Bản tin thị trường – ngày 22/9/2020

723
Một video tiếng Nhật trên TikTok - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
TikTok đẩy doanh nghiệp Nhật vào thế kẹt?
Các doanh nghiệp Nhật Bản chuộng ứng dụng chia sẻ video này làm công cụ marketing và tiếp cận giới trẻ bởi độ tương tác cao. Số lượt xem video trên TikTok ở Nhật Bản đã tăng 160% vào tháng 6 so với một năm trước đó, cùng với đó thời gian trung bình mà người dùng dành hàng ngày trên ứng dụng này đã tăng từ 42 phút lên 52 phút.
Thế nhưng, những lo ngại về bảo mật dữ liệu, cùng với việc Washington đe dọa sẽ ban hành lệnh cấm, đang làm tương lai của nền tảng này ngày càng trở nên mịt mù hơn. Công ty mẹ ByteDance gần đây đã đồng ý chuyển các hoạt động quốc tế của mình sang công ty con thành lập mới và do Oracle và Walmart đồng sở hữu một phần. Những lo lắng tương tự cũng đã xuất hiện ở Nhật Bản, và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã thảo luận về các hạn chế tương tự đối với các ứng dụng của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Nhật có những phản ứng khác nhau. Coca-Cola Japan đã ngừng sử dụng nền tảng này để tiếp thị và đã ngừng đăng nội dung vào tháng 7 sau khi công ty mẹ tại Mỹ tạm ngừng các hoạt động truyền thông xã hội. Ngược lại, Kao, một nhà sản xuất hàng gia dụng, cho biết vẫn sẽ tiếp tục sử dụng TikTok sau khi nhận được sự đảm bảo từ chi nhánh của ByteDance tại Nhật Bản rằng “không hề thu thập thông tin cá nhân của người dùng”.
TikTok được triển khai tại Nhật Bản vào năm 2017 bởi chi nhánh Nhật Bản của ByteDance, đặt văn phòng ở quận trung tâm Shinjuku ở Tokyo. Tổng giám đốc Yoichi Sato được bổ nhiệm vào tháng 1/2020 là một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghệ.
Chi nhánh tại Nhật Bản của ByteDance kiếm phần lớn thu nhập của mình từ quảng cáo, tuy nhiên họ lại không tiết lộ số liệu của doanh thu. Ngoài TikTok, họ còn vận hành nền tảng khám phá video BuzzVideo và Ulike, một ứng dụng chụp selfie dành cho các thiếu nữ.
Trong một video gần đây trên nền tảng này, Sato cho biết TikTok Nhật Bản hiện lưu trữ dữ liệu của người dùng trên các máy chủ ở Singapore và Hoa Kỳ, và ông cho biết lượng thông tin này được xử lý theo luật của các quốc gia này. Sato cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin nào từ chính phủ Trung Quốc. Nếu cả khi được yêu cầu thì chúng tôi cũng sẽ không bàn giao”.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,8 – 56,25 triệu đồng/lượng, giảm tới 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 450.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1914,3 USD/ounce, giảm tới 34,6 USD, tương đương 1,78% giá trị so với chốt phiên trước. Giá kim loại quý lao dốc trong bối cảnh các nhà đầu tư mua mạnh đồng USD khi rủi ro toàn cầu tăng cao, từ việc các biện pháp phong tỏa có thể được tái áp dụng tại châu Âu.
2/ Bộ Công Thương Việt Nam đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Quyết định điều tra được đưa ra hôm qua 21/9/2020 theo các quy định của Luật Quản lý ngoại thương. Việc khởi xướng điều tra là để đáp ứng các khiếu nại của nhiều cơ sở sản xuất mía đường trên cả nước.
Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN để thực hiện cam kết thuế qaun của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, lên đến gần 950.000 tấn, tăng hơn sáu lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chỉ riêng lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là gần 860.000 tấn, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn.
3/ Tập đoàn Lộc Trời công bố sẽ xuất lô hàng 126 tấn gạo thơm sang châu Âu với thuế suất bằng không theo hiệp định EVFTA. Lô hàng gạo Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg sẽ được Lộc Trời đưa sang châu Âu vào cuối tháng 9.  
4/ Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg ngày 21/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định hai (02) loại hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2020. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan gồm: Thuốc lá điếu có chứa lá thuốc lá có nhãn hiệu 555, Esse không có xuất xứ Việt Nam; Rượu whisky có dung tích trên 50ml không có xuất xứ Việt Nam.
5/ Xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 7 và tháng 8 đã tăng trưởng trở lại sau sáu tháng đầu năm đình trệ vì dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 7 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng rất cao, tới 65% so với tháng 7/2019. Đây là một tín hiệu rất tích cực, bởi trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm 17,3% so với cùng kỳ. Theo VASEP, sang tháng 8, với tác động từ việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 6,3 triệu USD, tăng 11% so với tháng 7 và tăng tới 65% so với nửa đầu tháng 8/2019.
Quy trình xử lý cá ngừ – Ảnh: FPT CA
6/ Ruốc xuất hiện nhiều trên khu vực ven biển đã giúp cho ngư dân tỉnh Bạc Liêu có thu nhập khá và ổn định trong nhiều năm qua. Với lượng con ruốc xuất hiện nhiều gần đây, trung bình mỗi tàu khai thác được từ 200- 300 kg/ngày. Với giá con ruốc tươi từ 15.000- 20.000 đồng/kg, ruốc khô 75.000- 80.000 đồng/kg, mỗi tàu có thể kiếm được từ 5- 6 triệu đồng/ngày.  Điều phấn khởi hơn, mùa ruốc kéo dài nhiều tháng trong năm, giá cả ổn định, luôn hút hàng.
7/ Lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm giảm dần trong vòng 10 năm qua. Đây là tín hiệu về sự phát triển không bền vững của ngành này trong tương lai. Bình quân mỗi năm, xuất khẩu dăm đem lại trên dưới 1,5 tỷ USD, chiếm 15-18% trong tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Lượng dăm xuất khẩu hàng năm khoảng 12 triệu tấn, tương đương với 24 triệu m3 gỗ tròn nguyên liệu đầu vào.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 7 triệu tấn dăm, đạt hơn 923 triệu USD về trị giá, giảm nhẹ 1% về lượng và 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu dăm luôn có xu hướng giảm trong thập kỷ gần đây và thường dao động ở mức 120-140 USD/tấn. Trong khi đó, giá gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào tăng gấp đôi, từ khoảng 0,6 triệu đồng/m3 cách đây khoảng 10 năm tới mức giá hiện tại khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/m3.
8/ Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương, chiều tối ngày 21/9, Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ ập đến kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại Khu làng nghề La Phù, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội do ông Nguyễn Công Dũng làm chủ và tiến hành tạm giữ 2.556 thùng (tương đương 38.340 chai) sữa chua uống in chữ Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo ước tính, trị giá lô hàng này là khoảng hơn 760 triệu đồng.
9/ Ông Nghiêm Thanh Sơn-Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong quý 3 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 7 tháng qua, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu giao dịch, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng (tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).  Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475.900 tỷ đồng (tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng (tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
10/ Dầu thô của Nga có thể sẽ không còn được miễn thuế xuất khẩu sau khi Chính phủ Liên bang Nga đề xuất Quốc hội xem xét thông qua dự luật bãi bỏ miễn thuế xuất khẩu từ ngày 1/1/2021 đối với dầu thô khai thác tại 15 mỏ, cùng với dầu có độ nhớt cao. Các mỏ này được đề nghị chuyển sang chế độ thuế thu nhập bổ sung. Theo dự kiến, dự luật này sẽ đem lại nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhá nước lên tới 73,5 tỷ rúp (gần 1 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2023.
11/ Huawei thông báo sẽ cắt giảm 100 triệu AUD (71 triệu USD) đầu tư vào Australia và giảm khoảng 1.000 nhân viên địa phương, trong bối cảnh Canberra từ chối các nỗ lực đàm phán về việc gỡ bỏ lệnh cấm Huawei tham gia triển khai mạng di động 5G tại Australia. Tháng trước, Huawei đã tuyên bố chấm dứt chương trình tài trợ trị giá hàng triệu USD cho đội bóng bầu dục Canberra Raiders mùa giải 2020, với lý do “môi trường kinh doanh ảm đạm tác động lớn hơn dự báo ban đầu đối với nguồn thu của Huawei”. Lệnh cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại Australia được chính phủ nước này đưa ra vào tháng 8/2019, viện dẫn những nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Huawei cho ra mắt sản phẩm điện thoại 5G tại một triểm lãm công nghệ ở Úc – Ảnh: Lowy Institute
12/ Đài NBC News dẫn tin từ các tài liệu rò rỉ từ Mạng lưới Chống Tội phạm Tài chính (FinCen) của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Triều Tiên có thể đã rửa tiền qua các ngân hàng Mỹ nhiều năm qua nhằm né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế. Các tài liệu tiết lộ Triều Tiên đã chuyển bất hợp pháp ít nhất 174 triệu USD qua các ngân hàng lớn của Mỹ bằng cách sử dụng các công ty vỏ bọc và sự giúp đỡ từ các công ty Trung Quốc. Các giao dịch trên được thực hiện thông qua các ngân hàng Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase và Bank of New York Mellon từ năm 2008 đến năm 2017, giai đoạn Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Hiếu Lê – Ricky Hồ/BSA
Bản tin thế giới – ngày 22/9/2020