Bản tin thị trường – ngày 26/11/2020

246
Báo cáo của VASEP cho thấy, tính đến nửa đầu tháng 10-2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kông đạt 385,9 triệu USD
Tiêu điểm:
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc “cần bình tĩnh, không hạ giá bán”
Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, trong đó có mặt hàng cá tra Việt Nam. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kêu gọi doanh nghiệp bình tĩnh, không hạ thấp giá bán.
Trong công văn gửi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe kêu gọi các doanh nghiệp bình tĩnh, không nôn nóng chào bán giá thấp, hạ giá cá nguyên liệu. Bởi, việc hạ giá bán không thể giải quyết được tình trạng ách tắc hàng ở các cảng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin kịp thời nhằm đưa hàng đến các cảng không bị kẹt và thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý, theo công văn của VASEP.
VASEP cho hay Trung Quốc bắt đầu gia tăng việc kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này như một biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và mặt hàng cá tra của Việt Nam vào Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. 
Theo VASEP, từ ngày 10-11 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại các cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn ở quốc gia này, như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo… Các lô hàng thủy sản đông lạnh từ Việt Nam sang, bao gồm cá tra phi lê sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả để thông quan bị kéo dài khiến lượng hàng hóa bị ách tắc ngay tại cảng rất lớn. Trước tình hình đó, VASEP đã kêu gọi doanh nghiệp bình tĩnh và không hạ giá bán sản phẩm cá tra.
VASEP cũng cho biết đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo của VASEP cho thấy, tính đến nửa đầu tháng 10-2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kông đạt 385,9 triệu đô la Mỹ, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá trị giảm, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này lại chiếm đến 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường.
(Theo TBKTSG Online)
1/ Đại hội thành lập Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) diễn ra tại Cà Mau, đã bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 22 thành viên. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, giữ chức Chủ tịch. VSSA được thành lập với mong muốn tập hợp nguồn lực để phát triển ngành tôm theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường. Từ đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện tại, Liên minh đã có 66 tổ chức và doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 10/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Còn các thị trường nhập khẩu chính khác của tôm Việt Nam đồng loạt tăng nhập khẩu để phục vụ các lễ hội cuối năm. Theo VASEP, trong tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng trưởng tích cực như Mỹ (tăng 39%), Trung Quốc (21,5%), EU (42%), Anh (45%), Canada (14%), Australia (57%)… Mỹ đang được coi là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua. Mặc dù nhu cầu giảm ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhưng nhu cầu nhập khẩu tôm nói chung của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,3 – 54,85 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giá mua vào – bán ra hiện đang ở mức 550.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang hiện đang được giao dịch ở mức 1.810,2 USD/ounce, tăng nhẹ 1,2 USD, tương đương 0,07% giá trị so với chốt phiên trước.
3/ Tại cuộc họp xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu do Bộ Công thương tổ chức, các tham tán thương mại Việt Nam tại châu Âu khẳng định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 2% thị phần nhập khẩu của Châu Âu. Theo đó, những nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu vào thị trường này là nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến, giày dép, dệt may và một số ngành hàng có giá trị gia tăng cao như điện, điện tử, điện thoại, trang thiết bị máy móc… Tuy nhiên, các tham tán thương mại cho rằng, Liên minh châu Âu có đến 28 nước nhưng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chỉ mới tập trung chủ yếu một số nước là Đức, Hà Lan, Italy, Pháp, Áo… Việc tập trung hẹp vào một số thị trường khiến nhiều doanh nghiệp gặp rủi ro, nhất là khi thị trường có biến động như dịch Covid-19 hiện nay. Do vậy, cần tính đến việc mở rộng thị phần tại khu vực này.
4/ Bộ Tài chính đã gửi văn bản lên Chính phủ đề nghị dừng, không gia hạn Nghị định 70/2020 sau thời hạn 31/12/2020. Tức hết thời hạn này, xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không được giảm 50% phí trước bạ nữa mà phải chịu 100% mức thuế này.
Lý do đầu tiên là ngân sách hụt thu 3.700 tỉ đồng và ngay từ khi thực hiện, các cơ quan đại diện thương mại, ngoại giao của nước ngoài như EuroCham, Thái Lan…đã gửi văn bản đề nghị bộ không phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe nội là “đòn bẩy” để các hãng xe kết hợp tung ra hàng loạt chính sách giảm giá, kích cầu rất sâu nhằm đẩy doanh số bán sau những tháng đầu năm “bê bết” vì dịch bệnh.
Theo kết quả thống kê của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10, lượng xe bán ra của các doanh nghiệp hiệp hội đạt 33.252 xe, tăng tới 22% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân khúc xe du lịch tăng tốc mạng nhất với 23.339 xe. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 10, thị trường đã “hấp thụ” hết 43.959 xe của các doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội, một con số cao nhất kể từ cuối 2019 đến nay.
5/ Foxconn hiện đang lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam với khoản đầu tư 270 triệu USD. Doanh nghiệp Đài Loan này đã bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng tại Việt Nam từ tuần trước. Động thái trên nhằm mục đích tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết mới đây, cũng như hy vọng tăng năng lực sản xuất của Foxconn tại Việt Nam. Năm nay, Foxconn dự kiến sẽ đạt doanh thu xuất khẩu 6 tỷ USD tại Việt Nam, tăng 3 tỷ USD so với năm ngoái. Foxconn đang gấp rút tránh khỏi việc phụ thuộc nhiều vào sản xuất tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản xuất ở ngoài Trung Quốc hơn 30% tổng sản phẩm. Hiện tại, các đối thủ của Foxconn như Pegatron và Wistron cũng đã quyết định mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Năm nay, Foxconn dự kiến sẽ đạt doanh thu xuất khẩu 6 tỷ USD tại Việt Nam, tăng 3 tỷ USD so với năm ngoái – Ảnh: Nikkei
6/ Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cấp khoản hỗ trợ trị giá 5.500 tỷ rupiah, tương đương 400 triệu USD, để giúp Indonesia triển khai chương trình phục hồi rừng ngập mặn. Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan, cho biết khoản hỗ trợ này cho thấy WB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm khôi phục 640.000 ha rừng ngập mặn trong bốn năm tới. Indonesia hiện nắm giữ 75-80% tín chỉ carbon của thế giới đến từ rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, rạn san hô và những nơi khác. Đặc biệt đối với rừng ngập mặn, Indonesia có 332 triệu ha đất, chiếm 48% tổng số rừng ngập mặn ở châu Á, 20% tổng số rừng ngập mặn của thế giới.
7/ Công ty Bega Cheese của Úc cho biết họ sẽ mua tài sản địa phương của tập đoàn đồ uống khổng lồ Kirin Holdings, của Nhật Bản, với giá 560 triệu AUD (412 triệu USD) để thúc đẩy sự hợp nhất của ngành công nghiệp sữa tại Úc. Nhà sản xuất pho mát hàng đầu của Úc này đã có kế hoạch để huy động vốn chủ sở hữu, trị giá 401 triệu AUD, để tài trợ cho việc mua thương hiệu Lion Dairy & Drinks của Kirin. Việc mua bán này đã chấm dứt cuộc đấu tranh, kéo dài hai năm, của Kirin trong việc giảm tải thương hiệu Lion, một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm thoái vốn các tài sản kém hiệu quả ở nước ngoài và chuyển sang lĩnh vực y tế và mỹ phẩm. Kirin và Lion, trong các bản phát hành riêng biệt, đã rằng cho biết rằng hợp đồng này dự kiến sẽ được ​​hoàn thành vào đầu năm 2021.
8/ Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Australia (RBA) dựa trên các số liệu cập nhật của nền kinh tế đến thời điểm hiện tại, nợ công của Australia sẽ vượt 1.400 tỷ AUD vào năm tài khóa 2023-2024, trong đó nợ công của chính phủ liên bang sẽ là 966 tỷ AUD và số nợ còn lại thuộc về các bang và lãnh thổ của nước này. Đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới Australia khi nó đã đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái sau 29 năm liên tiếp tăng trưởng dương. Nguồn thu cũng đã suy giảm do nền kinh tế chững lại cùng với việc phải chi các khoản tiền lớn để đối phó với dịch bệnh. Hiện tại, chính phủ Australia đã cho phép mỗi người lao động được rút tối đa 20.000 AUD từ quỹ lương hưu cho đến hết năm nay để chi tiêu trong giai đoạn khó khăn tài chính.
9/ Trong tuần qua, chuỗi cửa hàng bán khẩu trang Mask.com thuộc công ty Cox của Nhật Bản đã bắt đầu cho ra mắt và mở bán những chiếc khẩu trang đính kim cương, ngọc trai và được làm thủ công đầy tinh xảo và xa xỉ. Theo đại diện công ty, đây là một cuộc chiến dịch với mục đích vừa cổ vũ tinh thần và nâng cao ý thức của người dân trong đại dịch Covid-19, cũng như làm tăng doanh số bán hàng của ngành thời trang sau những tháng dài chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch. Giá khởi điểm của chiếc khẩu trang đính một viên kim cương 0,7 carat cùng với hơn 300 viên đá pha lê Swarovski là một triệu yen (khoảng 9.640 USD). Ngoài ra, chiếc khẩu trang ngọc trai được đính khoảng 330 viên ngọc trai Akoya Nhật Bản cũng đã được mở bán.
Chiếc khẩu trang ngọc trai được đính khoảng 330 viên ngọc trai Akoya Nhật Bản – Ảnh: Yahoo
10/ Pháp đã công bố thuế mức thuế 3% đối với doanh thu từ dịch vụ số tại nước này. Tuy nhiên, thì họ chưa áp dụng do và chờ đàm phán ở cấp độ OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) để cải tổ hệ thống thuế toàn cầu. Dù vậy, các cuộc nói chuyện ở cấp này vẫn chưa có sự đột phá. Động thái này sẽ gây ra xung đột với Mỹ ngay trước khi ông Trump rời Nhà Trắng. Chính quyền Trump đã rút khỏi cuộc đàm phán ở OECD hồi tháng 6, đồng thời đe dọa trả đũa nếu Pháp xúc tiến thuế này. Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu với 1,3 tỷ USD hàng hóa Pháp, gồm túi xách và mỹ phẩm, sớm nhất từ ngày 6/1. Tranh cãi quanh việc các đại gia công nghệ nên bị đánh thuế ra sao đã tồn tại nhiều năm qua. Đến nay, họ chỉ bị yêu cầu trả thuế tại các nước có lợi nhuận. Tuy nhiên, châu Âu cho rằng doanh nghiệp nên trả thuế dịch vụ kỹ thuật số, do các công ty này đã kiếm lời lớn từ khu vực này.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Trung Quốc vượt Hoa Kỳ để trở thành siêu cường quốc dữ liệu