Bản tin thị trường – ngày 24/11/2020

506
Các số liệu tài chính của Thuận Thành Environment cho thấy hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao
Tiêu điểm:
Làm giàu nhờ giúp Samsung xử lý rác
Hai nhà máy lớn của tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp tỷ trọng lớn cho phát triển kinh tế địa phương. Ngược lại, các doanh nghiệp địa phương lại nhờ bệ phóng Samsung mà ăn nên làm ra. Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành Environment) ở tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xử lý rác thải công nghiệp ở phía Bắc dù mới tham gia lĩnh vực này từ năm 2009.
Các số liệu tài chính của Thuận Thành Environment cho thấy hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao cho Thuận Thành, có năm lên đến 30-40%. Cụ thể năm 2016, chỉ với 1.052 tỷ đồng doanh thu, Thuận Thành Environment thu về 406 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, doanh thu tăng lên hơn 1.200 tỷ nhưng lợi nhuận của công ty lại giảm xuống còn 379 tỷ đồng.
Trong hai năm 2018-2019, công ty ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu nhưng các chi phí trực tiếp (chủ yếu là giá vốn) tăng vọt dẫn đến lợi nhuận của năm 2018 và 2019 giảm đáng kể xuống còn 152 tỷ và 168 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận chỉ còn khoảng hơn 10%.
Lũy kế trong 4 năm gần nhất, Thuận Thành Environment đạt tổng cộng 1.104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do không phân phối lợi nhuận trong giai đoạn này nên đến cuối năm 2019, Thuận Thành Environment có vốn chủ sở hữu 1.304 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Các cổ đông của Thuận Thành Environment gồm có ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Hoa – vợ ông Đắc (5%) cùng ông Nguyễn Trọng Khánh (40%).
Bên cạnh Thuận Thành Environment, nhóm doanh nhân này cũng sở hữu một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, CTCP Đầu tư Công nghiệp và Thương mại dịch vụ Tân Yên… Các công ty này tiếp tục đầu tư nắm giữ cổ phần lớn của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Con trai của ông Đắc, ông Vũ Ngọc Tú – sinh năm 1989 – cũng nổi danh trên thương trường với một số thương vụ M&A trong lĩnh vực nước sạch, thủy điện thông qua CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings). Cá nhân ông Tú cũng góp 60% vốn thành lập CTCP Môi trường Hiệp Hòa.
VSD Holdings cùng ông Tú đang nắm giữ 13% cổ phần của Nhựa Đồng Nai (DNP) – doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nước sạch, nắm giữ cổ phần chi phối tại Thủy điện Nậm La; từng mua và hiện đã thoái vốn 24,4% cổ phần của Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) cũng như 11% cổ phần của Vinaconex Power (VCP)…
(Theo CafeF)
1/ Theo thông tin từ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá USD hôm nay 24/11 đã được điều chỉnh giảm ở cả chiều mua vào và bán ra. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020. Cụ thể, hôm nay Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá USD ở mức 23.125 – 23.813 VND/USD (mua vào – bán ra). Như vậy, với mức giá này, giá mua vào đã giảm 50 VND/USD và giá bán ra cũng giảm 11 VND/USD. 
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD hôm nay cũng biến động mạnh sau nhiều ngày ổn định. 
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,05 – 55,50 triệu đồng/lượng, giảm tới 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.823,8 USD/ounce, giảm tới 46,6 USD, tương đương 2,49% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng đã phá vỡ dưới mức quan trọng 1.850 USD, sau khi chỉ số PMI của Hoa Kỳ được công bố hôm 23/11 cho thấy hoạt động kinh doanh của nước này trong tháng 11 đã phục hồi với tốc độ nhanh nhất trong hơn 5 năm, làm tăng tinh thần lạc quan của nhà đầu tư.
3/ Nhật Bản tăng nhập khẩu chuối Việt Nam trong năm nay, với số lượng và giá trị tăng mạnh. Giá chuối Việt Nam nhập vào Nhật cũng ở mức cao so với các nguồn cung khác. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu chuối của Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 806.200 tấn, trị giá 762 triệu USD, tăng 3,1% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá trái chuối nhập khẩu bình quân đạt 945,3 USD/tấn. Việt Nam là thị trường cung cấp trái chuối lớn thứ 7 cho Nhật Bản. Trong 9 tháng đầu năm nay, Nhật Bản nhập khẩu chuối Việt Nam đạt 3.350 tấn, trị giá 4,3 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 100,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức cao, đạt 1.296,1 USD/tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu chuối của Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 806.200 tấn
4/ Trong 15 năm liền kể từ 2006, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến. Hiện tại, các sản phẩm điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới. Hơn thế nữa, các sản phẩm điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm trên dưới 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới. Trong đó, có 3 thị trường chính là Mỹ chiếm 30%, Trung Quốc chiếm 11%, EU và các nước khác chiếm 59% thị phần.  Tháng 10/2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang hầu hết các thị trường chính đều tăng so với tháng 9/2020, giảm duy nhất tới thị trường Ấn Độ.
5/ Bộ Công Thương mới nhận được thông báo của EEC cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có nguy cơ vượt định mức áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định VN-EAEU FTA. Cụ thể, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 9/2020 đã đạt 94,4% định mức quy định cho năm 2020. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt định mức, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFNa trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
6/ Elon Musk vừa ghi nhận một kỷ lục mới khi ông chính thức vượt qua Bill Gates trở thành người giàu thứ hai thế giới. Theo Bloomberg, tài sản của CEO Tesla đã tăng thêm 7,2 tỷ USD lên 127,9 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/11. Tính từ đầu năm, Musk bỏ túi tổng cộng 100,3 tỷ USD, tốc độ tăng tài sản mà không tỷ phú nào trong Bloomberg Billionaires Index có thể đuổi kịp. Kỷ lục tài sản của Musk đánh dấu lần thứ hai Bill Gates có xếp hạng thấp hơn vị trí thứ 2 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index suốt 8 năm qua. Người đồng sáng lập Microsoft từng giữ vị trí giàu nhất hành tinh trong nhiều năm trước khi bị Jeff Bezos, CEO của Amazon, qua mặt vào năm 2017.
7/ Số người thất nghiệp ở Indonesia đã tăng thêm 2,67 triệu người và đạt 9,77 triệu người, do đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các ngành kinh tế của Indonesia. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 24/11 cho biết, trong số 2,67 triệu lao động mất việc làm, có tới 2,36 triệu người bị sa thải và 0,31 triệu người không tìm được việc làm do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, số lượng lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 29,12 triệu người. Trong số này, có tới 2,56 triệu người thất nghiệp, 700.000 người không tham gia lực lượng lao động, 1,77 triệu người thất nghiệp tạm thời và 24 triệu người làm việc nhưng ít giờ hơn. Trong thời gian tới, chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, trong đó sẽ tăng cường thúc đẩy sản xuất để tạo thêm việc làm, mặt khác cố gắng kiềm chế làn sóng sa thải lao động bằng cách cung cấp các biện pháp kích thích kinh tế.
8/ Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa lượng gạo dự trữ của nước này ra thị trường để đối phó với tình trạng sản lượng gạo sụt giảm sau mùa mưa kéo dài trong năm nay cùng với những cơn bão lớn. Theo đó, chính phủ sẽ xuất kho tới 370.000 tấn gạo dự trữ, với số lượng chi tiết sẽ thay đổi tùy theo tình hình của thị trường. Sản lượng gạo của Hàn Quốc trong giai đoạn kể từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 11/2020 chỉ đạt 3,51 triệu tấn, thấp hơn 120.000 tấn so với mục tiêu hàng năm là 3,63 triệu tấn. Con số trên cũng đánh dấu sự sụt giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 1968 tới nay.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ xuất kho tới 370.000 tấn gạo dự trữ, với số lượng chi tiết sẽ thay đổi tùy theo tình hình của thị trường – Ảnh: Korea Bizwire
9/ Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 31,3 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 1-20/11, cao hơn so với mức 28,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước, trong khoảng thời gian này, nhập khẩu tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27,9 tỷ USD. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết, xuất khẩu hàng hóa của nước này trong 20 ngày đầu tiên tháng 11/2020 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại một chút hy vọng về sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Xuất khẩu đóng góp 50% nền kinh tế Hàn Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng tốc độ sụt giảm đã bớt dần kể từ tháng 6/2020 do các nền kinh tế lớn bắt đầu nối lại các hoạt động kinh doanh và dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.
10/ Huawei đã nộp tổng cộng 8.607 hồ sơ xin cấp bản quyền không dây, gấp rưỡi số hồ sơ của Qualcomm với 5.807 hồ sơ, và Oppo với 5.353 hồ sơ. Số liệu này mới đây được nhà cung cấp cơ sở dữ liệu incoPat công bố trong báo cáo mới nhất.
incoPat cũng cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ đứng đầu với mỗi nước chiếm 32% số đơn xin cấp bản quyền, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt xếp sau với với 15% và 7%. Danh sách các hồ sơ dựa trên dữ liệu bản quyền công khai trong lĩnh vực mạng viễn thông không dây, bao gồm cả công nghệ 5G.Bằng sáng chế trong những công nghệ mới nổi như 5G và AI sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định công ty và quốc gia nào nắm lợi thế trong nền kinh tế tương lai.
Ngoài đơn xin cấp phép bản quyền, Huawei còn dẫn đầu về những đóng góp liên quan tới 5G cho 3GPP, tổ chức quốc tế chuyên phát triển tiêu chuẩn viễn thông, đánh bại đối thủ Ericsson và Qualcomm. Năm nay, 3GPP phác thảo Release 16, giai đoạn tiếp theo của chuẩn 5G, bao trùm một loạt ứng dụng mới như xe tự lái, nhà máy thông minh, phẫu thuật từ xa.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 23/11/2020