BSAOnline
1/ Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông sẽ kiêm nhiệm thêm hai chức vụ từ ngày 10/8: giám đốc khối bán lẻ và giám đốc khối cung ứng. Thông báo của PNJ nói việc phân bổ mới nhằm “gắn kết hoạt động của hai khối”.
Theo báo cáo tài chính quý 2 vừa được PNJ công bố, doanh thu của công ty đạt 2.745 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 31,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,3% và 81,3% so với cùng kỳ năm 2019.
PNJ giải thích là do dịch bệnh, doanh nghiệp đã phải tạm đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong nửa đầu tháng 4/2020 và dần mở cửa hoạt động lại vào nửa cuối tháng. Vì vậy, doanh số bán lẻ trong tháng 4 bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, doanh số trang sức đã phục hồi tích cực trong tháng 5 và tháng 6/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Các khách sạn 4-5 sao ở các điểm du lịch TP.HCM, Nha Trang và Phú Quốc được rao bán với giá giảm hơn trước 20-30% – Ảnh: BSAOnline
2/ Không chỉ các khách sạn nhỏ 1-2 sao, mà ngay cả các khách sạn 4-5 sao cũng chịu cảnh bán mình sau đợt dịch kéo dài…
Một doanh nhân cho TBKTSG Online xem danh sách các khách sạn đang chào bán tại nhiều địa phương. Trong đó, một khách sạn 5 sao ở TPHCM được chào bán với giá 160 triệu USD. Một khách sạn khác cũng cùng tiêu chuẩn nằm ở gần sông Sài Gòn được chào giá 425 triệu USD. Một khách sạn 4 sao 4 sao đã đấu giá hai lần vẫn chưa có người mua…
Hay như ở Nha Trang, một khách sạn 5 sao sát biển do một tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới quản lý đang được chào giá 1.500 tỉ đồng. Hay ở Phú Quốc, khách sạn 4 sao khu trung tâm rao bán 700 tỷ đồng. Có khách sạn mới hoạt động vài ba năm cũng đã rao bán.
“Chỉ có vài chủ đầu tư rao bán tài sản từ trước đó. Còn lại đều rao từ khi dịch diễn biến xấu hơn”, doanh nhân này nói. Ông cũng nói thêm rằng danh sách này có thể sẽ dài hơn trong vài tháng tới vì thị trường đã suy giảm trong một thời gian quá dài và dự báo là khó khởi sắc, ít nhất là trong vòng một năm tới.
Đặc biệt là đối với các chuỗi khách sạn. Nhà đầu tư bỏ tiền vào nhiều khách sạn thuộc chuỗi, cho nên cần phải bán nhanh một tài sản để giải quyết nợ nần và dòng tiền mặt. Có chủ bỏ vào mảng này, nhưng thấy thị trường trong trung hạn rất u ám, nên sớm bán để đầu tư mảng khác cũng đang cần vốn.
Hiện một số khách sạn 4-5 sao ở Việt Nam được chào bán với giá thấp hơn nhiều so với hồi trước dịch. Song nếu so sánh với những thị trường khác như ở châu Âu, giá giảm không quá sâu.
“Ở châu Âu, giá cho mỗi phòng loại thường cỡ khoảng 5,3 tỷ đồng nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, như đợt suy giảm kinh tế thế giới trong hai năm 2008 – 2009, giá chỉ còn khoảng 2 tỉ đồng. Thị trường trong nước chưa giảm giá sâu đến mức này”, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa, cho biết.
3/ Trong phiên giao dịch hôm nay 13/8, giá vàng trong nước tăng trở lại sau những phiên lao dốc mạnh trước đó. Mở cửa phiên sáng, giá vàng SJC niêm yết ở mức 52,90 – 56,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 340.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 160.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua và bán là 3,32 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới đảo chiều tăng nhẹ sau một phiên giảm sốc. Tính đến 7h40 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đang đứng tại 1.930,2 USD/ounce, tăng 8,1 USD/ounce so với sáng hôm qua.
4/  Cây thanh long được xem là cây xóa đói giảm nghèo của xã Cư Êbur, Buôn Ma Thuột. Do ảnh hưởng của dịch, thanh long bị rớt giá mạnh, đầu ra “bí” khiến người nông dân lao đao. Các năm trước, giá thanh long dao động từ 7.000 đồng (vào mùa mưa) đến 15.000 đồng (vào mùa nắng), với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm thì người nông dân có thu nhập khá. Hiện nay, xã Cư Êbur vào vụ thu hoạch chính nhưng giá thanh long chỉ được thu mua ở mức 2.000-3.000 đồng/kg đối với hàng loại 1. Giá thấp, thương lái không mua khiến người nông dân hái cũng lỗ, không hái thì xót.
5/ Sau khi Lạng Sơn có trường hợp dương tính với Covid-19, Trung Quốc bắt đầu siết trở lại kiểm soát y tế người và hàng hóa qua biên giới. Tình trạng ùn ứ hàng hóa đã diễn ra ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và các cửa khẩu khác. Trung bình mỗi ngày có hơn 500 xe chở hàng  không thông quan được. Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chỉ đạt hơn 860 triệu USD, giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm 2019.
6/ Giá cà phê nguyên liệu tại Việt Nam hôm nay dao động 32.200 – 32.600 đồng/kg. Tại các tỉnh Tây Nguyên trồng nhiều cà phê, giá đầu giờ sáng quay đầu tăng nhẹ, trung bình 100 – 200 đồng/kg. Trong phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tại 2 sàn giao dịch trên thế giới đồng loạt tăng. Giá cà phê Robusta tại London tăng 11 USD/tấn (0,8%) giao tháng 9/2020 giao dịch ở mức 1.394 USD/tấn. Sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2020 tăng 0.7 cent/lb (0,63%) giao dịch ở mức 112.05 cent/lb.
7/ Kể từ ngày 12/8 đến hết ngày 31/12/2020, các loại phí thẩm định như: Cấp phép lưu hành, cấp giấy chứng nhận, điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ được giảm 10% so với hiện hành.
8/ Theo thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 36,5 triệu tấn than đá, trị giá 2,558 tỷ USD, tăng 49% về lượng và tăng 10,8% (hơn 250 triệu USD) về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 7/2020, sản lượng than đá nhập về Việt Nam lên tới 5 triệu tấn, trị giá 294 triệu USD, tăng gần 1 triệu tấn so với tháng 7/2019.
9/ Công ty Banpu và Banpu Power (BPP) của Thái Lan đã chi 66 triệu USD để mua lại nhà máy điện gió Mũi Dinh có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận. Giám đốc điều hành của Banpu, bà Somruedee Chaimongkol, cho biết giao dịch sẽ hoàn tất trong quý 4/2020. Hợp đồng mua nhà máy điện gió nói trên là thương vụ mới nhất nhằm đạt được mục tiêu của hai công ty là có tổng công suất năng lượng tái tạo 814 MW. Việt Nam được kỳ vọng có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới.
Giá vaccine ngừa Covid-19 của Nga được đặt tên Sputnik V được bán sĩ với giá 10 USD cho liều đôi – Ảnh: Reuters
10/ Trên kênh truyền hình Rossya 24, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vaccine ngừa virus corona của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Ông Repik nhận định “ít nhất lô hàng đầu tiên rất có thể khá đắt”, dù lưu ý vaccine chắc chắn sẽ giảm giá khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn. Trước đó, ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga đã được đăng ký với tên gọi Sputnik V, và sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn tới.
11/ Hãng tin Bloomberg đưa tin: Các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hoạt động tại Hong Kong đang rà soát lại quy trình để đáp ứng với lệnh trừng phạt Hoa Kỳ áp đặt lên một số quan chức tại đặc khu này.
Các ngân hàng trên bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, tất cả đều có chi nhánh tại Mỹ.
Các ngân hàng này tỏ ra thận trọng trong việc mở tài khoản mới cho 11 quan chức mà Mỹ trừng phạt, bao gồm Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ít nhất một ngân hàng đã đình chỉ hoạt động như vậy.
Một số ngân hàng nước ngoài, trong đó có Citigroup của Hoa Kỳ, đã tạm khóa tài khoản hoặc tăng cường giám sát khách hàng Hong Kong.
12/ Cơ quan Thống kê Australia (ABS) sáng nay công bố tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 7 vừa rồi tăng 7,5% so với tháng trước và lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu người. Đây là con số thất nghiệp kỷ lục trong 40 năm qua.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)