Bản tin thị trường – ngày 25/1/2021

422
Shiseido và các hãng mỹ phẩm lớn của Nhật Bản mất hẳn thị trường khách du lịch sẵn sàng chi lớn cho mỹ phẩm made-in-Japan. Ảnh: Nikkei Asia
Tiêu điểm:
Các hãng mỹ phẩm lớn Nhật Bản đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”
Tồn tại nhờ sản xuất các sản phẩm tẩy trùng và bán các mảng sản phẩm thua lỗ hay sinh lợi thấp, các thương hiệu nổi tiếng như Shiseido, Kao hay Kose đang chật vật để đương đầu với các đối thủ lớn như L’Oreal và Estee Lauder trong mùa dịch. Các thương hiệu nổi tiếng cũng phải đương đầu với các công ty khởi nghiệp trong và ngoài Nhật Bản đang cố giành thị trường các loại mỹ phẩm thích hợp cho làn da châu Á.
Dịch bệnh khiến doanh số ngành mỹ phẩm Nhật Bản xuống thấp kỷ lục bởi người dân các nước quên luôn làm đẹp, do phải ở nhà để tuân theo lệnh phong tỏa.
Xem thêm chi tiết tại link:
Các hãng mỹ phẩm lớn Nhật Bản đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”
1/ Giá vàng miếng SJC ng ở mức 55,95- 56,50 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1854,4 USD/ounce, giảm nhẹ 1,1 USD, tương đương 0,06% so với chốt phiên trước.
2/ Với chủ trương cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi giết mổ làm thực phẩm, thời gian qua, đã có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu heo thịt và heo giống. Qua đó, góp phần bù đắp sự thiếu hụt và hạ giá thịt heo trong nước. Chỉ trong tháng 12/2020 và đến những ngày đầu tháng 1/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 100.000 – 110.000 con heo thịt từ Thái Lan. Mặc dù vậy theo nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, giá heo tại Thái Lan đã liên tục tăng cao dẫn đến giá heo khi vận chuyển về đến các cửa khẩu Việt Nam có giá thành ngang bằng hoặc cao hơn giá heo trong nước. Điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu heo gặp nhiều khó khăn.
Mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu gần 4.000 con heo sống từ Thái Lan
3/ Trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư trên 34,5 tỷ đồng mở rộng diện tích canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao lên 4.000 ha, trong đó riêng vụ Đông Xuân là 1.400 ha, vụ Xuân Hè 700 ha và vụ Hè Thu 1.900 ha. Khi sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, nông dân sẽ được Nhà nước đầu tư 40% giống, vật tư nông nghiệp, còn lại 60% lúa giống và vật tư nông nghiệp nông dân đối ứng sẽ mua trực tiếp tại đơn vị trúng thầu. Để bảo đảm sản xuất thành công, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 200 cuộc chuyển giao kỹ thuật thu hút 6.000 lượt nông dân trong và ngoài vùng dự án.
4/ Từ 1/7, điện thoại sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải tích hợp công nghệ E-UTRA – tức công nghệ 4G. Theo đó, tất cả máy điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Còn các điện thoại 2G, 3G được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước 1/7 vẫn được phép lưu hành. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh 4G/5G, tiến tới mục tiêu phổ cập smartphone vào năm 2025. Đây cũng là nền tảng để các nhà mạng có thể xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ.
5/ Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways dừng ngay việc mở bán vé vượt quá slot  (giờ điều phối cất, hạ cánh của chuyến bay) đã được xác nhận. Cục Hàng không cho biết, trường hợp các hãng hàng không vẫn tiếp tục mở bán vượt quá slot được xác nhận, cơ quan này sẽ không cấp phép bay và xác nhận slot tăng chuyến cho giai đoạn lịch bay mùa kế tiếp.
Năm nay do các hãng hàng không Việt Nam chưa được khai thác các đường bay quốc tế do dịch Covid-19 vẫn còn lây lan ở nhiều nước nên các hãng đã tập trung vào các đường bay nội địa. Vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hãng đã lập kế hoạch khai thác trung bình hơn 1.000 chuyến bay nội địa/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ tết năm trước và ngày cao điểm nhất đạt 1.200 chuyến bay/ngày, tăng 25,3% so với cùng kỳ tết năm trước.
6/ Nhà sản xuất điện thoại và chip nhớ lớn nhất thế giới Samsung đang thảo luận việc mở nhà máy tại Austin, Texas. Nhà máy này sẽ sản xuất chip 3 nanometer. Samsung Electronics đặt mục tiêu khởi công trong năm nay, lắp đặt các thiết bị quan trọng trong năm 2022 và nhà máy đi vào hoạt động từ đầu năm 2023. Samsung kỳ vọng việc mở nhà máy sản xuất tại Mỹ sẽ giúp công ty tận dụng được sự ủng hộ của ngành công nghiệp thiết kế chip Mỹ. Đây sẽ là nhà máy chip đầu tiên tại Mỹ sử dụng công nghệ in thạch bản siêu cực tím. Hãng đã lên kế hoạch để đầu tư 116 tỷ USD vào các nhà máy chip trong 10 năm tới và sẽ tung ra thị trường chip sử dụng công nghệ 3 nanometer vào năm 2022. Hiện Samsung đã kiểm soát thị trường chip nhớ và đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện tại thị trường thiết bị logic, ví dụ như vi xử lý trong smartphone và máy vi tính. Samsung đang cung cấp hàng cho Qualcomm hay Nvidia.
7/ Theo báo cáo của Hội nghị Phát triển và Thương mại Liên hợp quốc, thì Trung Quốc đã thu hút 163 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2020 so với con số 134 tỷ USD của Mỹ. Trong khi đó, trong năm 2019 lượng FDI ở Mỹ đạt 251 tỷ USD, còn Trung Quốc chỉ thu hút được 140 tỷ USD. Trung Quốc đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 năm 2020 cho dù là quốc gia đầu tiên khởi phát dịch. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm hàng loạt và có nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân đã giúp Trung Quốc có tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Xét về tổng thể, báo cáo cho biết đầu FDI sụt giảm trên quy mô toàn cầu do đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều gần như đình trệ mọi hoạt động. FDI đã giảm 42% trong năm 2020, xuống còn 859 tỷ USD. Đây là mức giảm 30% so với thời kỳ đáy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Mặc dù Trung Quốc vượt Mỹ về FDI năm 2020 nhưng tổng đầu tư nước ngoài ở Mỹ vẫn lớn hơn nhiều ở Trung Quốc.
8/ Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết, quỹ đầu tư công (PIF) của nước này sẽ đầu tư ít nhất 150 tỉ riyal (tương đương 40 tỷ USD) mỗi năm vào nền kinh tế quốc nội trong 5 năm tới. Tuyên bố của ông Mohammed bin Salman được đưa ra trong bối cảnh Saudi Arabia đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và kinh tế đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. PIF sẽ là động lực chính trong các nỗ lực của Saudi Arabia nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ. Trước đây quỹ tập trung đầu tư vào các dự án lớn toàn cầu, từ ứng dụng đặt xe Uber cho đến nhà sản xuất xe ô tô Lucid Motors của Mỹ. PIF dự kiến sẽ tăng tài sản của quỹ lên 4 ngàn tỷ riyal (tương đương 1,07 ngàn tỷ USD) và sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tạo công ăn việc làm cho 1,8 triệu người tới năm 2025.
9/ Từ ngày 31/3 sắp tới, điện thoại Android chưa được Google chứng nhận, bao gồm cả smartphone do Huawei sản xuất, sẽ không còn quyền truy cập vào ứng dụng Messages và Duo. Lý do Google bất ngờ thắt chặt quyền sử dụng Messages và Duo được cho là liên quan đến vấn đề bảo mật bởi tin nhắn và cuộc gọi video đều là thông tin nhạy cảm. Hiện tại, nhiều nhà sản xuất smartphone hàng nhái, kém chất lượng chủ yếu đến từ Trung Quốc, tích hợp các dịch vụ Google vào sản phẩm mà không được cấp phép. Đây được coi là mục tiêu chính mà Google muốn hướng tới khi đặt ra quy định mới. Trước đây, thông qua một số thủ thuật, người dùng có thể cài đặt thành công các ứng dụng Google lên smartphone Huawei. Tuy nhiên, Messages, Duo và loạt app Google khác sẽ vướng thêm rào cản nữa để được sử dụng trên điện thoại Huawei sau quy định mới từ công ty Mỹ.
10/ Xuất khẩu tương ớt của Hàn Quốc năm 2020 đã tăng hơn 35% so với năm trước đó nhờ sự phổ biến văn hóa Hàn Quốc toàn cầu, được gọi là Làn sóng Hàn Quốc. Theo đó, xuất khẩu tương ớt, được gọi là “gochujang”, của Hàn Quốc đạt 50,93 triệu USD trong năm 2020, tăng 35,2% so với một năm trước đó. Mỹ là thị trường xuất khẩu tương ớt hàng đầu của Hàn Quốc chiếm 26,5%, tiếp theo là Trung Quốc (17,3%) và Nhật Bản (10,3%). Trong khi đó, doanh thu bán tương ớt trong nước tăng nhẹ trong nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Theo dữ liệu, lượng tiêu thụ tương ớt tại thị trường trong nước đã lên tới 118,2 tỷ won (107 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm 2020, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Các hãng mỹ phẩm lớn Nhật Bản đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”