Bản tin thị trường – ngày 21/8/2020

132
Tiêu điểm:
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất hai kịch bản ứng phó đại dịch Covid-19
Hôm nay, Sở Du lịch TP.HCM gửi văn bản đề xuất với UBND TP.HCM hai kịch bản giúp doanh nghiệp trong ngành ứng phó với dịch bệnh hiện nay.
TP.HCM đã hỗ trợ bước đầu hơn 20 đơn vị lữ hành và 436 hướng dẫn viên du lịch được giảm 50% phí và lệ phí. 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá điện tính từ kỳ hóa đơn gần nhất là ngày 16/4 đến nay. Nhưng hiện còn 7/50 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú gặp khó khăn trong việc vay nợ ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các hãng vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ.
Vì thế, Sở Du lịch đề nghị hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất là dịch bệnh được khống chế vào tháng 9/2020: Sở Du lịch đề xuất tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các hãng lữ hành, khách sạn… để có những sản phẩm mới, hấp dẫn, an toàn và cạnh tranh.
Trong đó, nghiên cứu thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn TP.HCM bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá hình ảnh ra thế giới.
Sở Du lịch đề xuất UBND kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho cáchãnh kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT (từ 6 đến 12 tháng); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT trong năm 2020; giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet…
Sở cũng đề xuất UBND kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành giúp các DN tiếp tục duy trì hoạt động.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 12/2020: Bên cạnh các nhóm giải pháp kể trên, Sở Du lịch kiến nghị nên tập trung các nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Đồng thời, UBND có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường và xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
1/ Sáng nay, giá vàng miếng SJC đang ở ngưỡng 55,55 – 56,95 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 1,4 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng giao ngay trên Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.945,4 USD/ounce, tăng 17,5 USD, tương đương 0,91% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Mùa vải thiều 2020 ở Bắc Giang đã kết thúc. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Bắc Giang, năm 2020, tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.830 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,3% so với năm 2019. Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông… Trong đó, thị trường Trung Quốc ước đạt 77.300 tấn, chiếm 98,8 %; các thị trường còn lại ước đạt 900 tấn, chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu.
3/ Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu điều số lượng đạt trên 23.000 tấn nhân, kim ngạch đạt 1,53 tỷ USD. Giá bình quân mỗi tấn đạt 6.606 USD.
4/ Nhập khẩu xe hơi nửa đầu tháng 8 bất ngờ tăng mạnh trở lại với sản lượng gần bằng cả tháng 7 trước đó. Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, 15 ngày đầu tháng 8 cả nước nhập khẩu 4.078 xe hơi nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 96,6 triệu USD. Trong đó, xe hơi dưới 9 chỗ ngồi là 2.451 xe, tổng kim ngạch hơn 53 triệu USD. Đáng chú ý, sản lượng nhập khẩu trong nửa đầu tháng 8 gần bằng sản lượng cả tháng 7 trước đó (4.760 xe) và xấp xỉ với sản lượng cùng kỳ 2019 (kỳ 1 tháng 8/2019 đạt 4246 xe).
5/ Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, giá cổ phiếu của các công ty thiết bị y tế trên thế giới tăng vọt, nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào cổ phiếu ngành vaccine. Tại thời điểm đầu năm, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu của Medtecs International Corp. – nhà sản xuất quần áo y tế có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan) – được giao dịch với giá chưa đến 1 SGD. Tuy nhiên, giờ đây giá trị của chúng đã tăng gần 5.000%. Cổ phiếu nhà sản xuất găng tay dùng một lần của Singapore UG Healthcare Corp cũng đã tăng 1.827%. Trong khi đó, cổ phiếu công ty găng tay Top Glove Corp (của Malaysia) cũng tăng 477% giá trị.
6/ Qantas Airways cho biết doanh thu của hãng này đã giảm 82% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này dẫn tới việc Qantas Airways phải công bố mức thua lỗ lên tới 2,7 tỷ AUD (1,9 tỷ USD) trong năm tài chính 2019-2020. Giám đốc điều hành của Qantas Airways Alan Joyce cho biết đại dịch Covid-19 đã “lấy đi” 4 tỷ AUD doanh thu và 1,2 tỷ AUD lợi nhuận cơ bản của hãng. Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm 10 tỷ USD chi phí hoạt động, Qantas buộc phải cắt giảm 6.000 lao động và cho dừng hoạt động đối với 100 chiếc máy bay trong khoảng thời gian lên tới một năm.
7/ Singapore Airlines ‘đốt’ 3,2 tỷ USD trong hai tháng, từ giữa tháng 6 đến nửa tháng 8, Singapore Airlines huy động được 8,8 tỷ SGD (6,4 tỷ USD) nhờ bán cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, hãng đã dùng đến một nửa số tiền trên, khoảng 3,2 tỷ USD, vì Covid-19. Hãng cho biết đã tiêu khoảng 800 triệu USD cho chi phí hoạt động, bảo hiểm rủi ro nhiên liệu và tiền hoàn vé cho các chuyến bay bị hủy vì Covid-19. Hơn 650 triệu USD được dùng để trả nợ và gần 150 triệu USD chi mua máy bay. Nửa đầu năm, hãng báo lỗ 1,85 tỷ SGD (khoảng 1,35 tỷ USD).
8/ SpaceX – công ty đang được dẫn dắt bởi Elon Musk gần đây đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong lịch sử đã đưa phi hành gia lên quỹ đạo Trái Đất. Thành công này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của công ty. Mới đây, SpaceX kết thúc vòng huy động vốn trị giá 1,9 tỷ USD – một trong những vòng huy động vốn lớn nhất đối với bất kỳ công ty tư nhân nào. Điều đó giúp SpaceX được định giá lên tới 46 tỷ USD. SpaceX hiện xếp thứ 3 trong danh sách những “kỳ lân” (gồm các startup có giá trị trên 1 tỷ USD) lớn nhất thế giới. Hiện chỉ có 2 startup được định giá hơn SpaceX là ứng dụng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc và công ty mẹ TikTok.
Elon Musk – CEO của Tesla Inc. và SpaceX
9/ Tỷ trọng của đồng USD trong các hoạt động thương mại giữa Nga-Trung đã giảm xuống dưới ngưỡng 50% lần đầu tiên trong lịch sử. Trong những năm gần đây, Moscow và Bắc Kinh đã loại trừ đồng USD ra khỏi thương mại song phương một cách có hệ thống. Từ năm 2014, hai bên đã ký kết một thỏa thuận hoán đổi 3 năm trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24,5 tỷ USD), mở ra khả năng tiếp cận lẫn nhau đối với các đồng tiền quốc gia mà không cần mua trên thị trường mở. Trong năm 2015, gần 90% giao dịch giữa hai nước được thực hiện bằng USD, song đến năm 2019, tỷ lệ này còn 51%. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga đã chuyển đổi tất cả các hợp đồng xuất khẩu sang đồng euro.
10/ Nợ công của Anh lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 tỷ bảng Anh (2.650 tỷ USD) trong tháng 7/2020 giữa lúc chính phủ nước này tăng cường chi tiêu công để đối phó với dịch COVID-19 và nguồn thu thuế giảm. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho hay nợ ròng, không tính nợ của ngân hàng công, đã tăng lên 2.004 tỷ bảng Anh (2.660 tỷ USD), tăng khoảng gần 230 tỷ bảng so với tháng 7/2019 và tương đương với 100,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh, mức cao nhất kể từ năm 1961.
Ricky Hồ-Lê Hiếu/BSA (tổng hợp)