Bản tin thị trường – ngày 21/9/2020

713
Nông dân cấy mạ tại Việt Nam - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
EVFTA nhân niềm vui “trúng mùa được giá”
Khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống, thì giá lúa và tôm nguyên liệu ở miền Tây Nam Bộ cũng tăng trở lại. Và đây có lẽ là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong khủng hoảng dịch bệnh khi vượt qua được quy luật cay đắng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong một thời gian dài.
Tại Cà Mau và Bạc Liêu, giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú tăng trên dưới 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Ở huyện U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, nhiều hộ dân đang ráo riết thu hoạch tôm nuôi theo mô hình quảng canh để chuẩn bị đất trồng lúa do nước mặn đã giảm. Giá tôm sú loại 30 con/kg đạt mức 150.000 – 155.000 đồng/kg thì nông dân đã có lời. 
Đầu tháng 9, giá lúa trong nước cũng tăng mạnh. Tại một số địa phương như An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang…, lúa IR 50404 có giá 5.850-6.100 đồng/kg, lúa Jasmine 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 giá 6.100-6.300 đồng/kg… – tăng 500 đồng/kg so với tháng trước và gần 1.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta, nông dân thu lợi nhuận 20-25 triệu đồng.
Các chuyên gia dự báo là giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng, nhất là ở các nước nghèo bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh được cắt giảm thuế như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Một tháng sau khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ 1/8, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tốt tại thị trường EU, tôm nước lợ của Ninh Thuận, cà phê, chanh leo (chanh dây) tại Gia Lai, gạo tại Cần Thơ… Các mặt hàng nông sản có công lớn giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong tháng 8 đạt 3,78 tỷ, tăng 600 triệu USD so với tháng 7. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU trong 8 tháng đầu năm đạt 25,92 tỷ USD.
Niềm vui “trúng mùa được giá” sẽ tiếp tục được lan rộng khắp thị trường xuất khẩu nông sản và kéo dài trong thời gian dài hay ngắn vẫn còn là bài toán có ẩn số chưa giải được. Nhưng từ giờ đến cuối năm, niềm vui nho nhỏ khi lúa tăng giá từ 500 đồng/kg, tôm sú tăng thêm 20.000 đồng/kg… sẽ làm bớt những vết nhăn lo toan của nông dân đồng bằng đang bị hạn mặn.
1/ Giá cà phê hôm nay 21/9: Cao nhất 32.500 đồng/kg, chờ lực tăng mới từ EVFTA, dao động trong khoảng 31.800 – 32.500 đồng, hiện đang đi ngang so với hôm qua. Tuy nhiên, có biến động nhẹ tại một số địa phương. Mặc dù giá cà phê sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang chờ lực đẩy từ Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EVFTA). Đặc biệt, việc Việt Nam đã chính thức xuất khẩu cà phê sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. gồm, toàn bộ các sản phẩm bao gồm cà phê chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. EU cũng cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.
Một vườn cà phê tại Việt Nam – Ảnh: Nikkei
2/ Theo TBKTSG, tại một hội nghị cuối tuần rồi ở Cần Thơ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Tường Lan nói rằng “đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam”. Bà Lan nói VASEP đã yêu cầu Cục Chể biến và Phát triển thị trường nông sản và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho loài cá xuất khẩu bạc tỷ này. “Nếu không có sự đổi mới, chúng ta bằng lòng với sản phẩm (cá tra) hiện tai, thì xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường, nhưng chúng ta sẽ không thể tăng trường được mặt hàng này”, bà Tô Tường Lan nhấn mạnh.
Việt Nam đã xuất khẩu cá tra trong khoảng 20 năm qua, nhưng thương hiệu cho loài cá này vẫn chưa có. Dẫn chứng câu chuyện cá Alaska Pollock (dạng cá thịt trắng như cá tra Việt Nam) được xây dựng thương hiệu là sản phẩm từ thiên nhiên, cá thịt trắng tốt nhất trên thế giới, bà Lan nêu vấn đề: “Liệu chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu để tạo được sự khác biệt đối với sản phẩm này (cá tra) hay không?” và “Đối với thị trường Việt Nam, có thể xây dựng cá tra với chất lượng tuyệt hảo hay không?”.
3/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,1 – 56,55 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được thu hẹp xuống ngưỡng 400.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1952,7 USD/ounce, tăng 3,8 USD, tương đương 0,19% giá trị so với chốt phiên trước.
4/ Theo hãng tin Bloomberg, Pegatron đang tìm kiếm địa bàn để xây nhà máy mới hoàn toàn tại miền Bắc. Hiện tại, họ đã thuê một nhà máy riêng tại Hải Phòng và sẽ sản xuất bút cảm ứng cho smartphone của Samsung tại đây. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài gần 2 năm đã làm lung lay vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu có tuổi đời hàng thập kỷ và buộc các công ty tìm kiếm địa bàn thay thế.
5/ Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà máy điện gió số 3 (48 MW) tại tỉnh Trà Vinh với REE Corporation. Các định hướng phát triển kinh doanh của REE Corporation đều là những ngành kinh doanh thiết yếu của đời sống và là những ngành ưu tiên tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đặc biệt là các ngành cho thuê văn phòng, điện, nước và các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: nhandan
6/ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2020, cả nước có trên 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng hơn 135 triệu chiếc. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 846 triệu chiếc khẩu trang y tế. Trong đó, tháng 6 có số lượng nhiều nhất hơn 236 triệu chiếc. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang này là hướng dịch chuyển kịp thời của nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Dệt may Thành Công (TCM), May Sông Hồng… trước bối cảnh đơn hàng truyền thống sụt giảm. Nhờ vậy mà doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này đã tăng mạnh, duy trì tốt giữa mùa dịch và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
7/ Đến ngày 19/8/2020, đã có 787.562 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,3% doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc.
8/ Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa có thông báo bổ sung về mức giá bán cổ phiếu quỹ, theo đó Công ty cho biết sẽ bán cổ phiếu quỹ từ 35.000-85.000 đồng/cp. Trước đó, Yeah1 cho biết sẽ bán hết hơn 1,77 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển. Đây là lượng cổ phiếu quỹ Yeah1 mua vào năm 2019 để hỗ trợ giá sau sự cố Youtube ngừng hợp tác. Với mức giá bình quân mua khoảng 79.748 đồng/cp, Công ty đã chi ra 142 tỷ đồng cho hoạt động mua lại cổ phiếu. Như vậy, với mức giá vừa được đưa ra, ước tính Yeah1 ước tính thu về từ 62 tỷ đến 150 tỷ đồng từ bán cổ phiếu quỹ.
9/ Nga đã thương thảo với nhiều nước và đã nhận được đề nghị cung ứng 1,2 tliều vaccine Sputnik-V vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Nga đã đạt nhiều thỏa thuận sơ bộ về bán vaccine ngừa Covid-19 với hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông, một bước đi có thể mang lại cho Moskva ưu thế chính trị và kinh tế đáng nể trên trường quốc tế. Trong số này, Brazil, Mexico, Saudi Arabia, Ấn Độ là những khách hàng nổi bật của Nga. Ngoài ra, Moskva cũng đang đàm phán với nhiều nước khác về hợp đồng cung ứng vaccine.
10/ Trung Quốc đã đưa ra một cơ chế cho phép họ trừng phạt các công ty nước ngoài nhằm nâng cao vị thế trong cuộc chiến tranh công nghệ với Mỹ. Động thái này được Trung Quốc đưa ra một ngày sau khi chính quyền Washington chuyển sang hạn chế các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là Tik Tok và WeChat. Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào có thể bị nhắm mục tiêu. Nhưng bản thông báo mới lại cho biết hệ thống mới sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể có hoạt động “gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc” hoặc vi phạm “các quy tắc kinh tế và thương mại được quốc tế chấp nhận”. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm phạt tiền, cấm các tổ chức này tiến hành thương mại và đầu tư ở Trung Quốc và hạn chế việc nhập cảnh của nhân viên hoặc thiết bị vào Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết – Ảnh: Nikkei
11/ Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch Australia hiện đã có thể đăng ký với Hội đồng Xuất khẩu Du lịch Australia (ATEC) để được cấp phép đóng dấu chính thức “An toàn Du lịch” như một “bảo chứng” quốc tế xác nhận về hệ thống vận hành và điểm đến an toàn cho du khách, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát. Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ATEC mới đây nhất đã được Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho phép sử dụng loại tem “Du lịch An toàn”, một nhãn hiệu chính thức xác nhận về sự kiểm định an toàn đối với sức khỏe cho người tiêu dùng toàn cầu, để cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước.
12/ Hai gã công nghệ khổng lồ Alibaba và Tecent đang xâm nhập vào mảng dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, đe dọa ‘chén cơm’ của các gara nhỏ lẻ. Hai hãng này cung cấp cho khách hàng một sự lựa chọn mới: một mạng lưới gara cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng trên smartphone (điện thoại thông minh).
Tổng lượng xe cá nhân của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua lên 260 triệu chiếc, gần bằng với 280 triệu chiếc hiện nay ở Mỹ. Tuổi xe trung bình ở Trung Quốc giờ đây tiến gần mốc 6 năm, thời điểm mà xe bắt đầu cần được bảo dưỡng lớn, giúp nhu cầu thay dầu, thay lốp cũng như các dịch vụ bảo dưỡng khác tăng mạnh.
Miếng bánh của thị trường hậu mãi ô tô của Trung Quốc, bao gồm phụ tùng, bảo hiểm, xe cũ, phụ kiện…sẽ đạt 524 tỷ USD vào năm 2025, theo dự báo hãng tư vấn Frost & Sullivan.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thế giới – ngày 21/09/2020