Bản tin thị trường – ngày 16/12/2020

485
Tiêu điểm:
Nông sản đồng bằng cần nhắm phân khúc giá cao, giá trị gia tăng

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Việt Nam đã quá chú trọng vào sản lượng và khối lượng xuất khẩu gạo, và quá tự hào về vị trí là một nhà xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về số lượng thay vì về chất lượng và giá trị gia tăng tạo được. Vì vậy nên Việt Nam chủ yếu chỉ có thể xuất khẩu tới các thị trường dễ tính và không đòi hỏi cao.
Xem thêm chi tiết tại link: 
Nông sản đồng bằng cần nhắm phân khúc giá cao, giá trị gia tăng
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 54,85 – 55,35 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra, mức chênh lệch hai đầu vẫn 500.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.854 USD/ounce, tăng tới 26,8 USD, tương đương 1,47% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng đang được củng cố bởi kỳ vọng có nhiều gói viện trợ hơn ở Mỹ bên cạnh các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng đã làm tăng thêm mối lo ngại về thiệt hại kinh tế từ đại dịch. Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu càng làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
2/ Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần. Hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Trong 10 tháng đầu năm 2020, thanh long các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 895,6 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Với giá trị như trên, thì thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 92,3% tổng trị giá xuất khẩu thanh long.
Trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần – Ảnh: CGTN
3/ Trường Đại học Cần Thơ phối hợp Đại sứ quán Bỉ tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu sản xuất lúa bền vững cho các chuyên gia nông nghiệp và nông dân địa phương. Dự án “Các biện pháp canh tác cải thiện chất lượng đất cho sản xuất lúa bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” (Susrice ) là chương trình hợp tác nghiên cứu do Bỉ tài trợ đã được triển khai tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long từ năm 2017. Mục tiêu chính của dự án này là cải thiện chất lượng đất và năng suất lúa bằng cách giới thiệu luân canh cây trồng (ngô, đậu xanh) và bón phân hữu cơ. Thử nghiệm thực địa đã được tiến hành trong 9 mùa vụ liên tiếp. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy kết quả tích cực của luân canh lúa và cây trồng khác kết hợp với bón phân hữu cơ tăng năng suất lúa, chất lượng đất và sử dụng nước hiệu quả, đồng thời mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
4/ Chính phủ Lào cho phép mở thêm cửa khẩu phụ giữa tỉnh Houaphanh (bắc Lào) với tỉnh Sơn La của Việt Nam để hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa giữa hai địa phương hai nước. Theo đó, tỉnh Houaphanh đã tạm thời mở cửa khẩu phụ Ban Dan, thông với cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La để phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với điều kiện “đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Trước đó, chính phủ Lào cũng đã cho phép mở lại tạm thời một số cửa khẩu phụ với các nước láng giềng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phục hồi hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa.
5/ Năm 2020, vịnh Hạ Long chỉ đón 1,5 triệu lượt khách, trong đó trên 1,1 triệu lượt khách nội địa và trên 400 ngàn lượt khách quốc tế, chỉ bằng 34,1% so với năm 2019. Thu phí tham quan vịnh Hạ Long ước tính đạt trên 230 tỷ đồng, bằng 18,8% so với năm 2019, và chỉ đạt 15,5% so với kế hoạch năm. Thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch, đẩy mạnh nguồn khách nội địa, tính đến ngày 13/12/2020, Ban Quản lý vịnh Hạ Long thực hiện miễn vé tham quan cho hơn 200 ngàn lượt khách, trong đó có gần 6.500 lượt khách qua các chuyến bay đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hơn 190 ngàn lượt khách được miễn phí tham quan theo các Nghị quyết về kích cầu du lịch của tỉnh.
6/ Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các dự thảo chính sách có thể buộc các đại gia công nghệ thay đổi hoạt động. Theo giới chuyên gia, đây là nỗ lực mạnh tay nhất đến nay nhằm kiềm chế các tên tuổi như Amazon, Apple, Google và Facebook. Với dự luật có tên Digital Services Act, các trang thương mại điện tử và công ty truyền thông xã hội lớn sẽ phải gỡ bỏ nội dung độc hại và bất hợp pháp ra khỏi nền tảng. Dự luật thứ hai có tên Digital Markets Act yêu cầu các công ty tuân thủ danh sách những việc được làm, và không được làm để ngăn cạnh tranh không công bằng. Ví dụ, các công ty này bị cấm dùng dữ liệu lấy từ khách hàng doanh nghiệp để cạnh tranh với họ. Các công ty không tuân thủ dự thảo chính sách về nội dung của EU có thể bị phạt số tiền tương đương 6% doanh thu toàn cầu. Liên tiếp tái phạm sẽ bị cấm hoạt động tạm thời.
7/ Mới đây, Bộ Tài chính Estonia công bố Cơ quan Tình báo Tài chính (FIU) của họ đã rút giấy phép của hơn 1.000 công ty tiền điện tử và tiền số trong năm 2020. Estonia, từng được xem là “thánh địa” cho các doanh nghiệp tiền điện tử và tiền số, đãbắt đầu cảm thấy lo ngại về nguy cơ rửa tiền tại đất nước này. Theo một khảo sát của FIU, các công ty tiền điện tử, tiền số đăng ký ở Estonia phục vụ lượng khách hàng lớn nhất tại Mỹ, sau đó là Venezuela, Nga, Việt Nam, Indonesia, Brazil, Ấn Độ và Iran. Cũng theo khảo sát này, doanh thu tạo ra từ các nhà cung cấp này trong nửa đầu 2019 lên đến 1,46 tỷ USD.
8/ Apple đã chuẩn bị kế hoạch sản xuất tới 96 triệu chiếc iPhone trong nửa đầu năm 2021, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đối với điện thoại 5G đầu tiên của “nhà táo” đã tăng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Dự báo cả năm ​​mà Apple đã chia sẻ với các nhà cung cấp cho thấy họ đã lên kế hoạch để sản xuất tới 230 triệu chiếc iPhone vào năm 2021, bao gồm cả các mẫu cũ và mới. Đây sẽ là mức độ tăng trưởng 20% ​​so với năm 2019, mặc dù sản lượng mục tiêu sẽ thường xuyên được xem xét và sửa đổi để đáp ứng với các sự thay đổi nào về nhu cầu của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất hiện đang chạy đua để đảm bảo nguồn dữ trự linh kiện, đặc biệt là chất bán dẫn và màn hình, cần vài tháng để sản xuất, vì dự đoán về sự bùng nổ trong nhu cầu của người tiêu dùng hậu Covid-19.
Dự báo cả năm mà Apple đã chia sẻ với các nhà cung cấp cho thấy họ đã lên kế hoạch để sản xuất tới 230 triệu chiếc iPhone vào năm 2021 – Ảnh: Oman Observer
9/ Bộ trưởng Y tế của Nga Mikhail Murashko đã cho biết rằng tất cả các khu vực của Nga đã bắt đầu tiến hành tiêm vaccine ngừa dịch Covid-19. Theo đó, hiện tất cả các khu vực đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine, thống nhất các thông số về công tác vận chuyển, bảo quản và tiêm chủng. Bộ Y tế Nga đã lập kế hoạch phân phối thuốc để cung cấp cho các khu vực trong 3 tháng tới. Điều quan trọng là đảm bảo toàn bộ công việc này diễn ra suôn sẻ. Theo Bộ trưởng Murashko, hằng tuần, các nhà sản xuất vaccine sẽ phải gửi thông tin cho Bộ Y tế về hoạt động cung cấp vaccine. Bộ sẽ phân phối đến các khu vực trong vòng 2 ngày, tùy theo nhu cầu của từng địa phương.
10/ Chính phủ Anh đã nhất trí chi 3,7 bảng Anh (tương đương 4,93 tỷ USD) cho các loại vaccine ngừa Covid-19 và trong hầu hết các trường hợp sẽ đứng ra nhận trách nhiệm pháp lý nếu các công ty dược phẩm đối mặt các khiếu kiện liên quan đến vaccine của mình. Chính phủ nước này đã ký kết các thỏa thuận với các công ty nhằm cung cấp 5 ứng cử viên vaccine, trong đó có vaccine của Pfizer/BioNTech vốn đã được phê chuẩn sử dụng tại Anh, cũng như vaccine của Oxford/AstraZeneca, Valneva, Novavax và Moderna. Bên cạnh đó là các thỏa thuận sơ bộ về mua vaccine của các hãng Sanofi/GlaxoSmithKline và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ số tiền sẽ được chi cho việc bồi thường nếu xảy ra khiếu kiện liên quan đến việc tiêm các loại vaccine này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Lớp học nấu ăn “NGĂN NGỪA LÃO HOÁ”