Bản tin thị trường – ngày 18/12/2020

449
Tiêu điểm:
Thiếu hụt container đẩy giá gạo Việt lên đỉnh cao trong 9 năm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần tăng lên mức cao nhất trong 9 năm qua do thiếu container rỗng khiến cước phí tàu biển tăng cao. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam RI-VNBKN5-P1 tăng lên mức 500 USD/ tấn, tăng 10-30 USD so với tuần trước. Cột mốc 500 USD là mức cao kỷ lục của gạo Việt Nam kể từ tháng 12/2011.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan RI-THBKN5-P1 cũng tăng lên mức 500-519 USD/tấn so với mức 485-516 USD vào tuần trước do nguồn cung hạn chế và thiếu container. Đây là mức cao nhất của gạo Thái trong bốn tháng qua.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương gia buôn gạo ở tỉnh An Giang: “Tình trạng thiếu hụt container gây khó khăn các nhà xuất khẩu trong việc giao hàng cho khách”. Thương gia này nói cước tàu biển container 20 feet từ Việt Nam đến châu Phi đã tăng lên 5.000 USD từ mức 1.500 USD vào tháng 10 vừa rồi.
Giá cao khiến Việt Nam khó có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,7 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà xuất khẩu gạo ở Bangkok không thể xuất khẩu nguồn cung gạo hiện tại do tình trạng thiếu hụt container. Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 10 tháng đầu năm nay chỉ đạt 4,49 triệu tấn, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA).
Gạo đồ basmati 5% tấm của Ấn Độ RI-INBKN5-P1 cũng tăng lên mức 380-385 USD/tấn so với mức 378-383 USD/tấn tuần trước nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ và đồng rupee tăng giá lên mức cao nhất trong gần 2 tháng so với đồng đô la Mỹ. [Gạo đồ basmati là sản phẩm sơ chế từ lúa được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô. Sau đó, lúa mới qua các công đoạn xay, xát và đánh bóng.]
“Khách hàng truyền thống của gạo Thái Lan đang chuyển sang mua gạo của Ấn Độ có giá bán thấp hơn. Cảng Kakinada đang bị tắc nghẽn vì hàng chục tàu hàng đang neo đậu, chờ nhận gạo”, theo một nhà buôn gạo ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn Độ.
Đầu tháng 12 này, Trung Quốc lần đầu tiên mua gạo Ấn Độ trong ít nhất ba thập kỷ qua do nguồn cung từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam bị hạn chế. Kế đến, Ấn Độ chào bán với mức giá cạnh tranh hơn: thấp hơn gạo cùng loại của ba nước trên khoảng 30 USD mỗi tấn. 
Các quan chức Ấn Độ cho biết các nhà xuất khẩu nước ngày đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc 100.000 tấn gạo tấm với giá chỉ 300 USD/tấn – giá FOB.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bắc Kinh mua khoảng 4 triệu tấn gạo mỗi năm nhưng tránh mua gạo từ Ấn Độ vì chất lượng thấp. “Lần đầu tiên Trung Quốc mua gạo Ấn Độ. Họ có thể tăng mua vào năm sau sau khi xác thực chất lượng gạo Ấn Độ”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, dự báo.
Là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và nhà cung cấp gạo chính cho Trung Quốc, Thái Lan đang thiếu hụt sản lượng do nạn hạn hán trầm trọng trong năm nay. Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2020 có thể rơi về mức thấp nhất trong 20 năm qua.
“Thái Lan, Myanmar và Việt Nam đang gặp khó vì nguồn cung hạn chế. Trung Quốc rốt cục không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua gạo Ấn Độ. Tôi không biết điều này sẽ này kéo dài bao lâu nhưng ít nhất nó đã khởi động”, Giám đốc Himanshu Agarwal của hãng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ Satyam Balajee nói với Reuters.
Nhà phân tích Yin Xiuying ở trang thông tin lương thực chinagrain.cn, nói: “Trung Quốc mua gạo từ Ấn Độ, Mỹ hay bất cứ nước nào nhằm tăng sự đa dạng về hương vị cho thị trường trong nước. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu khẩu gạo hay tiếp tục mua thêm gạo từ Ấn Độ”.
1/ Giá vàng SJC tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng ở hai chiều mua vào bán ra và chạm ngưỡng 55,05 – 55,55 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.882,7 USD/ounce, tăng 17,6 USD, tương đương 0,94% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ khi đồng USD giảm xuống thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết sẽ tiếp tục bơm tiền mặt vào thị trường tài chính cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi.
2/ Grab Food và NOW vẫn là hai đối thủ chính trên thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 12/2020. Nhưng Baemin và các ứng dụng khác tăng trưởng mạnh và thu hẹp khoảng cách với ứng dụng hàng đầu.
Theo báo cáo của Qandme vừa công bố, GrabFood và Now vẫn là nền tảng phổ biến nhất với người dùng với tỷ lệ sử dụng 73%. Tuy nhiên GrabFood nhỉnh hơn một chút ở lượng người sử dụng app nhiều nhất. Cụ thể, 37% người dùng cho biết GrabFood là nền tảng họ sử dụng nhiều nhất, còn tỉ lệ này ở Now là 34%.
Baemin và GoFood của Gojek đứng thứ ba về sự phổ biến với người dùng với cùng tỷ lệ 46%. Loship đứng kế tiếp với 14%.

3/ Chính phủ đồng ý phương án hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện đợt 2 theo đề xuất của Bộ Công Thương. Nhưng sẽ không hỗ trợ giảm tiền điện đối với các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thu phí cách ly y tế tập trung. Theo tính toán của Bộ, tổng số tiền hỗ trợ giảm cho các khách hàng dùng điện gần 11.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được giảm khoảng 6.100 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt 2.900 tỷ; các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.800 tỷ đồng và 100 tỷ đồng cho các cơ sở phục vụ chống Covid-19.
4/ Kết quả cuộc điều tra do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy: Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng lao động trẻ em như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội.
5/ Theo Tổng cục Hải quan, số lượng xe hơi nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu trong tháng 11 đạt 12.237 chiếc, giảm 10,4% (tương ứng giảm 1.416 chiếc) so với lượng nhập khẩu trong tháng trước. Giá trị nhập khẩu đạt 273 triệu USD. Trong tháng 11, xe hơi nguyên chi​ếc các loại được đăng ký làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 5.927 chiếc, Indonesia với 3.823 chiếc và Trung Quốc với 1.204 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường trên chiếm tới 90% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng. Theo cơ quan hải quan, trong tháng 11 các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 427 triệu USD linh kiện và phụ tùng ôtô các loại, con số này của tháng trước là 395 triệu USD.
6/ Coca Cola hiện đang tiến hành cắt giảm 2.200 việc làm trên toàn thế giới, trong đó có 1.200 việc làm ở Mỹ, trong bối cảnh nhà sản xuất nước ngọt này đang phải đẩy mạnh nỗ lực tái cơ cấu do nhiều địa điểm bán mặt hàng Coca Cola như rạp chiếu phim, quán bar và sân vận động đang phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Vào tháng 8 vừa qua, Coca Cola đã đưa ra gói hỗ trợ tự nguyện nghỉ việc đối với gần 40% lực lượng lao động ở Bắc Mỹ. Ngoài việc khuyến khích người lao động tự nguyện nghỉ việc, Coca Cola cũng đang cho tiến hành các đợt cắt giảm bắt buộc. Giống như các nhà sản xuất đồ uống có đường khác, Coca Cola đang điều hướng thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng bằng các sản phẩm nước lọc có hương vị. Tuy nhiên, việc các địa điểm công cộng đóng cửa trong suốt thời gian dài đã làm ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán hàng của hãng.
7/ Hãng xe Mercedes-Benz của Đức đã thông báo quyết định ngừng sản xuất các mẫu xe hơi hạng sang tại Brazil trong bối cảnh tình hình kinh doanh phân khúc xe cao cấp tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Mercedes-Benz sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất hơi phân khúc cao cấp tại thành phố Iracemápolis, bang Sao Paulo, được khánh thành vào năm 2016 với số vốn đầu tư gần 200 triệu USD, và là cơ sở duy nhất sản xuất các dòng xe cao cấp của Mercedes-Benz, bao gồm C-Class và GLA-Class, tại Brazil. Tuy nhiên, thì hãng vẫn sẽ tiếp tục duy trì các những nhà máy sản xuất xe tải và xe buýt của hãng này tại Brazil, đồng thời đưa các giải pháp hỗ trợ cho hơn 370 công nhân tại nhà máy Iracemápolis, bao gồm chương trình trợ cấp thôi việc tự nguyện và kế hoạch thuyên chuyển sang các cơ sở sản xuất khác.
Mercedes-Benz sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất hơi phân khúc cao cấp tại thành phố Iracemápolis, bang Sao Paulo – Ảnh: GTSpirit
8/ Vụ kiện kéo dài 10 năm việc Apple vi phạm bản quyền sáng chế của hãng VirnetX cho tính năng “VPN on Demand” trên iOS đã kết thúc. Một tòa án ở bang Texas đã ra phán quyết Apple phải trả khoản tiền phạt 502,8 triệu USD cho nguyên đơn. Tuy nhiên, số tiền phạt mà Apple phải trả có thể còn lớn gấp đôi con số này, lên đến 1 tỷ USD, nếu tòa án ở Texas yêu cầu nhà sản xuất iPhone phải trả thêm cả tiền lãi và tiền bản quyền cho những khoản tiền phạt trong hai vụ kiện khác nhau. VirnetX đã theo đuổi cuộc chiến pháp lý với Apple trong 10 năm qua với cáo buộc nhà sản xuất iPhone vi phạm bản quyền sáng chế với tính năng FaceTime và “VPN on Demand”. Và Apple đã thua cả hai.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020 của VCCI & Fulbright