Bản tin thị trường – ngày 14/9/2020

362
Một tài xế của Gojek đối diện với "người cũ" GoViet - Ảnh: Brands Vietnam
Tiêu điểm:
Gojek Vietnam sở hữu WePay, tham gia cuộc tranh đua ví điện tử
Hôm nay, ông Phùng Tuấn Đức – CEO Gojek Vietnam – được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của Công ty TNHH Dịch vụ thanh toán trực tuyến WePay. Đồng thời ông Pablo Malay, cố vấn của Gojek Singapore, sẽ giữ chức chủ tịch của công ty dịch vụ thanh toán trung gian này.
Điều này đồng nghĩa Gojek Vietnam sẽ có ví điện tử từ hôm nay, chấm dứt tình trạng không triển khai được dịch vụ thanh toán điện tử GoPay sau hai đời CEO. Hãng gọi xe GoViet – tiền thân của Gojek Vietnam – bị kém thế so với các ứng dụng Grab, Bee và FastGo khi không thể thực hiện thanh toán điện tử bằng thẻ tín dụng hay ví điện tử.
Thành lập vào tháng 4/2016 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, WePay là trung gian thanh toán thứ 19 được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vào cuối năm 2016. Hiện WePay cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán và hiện đã hợp tác với 4 nhà phát hành thẻ quốc tế, 24 ngân hàng bản địa và hơn 1.000 đơn vị bán hàng. Trước khi bị Gojek mua lại, WePay thuộc quyền sở hữu của VCCorp và người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc của VCCorp.
Trước WePay, ông Pablo và ông Đức cũng đứng tên một doanh nghiệp trung gian thanh toán khác là Lotus Pay thành lập vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, LotusPay chỉ mới đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý, nên vẫn chưa có tên trong danh sách các ví điện tử được nhà nước cấp phép.
Sự tích hợp của WePay vào hệ sinh thái của Gojek Vietnam cũng gửi đi tín hiệu về sự cạnh tranh mới của thị trường ví điện tử tại Việt Nam. Theo số liệu đến cuối tháng 8 vừa rồi, có 39 phương tiện thanh toán trung gian hay ví điện tử tại Việt Nam.
Đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt và bạc bẽo – một nhà phân tích tại TP.HCM bình luận. Các  số liệu mà BSA có được là thị trường ví điện tử Việt Nam tăng 200% số lượng giao dịch trong sáu tháng đầu năm, nhưng doanh số chỉ tăng 22%. “Có nghĩa là, người dùng sẵn sàng bỏ ví điện tử đó nếu không có khuyến mãi hay giảm giá nào”, nhà phân tích nói.  
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,85 – 56,55 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn ở mức 700.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1951,2 USD/ounce, tăng 11,1 USD, tương đương 0,57% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sắn lát khô tăng trưởng rất mạnh cả về số lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu cho sắn lát dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, sắn lát khô xuất khẩu đạt 418.380 tấn, trị giá 95,41 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay. Với lượng và giá trị như trên, xuất khẩu sắn lát khô tăng tới 101,1% về lượng và 94% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Sắn lát khô được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
3/ Sau một thời gian ở mức thấp, giá trái xoài Ðài Loan và xoài cát Hòa Lộc tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng và đang ở mức khá cao. Theo doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh trái cây,  giá xoài có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu và tại nội địa bởi đã hết mùa thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây ở Nam Bộ. Giá xoài cát Hòa Lộc đang được nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây ở mức 60.000-65.000 đồng/kg. Ðây là mức giá cao nhất trong nhiều tháng qua.
4/ Dê thịt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có giá cao. Tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, giá dê thịt hiện nay dao động trong khoảng từ 120.000 – 135.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, giá dê tăng cao do nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng bắt đầu chuộng thịt dê hơn. Nhờ vậy, giúp nghề nuôi dê phát triển và nông dân những địa bàn có thời tiết khô hạn có thêm nguồn thu nhập.
Gần 1 tháng qua, giá dê hơi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đạt mức cao kỷ lục 140.000 đồng/kg, tăng trên dưới 40.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2019 – Ảnh: DanViet
5/ Nguồn tin của WSJ cho biết hãng phần mềm Oracle đã vượt qua Microsoft để giành được mảng kinh doanh tại Mỹ của TikTok. Oracle sẽ được thông báo là “đối tác công nghệ tin cậy” của TikTok tại Mỹ. Thỏa thuận giữa Oracle và ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng có thể không được cấu trúc theo mô hình bán đứt hết. Thông tin này được công bố chỉ vài giờ sau khi Microsoft đưa ra thông báo rằng ByteDance hôm qua, ngày 13/9, đã từ chối lời chào mua của họ. Tờ South China Morning Post cũng dẫn nguồn tin từ ByteDance cho biết công ty này sẽ không chuyển giao thuật toán của TikTok trong bất kỳ thỏa thuận bán hoặc thoái vốn nào tại Mỹ.
6/ Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron của Mỹ cho biết tập đoàn đồng ý mua lại công ty thăm dò và sản xuất hydrocarbon Noble Energy với giá 5 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ mua lại lớn nhất kể từ khi ngành này trượt dốc do đại dịch COVID-19. Thỏa thuận trên sẽ giúp Chevron bổ sung thêm khoảng 18% trữ lượng vào tổng trữ lượng của họ khi có thêm các vùng khai thác mới ở Colorado và khu vực DJ của Wyoming, khu vực Permian giàu dầu đá phiến ở Texas và New Mexico, cũng như ở Israel và Ghi-nê Xích đạo. Theo Chevron, tổng giá trị thương vụ với Noble Energy là 13 tỷ USD, bao gồm cả nợ. Chevron dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý 4/2020.
7/ Hôm nay, SoftBank thông báo đồng ý bán hãng thiết kế chip Arm cho Nvidia với giá khoảng 40 tỷ USD. Thương vụ được dự đoán sẽ định hình lại toàn bộ thị trường bán dẫn. Theo đó, Nvidia sẽ trả 21,5 tỷ USD cho SoftBank dưới dạng cổ phiếu và 12 tỷ USD tiền mặt. Như vậy, SoftBank và quỹ Vision Fund sẽ lần lượt nắm 6,7% và 8,1% cổ phần Nvidia. SoftBank cũng sẽ được nhận thêm 5 tỷ USD tiền mặt hoặc cổ phiếu dựa trên hiệu quả kinh doanh của Arm. Thương vụ này vẫn sẽ phải chờ xét duyệt tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Trung Quốc. Nếu được thông qua, Arm – đối tác trung lập của Apple và các hãng khác sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của một công ty duy nhất.
8/ Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang đã khiến hàng loạt công ty quốc tế di chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi quốc gia 1,4 tỷ dân này. Đài Loan hiện được đự đoán sẽ hưởng lợi lớn. Theo Bloomberg, hàng loạt công ty Đài Loan đã di dời dây chuyền sản xuất về lại vùng lãnh thổ này. Chính quyền Đài Loan cũng liên tục hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bằng chính sách thuế thấp và các ưu đãi khác. Bà Wang Mei-hua, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan, cho biết từ tháng 1/2019 đến nay, hơn 38 tỷ USD tiền đầu tư đã quay trở lại Đài Loan. Trong khi đó, nhiều công ty Mỹ vẫn chưa đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump.
9/ Nông dân Trung Quốc thế chấp heo để vay ngân hàng. Nhờ chính sách của chính phủ, nông dân Chiết Giang đã vay được 178 triệu nhân dân tệ (26 triệu USD) bằng cách thế chấp đàn heo. Số heo tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát năm 2018, khiến giá thịt heo tăng chóng mặt và đây lại là thực phẩm chính tại nước này. Lo ngại lạm phát tăng cao, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích nông dân tái đàn hoặc mở rộng trang trại. Tuy nhiên, những trang trại gia đình nhỏ, chiếm 1/3 trong hàng triệu trang trại heo tại nước này, lại ngập trong nợ nần và có ít tài sản để thế chấp đi vay.
Một trang trại nuôi heo tại Trung Quốc – Ảnh: nationalhogfarmer
10/ Chính phủ Brazil công bố một thỏa thuận trong đó quốc gia Nam Mỹ này sẽ tạm thời tiếp tục miễn thuế nhập khẩu ethanol từ Mỹ. Theo đó, kể từ ngày 14/9, hai nước sẽ tiến hành các cuộc đàm phán thương mại trong vòng 90 ngày, tập trung vào các vấn đề liên quan đến miễn thuế nhập khẩu ethanol, đường và ngô từ Brazil sang Mỹ. Trong thời gian đó, Brazil sẽ không áp thuế nhập khẩu đối với ethanol từ Mỹ. Vào cuối tháng 8/2020, hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế 750 triệu lít ethanol/năm của Brazil đã hết hạn và kể từ ngày 1/9, các nhà sản xuất ethanol của Mỹ phải nộp mức thuế 20% nếu muốn xuất khẩu loại nhiên liệu này sang Brazil.
Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA
14g ngày 17/9, Livestream: “Nước mắm truyền thống từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới”