Bản tin thị trường – ngày 24/9/2020

765
Korean Air của Hàn Quốc báo cáo lợi nhuận đạt 90 triệu USD - Ảnh: Nikkei
Tiêu điểm:
Bốn hãng hàng không “dũng cảm” trong mùa dịch
Trong 30 hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, chỉ có bốn hãng có lợi nhuận trong quý 2/2020, bất chấp dịch Covid-19 đánh cho ngành hàng không tan tác.
Tờ Wall Street Journal ghi nhận: Korean Air của Hàn Quốc báo cáo lợi nhuận đạt 90 triệu USD, đối thủ đồng hương Asiana Airlines kiếm được 19 triệu USD. Hai hãng khác của Đài Loan cũng đạt lợi nhuận ấn tượng trong mùa dịch: China Airlines lãi 92 triệu USD và Eva Air lãi 6 triệu USD.
Đầu tiên phải ghi nhận phản ứng nhanh nhạy của các hãng Hàn Quốc và Đài Loan khi nhanh chóng cải biến các dòng máy bay thương mại chở khách sang các máy bay vận chuyển hàng hóa. Các hãng này nhận các hợp đồng chuyên chở các lô hàng linh kiện điện tử có giá trị cao từ các nơi sản xuất ở Trung Quốc và Đông Nam Á đến châu Âu hay Bắc Mỹ. Trên hành trình ngược lại, máy bay chở các loại thực phẩm tươi sống và dược phẩm.
Các hãng này bước vào công cuộc kinh doanh mới khi không còn con đường nào khác: Lượng khách bay quốc tế giảm đến 90-99%, trong khi thị trường bay nội địa chiếm tỷ suất rất nhỏ trong tổng số chuyến bay và lợi nhuận mỗi năm. Các hãng hàng không đã tìm cách tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa: cất giữ hàng hóa trong cabin hành lý xách tay, buộc vào ghế ngồi hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các hàng ghế. Korean Air gần đây đã loại bỏ ghế hành khách trên hai máy bay và có kế hoạch tháo ghế trên hai chiếc nữa.
Nhưng tại sao họ làm được mà các hãng khác không làm được, hoặc làm được mà không có lợi nhuận? Đó là câu hỏi vô cùng khó trả lời trong thời điểm hàng không phải chờ thêm 3-4 năm nữa mới hồi phục như mức trước dịch.
“Miệng đói, đầu gối phải bò”. Nhưng không phải ai cũng dũng cảm và quyết đoán chuyển biến như bốn hãng trên. Quyết định bung ghế của máy bay thương mại và chuyển hẳn sang máy bay cargo không phải hãng nào cũng dám làm và làm ra tiền.

Cây Cầu Vàng Trên Đỉnh Bà Nà Hills, Đà Nẵng – Ảnh: Nikkei
1/ Trang đặt phòng khách sạn Agoda dự báo từ nay đến hết năm 2020, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách những điểm du lịch được nhiều khách tìm kiếm trên mạng nhất.
Dữ liệu tìm kiếm của Agoda cho thấy du khách các nước vẫn mong muốn được đặt chân đến những vùng đất xa xôi, cũng như khám phá cảnh đẹp đất nước mình. Nếu năm 2019 chứng kiến một sự pha trộn rõ rệt giữa các điểm đến quốc tế được tìm kiếm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì giờ đây số lượng các thị trường du lịch mở cửa cho du khách quốc tế đã ít hơn.
Trên thị trường quốc tế, Đài Loan đứng đầu trong danh sách tìm kiếm của tất cả các kiểu du khách (đi du lịch theo cặp đôi, nhóm, một mình, gia đình), từ cặp đôi, một mình, gia đình hoặc nhóm. “Xứ sở trà sữa” đã đẩy quán quân của năm ngoái là Thái Lan xuống vị trí thứ 2, theo sau là Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc trong Top 5. Trong khi đó, Mỹ, Úc, Hồng Kông, Malaysia và Indonesia nắm giữ những vị trí còn lại của Top 10.
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,10 – 55,60 triệu đồng/lượng, giảm tiếp tới 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 550.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở ngưỡng 500.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.864,9 USD/ounce, giảm tiếp tới 35,2 USD, tương đương 1,85% giá trị so với chốt phiên trước.
3/ Tính riêng trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ đã tăng tới gần 97% so với cùng kỳ năm 2019. Theo các doanh nghiệp thuỷ sản, sau phục hồi trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tháng 8 lại không tăng trưởng như mong đợi, giá trị xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường chính đã sáng sủa hơn. Tại thị trường Mỹ, sau thời gian giảm liên tiếp, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang đây đã tăng 5,2% so với cùng kỳ. Lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về cá ngừ tại Mỹ, đặc biệt là cá ngừ tươi sống và đông lạnh.
4/ Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng khá, bù đắp cho sự sụt giảm của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), giúp Việt Nam duy trì được sự ổn định của hoạt động ngoại thương khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 của tháng 9 (từ ngày 1-15/9) đạt 24,3 tỷ USD. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9 đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 361,51 tỷ USD, tăng 0,9%, tương ứng tăng 3,26 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.
5/ Ông Trương Quang Long – Cục phó Cục Thuế Hà Tĩnh – đã bác bỏ thông tin Formosa Hà Tĩnh bị truy thu số thuế hơn 1.200 tỷ đồng. Theo ông Long, cơ quan này đang làm các thủ tục để yêu cầu đính chính thông tin hoặc gỡ bỏ thông tin gây tổn hại cho doanh nghiệp này. Trước đó, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin, chiều ngày 23/9, Cục thuế Hà Tĩnh phát hiện, truy thu tiền thuế Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hơn 1.278 tỷ đồng. Theo báo này, đây là số tiền phát hiện sau thanh tra, kiểm tra thuế giá trị gia tăng của Formosa Hà Tĩnh.
6/ Từ ngày 24-27/9, hơn 1.000 doanh nghiệp mang theo gần 2.000 mặt hàng, đề án đến tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, TP năm 2020. Lũy kế từ năm 2012 đến nay, các hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã hỗ trợ 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết, với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Đến nay, 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của TP.HCM đã đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất và 63 trang trại, cụm trang trại ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.
7/ Các “ông lớn” trong ngành chế tạo xe hơi như Tesla, Volvo, Ford và Mercedes Benz vừa đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các hãng yêu cầu hoàn trả kèm theo lãi suất của các khoản thuế trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Các đơn kiện đệ trình lên Tòa án Thương mại quốc tế tại thành phố New York (Mỹ) đã bày tỏ lo ngại về mức thuế quan do Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các mức thuế nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng mở rộng về quy mô, và các nhà sản xuất xe hơi đang yêu cầu được hoàn trả thuế, cũng như các khoản tiền chi trả cho các linh kiện nhập khẩu.
Các hãng chế tạo xe hơi như Tesla, Volvo, Ford và Mercedes Benz vừa đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – Ảnh: MSN
8/ Bloomberg Billionaires Index cho biết doanh nhân Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm) đã vượt qua Jack Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 58,7 tỷ USD. Theo nguồn tin từ Bloomberg cho biết, tổng tài sản của tỷ phú Zhong Shanshan, chủ tịch hãng nước đóng chai Nongfu Spring đã nhiều hơn Jack Ma khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, hiện ông Zhong là người giàu thứ hai châu Á, chỉ sau tỷ phú Ấn Độ Ambani Mukesh và đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh. Đầu tháng 9, Nongfu Spring phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hong Kong. Lập tức, Chủ tịch Zhong đã lọt vào hàng ngũ tam đại gia giàu nhất Trung Quốc. Ông Zhong chứng kiến tổng tài sản của mình tăng 51,9 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Đây là tốc độ nhanh thứ 3 thế giới, chỉ sau CEO Amazon Jeff Bezos và CEO Tesla Elon Musk.
9/ Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá Covid-19 đã khiến số giờ làm bị giảm nghiêm trọng, dẫn đến mức sụt giảm “khổng lồ” về thu nhập của người lao động trên toàn thế giới. Theo đó, thu nhập từ lao động đã giảm 10,7% trong ba quý đầu năm (tương đương 3.500 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. So với công bố vào cuối tháng 6, báo cáo lần này cho thấy tổn thất về thời gian làm việc toàn cầu cao hơn rất đáng kể. Tổng số giờ làm việc trong quý II/2020 giảm 17,3% so với quý IV/2019. Nếu giả định một lao động làm việc 48 giờ mỗi tuần, 459 triệu việc làm toàn thời gian đã mất đi.
10/ Theo Bloomberg, tập đoàn tài chính JPMorgan Chase (Mỹ) sắp phải trả khoản tiền phạt lên đến 1 tỷ USD để khép lại vụ điều tra thao túng thị trường. Trước đó, JPMorgan Chase bị cáo buộc có hành vi “làm giá” đối với các hợp đồng giao dịch hàng hóa kỳ hạn và trái phiếu chính phủ Mỹ (Spoofing). Một số nguồn tin cho biết thỏa thuận về mức tiền phạt do hành vi Spoofing này đang trong quá trình hoàn tất và sẽ sớm được công bố trong tuần này. Thỏa thuận sẽ khép lại cáo buộc mà Bộ Tư Pháp, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai và Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) nhằm vào JPMorgan Chase. Hiện chưa rõ JPMorgan có phải đối mặt với án phạt bổ sung nào từ Bộ Tư pháp Mỹ hay không.
11/ Các nhà đầu tư “chung thủy” nhất của HSBC đang trải qua khủng hoảng khi chứng kiến giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc vì thua lỗ và căng thẳng Mỹ – Trung. Ông Choi Chen Po-sum, cựu phó chủ tịch sàn giao dịch Hong Kong, sở hữu cổ phiếu của HSBC trong hơn 40 năm qua, giờ gọi khoản đầu tư này là “một sai lầm”. Simon Yuen, một nhà quản lý tiền tệ, dự đoán giá cổ phiếu HSBC sẽ còn tiếp tục lao dốc. Hơn thế nữa, HSBC hiện là cổ phiếu tài chính sụt giá sâu nhất trên thế giới trong vòng nửa năm qua. Ngay cả những nhà phân tích lạc quan nhất cũng không hào hứng với triển vọng của HSBC do tình trạng thua lỗ và tác động của căng thẳng Mỹ – Trung Quốc.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thế giới – ngày 24/9/2020