Bản tin thị trường – ngày 14/8/2020

277
Giá lúa gạo ở ĐBSCL từ đầu năm đến nay tương đối tốt, luôn ở mức trên 5.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân trồng lúa và thương lái thu mua lúa đều có lãi ổn định hơn so với các năm trước. Tờ Kinh Tế Nông Thôn mô tả giá lúa tăng 500 đồng mỗi ký làm dân đồng bằng “rất phấn khởi”. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tiêu điểm:
Nông dân vui, doanh nghiệp mừng vì giá gạo Việt vượt đối thủ
Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan từ 15-20 USD/tấn. Dự báo trong năm nay, Việt Nam có thể vượt Thái Lan để đứng đầu về xuất khẩu gạo. Nếu đúng, đây là lần thứ hai Việt Nam vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu sau lần đầu tiên giành ngôi quán quân vào tháng 10/2012.
Đứng đầu về giá
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam đang dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.
Trong một tuần qua, giá gạo Việt Nam luôn ở mức cao.
Hiện gạo loại 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 – 497 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với ngày 12/8 và tăng 45 USD/tấn so với ngày 3/8. Trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan đang ở mức 463 – 467 USD/tấn. Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 27 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 15 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Pakistan 80 USD/tấn.
Riêng với gạo 25% tấm, giá của Việt Nam là 468 USD/tấn so với mức 452 USD/tấn của Thái Lan.
Trong bảy tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo, thu về gần 2 tỷ USD – tức là giảm 1,5% về khối lượng nhưng tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, xếp sau Thái Lan. Các chuyên gia dự báo với đà này cuối năm nay Việt Nam có thể giành ngôi quán quân sau gần 8 năm để mất vị trí này.
Các chuyên gia nói rằng có nhiều yếu tố khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao: chất lượng gạo ngày càng cao, logistics cải thiện, nhiều nước tăng lượng nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Riêng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan giải thích: đồng baht tăng giá so với USD, khiến giá gạo Thái Lan mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng nói rằng chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thay đổi chính sách xuất khẩu, nhằm lấy lại lợi thế cạnh tranh so với Việt Nam và Ấn Độ. Các thay đổi tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống lúa mới…
Niềm vui 500 đồng…
Giá lúa ở ĐBSCL từ đầu năm đến nay tương đối tốt, luôn ở mức trên 5.000 đồng/kg. Vì vậy, nông dân trồng lúa và thương lái thu mua lúa đều có lãi ổn định hơn so với các năm trước. Tờ Kinh Tế Nông Thôn mô tả giá lúa tăng 500 đồng mỗi ký làm dân đồng bằng “rất phấn khởi”.
Trong ba ngày qua, giá lúa ở một số tỉnh, thành như Cần Thơ, Sóc Trăng biến động. Tăng mạnh nhất lúc này là lúa IR50404, bán tại ruộng từ 5.500-5.600 đồng/kg đến nay tăng lên 5.700 đồng/kg. Còn lúa khô IR50404 vụ đông xuân các chủ vựa bán lại 7.500 đồng/kg. Lúa tươi OM5451 giá 5.800 đồng/kg, lúa tươi Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg… so với 10 ngày qua tăng khoảng 500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, nhận định: “Giá gạo Việt nay tốt hơn so với gạo Thái. Đúng là tin vui trong lịch sử 30 năm của ngành xuất khẩu gạo”. Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở Cần Thơ, cho rằng giá gạo Việt Nam có đà tăng tốt nhờ truyền thông thế giới đưa tin về gạo thơm của Việt Nam vào EU được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định EVFTA.
“EU là thị trường đẳng cấp, gắn tên gạo Việt Nam với thị trường này thì hữu xạ tự nhiên hơn. Thương hiệu gạo Việt đang được chú ý trên thị trường thế giới phần nào nhờ vào EVFTA sau các loại gạo của Thái Lan”, ông Bình nói. Ông cũng cho biết Trung An đang đàm phán xuất gạo sang Pháp dưới tên Trung An.
1/ Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng mạnh và đạt 32.700 – 33.100 đồng/kg, tăng trung bình 500 – 600 đồng/kg.
Trong phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá tại 2 sàn giao dịch trên thế giới đồng loạt tăng mạnh. Giá cà phê Robusta tại London tăng 40 USD/tấn (2,98%) giao tháng 11/2020 giao dịch ở mức 1.382 USD/tấn. Sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tăng 3.85 cent/lb (3,37%) giao dịch ở mức 118.1 cent/lb.
2/ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, EU hiện là thị trường lớn thứ hai của cà phê của Việt Nam, chiếm trên 42% lượng cà phê Việt xuất khẩu.
Mặc dù đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng bánh mì, sữa, cà phê… vẫn là những mặt hàng có mức tiêu thụ cao tại EU.
3/ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết trong bảy tháng đầu năm, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 187.000 tấn và 405 triệu USD, giảm 6,5% về khối lượng và giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá tiêu xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt 2.134 USD/tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm cả về khối lượng và trị giá do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 cũng như dư cung.
4/ FECON trúng gói thầu gần 440 tỷ đồng dự án nhà máy điện gió Quốc Vinh ở Sóc Trăng giai đoạn 1 với công suất thiết kế 30MW. Gói thầu gồm: thiết kế, mua sắm, thi công, thử nghiệm trạm biến 110kW, thi công nhà máy chính. Thời gian thi công là một năm, bắt đầu từ tháng 8/2020.
FECON cũng trúng thầu nhiều dự án điện gió khác từ đầu năm đến nay. Mới nhất là gói thầu gần 490 tỷ đồng nhà máy điện gió Trà Vinh. Trước đó là dự án 260 tỷ đồng ở nhà máy điện gió Thái Hòa, tỉnh Bình Thuần và dự án điện gió B&T Quảng Bình trị giá gần 700 tỷ đồng…
5/ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP.HCM hiện thành phố có trên 543.300 người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được nhận trên 595 tỷ đồng tiền hỗ trợ chính sách.
Cụ thể, hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TPHCM (1 triệu đồng/người/tháng) là trên 54.600 người số tiền hơn 54,6 tỷ đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính Phủ (1,8 triệu đồng/người/tháng) là gần 1.900 người số tiền hơn 3,4 tỉ đồng; hỗ trợ cho gần 1.050 người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 1,05 tỷ đồng.
6/ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự đoán nền kinh tế Nhật Bản suy giảm 26,59% trong quý 2/2020 – giảm 26,59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất trong bốn thập niên.
Mức giảm dự đoán trên cũng sẽ vượt mức giảm 17,8% trong quý 1/2009 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khởi nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers Holdings Inc.
7/ Nội các Thái Lan hôm nay đã nhất trí thành lập một trung tâm chuyên trách xử lý việc phục hồi kinh tế đất nước do cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trung tâm sẽ gồm 22 ủy ban với sự tham gia của tất cả các bộ trưởng phụ trách những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, các bộ Nội vụ và Lao động, Thống đốc Ngân hàng Trung ương (BoT) và người đứng đầu của 3 tổ chức thuộc khu vực tư nhân. Theo Thủ tướng Prayut, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các khu vực, không chỉ xuất khẩu và du lịch, hai ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế, mà cả việc làm trong nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Du khách nước ngoài đến Thái Lan năm nay có thể giảm xuống chỉ còn 2-3 triệu lượt so với mức 40 triệu lượt của năm trước.
 8/ Các ngân hàng Trung Quốc phải giải quyết khoản nợ xấu trị giá 3.400 tỷ nhân dân tệ, gần 490 tỷ USD trong năm nay. Đây là một rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổng số này đánh dấu mức tăng khổng lồ từ 2.300 tỷ tệ vào năm 2019 và giá trị của các khoản nợ xấu có thể còn cao hơn vào năm 2021.
9/ Alibaba không hiện diện nhiều tại phương Tây, nhưng vị thế là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng quá đủ để Washington nhắm đến. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gần đây tăng tốc kìm hãm sức mạnh công nghệ ngày càng lớn của Trung Quốc. Họ đã có động thái nhắm vào hàng loạt đại gia công nghệ nước này, từ Huawei đến Tik Tok của ByteDance và WeChat của Tencent. Giới quan sát cho rằng Alibaba – một trong những công ty Internet và bán lẻ lớn nhất thế giới, có thể là cái tên tiếp theo.
10/ Jimmy Lai, ông trùm truyền thông sở hữu tờ Apple Daily và cũng là chủ tịch Next Digital Ltd, đã cảnh báo các nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu Next Digital. Ông Lai nói “các nguyên tắc cơ bản của công ty không hợp lý với đợt tăng mạnh của cổ phiếu gần đây và giá không ngừng tăng”.
Sau khi bị bắt, lực mua của người ủng hộ khiến giá cổ phiếu Next Digital tăng gần 400% trong tuần này và đang giao dịch quanh mức 0,44 HKD. Trong ngày, có thời điểm giá cổ phiếu Next Digital còn được đẩy tới mức 1,96 HKD.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)

Bản tin thế giới – ngày 14/7/2020