Bản tin thị trường – ngày 25/11/2020

398
Ga nội địa của sân bay Tân Sơn Nhất
Tiêu điểm:
Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm?
Vụ ồn ào mới nhất ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất xung quanh chuyện sắp xếp nơi đón trả khách đi xe công nghệ là ví dụ mới nhất về cho thấy có thể sân bay này đã quên cải thiện trải nghiệm của khách đi máy bay. Trong khi đó, tại sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan, chỉ cần mở ứng dụng Grab, bạn sẽ tìm được nhiều điểm đón khách khác nhau của Grab. Chỉ cần chọn cửa gần nhất và yêu cầu tài xế Grab đến cửa ra đó.
Các phương tiện giao thông công cộng đi và đến các sân bay quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng và giành cảm tình của du khách đến một thành phố lớn. Dù chưa được đưa thành một tiêu chí đánh giá về sự tiện lợi hay tiện nghi của một sân bay quốc tế trong các bảng xếp hạng sân bay của Skytrax hay một trang đánh giá du lịch, nhưng dịch vụ gọi xe công nghệ (ride hailing) được xếp một vị trí quan trọng trong các sân bay khu vực.
Xem thêm chi tiết tại link:
Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm?
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,6 – 55,05 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.809,9 USD/ounce, giảm 27,5 USD, tương đương 1,5% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Trong 9 tháng đầu năm 2020, Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường chính, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, cà phê Việt Nam nhập khẩu vào Thái Lan trong 9 tháng đầu năm đạt 41,8 nghìn tấn, trị giá 67,42 triệu USD, tăng 31% về lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Với số liệu như trên, cà phê Việt Nam chiếm tới 86,8% trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Thái Lan. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 48,1 nghìn tấn, trị giá 96,4 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cà phê Việt Nam ở Thái Lan bỏ rất xa so với thị phần của các nguồn cung đứng tiếp theo như Indonesia (chiếm 4,3%), Malaysia (4%), Lào (3,5%)…
3/ Việc thiếu container rỗng cho xuất khẩu kể từ đầu tháng 10 tới nay đang khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn bởi đơn hàng thì nhiều nhưng không thể giao kịp cho đối tác. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo là chưa có. Trước việc thiếu container rỗng xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác nhập khẩu để họ thông cảm vì gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, một số cảng ở khu vực phía Nam cho biết đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn lực để tăng cường chất lượng dịch vụ vận chuyển container, rút ngắn thời gian quay vòng container.
Việc thiếu container rỗng xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác nhập khẩu để họ thông cảm vì gián đoạn trong quá trình vận chuyển
4/ Hôm nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo tại thành phố Đà Nẵng để tổng kết Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ. Dự án này đã đầu tư 23,9 triệu USD nhằm hỗ trợ hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu của khu vực, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số đa dạng hóa và cải thiện sinh kế. Trong tương lai, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế trong 5 năm tới đây thông qua các dự án của USAID được trao thầu gần đây là Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và Dự án Quản lý Rừng Bền vững.
5/ Mới đây, Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) đã ký ý định thư về việc đầu tư 2 tỷ USD vào quỹ đầu tư quốc gia (SFW) Indonesia có tên gọi là Cơ quan Đầu tư Indonesia. Chính phủ Indonesia hy vọng rằng khoản đầu tư từ IDFC sẽ giúp thu hút các công ty Mỹ đầu tư vào Indonesia. Indonesia đã công bố kế hoạch thành lập SWF từ lâu trước khi Luật omnibus được thông qua. Theo đó, IDFC sẽ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Singapore để đầu tư vào SWF của Indonesia. Trong khi chính phủ tỏ ra khá lạc quan về SWF, thì các chuyên gia lại cho rằng công tác quản lý quỹ sẽ đòi hỏi sự thận trọng nhằm ngăn chặn rủi ro đạo đức từng khiến quỹ đầu tư quốc gia 1Malaysia Development Berhad (1MDB) của Malaysia bị sa lầy.
6/ Sumitomo Mitsui Insurance sẽ đầu tư 350 triệu USD vào công ty công nghệ bảo hiểm gia đình Hippo của Hoa Kỳ, nhằm mục tiêu tìm cách khai thác chuyên môn của công ty khởi nghiệp “insurtech” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để giúp giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn và các thảm họa khác. Sumitomo Mitsui sẽ mua trái phiếu chuyển đổi từ công ty, sau khi đã thực hiện một khoản đầu tư riêng vào tháng 7, được thực hiện thông qua chi nhánh đầu tư mạo hiểm của công ty. Công ty Nhật Bản này cũng sẽ ký kết hợp tác chiến lược với Hippo, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Sau khi việc mua trái phiếu hoàn tất, thì Sumitomo Mitsui sẽ cử một quan sát viên đến hội đồng quản trị của Hippo. Công ty Nhật Bản cũng sẽ đảm bảo các chính sách của Hippo, trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình ở thị trường Hoa Kỳ.
7/ Chính phủ Anh sẽ chi trên 4 tỷ Bảng (5,3 tỷ USD) trong ba năm tới để tạo việc làm cho người thất nghiệp dài hạn và những người đang tìm việc làm khác hậu đại dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính Anh, 2,9 tỷ bảng sẽ được chi trong ba năm tới nhằm đưa hơn 1 triệu người đã bị mất việc trong hơn một năm quay lại làm việc, với 400 triệu bảng sẽ được chi trong một năm, tính từ tháng Tư tới. Ngoài ra, 1,4 tỷ bảng sẽ được chi cho những người đang tìm việc làm khác và các văn phòng phát trợ cấp thất nghiệp, với yêu cầu người nhận phải chứng minh được họ đang tích cực tìm kiếm việc làm. Đầu tháng 11/2020, Ngân hàng trung ương Anh dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Anh sẽ tăng lên gần 8% vào giữa năm tới, so với 4,8% trong quý III/2020.
8/ Báo cáo Chỉ số sinh hoạt toàn cầu (WCOL) thường niên của Economic Intelligence Unit (EIU) cho thấy đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến mức sống của người dân tại 133 thành phố trên thế giới. Theo bảng xếp hạng WCOL 2020, Zürich (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp) tăng 4 hạng, vượt qua Osaka (Nhật Bản) và Singapore để trở thành 2 địa điểm có chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới, bên cạnh Hong Kong (Trung Quốc). Theo đó, Singapore đã mất danh hiệu thành phố có mức sống cao nhất thế giới. Đáng chú ý, trong năm nay, thứ hạng của quốc gia này đã giảm 3 bậc, đánh mất vị trí dẫn đầu trong nhiều năm của mình. Lý giải điều này, WCOL cho rằng việc phần lớn người ngoại quốc về nước tránh dịch khiến nhu cầu tiêu dùng tại đảo quốc sư tử sụt giảm mạnh.
9/ Kết quả khảo sát do Tổ chức Báo chí Hàn Quốc (KPF) cho thấy khoảng 84% các tờ báo và tạp chí ở nước này gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính khi doanh thu giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Trong số các báo tham gia cuộc khảo sát, khoảng 70% báo cho biết doanh thu từ quảng cáo giảm so với nửa đầu năm ngoái. Hơn 81% số nhật báo cho biết doanh số bán báo giảm so với năm ngoái trong khi 62,4% số tạp chí dự tính doanh thu sẽ giảm trong năm nay. Trước những khó khăn, 15,6% số báo và tạp chí cho biết họ đã hoặc đang có kế hoạch cho một số nhân viên nghỉ việc được hưởng một phần lương, hơn 15% khác cho biết họ phải hoặc đang lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ không lương. 32,6% số báo cho biết gặp khó khăn trong đảm bảo quỹ lương, trong khi gần 61% khẳng định gặp khó khăn trong việc đóng thuế và phí bảo hiểm cho nhân viên.
10/ Theo số liệu của công ty Counterpoint Research, hãng điện thoại di động Realme đã được ghi nhận là có thời gian đạt mốc doanh số 50 triệu người dùng nhanh nhất trên toàn cầu vào tháng 10/2020. Với thành công đạt được 50 triệu người dùng toàn cầu, Realme đã vượt qua các đối thủ khác khi chỉ cần 9 quý để đạt được thành tích này. Ngoài cột mốc quan trọng này, Realme cũng ghi nhận mức bán hàng hằng quý cao trong lịch sử là 14,8 triệu máy vào quý III. Đồng thời, Realme cũng là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới trong quý này khi tăng 132% so với quý trước. Realme hiện đã nhanh chóng mở rộng ra hơn 61 thị trường trên toàn thế giới và nằm trong top 5 thương hiệu tại hơn 13 thị trường trên toàn cầu chỉ trong vòng 2 năm.
Với thành công đạt được 50 triệu người dùng toàn cầu, Realme đã vượt qua các đối thủ khác khi chỉ cần 9 quý để đạt được thành tích này – Ảnh: Nikkei
11/ Ấn Độ đã cấm 43 ứng dụng điện thoại di động, bao gồm cả ứng dụng thương mại điện tử Aliexpress, của Alibaba Group Holding Ltd, trong một làn sóng trừng phạt mới đối với Trung Quốc sau khi bế tắc của 2 nước láng giềng tiếp tục kéo dài nhiều tháng tại biên giới Himalaya của họ. Theo Bộ công nghệ cho biết, 43 ứng dụng, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm một số ứng dụng hẹn hò, đã đe dọa đến “sự chủ quyền của Ấn Độ”. Động thái này là một bước cản trở khác đối với gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, Alibaba, nhà đầu tư lớn nhất của công ty công nghệ hàng đầu của Ấn Độ Paytm và của cửa hàng tạp hóa trực tuyến BigBasket. Những lệnh cấm ứng dụng của Ấn Độ này cũng đã làm xáo động tham vọng của các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Bytedance và Tencent tại quốc gia Nam Á này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm?