Bản tin thị trường – ngày 22/1/2021

432
Các công ty Fintech đáng chú ý tại Việt Nam
Tiêu điểm:
Tài chính phi tập trung vẫn chờ khung chính sách
Đa số doanh nghiệp tài chính phi tập trung (decentralised finance) đều tin rằng khung pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực này hướng đi bắt buộc và phù hợp, nhưng thời gian chờ đợi ban hành vẫn còn là một dấu hỏi.
Các công ty fintech cho rằng sớm nhất khung pháp lý đầy đủ cho công nghệ fintech sẽ ban hành trong năm 2022. Thị trường fintech vì thế sẽ sôi động hơn.  
Việc hình thành khung pháp lý bao giờ cũng có độ trễ so với mô hình mới. Đơn cử, eKYC là phương thức định danh khách hàng trực tuyến mà không cần gặp mặt trực tiếp rất cần cho các giao dịch thanh toán số phổ biến trong năm 2020. Nhưng cuối năm mới có khung pháp lý bổ sung cho phương thức này, theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance Việt Nam.
Nhưng câu chuyện của các doanh nghiệp tài chính phi tập trung trong năm mới vẫn là chờ đợi khung pháp lý lĩnh vực này được ban hành. Đây là thách thức lớn nhất cho các startup trong ngành, kéo theo đó là độ hấp dẫn của họ với các nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại sẽ theo chân các startup nước ngoài nhảy vào giành chỗ cho mình.
Số lượng các công ty trong lĩnh vực fintech tăng mạnh từ con số 44 công ty trong năm 2017 lên con số 123 hiện nay, riêng startup fintech chiếm 30% trong tổng số này. Tuy phát triển nhanh nhưng lĩnh vực này vẫn còn thiếu bóng dáng thị trường giao thương giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B), theo bà Angela Di Rosa, nhà tư vấn cấp cao khu vực Đông Nam Á của East Asia Switzerland Global Enterprise.
Các startup còn tồn tại trên thị trường sau vài năm thử thách chỉ tập trung phát triển các phương tiện thanh toán số và bảo hiểm. Những startup trong lĩnh vực tài chính phi tập trung phát triển dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending), blockchain và thiết bị bán hàng đang dần rời khỏi thị trường.
Khoảng trống lớn trong phân khúc B2B sẽ là miếng bánh hấp dẫn cho các startup ngành fintech ngoại nhảy vào. Các startup công nghệ ngoại có mô hình giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính nhanh chóng số hóa, tự động hóa và giảm chi phí sẽ ồ ạt đổ bộ thị trường Việt Nam nếu startup Việt không chứng tỏ nội lực trong lĩnh vực này. Ông Christian Koenig, nhà sáng lập của Fintech News Networks, dự báo năm 2021 sẽ có nhiều startup ngoại kéo theo nhà đầu tư ngoại vào thị trường fintech Việt Nam.
Trong năm 2021, bà Lynn Hoàng cho rằng nhà đầu tư đã có đủ dữ liệu để nhận ra Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng để phát triển fintech bởi cơ cấu dân số đông, trẻ và thị trường còn rất nhiều ngách để khai thác, trong đó có tài chính phi tập trung. Do đó một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm là việc cần làm nhanh để phù hợp với thực trạng và sự phát triển của thị trường. Song Nhà nước phải đưa ra những quy định, hàng rào thật rõ ràng nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch áp dụng thí điểm tạo cơ chế cho các quy định (sandblox) cho phép các công ty fintech cung cấp một số dịch vụ ngân hàng từ năm 2021. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể bị trì hoãn đến năm sau.
Ông Cris D. Trần, Tổng Giám đốc Infinity Blockchain Venture (IBV) cho rằng chính phủ nên tham khảo các mô hình của Malaysia để đưa ra các bộ khung pháp lý cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Theo đó, các sàn này phải được hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng trong thời gian thử nghiệm cơ chế sandbox. Từ thực nghiệm này, chính phủ có thể đưa ra các khung quản lý về thủ tục đầu tư và chế tài đầu tư xung quanh các sản phẩm công nghệ.
IBV hiện đặt đặt trụ sở nghiên cứu của mình tại Việt Nam và có những sản phẩm made-in Việt Nam. Nhưng ông Cris Trần nói công ty vẫn vận hành hoạt động sàn dịch tiền mã hóa và tư vấn các sản phẩm tài sản số của mình ở Malaysia, Thái Lan và Singapore. “Bởi Việt Nam chưa có quy định hoàn thiện trong lĩnh vực này”, ông cho biết.
Mỹ Huyền
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,95- 56,50 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.864,1 USD/ounce, giảm 7,9 USD, tương đương 0,42% so với chốt phiên trước. Hiện các nhà đầu tư đang đổ dồn chú ý vào gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế phục hồi của Tổng thống Biden.
2/ VinFast công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, khẳng định tầm nhìn là hãng xe điện thông minh toàn cầu. Với định hướng chiến lược là trở thành thương hiệu xe công nghệ cao toàn cầu, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, VinFast đã nghiên cứu và phát triển thành công ba dòng xe thông minh đầu tiên là VF31, VF32, VF33. Việc ra mắt các dòng xe điện công nghệ cao, bao gồm cả xe máy điện, xe buýt điện và xe điện cá nhân nằm trong lộ trình định sẵn của VinFast ngay từ khi gia nhâp thị trường xe hơi 3 năm trước. Dự kiến xe VF31 phiên bản tiêu chuẩn sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 5/2021, bàn giao xe từ tháng 11/2021. Xe VF32 và VF33 sẽ nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 9/2021, bàn giao xe từ tháng 2/2022.
Vừa qua, VinFast đã công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh
3/ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu máy bay đến hết 2021. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 được giảm 900 đồng, xuống còn 2.100 đồng mỗi lít. Sau thời gian này, mức thuế trở lại là 3.000 đồng mỗi lít. Theo tờ trình của Chính phủ trước đó, mức giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không. Nhờ vậy, phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp này duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, phục hồi sau khủng hoảng do Covid-19. Năm 2020 đã được xem là một năm khốn khó với ngành hàng không.
4/ Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
5/ Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc hôm nay đã thông báo rằng nước này đã chính thức áp đặt mức thuế 513% đối với gạo nhập khẩu vượt hạn ngạch. Riêng số lượng dưới hạn ngạch 408.700 tấn chỉ bị áp thuế 5%. Biện pháp này nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Hàn Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995 và được trì hoãn quá trình tự do hóa thị trường gạo trong 20 năm.
6/ Theo số liệu mà Bloomberg thu thập được từ hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 12, Trung Quốc mới chỉ mua được 58,1% trong tổng số 172 tỷ USD hàng hóa Mỹ mà nước này đã cam kết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Washington. Trong đó, Trung Quốc đã thực hiện mua được 60,4% cam kết đối với mặt hàng sản xuất và 64,4% đối với hàng nông sản. Tuy nhiên, đối với mặt hàng năng lượng, nước này chỉ nhập khẩu được 39% so với cam kết. Trung Quốc đã không đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận thương mại năm 2020 với Mỹ do bị gián đoạn vì đại dịch và căng thẳng gia tăng với chính quyền Trump. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký vào tháng 1 năm ngoái, Trung Quốc đã hứa mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mức năm 2017 cho đến cuối năm 2021.
7/ Nissan, một trong những tập đoàn xe hơi của Nhật Bản, vừa thông báo chính thức ngừng hoạt động lắp ráp xe hơi tại Philippines. Theo thông báo của tập đoàn này, việc đóng cửa nhà máy lắp ráp xe tại Philippines được xem là một trong những động thái nằm trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lợi nhuận của tập đoàn sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Từ năm 2019 đến nay, Nissan đã phải liên tục đóng cửa các nhà máy tại châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước đang phát triển, cũng như đã sa thải khoảng 42.500 nhân viên trên toàn cầu. Mặc dù đóng cửa nhà máy lắp ráp nhưng Nissan vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và phân phối xe hơi, cũng như cung cấp dịch vụ sau bán hàng tại Philippines. Theo đó, Nissan sẽ sử dụng mạng lưới sản xuất được đặt ở Thái Lan và Nhật Bản để cung cấp cho thị trường Philippines.
8/ United Airlines đã thua lỗ nặng trong năm 2020 vì tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc đi lại. Song hãng này vẫn rất kỳ vọng vào sự phục hồi một phần vào năm 2021. Theo báo cáo, mức thua lỗ của hãng trong năm 2020 là 7,1 tỷ USD, trong khi năm 2019, hãng đã thu lợi nhuận 3 tỷ USD. Doanh thu năm ngoái giảm 64,5%, đạt 15,4 tỷ USD. Riêng trong quý 4/2020, United Airlines đã thất thu 33 triệu USD/ngày, cao hơn mức 25 triệu USD/ngày hồi quý 2. Tất cả các hãng hàng không lớn của Mỹ đã phải chịu thiệt hại lớn trong năm 2020 và để giảm chi phí hoạt động, họ đã phải cắt giảm số lượng máy bay khai thác và giảm nhân viên. Các hãng cũng đã phải vay nợ hàng tỷ USD để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo báo cáo, mức thua lỗ của United Airlines trong năm 2020 là 7,1 tỷ USD, trong khi năm 2019, hãng đã thu lợi nhuận 3 tỷ USD – Ảnh: Studybreaks
9/ Theo số liệu của Cục Thống kê Hong Kong, chỉ số giá tiêu dùng tổng hợp (CPI) tháng 12/2020 của đặc khu hành chính Hong Kong giảm 0,7% (tính theo năm), tiếp nối đà giảm 0,2% của tháng 11/2020. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền trợ cấp giá điện tương đối cao trong tháng 12/2020. Loại trừ ảnh hưởng của các biện pháp cứu trợ mang tính một lần của chính quyền, tỷ lệ lạm phát cơ bản tháng 12/2020 của Hong Kong là 0%, thấp hơn mức tăng 0,3% trong tháng 11/2020. Nguyên nhân chính do chi phí ăn uống bên ngoài giảm mạnh và biên độ giảm của giá thuê nhà ở tư nhân tiếp tục nới rộng.
10/ Hôm nay, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (lạm phát cơ bản) của nước này trong tháng 12/2020 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này giảm và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010. Dù mức giảm trên vẫn thấp hơn so với con số 1,1% do các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó, nó vẫn cao hơn mức giảm 0,9% của tháng 11/2020. Việc chỉ số này liên tục giảm khiến không ít người lo ngại Nhật Bản có thể rơi trở lại vòng xoáy thiểu phát, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm lắng dịu tại nước này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 21/1/2021