Bản tin thị trường – ngày 14/10/2020

575
IMF dự báo Việt Nam cũng thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo có mức tăng trưởng dương trong năm nay với 1,6% - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

IMF: Kinh tế Việt Nam vượt Singapore và Malaysia trong năm nay

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quy mô GDP của Việt Nam cuối năm có thể đạt hơn 340 tỷ USD. Con số này tăng so với năm ngoái, giúp nền kinh tế Việt Nam vượt Singapore (337 tỷ USD) và Malaysia (336 tỷ USD). IMF cũng dự báo GDP tính theo đầu người tăng từ 3.416 USD năm ngoái lên gần 3.500 USD trong năm nay.

IMF dự báo Việt Nam cũng thuộc số ít quốc gia trên thế giới được dự báo có mức tăng trưởng dương trong năm nay với 1,6%. Trước đó, Việt Nam cũng được các tổ chức khác dự đoán sẽ tăng trưởng dương trong năm nay. ADB ước tính là 1,6% trong năm nay.

Trong báo cáo công bố ngày 13/10, IMF nói GDP toàn cầu giảm 4,4% trong năm nay, ít bi quan hơn so với báo cáo tháng 6. Nhưng triển vọng tăng trưởng trong năm tới bị hạ xuống từ 5,4% xuống còn 5,2%.

Các nền kinh tế chính của Asean, thường gọi nhóm Asean5 đều tăng trưởng âm: Indonesia -1,5%, Thái Lan -7,1%, Malaysia -6%, Philippines -8,3% và Singapore -6%.

Các nhà kinh tế thường chia các nền kinh tế Asean thành hai khối: nhóm mạnh là Asean5 – gồm 5 nước ở trên; và nhóm yếu hơn gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei và Đông Timor. Thỉnh thoảng Việt Nam được đưa lên chiếu trên và tạo thành nhóm Asean6.

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,65 – 56,15 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 500.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.894,2 USD/ounce, giảm tới 27,7 USD, tương đương 1,44% giá trị so với chốt phiên trước. Giá vàng giảm mạnh khi đồng USD tăng do bế tắc về cứu trợ kinh tế của Hoa Kỳ và báo cáo kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

2/ Đầu tháng 10/2020, sản lượng trứng của Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đã tăng lên trên 22,2% so với cùng kỳ. Hiện tại, mỗi ngày Hòa Phát cung cấp 550.000 quả trứng gà sạch ra thị trường, giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà ở khu vực phía Bắc. Để có được nguồn con giống chất lượng, ổn định, từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đã nhập 7 lô gà giống bố mẹ từ Anh. Riêng trong năm 2020, Công ty đã nhập 2 lô vào cuối tháng 3 và đầu tháng 10. Mục tiêu trong thời gian tới của Hòa Phát là nuôi 1,2 triệu gà đẻ trứng, sản xuất 300 triệu quả trứng/năm.

3/ Theo Báo cáo Cơ hội Thương mại của Ngân hàng Standard Chartered, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang Ấn Độ thêm 633 triệu USD. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Việt Nam thêm 475 triệu USD mỗi năm. Với tiềm năng này, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng thêm 1,1 tỷ USD. Ấn Đô hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng hậu Covid-19, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể đóng vai trò ngày một quan trọng đối các doanh nghiệp quốc tế.

4/ Trà Vinh cùng Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam vừa khởi công xây kho lạnh thông minh tại xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Dự án này thuộc khuôn khổ kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông. Kho lạnh thông minh tại Trà Vinh có diện tích 10.000 m2, vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ là 887.781 USD, nguồn vốn địa phương là 149.717 USD. Nguồn kinh phí tài trợ từ Uỷ ban FinExpo (Bỉ). Toàn bộ nguyên liệu, máy móc xây dựng được nhập khẩu từ Bỉ. Kho lạnh này sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để điều tiết, giám sát môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm…

Sau Trà Vinh, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 5 kho lạnh thông minh khác.

5/ Hôm nay, Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) đã cho biết rằng trong tháng 9/2020, quốc gia này đã xuất khẩu 3,79 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), tăng 8,9% tương đương với 300.000 bao so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục theo tháng của quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này. Tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của Brazil đạt 457,9 triệu USD, tăng 3,6% với với cùng kỳ năm 2019. Kể từ đầu năm đến nay, Brazil đã xuất khẩu lượng cà phê trị giá 3,86 tỷ USD, tăng 0,8% so với 9 tháng đầu năm 2019. Dự kiến xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do nhu cầu về cà phê tăng cao trở lại trên thị trường thế giới.

6/ Các hãng hàng không trên thế giới đã hủy, hoặc không đủ điều kiện thực hiện các đơn đặt mua gần 1.000 máy bay của Boeing trong năm 2020. Số đơn hàng giảm 938 chiếc đã khiến cho lượng tồn kho của Boeing tăng 19%. Lượng máy bay bị hủy đơn chiếm khoảng 1/3 trong số máy bay bị ngừng xuất xưởng. Số còn lại được xếp vào diện nguy cơ bị bỏ theo tiêu chuẩn kế toán của Mỹ. Sau nhiều năm ghi nhận lượng bán hàng bùng nổ, Boeing vừa phải chấp nhận một thực tế buồn, khi 4 tháng liền vừa qua không ký được hợp đồng bán máy bay nào.

7/ Theo South China Morning Post, Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc đã thông qua quyết định hoãn nợ đối với 11 nước châu phi theo Sáng kiến ​​Hoãn nợ (DSSI) để hỗ trợ 73 quốc gia thu nhập thấp được khởi xướng bởi nhóm G20. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các chủ nợ khác cũng đồng ý với quyết định này. Nước này sẽ miễn các khoản vay không lãi suất đáo hạn vào cuối năm nay cho 15 quốc gia châu Phi, đồng thời tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhóm G20, tham gia vào sáng kiến này. Trung Quốc không tiết lộ thêm thông tin về các quốc gia được Bắc Kinh miễn nợ. Tuy nhiên, một số quốc gia như Zambia, Angola, Ethiopia… được cho là đang đàm phán với Trung Quốc về việc nới lỏng các khoản vay.

Eximbank sẽ hỗ trợ hoãn nợ cho một số quốc gia – Ảnh: SCMP

8/ Chi nhánh cho vay của Nissan Motor Co tại Hoa Kỳ đã đồng ý chi trả khoản tiền phạt trị giá 4 triệu USD để giải quyết các cáo buộc từ cơ quan chính phủ về họ đã chiếm đoạt lại hàng trăm chiếc xe của người tiêu dùng một cách không thỏa đáng. Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) cho biết từ năm 2013 đến 2019, Nissan Motor Acceptance Corp (NMAC), một công ty con của hãng, đã “kéo xe” hay thu hồi không thỏa đáng hàng trăm chiếc xe của người tiêu dùng mặc dù người tiêu dùng đã thanh toán đầy đủ. Nissan sẽ phải bồi thường tới 1 triệu USD cho những người tiêu dùng bị thu hồi bất hợp pháp.

9/ Tencent Holdings Ltd. đang lên kế hoạch để tăng cổ phần của mình trong Universal Music Group, thêm 10% trước khi lựa chọn mua bán cổ phần hết hạn vào tháng Giêng. Vào năm ngoái, công ty công nghệ Trung Quốc này đã dẫn đầu một nhóm thu mua lại 10% cổ phần của công ty âm nhạc lớn nhất thế giới từ công ty truyền thông của Pháp, Vivendi SA. Thỏa thuận trên định giá Universal Music ở mức 30 tỷ euro (35,2 tỷ USD), Tencent cùng các đối tác của họ có quyền chọn tăng cổ phần của mình lên tới 20% với cùng mức định giá cho đến hạn chót vào ngày 15/1 năm 2021.

10/ Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay đã đưa ra thông báo rằng ban điều hành đã phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính mới trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị dịch bệnh này. Kế hoạch tài trợ này, là một phần trong nguồn tài chính 160 tỷ USD mà tổ chức cho vay phát triển đa phương này đã cam kết sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6/2021 với mục đích phòng chống đại dịch. Khoản hỗ trợ tài chính mới này được coi là tín hiệu cho các công ty dược phẩm rằng các nước đang phát triển có nhu cầu lớn và nguồn tài chính dồi dào để mua vaccine.

11/ Chính phủ Indonesia sẽ phân phối gói kích thích du lịch trị giá 3.300 tỷ rupiah , khoảng 224 triệu USD, cho các doanh nghiệp du lịch và chính quyền địa phương để giúp cải thiện việc thực hiện các quy trình y tế tại các điểm du lịch. Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, Wishnutama Kusubandio, mục tiêu chính của gói hỗ trợ du lịch này là giúp chính quyền địa phương xử lý tác động kinh tế và xã hội do dịch Covid-19, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và kinh tế sáng tạo. Gói này cũng hỗ trợ trực tiếp cho nhà hàng và khách sạn bị sụt giảm doanh thu trong thời kì đại dịch. Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia, ông Hariyadi Sukamdani, tính đến tháng 6/2020, có khoảng 2.000 khách sạn và 8.000 nhà hàng Indonesia phải đóng cửa với tổng thiệt hại lên tới 85.000 tỷ rupiah, tức 5,8 tỷ USD. Indonesia hiện đang cố gắng thu hút du lịch nội địa bằng các chương trình giảm giá, khuyến mại và đảm bảo an toàn y tế.

Ricky Hồ – Hiếu Lê/BSA

Cơm chiên hai món từ gạo lài sữa – dòng ST24