Bản tin thị trường – ngày 25/9/2020

798
Chuyên gia Timothy Westbrook của APHIS đang làm việc tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: Minh Sáng

Tiêu điểm:

Chuyên gia chiếu xạ Hoa Kỳ làm việc ở TP.HCM, trái cây Việt rộng đường xuất khẩu

Sau nhiều tháng vắng mặt, chuyên gia Hoa Kỳ đã làm việc tại Trung tâm chiếu xạ Sơn Sơn ở quận Bình Tân, TP.HCM. Đây là kết quả hợp tác của Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) nhằm tránh tình trạng nông sản Việt Nam không thể xuất sang thị trường Hoa Kỳ do thiếu chuyên gia giám sát chiếu xạ.

Các chuyên gia chiếu xạ của Hoa Kỳ đã rút khỏi Việt Nam sau đợt dịch đầu tiên bùng phát vào tháng 3. Vì thế, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường này tạm dừng. .Sau đó, Hoa Kỳ đã cử chuyên gia từ Hà Nội vào TP.HCM để giám sát các hoạt động chiếu xạ của nhà máy Sơn Sơn. Hôm 2/9 vừa rồi, chuyên gia từ Hoa Kỳ đã bay sang Việt Nam. Sau thời gian cách ly, chuyên gia APHIS đã bắt đầu làm việc tại nhà máy chiếu xạ duy nhất được APHIS chứng nhận ở Việt Nam.

Phát biểu tại họp báo ngày 25/9, chuyên gia Timothy Westbrook của APHIS nói Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại nông sản quan trọng của Việt Nam. Chương trình kiểm tra chiếu xạ được thực hiện từ năm 2008 với việc xuất khẩu trái thanh long tươi sang Hoa Kỳ. Cho tới nay, Việt Nam đã có 6 loại trái cây được Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài) đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán giai đoạn cuối cùng để đưa bưởi của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm. Ở chiều ngược lại, bưởi chùm của Hoa Kỳ cũng được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, nông sản Việt Nam được cấp 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”. Trong đó, nhiều nhất là mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản và EU. Ngoài ra Cục Bảo vệ thực vật cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

VinaT&T: Xoài của hãng Vina T&T chuẩn bị xuất sang Hoa Kỳ

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở ngưỡng 54,60 – 55,10 triệu đồng/lượng, giảm tiếp tới 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở ngưỡng 500.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1.867,6 USD/ounce, tăng 4,6 USD, tương đương 0,25% giá trị so với chốt phiên trước.

2/ Tháng 8/2020, xuất khẩu mựcbạch tuộc của Việt Nam tăng ở hầu hết các thị trường chính, với mức tăng 22% đạt 53,7 triệu USD. Trừ thị trường Nhật Bản, tất cả các thị trường chính khác đều tăng trưởng, như Hàn Quốc, ASEAN, EU, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan và Israel. Trước đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU từ tháng 3 đến tháng 7 liên tục giảm mạnh do chịu tác động của thẻ vàng IUU và của dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu suy giảm. Tuy nhiên, trong tháng 8/2020, xuất khẩu sang EU đã tăng trở lại 10% và đạt 5,8 triệu USD. Với mức thuế suất ưu đãi của hiệp định EVFTA, xuất khẩu mực và bạch tuộc sang EU được kỳ vọng tăng mạnh từ giờ đến cuối năm.

3/ Tỉnh Gia Lai đã cùng khởi công 2 dự án điện gió công suất lớn với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, với sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 319 triệu kW, doanh thu trên 627 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT) là 125 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án nhà máy điện gió phát triển Miền núi của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 157 triệu kWh điện/năm; Dự án nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 162 triệu kWh điện/năm.

4/ Tính đến cuối tháng 8, tổng tài sản của MSB chạm mốc 162.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm, giúp ngân hàng thu về khoản lợi nhuận trước thuế 1.404 tỷ đồng. Đây là số liệu được Hội đồng quản trị MSB công bố trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra sáng nay (25/9). Cụ thể, lãnh đạo nhà băng này cho biết sau 8 tháng từ đầu năm, tổng tài sản ngân hàng đã cán mốc 162.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm và đạt hơn 95% kế hoạch 2020 đã được cổ đông thông qua trước đó.

5/ Hôm nay 25/9, chuyến bay mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế về Việt Nam đầu tiên đúng sáu tháng sau khi Việt Nam đóng cửa bầu trời để phòng dịch. Đại diện Vietnam Airlines cho hay, để thực hiện chuyến bay này, Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, Cảng hàng không Nội Bài và các cơ quan chức năng liên quan đã phối hợp chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng trong nhiều ngày qua.

6/ HĐQT CTCP Hàng không Vietjet vừa quyết định bổ nhiệm ông Đinh Việt Phương làm người đại diện theo pháp luật thay ông Lưu Đức Khánh. Cụ thể, HĐQT CTCP Hàng không Vietjet quyết định miễn nhiệm chức Giám đốc điều hành, người đại diện theo pháp luật, người chịu trách nhiệm chính của công ty đối với ông Lưu Đức Khánh. Vietjet đồng thời bổ nhiệm ông Đinh Việt Phương giữ chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực, người đại diện theo pháp luật, chịu trách nhiệm chính của công ty từ ngày 1/10 thay ông Khánh. Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vietjet đạt 10,970 tỷ đồng, giảm 55% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 47 tỷ đồng, lao dốc 98% so cùng kỳ.

7/ Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) đã thông qua khoản vay trị giá 750 triệu USD cho Chính phủ Brazil để giúp nước này hỗ trợ khoảng 11.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đối phó với những tác động do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra. Đại diện IDB cho biết nguồn vốn trên sẽ được Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Brazil (BNDES) sử dụng để cấp các khoản tín dụng thông qua mạng lưới các tổ chức tài chính được công nhận nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn ngắn hạn cũng như các vấn đề liên quan đến thanh khoản tạm thời, đồng thời duy trì các hoạt động cấp vốn.

8/ Kỳ lân WeWork của Hoa Kỳ “dứt áo” khỏi thị trường Trung Quốc bằng cách sẽ bán quyền kiểm soát chi nhánh tại Trung Quốc cho một trong những nhà đầu tư “ruột”. WeWork cho biết startup này sẽ bán quyền kiểm soát chi nhánh WeWork Trung Quốc cho công ty đầu tư tư nhân Trustbridge Partners, trong một động thái thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc đầy cạnh tranh trong khi tỷ lệ lấp đầy ở mức thấp. Thỏa thuận này giúp WeWork Trung Quốc “dứt áo” với công ty mẹ ở New York một cách hiệu quả, bởi công ty này đang gặp thách thức lớn trong huy động vốn kể từ khi kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2019 thất bại.

WeWork cho biết startup này sẽ bán quyền kiểm soát chi nhánh WeWork Trung Quốc cho công ty đầu tư tư nhân Trustbridge Partners – Ảnh: WeWork

9/ Australia vừa công bố những điều chỉnh trong luật phá sản nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Đây là những điều chỉnh lớn nhất đối với luật phá sản của Australia trong vòng 30 năm qua. Theo đó, các doanh nghiệp có khoản nợ dưới 1 triệu AUD (708.000 USD) sẽ tiếp tục được hoạt động trong khi xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nợ, thay vì phải đặt đưới sự quản lý của cơ quan chức năng. Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết những sửa đổi nói trên sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục vận hành cũng như cứu người dân Australia khỏi tình trạng mất việc làm. Dự kiến, luật phá sản sửa đổi của Australia sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

10/ Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) đã thông báo sẽ phạt hãng xe sang BMW của Đức 18 triệu USD do báo cáo sai lệch về kết quả doanh thu cho các nhà đầu tư. Trong thông báo, SEC nêu rõ chi nhánh BMW tại Bắc Mỹ đã cung cấp thông tin sai lệch và không chính xác nhằm huy động 18 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo SEC, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, BMW đã sử dụng dữ liệu doanh thu bán xe chưa báo cáo để đạt được mục tiêu, bất kể thời điểm bán xe là khi nào. Bên cạnh đó, BMW cũng đưa một số xe vào danh sách bán, dù thực tế không phải như vậy, đồng thời điều chỉnh lịch báo cáo doanh thu trong năm 2015 và 2017 để đáp ứng các mục tiêu, hoặc lưu lại doanh thu bán hàng dư thừa để sử dụng trong tương lai.

11/ Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm nay, những người trồng bông tại Mali đã quay lưng lại với cây trồng này do giá bán thấp trong khi chi phí phân bón tăng cao. Diện tích trồng bông có thể chỉ còn 170.000 ha trong niên vụ 2020/21 trong khi vụ trước con số này là 735.000ha, tức là giảm hơn 4 lần. Hậu quả là sản lượng bông có thể sụt giảm 77%, chỉ đạt 310.000 kiện (1 kiện có trọng lượng khoảng 450 kg) trong khi mùa vụ 2019/2020, sản lượng lên tới 1,35 triệu kiện. Nông dân, đặc biệt là ở các vùng Koutiala và Sikasso đã bỏ trồng bông để quay sang trồng các loại cây khác như kê, lúa miến, ngô, đậu tương… Mặt khác, xuất khẩu bông của Mali cũng đã giảm 52% niên vụ 2019/20 do nhu cầu thế giới sụt giảm vì đại dịch Covid-19.

Ricky Hồ – Hiếu Lê/BSA

Bản tin thế giới – ngày 25/9/2020