Bản tin thị trường – ngày 28/12/2020

500
Theo phản ánh, từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước từ 2 - 10 lần (tùy theo chặng).
Tiêu điểm:
Hãng tàu container phải minh bạch giá cước vận chuyển
Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng tàu vận tải container minh bạch giá cước tàu biển.
Cục Hàng hải Việt Nam nhận được phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng các hãng tàu vận tải biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container rất cao hoặc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu, không có tàu chuyên chở.
Trước thực trạng này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu vận tải biển container hoạt động tại Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc thực hiện niêm yết giá theo Nghị định số 146/2016/NĐ-CP. Cung cấp thông tin về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo Phụ lục kèm theo gửi về Cục Hàng hải Việt Nam.
Bên cạnh việc công khai, minh bạch giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, các hãng tàu cũng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các hãng tàu có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng (loại 40 feet) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp để lưu chuyển lượng container rỗng nội địa phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm việc tăng giá vận chuyển container, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay.
Theo phản ánh, từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước từ 2 – 10 lần (tùy theo chặng).
Trong đó, cước thuê container đi Anh tháng 10/2020 là 1.420 USD/container 20 feet, đến tháng 11/2020 tăng lên 5.420 USD/container 20 feet. Con số này tiếp tục tăng đạt mức 7.200 USD vào tháng 12/2020.
Cước thuê container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng 10/2020 là 60 USD/container thì đến tháng 11/2020 đã tăng lên 600 USD/container. Trong khi đó, cước thuê container từ Việt Nam đi Los Angeles (Hoa Kỳ) trước tháng 10/2020 mới chỉ khoảng 700 – 1.000 USD/container, đến tháng 11 đã tăng lên 5.000 USD/container…
(Theo baochinhphu.vn)
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,45- 55,95 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco vẫn đang ở mức 1894,2 USD/ounce, tăng 21,4 USD, tương đương 1,14% so với chốt phiên trước.
2/ Giá tôm hùm Phú Yên những ngày gần đây đã tăng đột biến và cao nhất từ trước đến nay. Giá tôm hùm gần đây đã đạt đỉnh với 1,3 triệu đồng/kg tôm hùm xanh và 2,4 triệu đồng/kg tôm hùm bông, nhưng hầu hết các vùng nuôi đã không còn tôm để bán ra thị trường. Tuy giá tôm tăng cao, nhưng hiện tại không còn nhiều hộ dân có tôm để bán cho thương lái. Nguyên nhân là do trước đó, người dân đã xuất bán để tránh bão lũ, đặc biệt trong đợt mưa lũ vào tháng 11/2020 tình trạng sốc nước ngọt xảy ra ở địa phương này đã làm hàng chục tấn tôm hùm thương phẩm bị chết. Do đó, tình trạng khan hiếm tôm hùm đã xảy ra ở nhiều nơi. Theo các thương lái, hiện tại nhu cầu nhập tôm hùm để đi xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc tăng rất cao, nên có bao nhiêu tôm đều được thu mua sạch.
Tôm hùm Phú Yên
3/ Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về kinh tế năm 2020, trong đó, GDP Việt Nam tăng 2,91%, mức thấp nhất thập kỷ nhưng nằm trong nhóm các nước tăng tốt nhất thế giới. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%. Bình quân cả năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019. Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân năm 2020 tăng hơn 28% so với năm 2019. Chỉ số giá đôla Mỹ bình quân năm 2020 giảm 0,02%. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng mỗi lao động, tương đương 5.081 USD và tăng 290 USD so với năm 2019.
4/ Theo VASEP, trong tháng 11, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông giảm tới 29,3% so với tháng 10. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, từ ngày 10/11/2020 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn và quan trọng như: Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân… Chính vì các thủ tục phức tạp và chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 nên thời gian hàng từ khi thông quan cho tới lúc ra khỏi kho mất từ 20-30 ngày hoặc lâu hơn tùy vào lượng hàng nhập khẩu của từng thành phố. Chi phí lưu công, phí kiểm hàng lên đến 2.000-3.000 USD/container đã tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc. Số đơn hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm đáng kể.
5/ Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Cụ thể trong số này bao gồm: 46.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
6/ Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt có kế hoạch khai thác Sân bay Cà Mau để kết nối với TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, việc mở và khai thác các tuyến bay nêu trên trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách, đồng thời góp phần tăng tính cạnh tranh, giảm giá vé và giảm thời gian đi lại. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Sân bay Cà Mau hiện có đường hạ cất cánh dài 1.500m, là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay nhỏ. Hiện nay, chỉ có Công ty bay dịch vụ hàng không – VASCO khai thác tuyến bay Cà Mau – TP Hồ Chí Minh. Hiện tuyến đường bộ từ TP.HCM đi Cà Mau dài khoảng 330 cây số, nhưng thời gian di chuyển bằng xe hơi phải 7-8 tiếng.
7/ Lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm dọc sông Dương Tử sẽ có hiệu lực từ năm 2021 tới nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của con sông dài nhất thế giới. Ngay từ đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch cấm đánh bắt cá trong 10 năm tại 332 khu vực bảo tồn ở lưu vực sông Dương Tử, con sông dài nhất đất nước và dự kiến sẽ thực thi đến toàn bộ các chi lưu của nó từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các bên liên quan cần nỗ lực giúp đỡ ngư dân sống dựa vào việc đánh bắt thủy sản trên sông Dương Tử tìm việc làm mới và tái định cư để bảo vệ đa dạng sinh học của toàn bộ hệ thống. Tính đến giữa tháng 12 năm 2020, đã có 231.000 ngư dân và trên 111.000 phương tiện ở 10 địa phương dọc sông Dương Tử đã ký vào bản cam kết không tiếp tục đánh bắt.
8/ Theo Bloomberg, mảng kinh doanh tại Anh của TikTok thua lỗ kỷ lục 119,5 triệu USD trong năm 2019 do chi phí quảng cáo và marketing được đẩy lên cao. Đây được cho là thông tin hiếm hoi về tình hình kinh doanh của ứng dụng chia sẻ video đang gây bão trên toàn thế giới này. ByteDance hiện không tiết lộ dữ liệu doanh thu toàn cầu của TikTok. Công ty chỉ nói rằng doanh số của họ tại Anh vào năm 2019 đạt 20 triệu USD. Ngoài ra, chi phí bán hàng và tiếp thị hằng năm của TikTok là 109 triệu USD. Họ đã có doanh thu hơn 17 tỉ USD vào năm 2019. Công ty này cũng ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 3 tỉ USD. Theo dữ liệu từ cơ quan theo dõi khởi nghiệp CB Insights, định giá của ByteDance hiện ở mức 140 tỉ USD và TikTok Anh đang hoạt động tốt.
9/ Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản sẽ sớm hoàn thành nhà máy thép lớn nhất thế giới tại Áo, có khả năng giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống bằng 0. Nhà máy sẽ sử dụng hydro, thay vì than, cho quá trình khử quặng sắt. Thiết bị thế hệ tiếp theo này sẽ sản xuất 250.000 tấn sản phẩm thép mỗi năm. Nhà cung cấp thiết bị luyện thép lớn thứ ba thế giới này hiện đang nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng hydro của mình. Vào tháng 10, công ty đã mua cổ phần của một công ty Na Uy chuyên sản xuất thiết bị sản xuất hydro. Vào tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố sáng kiến ​​đầu tư 470 tỷ euro (572 tỷ USD) vào hydro vào năm 2050. Các nhà máy thép hydro dự kiến ​​sẽ nhận được hỗ trợ. Châu Âu cũng là nơi có ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh hydro hơn.
10/ Du khách quốc tế sẽ bị cấm nhập cảnh Indonesia trong hai tuần từ ngày 1/1/2021 nhằm ngăn chận sự lây lan của chủng virus biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn – Ngoại trường Retno Marsudi tuyên bố hôm 28/12. Quy định mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Indonesia cấm du khách Anh nhập cảnh và siết chặt quy định đối với những khách từ châu Âu và Australia để giới hạn khả năng lây lan của chủng virus corona mới. Đầu năm 2020, Indonesia đã cấm tất cả du khách nước ngoài đến nước này, trừ những khách đi công tác hay công vụ. Quy định mới áp dụng cho tất cả du khách mọi quốc tịch, ngoại trừ các quan chức chính phủ cao cấp.
Trước đó, Nhật Bản, Philippines và Singapore cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đã cấm nhập cảnh đối với du khách từ nước Anh.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Thực phẩm Angst – Trường Vinh tiêu chuẩn Thụy Sĩ đắt khách ở Phiên chợ Xanh – Tử tế