Bản tin thị trường – ngày 27/8/2020

646
Tiêu điểm:
Kềm Nghĩa không chỉ là kềm
Từ mặt bằng vỏn vẹn 1,5m2, sau bốn thập niên Kềm Nghĩa hiện là tập đoàn có nhà máy hiện đại trên diện tích 5 ha ở khu công nghiệp Tân Phú Trung ở Củ Chi, TP.HCM. Dịch Covid-19 là một thách thức lớn trong giai đoạn phát triển mới của Nghĩa Group.
Kềm Nghĩa đã lên sẵn kế hoạch cho con đường phát triển mới thông qua nhà máy 500 tỷ đồng. “Mọi người chỉ nghĩ chúng tôi chỉ có cái kềm hay đồ bấm móng thôi. Nhưng thực tế, Kềm Nghĩa đang có kế hoạch làm kéo cắt tóc, dao mổ và thiết bị phòng mổ, hay muỗng nĩa bằng inox… Chúng tôi chuẩn bị kế hoạch đầu tư lớn. Dịch bệnh có thể làm chậm kế hoạch, nhưng không bẻ hướng phát triển của Nghĩa Group với năm công ty thành viên được”, bà Hồ Thị Phượng Loan – CEO Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa Thương mại – cho biết.
Xem chi tiết ở link:

Kềm Nghĩa không chỉ là kềm

1/ Giá vàng trong nước và thế giới sáng nay chuyển động cùng chiều nhưng không cùng nhịp khiến khoảng cách giá giữa hai thị trường được thu hẹp. Sáng nay 26/8, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang ở mức 55,20 – 56,20 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở mức 1 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng giao ngay trên Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.943,9 USD/ounce, tăng 15,5 USD, tương đương 0,8% giá trị so với chốt phiên trước.
Kể từ đầu tháng 7-2020, giá vàng trong nước có sự biến động mạnh theo giá vàng thế giới. Doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn TPHCM gia tăng đáng kể, nhất là ở chiều mua vào. Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, doanh số mua vào trong tháng 7-2020 đạt 132.458 lượng vàng, tương đương giá trị 6.899 tỷ đồng, tăng tới 51% so với tháng trước đó.
2/ Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trắng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 488 – 492USD/tấn với gạo 5% tấm, 463 – 467USD/tấn với gạo 25% tấm. So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn ở trong top 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, giá gạo trắng Việt Nam hiện đang cao nhất. Các chuyên gia cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao và nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan vẫn bị hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm được nâng cao cũng hỗ trợ đẩy giá gạo Việt Nam tăng.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang triển khai đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) với mức thuế suất 0%. Trước đó, Công ty đã ký hợp đồng bán gạo với 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn. Trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, đơn vị này sẽ giao 6 container với khối lượng tương đương khoảng 150 tấn gạo.
Hai chủng loại gạo thơm được công ty xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.
3/ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 46 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ước tính đạt 26,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước tính khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
4/ Hôm qua, 80 xe Kia Soluto được sản xuất tại nhà máy Thaco Kia thuộc khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam) đã được xuất khẩu sang Myanmar. Đây là lô xe du lịch thứ ba của Thaco được đưa qua thị trường này tính từ tháng 12/2019. Thaco đang từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe và phụ tùng linh kiện của Kia Motors tại khu vực ASEAN. Theo kế hoạch năm 2020, Thaco sẽ xuất khẩu tổng cộng hơn 1.200 xe du lịch Kia các loại sang các nước ASEAN, trong đó có hơn 600 xe qua Myanmar. Thaco cũng hướng đến việc cung cấp tất cả các sản phẩm Kia do công ty sản xuất tại Việt Nam cho thị trường Myanmar, sau Cerato và Soluto sẽ là Sedona, Seltos…
Dây chuyền sản xuất của THACO – Ảnh: vietnamdaily
5/ Nhập khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử tăng gần 5 tỷ USD. Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 2,9 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên hơn 35,6 tỷ USD. So với cùng kỳ 2019, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng thêm tới 4,6 tỷ USD, tương đương 14,8%. Mức tăng trưởng khả quan giúp nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế là nhóm hàng lớn nhất chiếm 23,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
6/ Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông, trong 7 tháng đầu năm 2020, 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt heo các loại, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch. Lượng thịt này được nhập chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.
Để tăng thêm nguồn cung, giúp giá thịt lợn trong nước dần hạ nhiệt, ngày 12/6, Bộ NN-PTNT cho phép Cục Thú y thực hiện kiểm dịch nhập khẩu heo còn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Theo đó, từ 12/6-12/8, có 40 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi và giết thịt. Lượng heo sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đã lên tới 97.338 con.
7/ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 8/2020 ước đạt 98.724 tấn, trị giá 176,54 triệu USD, so với tháng 8/2019 giảm 13,52% về lượng và giảm 10,45% về kim ngạch. Cộng dồn 8 tháng đầu năm ước đạt 1,150 triệu tấn và trị giá 1,963 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 2% về lượng và giảm 2,11% về giá trị.
Trong Top 5 thị trường xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm 2020 lần lượt là Đức, Mỹ, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Chỉ riêng thị trường Nhật Bản là tăng cả lượng và giá trị, 4 thị trường còn lại đều sụt giảm. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản đạt 67.703 tấn, trị giá hơn 117 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 13,84% về lượng và tăng 15,08% về kim ngạch. Ngoài việc tăng cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu, giá cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản cũng tăng so với đối thủ cạnh tranh là Brazil.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 201,9 nghìn tấn, trị giá 569,22 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản nhập khẩu chủ yếu chủng loại cà phê Arabica hoặc Robusta chưa rang, chưa khử cafein (HS 090111), tốc độ nhập khẩu giảm 14,7% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 197,1 nghìn tấn, trị giá 513,42 triệu USD.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 2.820 USD/tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam tăng 1,6%, lên 1.666 USD/tấn; từ Brazil ổn định ở mức 2.681 USD/tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Brazil. Cụ thể, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 58,3 nghìn tấn, trị giá 97,1 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 19,6% trong 6 tháng đầu năm 2019, lên 28,9% trong 6 tháng đầu năm 2020.
8/ CEO Amazon Jeff Bezos chính thức là người giàu nhất thế giới với khối tài sản có trị giá vượt 200 tỷ USD. Forbes ước tính tài sản Jeff Bezos trị giá 204,6 tỷ USD khi thị trường đóng cửa hôm 26/8, trong khi Bloomberg chốt tài sản của ông ở mức 202 tỷ USD. Nhà đồng sáng lập của Microsoft, Bill Gates, người giàu thứ hai trên thế giới với tài sản ròng 116,1 tỷ USD, hiện đang bị Bezos bỏ xa với khoảng cách lên tới 88,5 tỷ USD. Phần lớn tài sản của Bezos đến từ cổ phiếu tại Amazon, trong đó ông sở hữu 11% cổ phần. Báo cáo tuần trước từ Viện Nghiên cứu Chính sách cho thấy Jeff Bezos là người hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch Covid-19 xét về tổng giá trị tài sản ròng tăng lên kể từ giữa tháng 3/2020.  
9/ Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC) vừa cho biết, nền kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại khoảng 22 tỷ bảng Anh, tương đương 29 tỷ USD, trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo báo cáo của WTTC, chi tiêu của du khách quốc tế có thể giảm 78% so với năm 2019, tương đương với 60 triệu bảng Anh/ngày, khoảng 79 triệu USD/ngày. Các du khách đang né tránh đến Anh do nhiều rủi ro liên quan đến lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu. WTTC ước tính trong trường hợp xấu nhất, thì gần 3 triệu người lao động trong ngành du lịch tại Anh có nguy cơ sẽ thất nghiệp.
10/ Takeya – một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm giá rẻ ở Nhật Bản – nghĩ ra một giải pháp vô cùng sáng tạo: In hình nụ cười lên khẩu trang để tạo cảm giác nhân viên luôn thân thiện khi tiếp xúc với khách hàng.
Khẩu trang mặt cười – Ảnh: hoahoctro

Ricky Hồ-Lê Hiếu/BSA (tổng hợp)